NSƯT, Nhà quay phim Đoàn Quốc: Hành trình dọc theo đất nước

(TGĐA) - Tham gia cuộc biểu tình của sinh viên chống bầu cử Ngô Đình Diệm ở Bà Rịa Vũng Tàu, rồi thoát ly theo Cách Mạng…vào rừng làm báo và trở thành người quay phim có tiếng của điện ảnh nước nhà, cuộc đời và sự nghiệp của Đoàn Quốc trải dài trên khắp vùng miền của đất nước Việt Nam thân yêu.

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc NSƯT - Quay phim Nguyễn Quốc Thành: Gieo cảm xúc từ những ca khúc
nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc Nhà quay phim Trương Thành Hỷ - Người con kiên cường của Mười Tám thôn Vườn trầu
nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn: Thả hồn qua cánh cửa nhỏ
nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc Ra mắt cuốn sách Quay phim điện ảnh & truyền hình của NSƯT Phạm Thanh Hà
nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc NSƯT Nguyễn Văn Nẫm – Nhà quay phim trong lửa
nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc Nhà quay phim Lý Thái Dũng – Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam: Dựa vào hãng phim tư nhân để “nuôi” hãng phim nhà nước

Vào rừng làm báo

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Từ trái qua: Đoàn Quốc, Phan Vũ, Phạm Khắc khi làm phim Như một huyền thoại

NSƯT, Nhà quay phim Đoàn Quốc tên thật là Đỗ Phương Toàn, sinh ngày 14/8/1943 tại thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Năm 1961, khi Đoàn Quốc 18 tuổi, đang học trung học trường phổ thông Châu Văn Tiếp, Vũng Tàu thì nổ ra cuộc biểu tình lớn chống bầu cử Ngô Đình Diệm. Ông cùng các bạn xuống đường với khí thế hừng hực đấu tranh của tuổi trẻ yêu nước. Cuộc biểu tình đã bị cảnh sát ngụy đàn áp dữ dội ngay tại chợ Bà Rịa, nhiều sinh viên, học sinh bị bắt. Chúng tịch thu toàn bộ xe đạp đưa vào bót, có người may mắn chạy thoát. Ông nhanh chân chạy trốn vào vùng Hòa Long, căn cứ Cách Mạng, và thật may được anh em cán bộ rước vào rừng. Từ đó ông thoát ly theo Cách Mạng và quyết định lấy tên của ba là Đoàn Quốc (người từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp) thành nghệ danh chính thức của mình. Tại căn cứ Cách Mạng, do ông Quốc có trình độ văn hóa, nên ban tuyên giáo tỉnh ủy Bà Rịa đã chuyển ông về bộ phận làm báo cho tờ Giải phóng và bài đầu tiên ông viết là về cuộc đấu tranh của nhân dân chống phá ấp chiến lược. Báo được in bằng giấy sáp. Sau hơn 1 năm làm việc, ông được cấp trên triệu tập đi học lớp trung cấp quay phim tại chiến khu R Tây Ninh (thuộc Trung ương cục miền Nam).

Vào nghề từ lớp quay phim trung cấp đầu tiên ở miền Nam, tại chiến khu R Tây Ninh…

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Ông Đoàn Quốc ại phim trường khi học ở Đức

24 học viên đến từ các tỉnh tiêu biểu là: Đoàn Quốc từ Bà Rịa; Phú Quốc từ Thủ Dầu Một, Huỳnh Trảng từ T4 (Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định); Trung Chánh, Ba Thanh từ Long An; Trần Kông, Phạm Khắc từ Mỹ Tho; Nguyễn Nghiệp từ Bình Thuận; Bảy Triển, Thanh Hùng từ miền Tây; Cao Nguyên Dũng từ Củ Chi…Lớp học do ông Cao Thành Nhơn giảng dạy. Sau khi học lý thuyết, các học viên được thực hành qua 2 máy quay là Bayllard 16 ly của Thụy Sĩ và Bell howel 16 ly của Mỹ. Mỗi học viên được quy định chỉ sử dụng 15 mét phim 16 ly, vì vậy họ phải tính toán khá kỹ. Trong rừng có những trảng trống và các ông đã lấy đó làm bối cảnh chính để tập quay. Lớp học rất đặc biệt, bởi họ không chỉ được học mà họ còn phải lao động để nuôi chính mình, phải sản xuất, đánh bắt cá, trồng màu, qua Căm pu chia tải gạo rồi về vùng Xóm giữa cạnh vùng sông Vàm Cỏ…Thường xuyên phải đi tuần tra như những người lính thực thụ. Song điểm chung nhất là tất cả học viên rất đoàn kết, thương yêu, chia sẻ và thực sự ham học vô cùng. Ông Quốc nhớ mãi sau hơn 1 năm học tập và lao động, đến kỳ thi cả lớp thực hiện chung một bài và mỗi người được quay vài cảnh thiên nhiên hoặc chân dung…Vì hồi đó phim vô cùng hiếm, nên mọi người phải cố gắng rất nhiều. Tháng 10/1963, khóa học kết thúc và các ông trở về địa phương công tác, riêng ông Đoàn Quốc được giữ lại công tác tại Xưởng phim Giải Phóng

Quay phim chiến trường và mối tình đầu với nữ liệt sĩ y tá

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Tại LHPQT Matxcơva gặp đoàn điện ảnh Cu Ba cùng đạo diễn Hải Ninh (thứ 3 từ trái qua) và diễn viên Trà Giang (ngoài cùng bên phải)

Từ năm 1963 đến 1965, ông được phân công làm quay phim chính. Các phim tiêu biểu như: Đại hội dân tộc Tây Nguyên, Đại hội Giáo phái Cao Đài yêu nước; Nhà báo Úc Bớt Sét và nhà văn Pháp Madelene Riffand thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam; Nhà báo Liên Xô Ivan Sedrop thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam; Nhà văn Ba Lan Monika Warnenska thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội nghị Trung ương Cục miền Nam; Đại hội liên minh dân tộc dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam... Đặc biệt năm 1965, khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam, trực tiếp đánh Việt Nam (trước đó là ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn), TW Cục miền Nam có hội nghị đặc biệt và các mặt trận được nhanh chóng triển khai … Ông Đoàn Quốc được nhận một máy quay phim và trở thành phóng viên quay phim chiến trường tại chiến dịch Đông Xuân (1965-1966). Đi cùng ông có Sáu Dũng phụ quay, 2 chiến sĩ bảo vệ của sư đoàn 9 đi trinh sát. Trận đánh đầu tiên và cũng là lớn nhất ở miền Nam là trận Bào Bàng ở Bình Dương. Ông Đoàn Quốc đã nhanh chóng quay được 3 trận: Bào Bàng, Cẩm Xe và Hố Đá ở Bình Dương. Tại trận Hố Đá, ông bị giặc Mỹ bắn gãy, bể xương quai cổ tay và bể máy quay phim, đạn còn xuyên qua ổ bụng làm thủng ruột rồi 1 viên đạn còn xuyên từ đùi phải sang đùi trái khiến ông ngất lịm từ 11giờ trưa cho tới khoảng 11 giờ tối mới được anh em đến tìm khiêng về. Cũng trong trận Hố Đá đầy ác liệt này ông Sáu Dũng và 2 chiến sĩ (trong đó có đại đội phó) đi cùng đã hy sinh. Anh Trung Chánh bị thương ở đùi. Tại bệnh viện dã chiến, ngày 5/12/1965, ông Quốc phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, tay, 2 đùi và nhất là phải cắt bỏ vài mét ruột… Sau khi nằm điều trị khoảng 2 tháng, ông quay trở về Xưởng phim Giải Phóng.

Ông bùi ngùi chia sẻ lại kỉ niệm vô cùng thầm kin và cảm động vào thời gian ác liệt đó. Ngày ông ra mặt trận, trên đường đi tình cờ gặp đoàn thanh niên xung phong, trong đó có nữ y tá Võ Hồng Loan quê ở Bình Dương… Thật không ngờ, ngày ông bị thương, chính cô là người cùng anh em khiêng ông từ mặt trận về bệnh viện dã chiến. Và khi ông nằm tại đây cũng chính cô là người hết sức tận tình chăm sóc cho ông. Rồi ngày Mỹ bỏ bom B52 tại đây, cô lại lần nữa cùng anh em khiêng ông về bệnh viện K71A (của quân đội). Sau khi bàn giao xong, cô đã trở lại tiền phương. Trên đường trở về cô bị địch bắn trọng thương và hy sinh. Tháng 12/năm 1965, ông Quốc đã làm bài thơ Cuộc đời đáng yêu, hé lộ chuyện tình của mình: “Hôm nay tôi tỉnh lại rồi, ngồi bên tôi 1 cô y tá; Tay vuốt bàn tay tôi, nước mắt chảy dài đôi má; Cô gái ngập ngừng: anh ráng khỏe nghe anh; Giờ đổi trực đến rồi sáng mai em sẽ đến anh; Cô gái mỉm cười nhìn tôi lay láy; Bỗng ôm hôn lấy tôi trong bóng tối; Chỉ nghe tiếng em nức nở, tôi thấy khỏe lại nhiều; Cô gái đi rồi, tôi trở mình…Ôi cuộc sống đáng yêu…”

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Ông Đoàn Quôc và nhà văn Pháp Madelene Riffand thăm vùng giải phóng Miền Nam

Tháng 7 năm 1966 tại Cà Tum, khi hay tin cô hy sinh, ông làm bài thơ Tiếc chi lời hứa, khi nhớ lại những ngày mình nằm viện với vết thương quá nặng, cô tận tình chăm sóc và đã có lần thỏ thẻ bên ông “Em yêu anh.” Song do nghĩ vì cuộc chiến tranh còn kéo dài nên ông chỉ im lặng… Cũng thời gian từ năm 1966, tại quê nhà, gia đình bất ngờ nhận tin ông hy sinh. Má ông đau đớn đã lên chùa xin bài vị về thờ con suốt 3 năm trời. Rồi từ đó bà quyết định xuống tóc đi tu (sau này ông mới biết).

Sau năm 1975, ông Quốc đã quay lại chiến trường năm xưa để tìm mộ cô Loan, nhưng thật tiếc đã không tìm được.

Người duy nhất đảm nhiệm hậu kỳ những thước phim tư liệu chiến trường để gửi ra miền Bắc

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Ông Đoàn Quốc và đạo diễn Huy Thành quay phim Vua lửa

Cũng trong năm 1966, sau khi vết thương bình phục, ông về lại Xưởng phim Giải Phóng nhận nhiệm vụ trưởng phòng dựng phim tài liệu, dưới sự ký duyệt của ông Mai Lộc, giám đốc. Ông Quốc thực hiện kiêm nhiệm toàn bộ khâu hậu kỳ như: xem nháp toàn bộ những thước phim tư liệu của các đồng nghiệp khác quay từ các địa phương hay trận đánh gửi về TW cục, lập nội dung, biên tập (đạo diễn), dựng phim, viết lời bình… Sau khi ông hoàn tất các công đoạn này thành những bộ phim tài liệu, phóng sự hoàn chỉnh, mới được gửi ra miền Bắc chiếu. Ông dựng khoảng 20 phim tài liệu, phóng sự trong chiến tranh, tiêu biểu có các phim: Vài hình ảnh về ngành y tế miền Nam; Hội nghị dũng sĩ diệt Mỹ huyện Củ Chi và Bình Dương; Tấn công vào quận 5, Sài Gòn, Thành phố Mỹ Tho, Thành phố Cần Thơ, Chiến dịch Mậu Thâm 1968; An Quảng Hữu giải phóng (Giải Bông sen Bạc, LHPQG lần1, 1970); Xiết chặt vòng tay diệt địch (Bông sen Bạc, LHPQG lần1 ); Trường nữ quân chính Nguyễn Thị Minh Khai; Phóng thích ba tù binh Mỹ (Bông sen Bạc, LHPQG) và đặc biệt 2 phim tài liệu đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế như: Du kích Củ Chi năm 1967 (Bông sen Vàng, LHPQG; Huy chương Vàng LHP Quốc tế Moskova; Bồ Câu Bạc LHPQuốc tế tại Leizig) và Đội nữ pháo binh Long An năm 1969 (Bông sen Vàng LHPQG; Bằng khen LHP Quốc tế tại Leizig; Bằng khen LHPQuốc tế tại Tasken).

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Ông Đoàn Quốc quay phim Người đàn bà không con ở Bắc Ninh

Ra Hà Nội đi tu nghiệp Đại học Điện ảnh tại Cộng Hòa dân chủ Đức

Năm 1971, ông Đoàn Quốc được cử ra Hà Nội, về Ban Thống Nhất 1 năm học bổ túc văn hóa để tốt nghiệp cấp 3. Năm 1972, lần đầu tiên ông vinh dự cùng ông Lê Minh Hiền, đại diện Xưởng phim Giải Phóng phía Nam cùng các ông Bùi Đình Hạc, diễn viên Trà Giang, đạo diễn Hải Ninh - Xưởng phim Truyện Việt Nam phía Bắc - đi dự LHP Quốc tế Mátxcơva. Đoàn miền Nam mang bộ phim tài liệu Du kích Củ Chi đi tham dự và đã đoạt giải Huy chương Vàng. Đây là chuyến đi đầy ý nghĩa giúp ông mở mang nhiều kiến thức sau này trong sự nghiệp làm phim. Và điều vô cùng bất ngờ, hạnh phúc là sau đó ông được Bộ văn hóa cho đi học đại học điện ảnh - quay phim truyện tại Công hòa dân chủ Đức từ năm 1972 đến 1977. Trong thời gian học, ông nhớ mãi kỉ niệm với người bạn thân Lâm Tới. So với những bạn khác, thì ông Lâm Tới học tiếng Đức hơi chậm lại bị nói cà lăm, song ở cả 2 ông đều có điểm chung là rất say mê nghề. Vốn là người chịu khó, 2 ông rủ nhau đi làm thêm vào ban đêm tại một hãng sản xuất đĩa ca nhạc, với nhiệm vụ duy nhất bỏ đĩa vào bao (hộp). Kết quả khi về nước, cả 2 ông đã mua được gần 100 đĩa ca nhạc với giá rẻ đủ các thể loại. Và toàn bộ số đĩa đó được ông lưu giữ cẩn thận cho đến tận bây giờ. Ngoài ra, cả 2 ông còn được gia đình vợ người Đức, chồng là người Israel quý như con trong nhà. Còn ở trường, cả hai có ông bạn người Xari hơi lười học, rất thích chơi với dân Việt Nam. Nhà ông ta khá giàu luôn gửi tiền qua cho tiêu vặt thế là thi thoảng mời 2 ông đi ăn để nhờ chỉ bài cho. Bài tốt nghiệp của ông Quốc là Người đi không về do ông quay phim, đạo diễn là người Cu Ba. Kết quả họ đều được đánh giá hạng ưu.

Trở về với vị trí quay phim truyện chính

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Ông Đoàn Quốc gặp đạo diễn Hồng Sến tại CHDC Đức

Tháng 1/1977, ông Đoàn Quốc về nước và nhận quyết định của Cục Điện ảnh phân công trở lại công tác tại Xí nghiệp phim Tổng hợp. Ngày 3/4/1977, ông đáp chuyến ô tô thẳng tiến vào Sài Gòn.

Tại Xí nghiệp phim Tổng hợp, ông được giám đốc Mai Lộc phân về Xưởng phim truyện quay phim chính. Và bộ phim truyện nhựa 35 ly đen trắng đầu tay ông thực hiện là Những người bạn quanh tôi (đạo diễn Lâm Mộc Khôn ) vào năm 1978. Đây là phim đề tài thiếu nhi, có nhiều bối cảnh quay ở biển tại mũi Né. Ông nhớ thời điểm đoàn phim ra mũi Né quay, đúng vào thời kỳ dân vượt biên nhiều nhất. Khi ra biển quay cảnh sáng sớm, cả đoàn đều giật mình vì trên bờ có nhiều đống guốc dép của dân quăng lại khi họ lên tàu vượt biên… Năm 1980, ông quay tiếp phim truyện Đêm nước rong cũng của đạo diễn Lâm Mộc Khôn. Năm 1981 ông quay phim truyện nhựa Phượng (đạo diễn Lê Văn Duy) kể về cuộc đấu tranh chống Mỹ của sinh viên, có nhiều cảnh không khí đấu tranh, biểu tình, xuống đường… Vốn là người cầm máy quay phim tài liệu, nên ông sử dụng khá thành thạo máy cầm tay, quay hình ảnh động, ông còn khá nhạy bén trong việc tạo hình, diễn tả như quay phim tài liệu. Phim đạt giải Đặc biệt của BGK LHP QG lần 6. Năm 1982, ông quay tiếp bộ phim truyện Người không mang súng và năm 1984, ông thực hiện bộ phim truyện nhựa Hoa Cát, cũng của đạo diễn Lê Văn Duy. Để có được cảnh du kích đóng quân vào buổi sáng sớm, có hậu cảnh là mặt trời ửng đỏ (hừng đông) thành công, đoàn phim cũng phải đắng lòng khóc, cười: Đoàn vừa quay xong, thu dọn để xuống chợ ăn sáng thì bị công an bắt vì chưa xin phép địa phương. Nguyên do trước đó, người dân vượt biên quá nhiều, nên chính quyền kiểm tra rất chặt không thể không có giấy phép. Thế là cả đoàn phải về ngồi “chầu rìa” đói meo tại đồn công an, mặc dù đoàn đã dùng “mưu” đưa 2 diễn viên nổi tiếng Lý Huỳnh và Hương Xuân ra năn nỉ, nhưng vẫn hoàn toàn thất bại. Không ngờ đoàn bị tạm giữ cho tới trưa, lại được chiêu đãi bằng một bữa cơm trưa thân mật thật no nê mới truyền lệnh thả về. Đúng là những câu chuyện, tình huống mà chỉ có thể xảy ra ở trong cuộc đời của các nghệ sĩ…

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Ông Đoàn Quốc đang vẽ tại Đà Lạt

Năm 1985, ông làm tiếp phim Khoảng vượt, đạo diễn Lê Văn Duy. Năm 1987 ông quay phim Thành phố có người của đạo diễn NSND Huy Thành về nạn diệt chủng Pôn Pốt ở Cămpuchia. Bối cảnh quay ở Trà Vinh và cảng BattamBăng (Cămpuchia). Thời điểm đó tình hình an ninh ở đây vẫn rất nguy hiềm, nên quay vất vả vô cùng. Trước khi quay, bộ đội phải trinh sát, đóng giữ, đoàn phim mới qua… Vậy mà vẫn xảy ra sự cố thương tâm khi đoàn phim vừa quay xong di chuyển, thì đoàn xe chở bộ đội chạy phía sau bị Pôn Pốt phục bắn, hy sinh cả đoàn xe.

Năm 1989, ông quay phim Bóng đen trên mài nhà của đạo diễn NSND Huy Thành. Năm 1988, ông quay tiếp phim truyện nhựa Nhiệm vụ hoa hồng, đạo diễn NSND Hồng Sến (Bằng khen của BGK LHP Quốc gia). Đầu thập niên 1990, bộ phim cổ trang Lửa cháy thành Đại La (đạo diễn Bùi Sơn Duân) có sự tham gia của: Lý Hùng, Mộng Vân, Công Hậu… được đầu tư hoành tráng nhất thời ấy. Phim được in tráng tại Việt Nam, tổng số tiền được đầu tư 500 triệu đồng, mức kinh phí “khủng” thời bấy giờ. Phim ra mắt thành công, được khán giả nhiệt liệt ủng hộ. Nhờ đó mà hãng phim Lý Huỳnh thừa thắng xông lên tiếp tục làm cùng thể loại với phim dã sử khác là: Thăng Long đệ nhất kiếm. Bộ phim cũng do ông Đoàn Quốc quay và đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện. Đây là bộ phim võ thuật đâu tiên ông quay nên máy luôn phải cầm tay, ít sử dụng chân máy, phải xử lý động tác và góc máy rất nhanh.Ông tức cười nhớ lại khi quay đánh võ, vô tình Lý Hùng bị bạn diễn quá áp lực nên đã đánh lung tung làm anh ta không tài nào đỡ được, thế là bất ngờ nổi cơn lôi đình…phải quay lại mấy lần.

Năm 1991 ông lại hợp tác với đạo diễn- NSND Huy Thành quay phim Vua lửa.

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Đoàn Quốc với nhà báo Liên Xô Ivan Sedrop

Năm 1992 lần đầu tiên hợp tác với nữ đạo diễn Việt Linh thực hiện phim Dấu ấn của quỷ. Phim quay ở vùng biển Tuy Phong (Ninh Thuận) do dàn diễn viên chính Đơn Dương, Ngọc Hiệp, Lê Cung Bắc tham gia. Bối cảnh làng là vùng cát, có tường xây bằng san hô rất đẹp; Tạo hình bởi núi, biển, cát cùng những hang động, đất đỏ, dễ tạo màu sắc tự nhiên trong khuôn hình. Có cảnh quay khá độc đáo: Giữa cảnh thiên nhiên biển trời, Hiệp và Dương diễn cảnh nude hoàn toàn ôm nhau lăn từ đồi cát xuống chân đồi. Cảnh quay ngược sáng, tạo khối nên khi quay chỉ có đạo diễn và quay phim còn tất cả mọi người bị đuổi ra ngoài vị trí quy định. Song khi quay, diễn viên đóng quá nhập lại có bối cảnh đẹp qua động tác máy toàn lia - pal và zoom một cú quá tuyệt, thế là anh em chạy lên lén coi thưởng thức. Phim đoạt Giải đặc biệt của BGK LHP QG lần 10 và Giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam; Đoạt Giải đặc biệt LHP Quốc tế châu Á Thái Bình Dương lần thứ 38. Năm 1994 ông quay phim Mảnh đất tình người của đạo diễn Vinh Sơn (đoạt giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam ); Năm 1995, ông quay phim Người đàn bà không con của đạo diễn Bùi Cường tiếp tục đoạt giải A Hội Điện ảnh Việt Nam. Bộ phim này được quay hoàn toàn ở miền Bắc tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Phim nói về số phận người đàn bà trong chiến tranh và hòa bình. Họ trở thành lỡ làng khi người yêu hy sinh. Bộ phim phải thiết kế chợ quê, khắc họa bối cảnh nông thôn miền Bắc qua chiến tranh, còn ông rất tâm đắc vì lần đầu tiên quay những cảnh hoành tráng được sử dụng cần trục…

Đam mê không dừng lại

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Ông Đoàn Quốc với người bạn đời Tạ Kim Dung, họa sĩ thiết kế phim

Năm 1997, ông nhận nhiệm vụ mới, chuyển qua Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu giữ chức vụ Phó giám đốc. Tại đây ngoài công tác quản lý, nguyện vọng của ông vẫn tiếp tục được sáng tác. Năm 2001, ông quay phim nhựa 35 ly màu Người học trò đất Gia Định xưa của đạo diễn-NSND Huy Thành. Đây cũng là bộ phim điện ảnh nhựa cuối cùng thực hiện, trước khi ông nghỉ hưu vào năm 2003. Bộ phim nói về cuộc đời của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Đoàn phim phải quay từ Huế vào thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Long An… kiếm những bối cảnh rừng núi, đồng bằng xưa. Ông nhớ mãi khi quay cảnh 2 vợ chồng cụ Đồ đứng trên bờ mương, dưới là đầm sen rất đẹp. Thiết kế đã phải làm cái bàn chân dài đặt dưới nước, ông đứng lên trên, nước ngập tới bụng cố gắng giữ thăng bằng để quay; Cảnh lính đốt làng, đoàn phim phải kéo về Long An, mướn một thửa bắp lớn đã thu hoạch còn cây khô, thế là dựng thành làng xưa rồi đốt luôn thửa bắp cho cảnh phim đạt độ chân thực cao; Sau đó về Trà Vinh để quay ao Bà Om xưa… Nói chung đoàn phim rất vất vả trong việc tìm kiếm và thiết kế các bối cảnh xưa. Bộ phim đoạt giải thưởng Đặc biệt của Hội đồng nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh. Cũng trong năm 2001, Xưởng thực hiện bộ phim Video Đời người hát rong, ông đảm nhiệm giám đốc hình ảnh của bộ phim. Năm 2002, ông tiếp tục quay 2 tập phim truyện video Viên ngọc Côn Sơn của đạo diễn Lê Văn Duy. 2 tập sau là đồng đạo diễn. Phim nói về cuộc đời của Chủ Tịch Tôn Đức Thắng khi bị tù ở Côn Đảo. Ngoài những cảnh quay khá vất vả ngoài Côn Đảo, đoàn phim đã phải thiết kế bối cảnh cối xay lúa tại quận 5.

Năm 2003, sau khi nghỉ hưu cho đến năm 2010, ông vẫn tiếp tục làm phim tài liệu với chức danh đạo diễn kiêm quay phim như: Đất và người Cam Ranh, Ô Môn, 20 năm hành trình, Thầy tôi, Người đi tìm cái đẹp, Họa sĩ Huỳnh Phương Đông với chiến dịch Mậu Thân; Cuộc song hành không mệt mỏi

Không chỉ có gần 60 năm theo nghề, nhà quay phim - NSƯT Đoàn Quốc, một thương binh hạng 3/4 còn là người thầy gắn bó với công việc giảng dạy…Ông cười thật hiền hậu bảo: “Có gì đâu tôi chỉ muốn truyền lại một số kinh nghiệm, một số tư duy về ngôn ngữ hình mỗi khi ta được cầm chiếc máy cho các bạn trẻ…” 20 năm ông đứng lớp không phải là một trong những “lối rẽ” để mưu sinh, mà hoàn toàn là đam mê và tinh thần trách nhiệm của ông với các bạn trẻ yêu nghệ thuật. Từ năm 1997 đến nay, ông tham gia giảng dạy môn quay phim cho khoa quay phim và đạo diễn thuộc trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh với 8 khóa quay phim chính quy, 4 khóa cao đẳng quay phim tại chức, 1 khóa đại học quay phim tại chức, 4 khóa quay phim cho 4 khóa đạo diễn chính quy đại học, 2 khóa quay phim cho lớp đạo diễn đại học tại chức…

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Đoàn Quốc quay phim Như một huyền thoại

Tình yêu, sự đồng điệu của 2 tâm hồn cầm cọ

Ông rất thích làm việc với đạo diễn Huy Thành, vì luôn để quay phim sáng tạo, tạo hình theo ý muốn, đạt hiệu quả ánh sáng. Ông luôn làm việc với dàn diễn viên rất kỹ, có những thủ pháp thật ăn ý, cùng nhau sáng tạo.

Vốn ngay từ hồi học tiểu học, ông đã rất thích vẽ, từng có những bức tranh về phong cảnh, một trong những thế mạnh mà sau này ông vẫn chọn để đi. Không ngờ cái duyên hội họa lại không tới, mà chỉ là thi thoảng chấm phá vẽ vời cho vui… Cho đến năm 1985, khi ông thực hiện bộ phim truyện Thành phố có người của đạo diễn NSND Huy Thành, thì bà Tạ Kim Dung là họa sĩ thiết kế cùng làm chung trong Xí nghiệp phim Tổng hợp cũng được phân công phụ trách khâu thiết kế mỹ thuật cho bộ phim. Từ đó tình cảm của người đồng nghiệp chuyển qua tình yêu… rồi tình chồng vợ giữa hai người càng trở nên sâu đậm. Sau đó ông bà lại tiếp tục cùng nhau làm chung các phim: Điệp khúc hy vọng, Nhiệm vụ hoa hồng của đạo diễn Hồng Sến và Như một huyền thoại của đạo diễn Phan Vũ. Tình yêu ấy, qua năm tháng, không chỉ ngày càng đơm bông trước những khung hình, bối cảnh phim, hay nghĩa vợ, tình chồng mà chính bà còn là người hâm nóng, truyền lửa cho ông quyết tâm song hành cùng hội họa. Hơn 500 bức tranh ông vẽ bằng bột màu, sơn dầu, hay gò nhôm, gò đồng lần lượt nhanh chóng đã ra đời. Năm 1991, ông đã có một cuộc triển lãm về phong cảnh, chân dung gồm 15 bức tại thành phố Hồ Chí Minh; Năm 2006 cả hai ông bà có cuộc triển lãm chung nhiều thể loại khoảng 40 bức tại thành phố Hồ Chí Minh; Năm 2007, hai ông bà tiếp tục có cuộc triển lãm ở Pháp gồm 30 bức; Năm 2010, ông bà vinh dự được tham dự triển lãm quốc tế tại Pháp cũng gồm 30 tác phẩm và trong năm 2013 ông bà tiếp tục được mời tham dự triển lãm ở Phần Lan cũng gần 30 bức…

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc
Ông Đoàn Quốc quay phim Người không mang súng

Trong suốt quá trình gần 60 năm tham gia hoạt động Cách mạng và nghề nghiệp, ông Đoàn Quốc vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất; Danh hiệu NSƯT năm 1997 cùng nhiều huy chương, bằng khen khác...

nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc NSƯT - Quay phim Nguyễn Quốc Thành: Gieo cảm xúc từ những ca khúc
nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc Nhà quay phim Trương Thành Hỷ - Người con kiên cường của Mười Tám thôn Vườn trầu
nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn: Thả hồn qua cánh cửa nhỏ
nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc Ra mắt cuốn sách Quay phim điện ảnh & truyền hình của NSƯT Phạm Thanh Hà
nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc NSƯT Nguyễn Văn Nẫm – Nhà quay phim trong lửa
nsut nha quay phim doan quoc hanh trinh doc theo dat nuoc Nhà quay phim Lý Thái Dũng – Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam: Dựa vào hãng phim tư nhân để “nuôi” hãng phim nhà nước

Vũ Liên