(TGĐA) - Đạo diễn, NSND Nguyễn Huy Thành - cây đại thụ của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, đã không còn nữa. Ông đột ngột ra đi vào hồi 04h40 phút sáng ngày 21/05/2018 (tức ngày 07/04 năm Mậu Tuất), hưởng thọ 91 tuổi. Lễ hỏa táng đã được tiến hành tại thủ đô nước Pháp vào ngày 31/05/2018 vừa qua. Nơi đây chính là nguyện ước cuối cùng mà ông chưa kịp thực hiện là sẽ đi thăm lại những bối cảnh mà cách đây 12 năm (1996) ông đã thực hiện bộ phim Tổ quốc tiếng gà trưa…
Đạo diễn, NSND Nguyễn Huy Thành sinh ngày 20/2/1928, tại Hải Châu (Đà Nẵng) và lớn lên tại Thừa Thiên Huế, trong một gia đình trí thức, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Với khả năng kinh tế, gia đình sẵn sàng chu cấp cho ông ăn học đầy đủ để thành đạt trong lòng xã hội đương thời. Nhưng sự đồng cảm sâu sắc với nỗi thống khổ của đồng bào và thân phận đất nước nô lệ đã đưa Nguyễn Huy Thành sớm giác ngộ, tạm gác lại những ước mơ nghệ thuật vốn được cha mẹ có ý thức khơi nguồn từ thuở nhỏ để đến với Cách mạng. Từ tháng 10 năm 1945, chàng thanh niên Huy Thành khi ấy mới 17 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng và đến tháng 6 năm 1950 vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ và cương vị công tác khác nhau như:
Từ 1945 đến 1954: hoạt động tình báo tại Thành Huế, Đại đội Trưởng trinh sát mặt trận Bình Trị Thiên; Từ 1954 đến 1957: công tác tại Phòng tuyên truyền Ngân hàng Trung ương; Từ 1957 đến 1960: cán bộ Phòng Báo chí Bộ Văn hóa; Từ 1960 đến 1962: học ngành Đạo diễn tại Trường Điện ảnh Việt Nam; Từ 1962 đến 1978: làm đạo diễn tại Xưởng phim truyện Việt Nam; Từ 1978 đến 1993: làm đạo diễn tại Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; Từ 1989 đến 1995: Phó Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam khóa 3; Từ 2000 đến 2010: Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh.
| |
Lễ viếng Đạo diễn, NSND Huy Thành |
Với bản lĩnh vững vàng của người đảng viên được tôi luyện trong khói lửa đấu tranh Cách mạng và sự nhạy cảm tinh tế của người nghệ sĩ – người con xứ Huế mang cốt cách lãng mạn và thật tài hoa; NSND Huy Thành đã khéo kết hợp vừa hoàn thành tốt công việc quản lý, vừa không ngừng tham gia hoạt động sáng tác điện ảnh, văn học nghệ thuật… Nghệ danh Huy Thành của ông đã bao lâu nay trở nên xiết bao thân thiết với đồng nghiệp và công chúng yêu điện ảnh cả nước.
|
NSND Nguyễn Huy Thành, người nghệ sỹ - chiến sỹ đặt trọn mục đích cuộc đời cho lý tưởng và hoài bão cao đẹp của dân tộc, đã kết hợp hài hòa trách nhiệm công dân và thiên chức người nghệ sỹ để từ đó làm nên những tác phẩm có giá trị hiện thực và sức sống với thời gian. Trên tư cách đạo diễn kiêm biên kịch, bằng cả tài năng và tâm huyết ông đã gặt hái nhiều thành công với hàng loạt những giải thưởng điện ảnh lớn: 03 Giải Bông sen Vàng với các bộ phim truyện nổi tiếng trong lịch sử Điện ảnh cách mạng Việt Nam là: Nổi gió, Về nơi gió cát, Xa và gần; Giải thưởng của ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam với bộ phim: Lối rẽ trái trên đường mòn; Giải thưởng của Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh với bộ phim: Tổ Quốc tiếng gà trưa cùng nhiều giải thưởng cá nhân xuất sắc: Đạo diễn xuất sắc cho bộ phim Xa và gần; Biên kịch xuất sắc cho bộ phim Về nơi gió cát và Biên kịch xuất sắc cho bộ phim Đường đua… Ngoài Điện ảnh, ông còn tham gia sáng tác văn học và là tác giả của truyện Hương tóc do Nhà xuất bản Văn học ấn hành và khá thành công với chùm tác phẩm dành cho thiếu nhi như: Tân “trọc” về thăm mẹ và truyện Chú bé Ticolo… của Nhà xuất bản Kim Đồng.
|
Đạo diễn Nguyễn Huy Thành, là người thanh liêm, bình dị, luôn đặt mình ở ngoài những bon chen đời thường, một tấm gương sáng cho đồng nghiệp và lớp nghệ sỹ trẻ về lòng say mê nghề nghiệp, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, luôn sáng tạo và ý thức trách nhiệm công dân của người nghệ sỹ. Ông còn là người con trong gia đình hết mực hiếu thảo với bậc sinh thành, một người chồng, người cha, người anh nhân hậu, bao dung, một người ông hiền hậu, hết lòng thương yêu con cháu... để lại bao tình cảm yêu mến, quý trọng trong lòng anh em, bè bạn...
Cuộc đời ông là một cuốn phim sinh động về con đường của người trí thức nghệ sỹ đến với cách mạng và trọn đời bằng lao động nghệ thuật phục vụ lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân. Với những thành tích và đóng góp nổi bật cho sự nghiệp cách mạng của đất nước và cho sự nghiệp điện ảnh dân tộc, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước khen thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì, Danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cao quý.
Từ lúc sinh thời cho đến ngày về nơi gió cát, trong tâm hồn nghệ sĩ nhân dân Huy Thành vẫn tràn ngập tình yêu với Điện ảnh – cái nghề trở thành nghiệp cao quý mà ông suốt đời theo đuổi và tận hiến. Trước lúc đi xa, ông còn trăn trở nhiều ý tưởng kịch bản mới, vẫn gắng dành chút thời gian và sức khỏe hiếm hoi còn lại để chia sẻ kinh nghiệm làm phim với đồng nghiệp và các tác giả trẻ. Ông vẫn ăm ắp dự định cho ra đời tác phẩm mới khi lên kế hoạch tham gia Trại sáng tác kịch bản của Hội Điện ảnh. Ông vẫn chưa nguôi lòng trước nhiều những thách thức, khó khăn hiện tại của Điện ảnh nước nhà. Trái tim đa cảm của người nghệ sĩ vẫn thao thức tình yêu đời, yêu người, yêu nghề cho đến giây phút cuối cùng.
Đạo diễn NSND Huy Thành được nhớ mãi với một dáng dấp thư sinh, nho nhã, trí thức, nói năng hiền hòa, gần gũi và đậm chất hóm hỉnh. Ông luôn đau đáu với số phận con người Việt Nam sau chiến tranh. Những kịch bản ông chọn thường đi từ mối quan hệ của con người để từ đó khái quát những vấn đề của đất nước, của thời đại. Trong ba bộ phim nổi bật nhất của mình, ông khai thác những mối quan hệ phức tạp trong một gia đình, vì hoàn cảnh chiến tranh, đất nước chia cắt, mỗi người theo đuổi một lý tưởng khác nhau, họ bị giằng xé giữa tình thân và nhiệm vụ chính trị. Dù những bộ phim của ông do nhà nước đặt hàng, là sản phẩm phục vụ tuyên truyền, nhưng đã được ông làm với tất cả tấm lòng, sự hiểu biết nên hoàn toàn có thể đứng vững như một tác phẩm nghệ thuật độc lập và tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc của đông đảo khán giả.
Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Huy Thành đã từ biệt chúng ta, từ biệt cuộc sống hữu hạn mà ông đã tham gia một cách hữu ích để không phải hối tiếc trước cuộc ra đi mãi mãi. Thật vô cùng ý nghĩa khi di sản tinh thần ông để lại là những tác phẩm điện ảnh mà ông đã sáng tác bằng hết thảy tài năng, tâm sức của mình sẽ còn đó với thời gian, với đồng nghiệp và lớp lớp khán giả!
|
Ý kiến của các nghệ sĩ… về ông Huy Thành
NSƯT - diễn viên Thụy Vân:
Có lẽ điều mà tôi muốn chia sẻ ngay về ông đó là sự trân trọng về một vị đạo diễn vừa có tài vừa có tâm cùng một lợi thế viết kịch bản khá tốt… Người làm phim như ông quả là hiếm… Mới gặp ông vẫn khỏe, ai ngờ ông ra đi nhẹ nhàng thế.
Như cái duyên lịch sử thật diệu kỳ chúng tôi cùng học chung trường Điện ảnh Việt Nam khóa đầu tiên. Ông học khoa đạo diễn còn tôi học khóa diễn viên. Khi làm bài tốt nghiệp cùng nhóm với 2 đạo diễn Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ, ông là người việt kịch bản. Thế nào mà ông lại chọn tôi cùng Anh Thái làm cặp vợ chồng, nhưng người vợ lại bị mù. Ông yêu cầu tôi vào vai mù nhưng không được nhắm mắt, mà phải mở trừng trừng… khi nghe tiếng vọng... Kết quả bài tốt nghiệp của ông đạt loại xuất sắc. Vai diễn đầu tiên thật ấn tượng là vai vợ ông chủ tịch xã – một bà nạ dòng lắm con nhiều lời trong phim Làng nổi năm 1965 của hai đạo diễn Trần Vũ và Huy Thành mà kịch bản cũng do ông viết. Lúc ấy, tôi còn là con gái nên phải độn đủ thứ vào người để tạo ngoại hình sồ sề như một bà nạ dòng nông thôn thực thụ. Với đầu quấn khăn mỏ quạ, áo vá, váy mốc… Khi quay tôi đã đáp ứng đúng yêu cầu quan niệm về cái đẹp của nhân vật là đóng vai nào phải ra vai nấy theo sự gợi ý của ông Huy Thành. Khi phim chiếu đã nhận được nhiều lời khen từ khán giả “đúng là nạ dòng thứ thiệt lắm con nhiều lời”.
Năm 1966 đất nước đang có chiến tranh, các nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên… ai ai cũng phải đi thực tế tuyến lửa. Trong lần ở cầu Hàm Rồng được cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với bộ đội, với dân quân Nam Ngạn về thì bất ngờ được đạo diễn Huy Thành chọn đóng vai chính - chị Vân trong phim Nổi gió. Phim nói lên tội ác dã man của giặc và khí thế đánh giặc của đội quân tóc dài Bến Tre cùng đồng bào miền Nam. Bối cảnh phim được ông dàn dựng tại nông trường Quý Cao, thuộc Tiên Lãng, Hải Phòng - nơi tập trung nhiều người miền Nam tập kết ra Bắc. Bằng nỗi nhớ quê hương, họ đã dựng nên phong cảnh miền Nam khá trung thực, gần gũi và nhiệt tình tham gia vào những vai quần chúng. Ông Huy Thành luôn khuyên diễn viên phải đi thực tế và rất tinh tế trong việc kiểm tra xem diễn viên có thực hiện không…
Chị Vân là nhân vật rất đa dạng, có nhiều đất để hóa thân. Tôi đã tận dụng đôi mắt biết nói của mình để diễn tả khi vui, buồn, khi đau khổ mất con bằng những giọt nước mắt tự đáy lòng mình. Tôi luôn tìm những chi tiết đắt giá cho nhân vật. Như hình ảnh khi chị Vân gặp lại người em là trung úy Phương sau bao năm xa cách, khi đang giặt quần áo, chị để cả 2 tay đầy xà bông vui mừng ôm chặt lấy khuôn mặt người em, khiến người xem nhớ lâu cảnh này.
|
Thời gian quay, tuy gặp rất nhiều khó khăn, có lúc phải chờ tới 27 ngày liền cho một cảnh quay theo ý đồ đạo diễn, song bù lại hầu hết cảnh quay đã đạt trên mong đợi về quy trình sản xuất một bộ phim, tạo điều kiện cho người đạo diễn được sáng tạo cao nhất. Hai cảnh ấn tượng thể hiện tính tư tưởng cao của phim là hình ảnh chị Vân tự đốt 10 ngón tay của mình trước viên cố vấn Mỹ. Một cảnh đạt hiệu quả cao về nghệ thuật xử lý ánh sáng. Ánh sáng ở 10 ngón tay bùng trên gương mặt hai người với hai tinh thần hoàn toàn đối lập nhau… Chị Vân bình thản, kiên cường còn tên Mỹ hung hăng nhưng lại sợ hãi. Cảnh chị Vân đi giữa hai hàng súng cắm lưỡi lê thật bình thản để thuyết phục anh em binh lính cộng hòa (quay với góc hất lên cao) làm chân dung của chị nổi bật trên nền trời trong vắt đan xen qua mấy ngọn lê đầu súng. Một phân đoạn tuyệt vời với ngôn ngữ điện ảnh đắt giá. Chị vừa đi vừa lấy tay gạt 2 hàng lưỡi lê, nhỏ nhẹ chắc nịch tuyên truyền. Lúc ấy, trung úy Phương em chị, gặp chị giữa hàng quân lính. Chị nhìn em nghiêm khắc, lấy khăn rằn ở cổ, dứt khoát vắt qua vai giận dữ. Cảnh này chỉ quay 1 lần vì lại nghe thấy tiếng gầm rú của máy bay địch.
Khi nhận tin phim Nổi gió - bộ phim duy nhất được chiếu cho Bác xem trong Phủ Chủ Tịch thời điểm ấy, trước khi đi ông Huy Thành dặn tôi rất cẩn thận “Cô có đi thì nhớ ăn mặc đứng đắn, đoàng hoàng…”. Ông là thế… kỹ lưỡng, chu toàn đủ mọi điều…
Năm 1983, NSND Huy Thành tiếp tục giao vai bà tư sản Thuận Thành trong phim Xa và gần cho tôi. Một loạt vai diễn trước đây tôi chỉ đóng các vai - phụ nữ nông thôn miền Bắc, miền Nam. Nay trong phim Xa và gần, phải hóa thân làm một bà tư sản lắm của nhiều tiền, lại thêm lắm mưu mô. Tôi đã đọc nhiều sách báo, đi thực tế để có vốn sống, để rồi tập cho mình có được những cử chỉ, đi đứng, ăn nói cũng phải cho ra dáng là một người đàn bà đài các, kiêu sa. Tôi phải độn tóc giả, bới cao cho ra dáng đài các. Cảnh quay giữa bà Thuận Thành đang ở Sài Gòn lần đầu gặp lại chồng, con trai, con dâu ở miền Bắc vào. Họ muốn bà hãy hiến tài sản của mình cho đất nước, song bà kiên quyết không nghe, đã mưu mô tìm cách phân tán tài sản để giữ của về sau. Khi mâu thuẫn đến cao độ, chồng bỏ đi, con cũng bỏ đi, chỉ còn bà ngồi lại cô đơn sưởi ấm, thật ngậm ngùi đắng cay mất cả chồng cả con. Khi ấy, bà chợt hỏi người vú: “Vú có biết ông nhà tôi thích ăn gì không?” Bà vú ngơ ngác buông lời: “Ông ấy thích ăn những món ăn mà tự tay tôi nấu”. Bà buồn bã ngẫm tưởng thống nhất đất nước được đoàn tụ, nào ngờ….
Tôi rất thích vai bà Thuận Thành vì có nhiều kịch tính trong nhân vật. Diễn viên tha hồ được biến đổi tâm trạng: mừng vui khi gặp chồng con, lại giằng xé mâu thuẫn giữa chồng và con mình cùng với khối tài sản, chồng con muốn hiến tài sản, còn bà lại âm mưu thủ đoạn tẩu tán tài sản và làm ngơ cho bọn cùng hội cùng thuyền âm mưu hãm hại người con dâu, để rồi trên giường bệnh khi chồng đến thăm, bà ân hận nói: “Ông hãy mau đi cứu nó. Bọn nó có thể mưu sát”. Khi người con dâu phải vào bệnh viện truyền máu, bà đến thăm đã khóc tức tưởi và những giọt nước mắt ân hận tự đáy lòng rơi lã chã…
Tôi vô cùng biết ơn vị đạo diễn tài năng này… Bởi nếu không có ông, sẽ không có một Thụy Vân nổi gió, một Thuận Thành xa mà lại gần… mãi mãi vượt thời gian…
NSND Trà Giang
Khi hay tin anh mất, Trà Giang bàng hoàng và buồn quá… Thế là người cuối cùng của khóa đạo diễn Điện ảnh Việt Nam đầu tiên đã theo các đồng nghiệp ra đi… Thương anh quá… Nhớ lại khi còn học trường Điện ảnh, anh học lớp đạo diễn, Trà Giang học lớp diễn viên, có những môn 2 lớp học chung. Lớp học chia làm 3 dãy bàn. Đạo diễn 1 dãy bên trong, dãy bên ngoài là học viên dự thính còn dãy ở giữa là diễn viên. Hầu hết các anh chị lớp đạo diễn đều lớn tuổi, từng tham gia kháng chiến nên rất chững chạc, còn lớp diễn viên hầu hết rất trẻ, còn ngây ngô nên thường tinh nghịch, có khi còn phá phách, song đều được các anh chị đạo diễn nhường nhịn, chỉ bảo… chúng tôi tạo thành một tập thể thương yêu, chia sẻ với nhau rất nhiều…Anh Thành nhìn rất nghiêm, nhưng khi đã nói ra là chắc nịch đâu vào đấy, anh rất thông minh và mê thể thao… Giang và anh thân nhau bởi đều là người miền Trung. Anh dạy Giang rất nhiều từ cách diễn đến lối sống, cách cư xử, nhất là sự tự tin…
Sau khi ra trường và cho tới nay Trà Giang chỉ được làm chung với anh trong phim Làng nổi. Giang vào vai chị Cốm bạn của nhân vật chính là anh hùng Phạm Thị Vách. Chị Cốm là nhân vật trẻ trung, hăng hái, rất hồn nhiên, đôi khicó tính bất chấp, ngược lại hoàn toàn với những vai diễn của Giang mà vẫn luôn được ông khen ngợi.
Nhớ lại những ngày quay ở làng quê Nam Hà, vùng trồng dâu nuôi tằm thật đẹp. Vào mỗi buổi tối máy nổ của đoàn phim được hoạt động đúng đến 9 giờ tối để có điện sinh hoạt. Vốn anh Thành là dân trí thức, giỏi tiếng Pháp hay đọc truyện văn học phương Tây (truyện hồi đó chưa được dịch sang tiếng Việt), thế là anh đọc và dịch truyện Thằng gù nhà thờ Đức Bà cho Trà Giang và Thụy Vân nghe. Chính từ tác phẩm này đã giúp Giang sau này rất mê đọc nhiều tác phẩm văn học phương Tây, bởi những thông đệp về tình yêu và tính nhân văn rất cao (khi dịch thuật được mở rộng). Một điều vinh dự nữa là vào năm 1988 tại LHPVN ở Đà Nẵng, Trà Giang và anh Huy Thành thật hạnh phúc khi cùng được kéo cờ trong đêm khai mạc. Tuy không làm phim nhiều với anh, nhưng chúng tôi rất quý anh trong những lần hội họp. Anh thật hóm hỉnh, luôn tạo tiếng cười, luôn chia sẻ, yêu thương đồng nghiệp và là người cha hết mực yêu con… Giang nhớ và xúc động vô cùng hồi đóng phim Làng nổi có lần đến nhà anh, thấy anh ngồi chải tóc, từ từ bến 2 cái bím tóc cho con gái Sao Kim, (vì khi đó chị Bích Vân đi học khóa bác sĩ)… thật quá ấn tượng đẹp về một tình cha…
NSƯT - diễn viên Hà Xuyên:
Từng là nghệ sĩ múa ở Đoàn ca múa Thái Bình, năm 1976 chị chuyển hẳn vào TP. HCM công tác tại Công ty tổ chức biểu thuộc Sở văn hóa thông tin TP. HCM. Năm 1982, tại một sự kiện đoàn nghệ thuật nước ngoài biểu diễn ở công viên Tao Đàn, lần đầu tiên chị được gặp và nói chuyện với đạo diễn Huy Thành khi ông dắt cô con gái út Sao Mai cùng đến xem. Vậy là sau gần 1 năm, năm 1983 khi ông tìm diễn viên cho vai Hà cho phim Xa và gần, ông đã nói ngay phó đạo diễn Nhật Minh tìm đến gương mặt mới Hà Xuyên đến thử vai. Vừa bất ngờ, vừa nhen nhóm niềm vui, song chị xin từ chối, phần vì chưa đóng phim bao giờ, phần vì lo con còn nhỏ (bé Hà Thu mới 5 tuổi)… Vậy mà cuối cùng vẫn chịu thua sự thuyết phục bền bỉ kiên trì của anh Minh để đến thử vai trong một cảnh tại sở thú TP. HCM.
Nhớ lại ngày đầu sau khi đọc kịch bản, Hà Xuyên quá ngây ngô gọi ngay tới ông Huy Thành hỏi… Anh ơi sao em toàn thấy những vai cận, toàn, trung, lia mà chẳng thấy vai Hà nằm ở đâu?… Và có lẽ chính sự ngây ngô, tự nhiên ấy đã giúp ông trở thành người thầy nghệ thuật thứ 7 đầu tiên dẫn dắt và luôn đốt cháy niềm đam mê điện ảnh của chị cho tới tận bây giờ.
Vậy mà có phân đoạn vì quá nhập vai trong cảnh quay Hà cùng với chồng - ông Hải (Trần Vịnh) tranh cãi đẩy tâm lý đến nỗi bị chồng tát một cái rất mạnh vào mặt… tức quá làm Hà Xuyên quên luôn thoại tên chồng trong phim mà chuyển ngay thành “Thật đáng tiếc ông Vịnh ạ”, làm cả đoàn phim bật cười; Ấy vậy mà có lúc đạo diễn phải nể sự nhạy bén thông minh của chị khi cắc cớ tranh luận với ông ở phân đoạn Hà không nhận hối lộ và nếu chỉ có thoại đơn giản như trong kịch bản thì chị thấy giả quá, không gây ấn tượng… Vậy là ngay lập tức, ông gọi tổ đạo cụ kiếm ngay 2 chiếc nhẫn cho chị cầm đặt sát vào nhau, ngay lập tức liên tưởng thành hình ảnh chiếc còng tay số 8… Đúng là ngôn ngữ điện ảnh thật tuyệt vời mà ông “đẻ” ngay tại phim trường… Điều này không phải đạo diễn nào cũng sáng tạo nhanh như thế được. Ở một cảnh hồi tưởng cha của Hà đi trên đường từ Nam ra Bắc bị giặc truy đuổi, ông phải lao ngay xuống sông…Vì chưa có người đóng thế, nên ông Huy Thành đảm nhận ngay vai này... Không ngờ khi nhảy xuống sông, ông va vào chân guồng của chiếc tàu và bị thương nhưng vẫn cố gắng diễn cho đến khi lên bờ máu vẫn chảy khá nhiều… Hà Xuyên thực sự cảm động và trân quý tinh thần tận tâm, hy sinh vì nghề ở ông.
Với một diễn viên mới vào nghề như chị, thật quá yên tâm và luôn được tạo nguồn sáng tạo ở mỗi cảnh quay bởi sự thông minh, chuyên nghiệp, bình tĩnh xử lý tình huống và trân trọng thế mạnh của diễn viên… Có thể nói ông là một người thầy, người anh, người bạn, người cha… tuyệt vời. Hai lần đi chấm thi người đẹp cùng ông ở miền Tây về Xuyên nhớ mãi câu nói của ông… phong bì này mang về chia đều cho mấy đứa đoàn phim nghèo cùng ba mẹ con nhà Sao… Và Hà Xuyên càng không thể quên hình ảnh khi đoàn phim quay tại thành phố vào những buổi chiều mỗi khi đóng máy, là ông lại tất tả chạy về để kịp đón gái út Sao Mai.
Diễn viên Việt Trinh
Có lẽ, trong cuộc đời diễn viên của Trinh, so với các bạn đồng nghiệp cùng trang lứa thì quá may mắn, hạnh phúc hơn nhiều khi được làm phim với nghệ sĩ nhân dân - đạo diễn Huy Thành, người đã tạo nên những tác phẩm điện ảnh kinh điển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, người thầy của nhiều lứa thế hệ đạo diễn, diễn viên… Nói và nghĩ đến ông là bao kỉ niệm hình ảnh của bộ phim Người học trò đất Gia Định xưa lại ùa về. Trinh vẫn nhớ như in tâm trạng hồi hộp lo lắng, áp lực vô cùng khi biết mình sẽ làm việc với ông. Lần đầu gặp thấy ông nghiêm nghị lắm, nhưng khi đến hiện trường để định trang thử vai nghe ông bảo với trợ lý “Về diễn xuất của con bé này thì tao hoàn toàn yên tâm, nhưng có mấy phân đoạn giả trai thì phải vào định trang quay thử xem có giống con trai không thì tao mới yên tâm” khi Trinh vào vai cô Lê Thị Điền giả trai yêu thầy Đồ Chiểu để đến khi bị phát hiện và bị đuổi về trong cái nhìn lạnh lẽo, nghiêm khắc… Thế là Trinh phải nịt ngực cuốn khăn hóa thân diễn… Không ngờ ông Huy Thành hào hứng hóm hỉnh khen ngay… Thế này thì ổn rồi, nhưng cô luôn nhớ mình đảm nhận 2 vai diễn có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau là giả trai và đóng bình thường đấy… Và nên nhớ cho dù đóng với cụ đồ chiều bị mù không nhìn thấy mình thì vẫn luôn phải diễn tốt đấy nhé…
Khi quay thật ở phân đoạn Trinh giả trai đứng bên hồ sen, đạo diễn phát lệnh “máy chạy”, không ngờ chiếc máy quay quá cũ phát ra âm thành rè rè quá lớn, làm Trinh hết hồn mất tập trung… Kết quả, không hiểu sao sau 3 lần về tráng thử phân đoạn này phim đều bị hư hết. Trước khi quay lần thứ 4, ông lớn tiếng bảo cả êkíp “Ôi trời chúng mày ơi 3 lần rửa phim hư, 3 lần nó phải nịt ngực mệt chết được, lân này ráng mà quay cóp nhé".
Ông Huy Thành là người giỏi chuyên môn, rất kỹ tính đến từng bối cảnh, khung hình. Một lần quay cảnh ngôi nhà cổ ở Bình Dương, ông yêu cầu thiết kế theo ý kịch bản mà suốt từ sáng tới trưa vẫn chưa ổn. Đã 4 lần thiết kế mời ông vào xem nội thất căn nhà, ông vẫn chưa đồng ý… Đến lần thứ 5 họ gọi… ông hài hước nói vọng vào nhà “Ối giời ơi… chúng nó lại gạt mình đấy, đừng thèm vào…”. Nói là thế chứ ông lại đủng đỉnh đi vào rồi phát lệnh “Lần này thì chúng nó… muốn sống rồi…".
Một cảnh quay Trinh tiếp tục giả trai dẫn cụ Đồ Chiểu đi ở hiên nhà… đi được khoảng chục bước thì có nhánh bông mai ngoài sân chĩa ngang vào hiên… đang quay ngon trớn ai dè anh Công Ninh (vai cụ Đồ) lại dơ tay cầm nhánh mai gạt qua một bên vì sợ nó quệt vào mặt... Thế mà ông không hề gắt mắng mà còn từ tốn đùa “Nó đóng mù mà lại thấy nhánh mai…hay thật…”.
Với Trinh, chân dung, phẩm chất một đạo diễn như ông quả thật đẹp. Ông cao siêu mà lại gần gũi giản dị quá… Trinh nhớ mãi những lời động viên của ông khi diễn viên chưa thật sự nhập vai, ông chẳng bao giờ dùng từ diễn tệ mà luôn an ủi, khơi gợi… “Thế là tốt rồi, nhưng bố muốn các con làm tốt hơn chút nữa” và thật cảm động là sau đó ông không bao giờ quên nói "Bố cảm ơn tụi con”. Chính đạo đức nghề nghiệp, sự trân trọng diễn viên và lòng khiêm tốn của ông đã luôn là bài học quý giá, nhắc nhở Trinh có thêm bản lĩnh, nhân cách nghề sau này khi ở cương vị đạo diễn mỗi lần ở trường quay…
NSƯT Công Ninh
Chắc do Công Ninh có khuôn mặt, thần thái quắc thước của cụ Đồ lúc về già nên đạo diễn Huy Thành đã giao luôn vai chính trong phim Người học trò đất Gia Định xưa, mặc dù biết Công Ninh là dân sân khấu mới tham gia một hai vai nhỏ bên điện ảnh. Từ cái mốc thời điểm này, ông chính là người thầy tận tâm, có tài, nhiều kinh nghiệm giúp Công Ninh, cởi bỏ nhiều áp lực để tự tin, sáng tạo trước ống kính… Song cũng từ bộ phim này đã để lại cho Ninh vết sẹo dài trên đầu bởi tai nạn lật xe trên đường lên Đà Lạt. Thật không may cho “cụ Đồ”, người duy nhất bị thương trong đoàn phim. Ông Thành lo lắm, song không ngại tiến độ chung của đoàn phim, ông vẫn quyết định chờ Ninh về Sài Gòn dưỡng thương 1 tháng, còn đoàn phim tiếp tục lên Đà Lạt quay một số phân đoạn trước.
Sau khi trở lại hiện trường, một trong những cảnh quay càng làm Ninh không thể quên. Đó là cảnh phục hiện giấc mơ Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên phi ngựa. Ninh phải mặc bộ áo giáp, mắt đeo kính, chuẩn bị phi ngựa. Vừa leo lên lưng ngựa, do áo giáp phát ra những tiếng sột soạt lớn, con ngựa sợ quá liền phi nước đại kéo cả 2 người này lao trên đoạn đèo, thật may tới khúc quẹo nó dừng lại… Ơn giời, cả Ninh và 2 người này chỉ bị trầy ngoài da… Con ngựa chướng quá, nên cả êkíp đành phải quay “ ăn gian” cảnh ngựa phi giả. Song có vẻ ông Thành không mấy ưng í… Tuy lúc này ông đã cao tuổi, nhưng trên phim trường cánh trẻ nhiều người phải bái phục ông về độ bền về sức khỏe, về sự nhạy bén khi xử lý các tình huống và độ kỹ lưỡng, chỉn chu trong diễn xuất và bố cục, ánh sáng ở mỗi khung hình…
Diễn viên Sao Mai
Từ năm 1978, Sao Mai theo ba vào sống tại TP. HCM trước, sau gần 10 năm mẹ Vân và chị Sao Kim mới vào sống chung… Bây giờ khi Mai đã làm mẹ của 3 đứa con, mới càng thương và nể phục ba gấp bội lần…Thời gian 10 năm đằng đẵng ấy vừa làm phim, vừa chăm con mà không hề nghe ba than vãn lời nào… Và cái ngày tình cờ lịch sử khi 6 tuổi ấy, Mai được ba đưa đi theo đoàn phim Như thế là tội ác. Khi quay tới phân đoạn một nhóm con nít nghịch phá trong khuôn hình, thì ở ngoài khung hình Mai cứ chạy lung tung quậy phá đoàn phim. Thế là ông liền bảo thư ký “cho nó vào đứng chung với mấy đứa kia cho nó khỏi phá phách… Ai dè khi máy chạy Mai hòa ngay với các bạn rất tự nhiên. Thấy vậy ba để ngay chi tiết cho Mai đội cái mấn cho cô dâu Thẩm Thúy Hằng… Từ đấy các vai diễn của Mai càng được dài thêm, chuyên nghiệp hơn cùng số đầu phim tham gia. Song điều khá đặc biệt là hầu hết trong 7, 8 phim của ba đều giao cho Mai đảm nhận những cô bé nghèo, ăn mặc rách rưới, hay đầy vất vả trong những bộ phim chiến tranh. Nào là chạy trên cánh đồng trong lằn ranh mìn nổ thật, lúc thì lội ruộng đỉa cắn bu mấy con vào chân, chịu nắng, gió, cát đến ngất xỉu, bà con địa phương can thiệp tỉnh dậy lại đóng tiếp… Nói như thế để thấy ông không hề ưu ái Mai mà ông luôn tập cho Mai hiểu thế nào là một thành viên độc lập cùng phải chuyên nghiệp, công bằng như mỗi cá nhân của ê kíp phim. Khi ở nhà, 2 cha con luôn muốn khám phá, ông cho xem nhiều phim tư liệu, không áp đặt điều gì, ngoại trừ rất nghiêm trong việc học văn hóa ở trường, dứt khoát không để nghỉ buổi nào, muốn đóng phim chỉ vào mùa hè thôi… Và Sao Mai không thể nào quên vị mằn mặn thơm thơm của những chai ruốc thịt, ruốc cá, ruốc tôm do tự tay ông làm cho con gái ăn mỗi khi đi làm phim…
Thiết kế mỹ thuật Đỗ Lệnh Hùng Tú
Anh Huy Thành ơi!
Anh có thấy gì không?
Những nghẹn ngào, nức nở
”Ba ơi! / Cậu ơi! / Anh ơi! / Chú ơi! / Bác ơi! / Ông ơi!...”
Những gào gọi thẫm đẫm buồn như thế
Có thấu vào thinh không?
Đau đớn quá từ đây/
Đau đớn quá từ nay
Khi vợ mất chồng / Các con mất cha
Và… cả nữa / các cháu đây mất cậu,
Ngơ ngác buồn/mất chú, bác, mất ông…
Dẫu biết tử sinh là lẽ vô thường
Vậy mà… chẳng muốn tin:
Mới rạng sáng nơi quê người đất khách
Anh chọn riêng mình một chuyến đi xa
Dẫu vẫn biết kiếp người là hữu hạn
Mà chẳng muốn tin anh bỏ thế gian này
Thôi đành vậy:
Một phút biệt ly, ngàn năm đưa tiễn
Thu ngàn thu vĩnh viễn đón anh rồi!
Vũ Liên