Đạo diễn Nguyễn Dương bật mí về Bí mật Tam giác vàng

(TGĐA) - Phim Bí mật Tam giác vàng (do Lasta và VTV phối hợp sản xuất ), là bộ phim lột tả về những con người luôn khắc khoải với cơn khát tiền, những kẻ chỉ muốn làm giàu nhanh chóng một cách bất chính để rồi khi họ nhận ra sai lầm thì đã quá muộn. Đây là phim truyền hình đầu tiên quay ở 4 nước: Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanma, với hơn 250 người gồm đội ngũ kỹ thuật, chế tác cùng dàn diễn viên chính phụ. Thế giới điện ảnh đã có cuộc gặp gỡ thú vị với đạo diễn Nguyễn Dương.

Mot_canh_trong_phim_Bi_mat_Tam_giac_vang

Đã nhiều năm làm phim TLXH, hài. Vậy anh nghĩ sao khi có nhận định “nhà sản xuất quá mạo hiểm, còn đạo diễn Nguyễn Dương thì bản lĩnh với dự án phim Bí mật Tam giác vàng (dựa theo vụ án ma túy Vũ Xuân Trường và đồng bọn)

Đầu tiên cho Dương được khẳng định trước, 2 nhân vật chính trong phim là hư cấu, không phải ngoài đời, nên phim Bí mật Tam giác vàng hoàn toàn là một vụ án mới. Sau khi định cư ở Mỹ 10 năm, năm 2007, Dương trở về Việt Nam, tình cờ được gặp anh Tiến ở Công ty Lasta , Dương đã tặng anh bộ đĩa phim hành động Người trong mơ, do Dương thực hiện bên Mỹ năm 2005 vốn đã được in lậu tới 4,5 lần tại Việt Nam mà đạo diễn chẳng nhận được một xu. Nhưng, cái bắt tay định mệnh đầu tiên với Latsta lại là một tác phẩm “bi cực kỳ” có tựa đề Ngõ vắng. Sau đó chúng tôi đổi liên tiếp gu hài với 2 phim Cổng mặt trời30 ngày làm cha. Kết quả cả 3 phim đều có lượng người xem khá đông. Sau phim 30 ngày làm cha (2010) công ty đã chính thức mời Dương thực hiện dự án mới Bí mật Tam giác vàng. Song, do Dương đã nhận lời làm phim Lâu đài cát cho HTV2, hơn nữa muốn mình được hoàn thiện hơn trong tay nghề, nên hai bên “tạm chia tay” …Sau gần 2 năm rong ruổi ở các đoàn phim bạn, hình như số phận giữa chúng tôi lại phải trở về với nhau. Có thể xem, với thử thách trên chúng tôi đã “xóa bỏ” nhận định ban đầu là “quá mạo hiểm” hay “thật bản lĩnh” được không?

Là bộ phim đầu tiên chạm tới vùng đất Tam giác vàng để vén cuộc đời đầy bí ẩn của ông trùm ma túy cùng thế giới Tam giác vàng, nơi trong quá khứ là sào huyệt của trùm thuốc phiện Khum Sa. Quả là một đề tài rất khó, rất khổ và rất nhạy cảm…bởi chắc chắn sẽ gây nhiều dư luận. Anh đã gặp khó khăn gì trong cách dàn dựng bộ phim?

Ngay từ khi nhận kịch bản của tác giả Nguyễn Như Phong, Dương đã được truyền chỉ “không cho phép sửa kịch bản”…Quả là một thách thức lớn với Dương. Song khi đọc, máu nghề chỉnh sửa nổi lên, Dương đã thêm một số chi tiết trong vài phân đoạn cho hấp dẫn, hay nói về cách gieo kịch tính trong phim cũng có tình huống, chi tiết đôi khi cần phải giấu đi…Ban đầu, khi xem bản dựng quay mộc, tác giả đã rất phản đối và bay ngay ra Điện Biên Phủ cùng đoàn phim …Chúng tôi đã có cuộc tranh luận về các lĩnh vực như nội dung, nghiệp vụ, cách thể hiện…Thật may do tôi tìm hiểu rất nhiều sách, tài liệu về ngành, hơn nữa thời gian đoàn quay tại Điện Biên, chúng tôi luôn được Phòng PC47 hỗ trợ, tư vấn ngay tại hiện trường, nên đã kịp thời đưa ra những phân, trường đoạn chưa hợp lý trong kịch bản để chuyển hóa thành cảnh quay cụ thể. Ví dụ công an không phải lúc nào cũng có quyền xét đồ, hay trong cảnh quay tòa có buổi đọc bản tuyên án tử hình, thì chính ông chánh tòa đã phát hiện bản tuyên án này sai thực tế. Dương đã thuê một số cán bộ tòa án tỉnh Điện Biên để vào vai luôn… Cuối cùng thì chúng tôi đã đi đến một số thống nhất và tác giả đã đồng ý cho Dương được chỉnh sửa để đạt hiệu quả khả thi nhất. Song Dương vẫn tiếc, khi ông chấp nhận, thì đoàn đã quay được phân nửa phim rồi…Từ đó, Dương mới mạnh tay làm mới cho đứa con của mình. Chính vì vậy trong sáng tác Dương vẫn muốn luôn kết hợp với tác giả kịch bản - người sinh ra đứa con đầu đời, còn đạo diễn là người cho nó ăn, mặc, giáo dục để đẩy nó ra cuộc đời. Nếu tác giả sinh đứa con khiếm khuyết, thì buộc người đạo diễn phải đưa đi “thẩm mỹ, nhào nặn”. Đến là khổ…

Cái khó kế tiếp là xây dựng các tuyến nhân vật mắt xích trong đường dây đối lập ở cách đấu trí, đấu lý và đấu lực (qua sách lược và chiến thuật), nhưng vẫn cần đảm bảo các yếu tố như: nét tinh sắc của thoại; Sự lô gíc, kịch tính của tình huống; Chất phiêu lưu, mạo hiểm của tính trinh thám, bí ẩn…được khắc họa qua bản chất thông minh, dũng cảm, trung thành, yêu nghề của các chiến sỹ công an…hay sự gian ngoan, thâm hiểm, thú tính, khốc liệt…của kẻ phạm tội. Dương thích xây dựng hình ảnh nhân vật, theo từng tính cách nhân vật riêng. Ban đầu dàn diễn viên hoàn toàn là người Bắc, nhưng khi thực hiện Dương đã có chút thay đổi và bổ sung dàn diễn viên như Nguyễn Sanh và Văn Tùng cho hợp vai (khổ một nỗi, khi phim bấm máy lại trùng đúng dịp Hội diễn Sân khấu toàn quốc, nên khá bị động về đội ngũ diễn viên).

Về tính lôgic của mạch phim và tình huống. Dương nhớ mãi lời thầy dặn khi còn ở trường Quốc gia Âm nhạc (chính là tác giả Năm Châu): Trong nghệ thuật, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì, miễn khán giả thấy hợp lý. Chính vì vậy Dương đã cố gắng tạo dường dây khá kịch tính, hợp lý, để có được trận đánh cuối cùng tấn công vào sào huyệt bọn trùm buôn lậu.

Cung_thao_luan_ve_mot_canh_quay

Trong 4 tháng làm phim, đoàn đã phải chịu nhiều gian nan, nguy hiểm và cực khổ. Đoàn phim gồm 7 chiếc xe, nhiều ngày đi trên những đường đèo, đồi núi với những dốc cao lại đúng thời điểm mùa mưa, nên trơn trợt vô cùng, đó là chưa kể một bên là núi sạt , một bên là đất lở. Không may 3 xe của đoàn cũng bị tai nạn, hên là anh em chỉ bị thương nhẹ. Khi quay ở Hồ Ba Khoang (Điện Biên), thì trời ơi trên trời là đàn sâu lông dài hơn 5 phân lơ lửng, còn dưới đất thì đầy vắt, ai cũng bị nó cắn sưng chân. Khi quay trong rừng thì vô số con mối, con thiêu thân, hễ cứ bật đèn lên là chúng rào rào lao vào, nên tổ ánh sáng rất vất vả, phải đặt đèn xa nơi diễn của diễn viên…Song tất cả sự khắc nghiệt ấy dường như không lay chuyển ý chí và nghị lực của từng thành viên trong đoàn.

Bối cảnh phim khá đặc biệt, những khúc quanh của sông nước, rừng, cảnh đẹp hùng vĩ của khu vực Tam giác vàng, rất cần cho những toàn cảnh lớn (chỉ có ở phim điện ảnh), đoàn phim thể hiện thế nào, nhất là về phương tiện kỹ thuật?

Những cảnh quay tại Tam giác vàng, khu sào huyệt của Khum sa- nơi giờ đây đã trở thành khu du lịch xanh tươi ,thay cho những cánh đồng thuốc phiện, song tại đây ít có người tham quan, những người ở đây phần lớn là đàn em của các trùm ma túy trước đây, nên không kém phần nguy hiểm. Hay ở Điện Biên, đoàn quay tại ngã ba Bản Na-ư, nổi tiếng nhất thế giới về đường dây buôn lậu ma túy. Vì vậy mỗi khi đoàn đi đến đâu đều có công an biên phòng, hay đội cứu hộ giao thông của tổ chức phi chính phủ, được nhà nước công nhận luôn luôn theo sát bảo vệ cho đoàn. Đặc biệt là nhờ sự chuyên nghiệp của nhà sản xuất- công ty Latsta - luôn phối hợp với chính quyền địa phương, đài truyền hình các nước Lào, Thái Lan giúp đỡ đoàn. Ví dụ để quay đại cảnh đánh nhau ở khu Tam giác vàng, có khoảng hơn 50 chiến sĩ công an cùng đội đặc nhiệm ngoài đời thực hiện mà phải quay tới 5 ngày đánh võ, bắn nhau. Diễn viên Hoàng Hải bị “bọn buôn lậu” đánh vào đầu, nhưng không may lại bị dẫm dập ngón chân. Riêng ở Myanma, đoàn chỉ quay tại biên giới Ta-chi-lếch. Có những cảnh phải quay đấm đá liên tục, Dương muốn cho hấp dẫn hơn nên đã chuyển thành cảnh bắn hạ gục đối phương, để khi làm hậu kỳ làm kỹ xảo, tăng kịch tính cho áp-phê.

Dương tự tin khi khẳng định dàn diễn viên ở tuyến chính diễn xuất từ tròn vai đến xuất sắc. Còn ở tuyến phụ, từ người bình thường nhất đều rất tròn vai.

Sẽ còn khâu hậu kỳ, một phần quyết định tất yếu thành công trong nghệ thuật sáng tạo của anh. Anh có thể chia sẻ về những ý tưởng sáng tác của mình?

Để phim đa dạng, trong phần hậu kỳ Dương sẽ sử dụng những chiêu, trò, mảng miếng tùy theo nội dung của mỗi tập phim cho hấp dẫn. Tính đến thời điểm ngồi với nhà báo hôm nay, Dương đã dựng được 10 tập, sửa chữa, bổ sung những khiếm khuyết khi quay ở hiện trường cho tiết tấu mạch phim nhanh, đấu trí rõ ràng, kỹ xảo cháy nổ tránh tạo cảm giác giả. Phim sẽ áp dụng khoảng 75% dùng kỹ xảo, còn lại là 25 % là sự thật. Nếu không có gì thay đổi, phim sẽ được phát sóng trên VTV3 vào tháng 10.

Vài nét về chân dung đạo diễn Nguyễn Dương:

Năm 1973, học khóa diễn viên trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, tham gia một số vở kịch thiếu niên phát sóng trên truyền hình. Sau năm 1975 làm trưởng ban văn nghệ ở xí nghiệp cơ khí Chiến Thắng quận 5, dựng bài hát để đi thi phong trào đoạt Huy chương bạc cho tiết mục hợp ca và Huy chương vàng cho tiết mục đơn ca. Sau đó anh đầu quân và hoạt động hơn 10 năm ở Đoàn kịch Bông Hồng của diễn viên Thẩm Thúy Hằng. Năm 1980 từng diễn thành công vở kịch Cầu hôn của Sê khốp, từ đó đảm nhận kép chính của các vở: Ánh đèn đêm, Tiếng nổ lúc không giờ, Phì Văn Cổn. Năm 1979, lần đầu bén duyên điện ảnh trong phim Lê Thị Hồng Gấm (đạo diễn Huy Thành), trong vai chiến sỹ đặc công đặt mìn phá tàu sau đó hy sinh và liên tiếp tham gia các phim: Cuộc gặp gỡ bất ngờ, Hạnh phúc ở quanh đây, Xóm nước đen… Năm 1997, đi định cư ở Mỹ đến năm 2007 trở về Việt Nam liên tục làm đạo diễn các phim: Ngõ vắng, Cổng mặt trời, 30 ngày làm cha, Sự thật vô hình, Khát vọng thượng lưu, Vợ tôi là số 1, Lâu đài cát, Giấc mơ cỏ may…


Hồng Liên