Gặp lại NSƯT - Đạo diễn Đặng Tất Bình...

(TGĐA) – Đây là những tình cảm của tác giả về NSƯT – Đạo diễn Tất Bình sau một thời gian dài họ có những kỉ niệm không thể nào quên khi cùng làm việc, cùng chia sẻ công việc tại đoàn kịch.    

gap lai nsut dao dien dang tat binh Câu chuyện về người thầy của ca sĩ Trọng Tấn
gap lai nsut dao dien dang tat binh NSND Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: 'Hội đã phát huy vai trò để bảo vệ tác phẩm, quyền lợi và cả sự nghiệp của anh em hội viên'

Anh là một nghệ sỹ tôi rất quý mến, có rất nhiều kỷ niệm, nhiều ân tình, là người nghệ sỹ làm sáng tỏ cho tôi nhiều điều về nghệ thuật sân khấu ở những năm tháng tôi mới từ mặt trận về, với một tình yêu sân khấu mãnh liệt và ý chí quyết dấn thân vào con đường này. Đã lâu tôi muốn viết về anh, nhưng cũng tựa như với các nghệ sỹ Nam Hà, Phan Lưu... phải dài dòng lắm, chứ chỉ vài trang thì chẳng thể phác họa cuộc đời nghệ thuật các anh, cũng chẳng hết tình tôi với các anh...

Tôi nhớ ngày Sài Gòn mới giải phóng, nghệ sỹ Đặng Tất Bình sớm có mặt ở Sài Gòn biểu diễn trong đội hình Đoàn kịch nói Công an Hà Nội. Khi ra Hà Nội, anh thì thầm với tôi: “Vào đấy tớ được xem bộ phim Người cô đơn của ba cậu. Tớ cứ cảm tưởng phim ấy ba cậu làm về cậu hay sao ấy.” Nghe anh nói, tôi lặng người đi. Nhưng mà không có lẽ. Bởi ba tôi là nhạc sỹ chứ có phải là đạo diễn điện ảnh đâu. Với lại ba tôi đã gặp tôi bao giờ đâu, thậm chí liệu có biết có đứa con là tôi trên cuộc đời này đâu mà làm phim nhỉ?

Ấy vậy mà điều linh cảm của anh Tất Bình ngày ấy lại... chuẩn(giờ nghĩ lại vẫn thấy phục anh). 12 năm sau ( năm 1987), trong lá thư đầu ba tôi gửi từ Mỹ về cho tôi, ba tôi viết:” Năm 1970, khi ba soạn phim Người cô đơn, ba đã hoàn toàn nghĩ tới con, dựng lên một nhân vật bé bỏng , nhân vật mang tên bé Tâm, một nhân vật suốt đời cô đơn rất tội nghiệp, một nhân vật mà vào đó, ba đã gửi hết nỗi niềm tâm sự của ba. Nhân vật đó, người cô đơn đó, đứa bé cô đơn đó, chính là con, chính là Hoài, chính là cái kỷ niệm quý đẹp nhất của một

gap lai nsut dao dien dang tat binh
NSND - Đạo diễn Tất Bình

người nghệ sỹ họ Hoàng và một người nghệ sỹ họ Trương “

Chao ôi, thế mà sao từ 12 năm trước, cũng chỉ mới xem phim, cũng mới vào Sài Gòn lần đầu và đây cũng là bộ phim Sài Gòn đầu tiên anh được xem, mà anh đã cảm nhận như thế nhỉ, đoán được hay như thế nhỉ? Đúng là tinh tế, nhạy cảm và rất thông minh là tố chất bản năng của anh Tất Bình, góp phần làm nên rất nhiều thành công về nghệ thuật cho anh Tất Bình sau này.

Tôi nhớ anh ở trong một ngôi nhà như biệt thự ở phố Triệu Việt Vương rất đẹp,mà nhiều năm tháng tôi thường tá túc ở đây với anh. Bố anh nhìn rất đẹp lão, có nhẽ là một công chức thời Pháp, mẹ anh hiền dịu, có nét gì đó cam chịu. Trước khi có anh, ông bà đều đã có những người con riêng. Điều đặc biệt là con chung hay con riêng, trong đó có anh, thì tất cả đều làm nghệ thuật: Người đánh đàn ở đoàn ca múa TW, người diễn kịch ở đoàn quân chủng PKKQ... Còn anh thì theo học trường Nghệ thuật Sân khấu, cùng những Hồng Dương, Bằng Thái, Lê Hùng, Minh Thủy, Anh Dũng, Ánh Tuyết, Lâm Bình, Vân Hương... lứa học sinh kịch nói thứ hai của trường (sau lứa thứ nhất là các anh chị Doãn Hoàng Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh,Trọng Khôi, Nguyệt Ánh...) Nếu lứa thứ nhất khi tốt nghiệp được chuyển về đoàn kịch nói TW, hộ khẩu đàng hoàng thủ đô, thì lớp các anh ngoài một vài người được ở lại Hà Nội, còn tât cả chuyển cho Quảng Ninh, xây dựng đoàn kịch nói Vùng Mỏ.

Lúc này anh đã có vợ con - một nữ diễn viên Tuồng nổi tiếng (cùng lớp cùng quê Thanh Hóa với anh Lê Tiến Thọ - sau này là Thứ trưởng Bộ Văn Hóa). Gia cảnh thế, nên anh quyết không rời thủ đô, chấp nhận cuộc sống không hộ khấu, không lương tiền, không tem phiếu, cùng bố mở một quán cà phê để mưu sinh ngay tại nhà. Thế rồi đoàn kịch Công an Hà nội, một đoàn kịch duy nhất mang “dao găm súng lục” lên sân khấu, nhưng chất lượng nghệ thuật cao, đang cùng đội bóng đá là hai “đặc sản” đáng tự hào của Công an Hà Nội lúc bấy giờ, có một ông đại úy Đoàn trưởng là Doãn Ngọc Tú - sỹ quan an ninh to cao đẹp trai, yêu sân khấu, cũng rất tinh đời và nhân ái - đã quyết vượt qua nhiều khắt khe về tổ chức để đưa anh về đoàn, anh giúp cho đoàn và đoàn cũng giúp cho anh có nơi làm nghệ thuật , có nơi làm hộ khẩu... Ngày anh vẫn bán cà phê, chăm sóc con, đêm đi diễn với những vai chính của Đoàn kịch công an, như vai Henri Thọ trong “Bản danh sach điệp viên”. Những đêm diễn ấy tôi thường đi theo anh, học nghề từ anh. Rồi khuya lại về nhà anh, hai anh em lại nằm bên nhau trò chuyện thâu đêm suốt sáng, con anh nằm bên cạnh tè dầm anh cũng chẳng hay (Vợ anh lúc ấy thường ở trong đoàn ở Mai Dịch, một tay anh nuôi hai đứa con, sinh đứa thứ hai vẫn nghèo quá, anh đặt luôn tên con là Đặng Thiếu Ngân, nghĩa là cô gái nhà họ Đặng thiếu tiền. Thế nhưng ai ngờ rằng sau này nó lại là con bé xinh đẹp và “nhiều xiền” nhất nhà, lại cũng viết kịch bản phim tên tuổi không kém chị và bố mấy, chính là tác giả của bộ phim Sống chung với mẹ chồng gần đây đang dậy sóng truyền hình).

gap lai nsut dao dien dang tat binh
NSND - Đạo diễn Tất Bình trên trường quay

Ngày ấy tôi mới từ mặt trận về học ở HN. Yêu sân khấu và năng nổ lắm.Chỉ với cây bút mực và những thếp giấy 5 hào 2, với vốn sống những năm tháng lửa đạn, tôi viết như điên các kịch bản sân khấu, các câu truyện truyền thanh... cho Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Buổi phát thanh quân đội. "Bao" về diễn xuất gần như tất các vai diễn ấy, chính là anh. Đủ các loại vai, các lứa tuổi, các thành phần. Có anh trong phòng thu hay trên sân khấu, là bạn diễn như được chắp cánh, tác giả thấy thăng hoa, đạo diễn chỉ còn mỗi việc giơ ngón tay cái lên “Năm bò oăn” khen ngợi. Anh vừa điệu nghệ trong diễn xuất, vừa năng động trong tổ chức, vừa khéo léo trong mọi quan hệ, nên việc gì cũng êm xuôi, việc gì cũng tốt lành, chương trình nào cũng được khen ngợi. Còn giọng nói của anh trên làn sóng đài, thì rất nhiều bà con đã nghiện...

Trên đường quan lộ, anh cũng đạt "đỉnh" như các bạn thành đạt cùng lớp như Anh Dũng, Lê Hùng, Bằng Thái... lên đến vị trí Giám đốc (anh là Giám đốc Hãng phim truyện 1), còn đường nghệ thuật thì phải nói anh là quái kiệt, là" bợm", là chói sáng. Cả trên sân khấu và cả trên màn ảnh. Và anh cũng là nhà sản xuất, nhà đạo diễn tài năng với những thiên điện ảnh như bộ phim nhiều tập Thái sư Trần Thủ Độ mà tôi tin hàng chục năm sau vẫn lôi cuốn người xem…

Như những nghệ sỹ khác như Thế Anh trong điện ảnh, Ngọc Tân trong âm nhạc... các anh là những gương mặt nghệ thuật hào hoa tôi chưa thấy xuất hiện lần thứ hai trong đời...

gap lai nsut dao dien dang tat binh Câu chuyện về người thầy của ca sĩ Trọng Tấn
gap lai nsut dao dien dang tat binh NSND Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: 'Hội đã phát huy vai trò để bảo vệ tác phẩm, quyền lợi và cả sự nghiệp của anh em hội viên'

Triệu Phong