(TGĐA) - Là một quốc gia tư bản, dân chủ nhưng Hàn Quốc vẫn coi trọng Nho giáo, đề cao vai trò của người đàn ông cả trong gia đình và ngoài xã hội. Trong lĩnh vực điện ảnh, mặc dù có nền công nghiệp sản xuất phim rất phát triển với tỷ lệ phim nội chiếm số lượng lớn nhưng cho đến nay, Hàn Quốc vẫn chưa thật sự cởi mở với cụm từ 'nhà làm phim nữ'. Điều này khiến các đạo diễn nữ buộc phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần các đồng nghiệp là nam giới, để có thể khẳng định mình.
Nhà làm phim Lee Yoon-jeong (phim Remember) sinh năm 1974 |
Cuộc đời của phụ nữ Hàn Quốc qua con mắt của các đạo diễn nữ
Đây không phải là vấn đề hoặc câu chuyện mới ở Hàn Quốc, nhưng qua rất nhiều năm, nam giới vẫn luôn là nhóm người thống trị nền điện ảnh quốc gia. Năm 1955, đạo diễn Park Nam-ok đã trở thành người phụ nữ Hàn Quốc đầu tiên thực hiện một bộ phim điện ảnh.
Tuy vậy, The Widow, bộ phim duy nhất của cô, không thể tạo nên cánh cửa để các đạo diễn nữ khác có thể dễ dàng bước tiếp. Trong bộ phim tài liệu năm 2002 Keeping The Vision Alive, đạo diễn Yim Soon-rye đã gặp một nhóm các nhà làm phim nữ cùng với các phong trào văn hoá phụ nữ khác bùng nổ vào giữa những năm 1990.
Bộ phim nói về trở ngại của những người phụ nữ khi họ phải chứng minh thực lực và tài năng của mình bên cạnh các đồng nghiệp nam vốn đang “cầm trịch” ngành công nghiệp điện ảnh Nam Hàn. Từ đó, họ quyết tâm duy trì tình trạng như hiện tại trong khi vẫn tự xoay xở vươn lên. Bộ phim tài liệu 2 tập thực hiện cách đây gần 50 năm đã được đưa ra giới thiệu tại Liên hoan phim London (LKFF) 2016 với chủ đề tập trung vào cuộc khảo sát quốc tế về các nhà làm phim nữ trong vòng 15 năm qua: “Cuộc sống của phụ nữ Hàn Quốc qua con mắt của nữ đạo diễn”.
Bộ phim hay nhất trong series “Cuộc sống của phụ nữ Hàn Quốc qua con mắt của nữ đạo diễn" là Take Care of My Cat của Jeong Jae-eun. Phim tuy không gây được ấn tượng mạnh trong lần phát hành đầu tiên vào năm 2001 nhưng sau đó nó đã có một vị trí nhất định tại thị trường trong nước. Phim kể một cách tinh tế về cuộc sống của một nhóm bạn nữ ở thời điểm chín muồi trong độ tuổi trưởng thành, trước đó họ từng trải qua thời gian tuổi trẻ với nhiều va vấp và mâu thuẫn suýt dẫn đến chia cắt. Biên kịch kiêm đạo diễn Jae Eun đã khéo léo di chuyển giữa các câu chuyện của 5 cô gái, từ đó thiết lập các chi tiết phát triển cuộc sống cá nhân cũng như dấu mốc lịch sử đã kết nối họ với nhau. Với những cảnh quay tuyệt đẹp và sử dụng âm thanh lập thể đang rất thời thượng ở Hàn Quốc vào thời điểm đó, Take Care of My Cat thực sự là bộ phim tốt khi đã biết kết nối các yếu tố có liên quan theo một cách hoàn hảo nhất có thể.
Trong khi đó, Forever The Moment của Yim Soon-rye của và Cart của Boo Ji-young là hai ví dụ khác về chủ đề bao quát: “sức mạnh của tập thể nữ” khi lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật. Cả hai bộ phim đều xoay quanh câu chuyện của nhóm phụ nữ bình thường đang gặp khó khăn trong đời sống và họ tự tìm cách giải quyết vấn đề đó. Cart kể về một nhóm phụ nữ là nhân viên thời vụ tại một cửa hàng, đã đứng lên chống lại các chính sách vô lý của nhà tuyển dụng và hình thành một liên minh nhằm phản đối gay gắt, đòi những quyền cơ bản nhất. Forever Moment là câu chuyện về đội tuyển bóng rổ quốc gia nữ Hàn Quốc – những người đã chiến đấu hết mình đem vinh quang về cho đất nước tại thế vận hội Olympic năm 2004 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tự mỗi thành viên trong đội cũng có những khó khăn riêng. Đây là những bộ phim nổi bật cho ví dụ về các đạo diễn nữ dấn thân vào các thể loại trước nay vốn chỉ dành cho nam giới (phim thể thao và tường thuật phản kháng). Tuy nhiên, dưới con mắt của các nhà làm phim nữ, những câu chuyện này đã khuấy động được sức mạnh của sự đoàn kết nữ giới.
Một câu chuyện khác về những người phụ nữ bình thường là phim Our Love Story của Hyun Ju Lee, một trong những phim truyện nổi bật của điện ảnh Hàn Quốc 2016 đồng thời là phim hiếm hoi về đồng tính nữ trong điện ảnh Hàn Quốc. Nhẹ nhàng và dứt khoát, Hyun Ju Lee đã tìm ra mối quan hệ e dè giữa một sinh viên nghệ thuật và một bartender – nhân viên pha chế rượu.
Nhà làm phim đã kiên nhẫn rút ra những chi tiết cụ thể của sự lãng mạn được hình thành giữa sự rụt rè đón nhận của đôi bên khi vấp phải rào cản xã hội vốn không phải là yếu tố thuận lợi để họ tự do thể hiện cảm xúc của mình. Hai diễn viên Lee Sang-hee và Ryu Sun-young đã hóa thân trọn vẹn vào vai diễn trong Our Love Story với sự hướng dẫn cụ thể của Lee. Đạo diễn đã tạo cho họ rất nhiều không gian để làm nên câu chuyện tình hấp dẫn và đáng tin cậy. Các tình tiết và quan hệ giữa nhân vật được phát triển một cách tự nhiên thông qua sự hiểu biết của các nhân vật về nhau.
Có thể nói chương trình “Cuộc sống của phụ nữ Hàn Quốc qua con mắt của các đạo diễn nữ” đã nêu bật một số nhà làm phim nữ đặc biệt nổi trội cũng như đem đến một góc nhìn sọi rọi sự đa dạng về giới tính đã có có ảnh hưởng đến điện ảnh Hàn Quốc hiện đại. Đồng thời nó cũng đưa ra một vấn đề hiện vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng không chỉ ở Hàn Quốc, mà ở nhiều quốc gia khác. Đó là sân chơi không đồng đều cho phụ nữ trong lĩnh vực điện ảnh.
Những người thức dậy
Dĩ nhiên, ở Hàn Quốc, phụ nữ vẫn thường xuất hiện trên màn ảnh lớn nhưng ở phía sau camera lại là một câu chuyện khác - vì nhiều lý do khác nhau trong đó có cả thành kiến xã hội mà dù muốn hay không mọi người đều phải thừa nhận.
Từ “rừng già” dường như là một từ khá thích hợp để mô tả môi trường làm phim ở Hàn Quốc, và đó không phải là điều xấu. Bởi rừng già có ý nghĩa là lâu năm, rậm rạp và trù phú. Cũng như vậy, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc là một cộng đồng năng động liên tục đổi mới với tất cả các loại phim và đã cạnh tranh thành công với Hollywood để chiếm vị trí hàng đầu trong thị trường nội địa.
Nhưng một ý nghĩa khác của từ rừng già cũng khá liên quan nhằm nói rằng các nhà làm phim Hàn Quốc làm việc trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, nơi mà thậm chí họ không có cơ hội chạm đến thành công nếu không bắt đầu đúng cách. Các tài năng trẻ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, và với rất nhiều yếu tố khác đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ, ngay cả những đạo diễn tài giỏi nhất cũng phải luôn chiến đấu để tồn tại.
Nhìn từ bên ngoài, tất nhiên, mọi việc có vẻ đơn giản hơn. Sáu đạo diễn khởi nghiệp và gây dựng tên tuổi trong những năm 1990 được các nhà phê bình và các nhà tổ chức LHP quốc tế đánh giá cao là: Park Chan Wook, Hong Sangsoo, Bong Joon Ho, Lee Chang-dong, Kim Ki-duk và Kim Jee-woon. Tuy nhiên, nếu nhắc đến điện ảnh Hàn Quốc mà chỉ tập trung vào nhóm nhỏ các đạo diễn tài năng nổi bật này thì xem ra vẫn chưa biết hết những điều thú vị về điện ảnh Hàn Quốc đương đại. Một vài trong số các hội thảo diễn ra ở Liên hoan phim Đông Á gần đây tại London và Liên hoan phim Hàn Quốc tại London đã tạo cơ hội cho công chúng khám phá sâu hơn các chủ đề quan trọng như Phụ nữ trên màn ảnh.
Chẳng hạn, người ta đã dày công thống kê để tìm ra con số 36% nhân vật có thoại trong phim thương mại Hàn Quốc là nữ, và 50% phim có nữ làm đạo diễn hoặc đồng đạo diễn. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu (nhằm chỉ các nền điện ảnh phát triển khác như Mỹ, Ấn Độ…)
Sau Yim Soon-rye với bộ phim Forever the Moment thì Lee Kyoung-mi trở thành nữ đạo diễn khiến các đồng nghiệp nam phải kính nể khi bộ phim thứ 2 của cô The Truth Beneath, nói về vợ của một chính trị gia có con gái bị mất tích, đã đánh bại The Handmaiden và The Wailing để giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Lễ trao giải thưởng Điện ảnh Hàn Quốc năm 2016 sau khi kinh qua nhiều LHP lớn trên thế giới.
Lee Kyoung-mi là đạo diễn theo đuổi đề tài nữ quyền đã nói về những thách thức mà cô phải đối mặt trong việc làm phim khi cho rằng nhiều bộ phim lấy làm nữ giới làm trung tâm đều phải đối mặt với sự tấn công thể hiện qua những lời chỉ trích của cộng đồng mạng ngay cả trước khi phim phát hành. Trong khi các nhà sản xuất và nhà đầu tư lại rất chú ý đến các yếu tố đó.
Đạo diễn Yim Soon-rye cũng quan sát thấy rằng các bộ phim về phụ nữ, và phim do phụ nữ làm đạo diễn, ít có cơ hội cọ xát với thị trường quốc tế hơn là phim có nhân vật nam là trung tâm. Về điểm sau, như mọi quốc gia khác, đúng là các đạo diễn nam vượt trội hơn các đạo diễn nữ, và như vậy không ngạc nhiên khi 6 đạo diễn nổi tiếng của Hàn Quốc đề cập ở trên đều là nam giới. Thậm chí, tất cả sáu người họ đều có phim khởi nghiệp trong những năm 1990, một thập niên mà phụ nữ có ít cơ hội hơn so với hiện nay.
Trên thực tế, không có đạo diễn nam Hàn Quốc nào vào nghề trong 15 năm qua gây dựng tên tuổi và được yêu thích tại mạng lưới liên hoan phim quốc tế. Ngay cả Na Hong-jin, với sự kỳ diệu và rực rỡ của The Wailing, vẫn chỉ được xem là nhân tố mới. Phải chăng những thế hệ làm phim kế cận ở Hàn Quốc đã thất bại trong việc vươn lên khẳng định tài năng với các đàn anh hay có chuyện gì khác đang xảy ra? Nhìn sâu vào trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có thể thấy, đặc biệt đối với nữ đạo diễn, tài năng chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định nghề nghiệp của họ.
Đạo diễn Lee Hyun-joo với phim Our Love Story, nói rằng đạo diễn nữ thường được phân chia cho những thể loại cụ thể: "Một đạo diễn tôi biết đã làm một bộ phim ngắn được giải thưởng và sau đó cô ấy muốn làm một phim dài với thể loại tương tự.
Nhưng công ty sản xuất đã yêu cầu cô ấy đạo diễn một bộ phim bom tấn trước, và nếu cô ấy thành công, họ sẽ sản xuất bộ phim mà cô ấy muốn làm. Đó giống như một kiểu bài kiểm tra vậy. Nhưng, hãy hình dung nếu đó là một đạo diễn nam thì họ lại không nhận được yêu cầu phải làm như thế”, cô nói. Lee Hyun-joo cũng cho rằng các nhà sản xuất và nhà đầu tư không cảm thấy tự tin khi ủy thác các phim có nguồn ngân sách lớn cho các đạo diễn nữ, đồng thời đặt ra những ràng buộc nhất định trong công việc cho các nhà làm phim nữ - “nhốt họ vào trong một khu vườn có cổng rào xung quanh” chứ không phải là cánh rừng già tự do. Vốn dĩ, phụ nữ không được khuyến khích trong các lĩnh vực vất vả và khó khăn như điện ảnh, điều này phản ánh sự thiếu tự tin của các nhà sản xuất khi giao các đặt thiết bị đắt tiền vào tay đạo diễn nữ.
Phim Glass Garden |
Vượt vũ môn
Trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, phần lớn thành công mang tính đột phá mà các đạo diễn nữ có được là nhờ sự hỗ trợ của các nhà sản xuất nữ quyền lực. Thật vậy, đây là một lĩnh vực trong điện ảnh mà phụ nữ dường như không bị thiệt thòi so với các đồng nghiệp nam của họ.
Những cái tên có thể thay đổi, nhưng trong danh sách 5 nhà sản xuất quyền lực nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh tại bất kỳ thời điểm nào trong 15 năm qua luôn bao gồm ít nhất ba phụ nữ.
Ví dụ nhà sản xuất Jaime Shim của công ty Myung Films đã giúp sự nghiệp của Yim Soon-rye và Park Chan-ok phát triển rực rỡ ngay từ đầu. Park Chan-ok sinh năm 1968 là một nhà làm phim tài năng cực kỳ tài năng. Cô đã đạo diễn hai bộ phim được đánh giá cao là Jealousy is My Middle Name (2002) và Paju (2009). Thực tế thì các nhà sản xuất giỏi “che chở”cho các đạo diễn không bị yêu cầu này nọ từ phía các nhà đầu tư, và tạo ra một môi trường làm việc phù hợp để họ hoàn thành tác phẩm nghệ thuật như mong muốn. Số lượng phim do các nhà sản xuất là nữ đảm nhiệm cũng tăng lên từ 5 phim trong năm 2015 đến 13 phim (tính đến thời điểm này). Các bộ phim bom tấn 2016 như A Violent Prosecutor và The Age of Shadows được sản xuất hoặc đồng sản xuất bởi các nhà sản xuất nữ.
Tuy nhiên, một trong những sự phát triển đáng ngạc nhiên và cũng là bất hạnh nhất trong ngành công nghiệp Hàn Quốc trong thập kỷ qua là sự tập trung ngày càng nhiều của các bộ phim do các hãng phim lớn như CJ và Lotte đầu tư đã khiến các nhà sản xuất bị thất sủng.
Có thông tin cho rằng có rất nhiều ủy ban trong các tập đoàn lớn này là những người xếp hạng số thứ tự cho từng cảnh trong một kịch bản phim (cảnh mà họ cho là ăn khách sẽ xếp số cao) và sau đó yêu cầu cắt giảm hoặc thay đổi cảnh có số thứ tự thấp. Chưa biết liệu cách làm đó có làm tăng doanh thu phòng vé hay không nhưng điều nhìn thấy rõ hơn cả là đối với các đạo diễn, những người đang cố gắng tạo dựng một tiếng nói và phong cách độc đáo để trở nên nổi bật trong đám đông, họ có cảm giác bị tổn thương sâu sắc.
Dĩ nhiên, vẫn có những người không bị ràng buộc bởi điều này, chẳng hạn một đạo diễn đẳng cấp cao như Park Chan-wook hoàn toàn có thể làm một bộ phim đầy tham vọng, rực rỡ như The Handmaiden cho một studio lớn mà không phải hy sinh bất cứ sự tự do sáng tạo nào. Nhưng số lượng người có danh tiếng và thành tích đủ để không bị ai kiểm soát như thế không nhiều. Là đạo diễn nữ lại càng khó, do các nhà sản xuất không muốn giao cho đạo diễn nữ các dự án có ngân sách lớn, có nhiều khả năng thành công hơn tại phòng vé. Và đến nay, các nhà làm phim nữ vẫn chỉ nhận được sự hỗ trợ tương đối ít từ các tổ chức khác để họ có thể xây dựng danh tiếng một cách có hiệu quả nhất: Các liên hoan phim lớn của phương Tây.
Phải thừa nhận rằng, các LHP ở phương Tây hình thành không nhằm mục đích quảng bá sự bình đẳng giới cũng như sự công bằng trong công việc làm phim. Mục tiêu chính của họ là đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Nhưng tính chất không ưa rủi ro của một số LHP tại Hàn Quốc (chẳng hạn sau này sẽ không còn uy tín nhằm thu hút được nhà tài trợ) đã không có lợi cho mục tiêu bình đẳng giới. Ở Hàn Quốc, và nhiều nền điện ảnh khác, giành giải thưởng ở LHP được xem như một bước gia cố sự nghiệp của các nhà làm phim. Một lời mời tham dự hay giải thưởng mà ban tổ chức trao tặng sẽ được xem như bảo chứng quyết định sau đó họ sẽ chịu sự kiểm soát sáng tạo trong dự án tiếp theo là nhiều hay ít chứ không có nghĩa là sẽ đảm bảo cho ra đời các bộ phim hay hơn. Vì thế, việc các nhà làm phim nữ Hàn Quốc nhận được sự hỗ trợ ở nước ngoài, dù ít, nhưng đã giúp họ phát triển sự nghiệp được lâu hơn.
The Last Princess được thực hiện vơí 857.700 USD góp vốn của Son Ye Jin |
Về phía các LHP Quốc tế, rõ ràng câu chuyện về mối quan hệ của hai người phụ nữ trong Our Love Story của Lee Hyun-joo mang hơi hướm của các bộ phim trong thập niên 1950 ở Hollywood. Bởi thế, họ hi vọng cả người tổ chức lẫn khán giả của LHP sẽ thích thú với những làn gió mới lạ từ châu Á hoặc ít nhất là con mắt nhìn từ phương Đông đối với một đề tài không mới ở châu Âu. Mặt khác, các bộ phim khám phá vị trí và sự thay đổi của phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc thường được chào đón bởi khán giả quốc tế với những mĩ từ ca ngợi đi kèm cảm giác hồ hởi tò mò muốn biết Hàn Quốc đã vượt qua những vấn đề đó ra sao.
Dù sao, khán giả quốc tế vẫn cần một chút kiên trì, và một tâm trí cởi mở khi xem những bộ phim của các đạo diễn nữ Hàn Quốc tiêu biểu trong những năm gần đây bởi nhiều người trong số đó đã đem đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc và phức tạp hơn so với họ từng hình dung. Our Love Story không chỉ có yếu tố hài hước, nó còn phơi bày những mâu thuẫn của một xã hội mà thái độ đối với mối quan hệ đồng tính là quan trọng. Bộ phim không chỉ thu hút đông đảo khán giả Hàn Quốc mà còn nhận được lời mời đến San Sebastian và Vancouver trước khi trình chiếu ở Anh. Rõ ràng đó là tác phẩm của một nhà làm phim có cả tài năng lẫn tiềm năng.
Bước tiếp không ngừng
Khi Yim Soon-rye (phim Whistle Blower), một trong những đạo diễn nữ nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc, lần đầu tiên đảm nhận vị trí đạo diễn trong phim Three Friends năm 1996, cô chỉ là nhà làm phim thứ 6 mang giới tính nữ trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Kể từ đó, số lượng các nhà làm phim nữ đã tăng lên, nhưng không đáng kể, nếu xét trong quy mô ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc vốn liên tục tăng sản lượng qua mỗi năm. Trên thực tế, đã có sự sụt giảm. Theo Seoul Intl. Women’s Film Festival, tỷ lệ nữ làm đạo diễn phim ở Hàn Quốc đã giảm từ 10,7% xuống còn 5,2% trong 5 năm qua.
Sự mất cân bằng về giới đã vượt qua lĩnh vực đạo diễn, lan sang cả diễn viên và vai diễn. Trong số 11 bộ phim vượt qua ngưỡng 10 triệu lượt xem, chỉ có The Thieves và Assassination là có nhân vật nữ chính hoặc thuộc tuyến nhân vật chính. Trong bối cảnh đó, năm 2016 là một năm đặc biệt, bởi có khá nhiều bộ phim có các nhân vật chính là nữ. Trong số 23 bộ phim Hàn Quốc đạt 1 triệu lượt người xem có sáu bộ phim có sự góp mặt của các nữ diễn viên đóng vai chính trong phim. Con số này gấp đôi số lượng phim được phát hành vào năm 2015.
Bộ phim The Handmaiden của đạo diễn Park Chan Wook có hai nhân vật nữ chính do hai nữ diễn viên Kim Min-hee và Kim Tae-ri đảm nhận thu về 30,2 triệu USD tiền vé tại Hàn Quốc. The Last Princess của Hur Jin Ho với vai chính dành cho nữ diễn viên Son Ye Jin đạt doanh thu 38,1 triệu USD trở thành bộ phim lớn thứ 9 năm 2016.
Điều đáng nói là khi dự án đang trong quá trình sản xuất và gặp sự cố về ngân sách, Son Ye Jin đã quyết định góp vốn 857.700 USD bằng tiền của cô. "Bởi vì rất ít khi có một phim tiểu sử về nhân vật lịch sử là nữ được sản xuất vì thế tôi thực sự muốn bộ phim này được thực hiện", Son nói. Familyhood là một dự án khác với câu chuyện xoay quanh nhân vật nữ do ngôi sao hàng đầu Kim Hye-soo đóng vai chính.
Mặc dù không phải là cái tên nổi bật ở phòng vé nhưng The Bacchus Lady của Lee Je-Yong với sự tham gia của nữ diễn viên kỳ cựu Youn Yuh-jung, từng tham gia LHP Berlin cũng được đánh giá cao khi phát hành ở Hàn Quốc. Đó là phim có các nhân vật chính là nữ giới, còn các nhà làm phim nữ vẫn phải vật lộn để giữ vị trí của mình. Chỉ có 30 trên tổng số 327 bộ phim phát hành vào năm 2016 là của các đạo diễn nữ. Phần lớn trong số đó là phim phi thương mại. Hơn nữa, trong số những bộ phim đó, Missing của E. Oni và Will You Be There của đạo diễn Hong Ji-young là hai phim duy nhất đạt được 1 triệu lượt khán giả.
Will You Be There của đạo diễn Hong Ji-young |
Tuy không nhiều nhưng so với các năm trước (không có phim nào của các đạo diễn nữ đạt 1 triệu lượt người xem) đã là thành công đáng kể. Các bộ phim của đạo diễn nữ chiếm vị trí trong bảng xếp hạng 50 phim ăn khách bao gồm Missing You, Will You Be There, Like for Likes của Park Hyun-jin, The Truth Beneath của Lee Kyung-mi, Remember của Lee Yoon-jeong và Unforgettable của Lee Eun-hui - cũng cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ so với năm trước. “Phim của các nhà làm phim nữ tuy không đạt được thành công lớn về doanh thu,” Park Hyun-jin nói. "Nhưng tôi không nghĩ điều đó có nghĩa là chúng tôi không thể làm phim ăn khách."
Trong tháng 10 này, Liên hoan phim quốc tế Busan (BIFF) lần thứ 22 khai mạc vào ngày 12 tháng 10 đã giới thiệu khoảng 300 bộ phim từ 75 quốc gia trên toàn thế giới. BIFF 2017 cũng tập trung đặc biệt vào phim của các đạo diễn nữ và đề tài nữ quyền với các nhà làm phim thuộc các quốc gia láng giềng Hàn Quốc là Nhật Bản và Trung Quốc.
Lần đầu tiên, BIFF chiếu khai mạc và bế mạc các phim do phụ nữ làm đạo diễn. Shin Su-won, một trong những đạo diễn độc lập hàng đầu của Hàn Quốc, tham gia BIFF với Glass Garden, bộ phim truyện thứ 4 của cô. Đây cũng là phim được chọn chiếu khai mạc. Phim với sự tham gia của nữ diễn viên Moon Geun-young trong vai một nhà nghiên cứu sinh học về ở ẩn tại vùng nông thôn. Tại đây, cô gặp gỡ một nhà văn hết thời (Kim Tae-hun đóng) – người đã tiếp cận và xem cô làm nguồn cảm hứng cho một cuốn tiểu thuyết mới của anh.
Bộ phim bế mạc BIFF có tựa đề Love Education, tác phẩm mới nhất của đạo diễn - diễn viên Đài Loan Sylvia Chang. Cô vừa là đạo diễn đồng thời đóng vai chính trong phim. Love Education kể về những hồi ức của một người phụ nữ với những rắc rối của gia đình cô trong quá khứ khi họ cố gắng di dời mồ mả của tiền nhân. Tiếp tục sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhà làm phim nữ Hàn Quốc năm nay là đạo diễn Jeong Jae-eun (tác giả của Take Care Care of My Cat, 2001). Sau 12 năm kể từ bộ phim viễn tưởng The Aggressive, JeongJae-eun tiếp tục theo đuổi thể loại này với Butterfly Sleep. Phim được sản xuất bởi hai công ty làm phim của Nhật Bản và Hàn Quốc. Không chỉ vậy, Jeong cũng xuất hiện trong chương trình Wide Angle Documentary Showcase với bộ phim giả tưởng mới nhất của cô Ecology in Concrete.
Quỳnh Chi