(TGĐA) - Đạo diễn Việt kiều Trần Trọng Dần (Dan Trần) về Việt Nam hơn 10 năm qua, luôn tâm huyết với nền điện ảnh nước nhà. Anh đã thực hiện sản xuất 4 phim điện ảnh như: Ngôi nhà trong hẻm (2012); Dịu dàng (2014); Nữ đại gia (2016); Bóng đè (2022). Và năm 2023, anh quyết định chuyển hướng thực hiện bộ phim hành động, gia đình Kẻ ẩn danh ở cả 3 vị trí (biên kịch, đạo diễn và sản xuất). Phim phát hành từ ngày 25/8. Tính đến ngày 10/9 phim đạt doanh thu gần 40,5 tỷ đồng. Trước niềm vui không hề nhỏ này anh đã chia sẻ quá trình thực hiện bộ phim.
Nhà sản xuất Trần Trọng Dần: Tôi muốn làm phim về người phụ nữ Việt hiện nay |
Lần đầu đảm nhận cả 3 vị trí then chốt (kịch bản, đạo diễn và sản xuất) trong tác phẩm điện ảnh Kẻ ấn danh (thể loại hành động, gia đình)… Anh nghĩ sao khi phim có khởi điểm (so với mặt bằng phim Việt cùng thời điểm ra rạp là Chạm vào hạnh phúc và Bến phà xác sống), thì Kẻ ẩn danh đạt ít nhiều thành công trong dàn dựng và doanh thu?
Dần vui khi thấy phim của mình có khả năng cạnh tranh với phim nước ngoài trong dịp lễ 2/9. Mặc dù trong đó có 2 bộ bom tấn nước ngoài và nhiều phim khác nhưng phim vẫn được khán giả lựa chọn.
Phim mình được phát hành trong tất cả các cụm rạp trên toàn quốc vào dịp lễ và đầy đủ các số suất cho mọi khung giờ trong ngày. Như vậy là nhờ sự ủng hộ của khán giả dành cho phim Việt và còn là sự hỗ trợ của các cụm rạp nữa. Tuy Kẻ ẩn danh đã luôn là sự lựa chọn số 1 trong 2 tuần liên tiếp từ ngày công chiếu, mình nghĩ doanh thu hiện nay chỉ có thể nói là vừa phải thôi. Có lẽ thể loại hành động hiện nay khá kén khán giả đại chúng ở Việt Nam.
Khi làm phim này, Dần đặt nặng hai yếu tố là một bộ phim hành động nghiêm túc, và những màn đánh đấm phải mang đậm văn hóa Việt Nam, nhưng cũng phải đan xen yếu tố giải trí. Sau khi phim chiếu, Dần đã gặp trực tiếp nhiều khán giả và đọc nhiều bình luận trên mạng thì Dần thấy rất vui và tự hào khi khán giả so sánh Kẻ ẩn danh với những bộ phim hành động nước ngoài khác. Họ rất thích phân cảnh nhân vật chính đánh nhau với những cô đầu răng đen nhuộm trầu trong bộ trang phục quần áo bà ba cùng các loại nhạc cụ dân gian làm vũ khí. Ngoài ra, khán giả cũng cười nhiều về cảnh cà phê chồn. Hai phân đoạn này tiêu biểu cho phong cách làm phim của mình.
Dần cũng nhận được nhiều lời phê bình về những khía cạnh mình chưa làm tốt như kịch bản. Thật ra chưa bao giờ mình viết kịch bản nên các ý kiến đóng góp này hoàn toàn hợp lý. Chính điều này sẽ là động cơ nỗ lực giúp mình cố gắng hơn cho các dự án phim tiếp theo.
Trước thực tế Kẻ ẩn danh “trụ tại” các hệ thống rạp trên toàn quốc, lại đồng hành với loạt phim “nặng ký” của nước ngoài trong từng ngày, qua tuần thứ hai và hiện còn bước tiếp sang tuần thứ ba, đó là chưa kể tới áp lực từ những ý kiến góp ý của đồng nghiệp, truyền thông, khán giả… Ở góc độ từ nhà sản xuất lâu năm anh nghĩ sao về vấn đề thị hiếu của khán giả cả nước nói chung hay ở từng vùng miền nói riêng? Có thể nói đây vẫn luôn là bài toán khó cho những nhà làm phim?
Trước thực trạng thị hiếu của khán giả thay đổi nhanh, luôn là bài toán đau đầu khiến các nhà làm phim như Dần phải liên tục theo dõi, cập nhật và thích nghi để đưa ra lời giải phù hợp với số đông nhất có thể.
Mình đã từng thử mọi cách để chạy theo thị hiếu của khán giả nhưng điều này thật sự không dễ dàng. Cuối cùng tự nhận ra rằng, đôi khi cách tốt nhất lại là tự tạo cho mình một lối đi riêng. Kể câu chuyện của chính mình, bằng giọng nói riêng của mình, góc nhìn của ánh mắt mình, và như vậy thì phim mình khả năng sẽ có cá tính riêng và có thể mới mẻ đối với khán giả. Sau nhiều năm hoạt động trong ngành điện ảnh thì mình cảm thấy an toàn nhất khi mình nằm trong qúy đạo riêng của mình, và kể những câu chuyện theo ánh mắt và suy nghĩ của mình.
Hành trình của Lâm (Kiều Minh Tuấn) cũng hơi giống hành trình của Dần ở ngoài đời. Cái cách mà anh ta đối diện với mọi trở ngại và vững bước theo đuổi mục tiêu của mình không ngần ngại. Tất cả cũng tương tự hành trình của Dần đến với môn nghệ thuật thứ 7.
Dần sinh ra ở Việt Nam nhưng đã rời xa đất nước hơn 20 năm giống như Lâm. Khi quay lại Việt Nam và làm nhà sản xuất phim, cũng giống như Lâm không ai biết Dần là ai. Khi kịch bản lần này hoàn thành và được bật đèn xanh, Dần bắt đầu làm tất cả mọi thứ, thậm chí bất cứ thứ gì khác để biến mong ước trở thành sự thật, giống như Lâm. Và cuối cùng, mặc dù có trầy da tróc vẩy nhưng mọi thứ cũng đã kết thúc, và đến lúc đối đầu với hiệu quả. Hiện nay số phận của Kẻ ẩn danh đã nằm trong tay khán giả. Mình an lòng vì khán giả công bình, họ xem những gì họ muốn xem.
Có đoạn thoại của một nhân vật trong phim hỏi Lâm là: "Anh có phải là người nguy hiểm không?". Lâm trả lời “không”. Lâm là kẻ vô danh, giống như Dần. Nhưng anh ta sẽ liên tục bảo vệ gia đình anh ta và Dần cũng vậy. Với sức mạnh của điện ảnh, mình sẽ tiếp tục cố gắng làm các bộ phim đáng giá giải trí cho khán giả hơn nữa.
Dịp này anh có thể chia sẻ thêm về những hậu trường chuyện chưa kể (từ ý tưởng kịch bản, đầu tư bối cảnh, dàn dựng, âm nhạc hay những tình huống phát sinh…) khiến kịch bản thay đổi trong quá trình quay?
Mình muốn phim mình lúc nào cũng có thông điệp rõ ràng. Trong phim này ý chính của mình là những gì cha mẹ gieo thì con cái sẽ gặt hái. Thông điệp này được nêu ra lúc khởi đầu và kết thúc của phim trước sự tương tác giữa Lâm và Hiền cùng cây ớt và hộp tiền. Thêm nữa, mình muốn nhấn mạnh ý tưởng là ít ai có thể tránh hậu quả khi mình làm điều sai trước đó. Cuộc hành trình của Lâm để cứu gia đình cũng là cơ hội của anh để đối diện với quá khứ và làm lành lại linh hồn mình.
Cảm hứng cho bộ phim này đến từ trải nghiệm thời niên thiếu của Dần ở Việt Nam và trong nhiều năm làm việc tại đây sau quãng thời gian dài ly biệt. Cách hàng xóm tương tác với nhau, cách cặp đôi thương nhau trong tranh cãi lẫn âu yếm, và cách những đứa trẻ nôn nóng được hòa mình vào dòng chảy của sự trưởng thành.
Khía cạnh nghệ thuật được hình thành dựa trên trải nghiệm của cá nhân Dần sau những lần nghiên cứu và chu du khắp nơi rồi trở lại quê nhà. Nhất là khi tìm kiếm các thầy Masters xưa của Việt Nam. Riêng phân cảnh Factory thực chất được lấy cảm hứng từ một quán cà phê nổi tiếng ở Hà Nội mà nhiều họa sĩ từng đến thời họ nghèo.
Khi Dần bắt tay vào thực hiện bộ phim, Dần đã đặt ra tiêu chí là nhân vật chính phải sống chung với chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn). Một căn bệnh thần kinh của con người từng trải qua quá khứ bạo lực là điều mình muốn đề cập.
Với nội dung câu chuyện thì mình muốn phải vừa dễ xem cho khán giả đại chúng mà cũng vừa có một sự phức tạp nhất định dành cho dân mê phim như mình. Vì lẽ đó mà Dần đã đem vào phim các yếu tố mang hơi thở của những vị đạo diễn lừng danh như David Lean và Bernardo Bertolucci mà mình yêu thích. Nhưng mà ít ai nhận ra, nên mình hiểu ngay… là mình chưa làm tốt.
Dần luôn tin rằng, âm nhạc là yếu tố vô cùng quan trọng trong một bộ phim. Chính vì lẽ đó mà Dần dành rất nhiều thời gian để làm việc với nhạc sĩ Fred Emory Smith ngay từ những ngày đầu tiên. Đó là từ những chất liệu cơ bản nhất để xây dựng từng mẩu nhạc cho từng nhân vật khác nhau và hòa trộn chúng lại một cách hài hòa. Song hơn hết vẫn phải giữ nguyên nét Việt nhất có thể. Ở những phân đoạn Lâm một mình chạy trên chiếc xe máy hay trên chiếc thuyền đi tìm con, Dần muốn để âm nhạc phải là thứ dẫn dắt cảm xúc khán giả. Hoặc phân cảnh đánh nhau với 4 cô tố nữ, Dần muốn biến cảnh đó phải hoành tráng giống như một vở opera của Việt Nam, vì thế âm nhạc chính là yếu tố then chốt.
Phim cũng được quay tại các bối cảnh thực tế để lưu lại khoảnh khắc lúc này tại Việt Nam. Đánh nhau trong hẻm thì cũng phải tránh cái miếu. Một người cúng lạy tổ tiên cũng là người hàng xóm thật ngoài đời. Trong phim, bất cứ lúc nào có thể, mình sẽ trình bày góc nhìn về Việt Nam một cách hãnh diện nhất.
Mình cũng nhắc khéo khán giả rằng đây chỉ là một bộ phim thôi. Đây là lý do có cảnh tàu metro ở đầu phim và cuối phim.
Và những bài học trải nghiệm thú vị từ Kẻ ẩn danh? Vậy dư án tiếp theo anh vẫn chung thủy với 3 vị trí hay thay đổi định hướng mới “3 hoặc 2 trong 1”?
Điều thú vị trong việc làm phim là khi bạn đã hoàn thành một bộ phim, bạn có thể dành thời gian để suy nghĩ về tác phẩm tiếp theo mà bạn nên làm. Đối với Dần, Dần luôn muốn hướng đến những tác phẩm có thể giải trí cho khán giả, chứ không phải là bộ phim mà Dần muốn làm. Chính vì vậy mà Dần sẽ luôn tích lũy kinh nghiệm qua từng bộ phim để càng ngày càng làm ra tác phẩm tiếp cận đến nhiều khán giả hơn.
Theo mình nghĩ thể loại phim ăn khách ở Việt Nam mà có khả năng ra nước ngoài, nếu mình làm đúng chất lượng, là dòng phim kinh dị. Vì vậy đây vẫn là thể loại tiếp theo mà Dần hướng tới. Sau phim Kẻ ẩn danh thì mình cảm thấy tự tin về khả năng hoàn thành hình ảnh trên màn ảnh như mình hình dung, cộng thêm nhiều khía cạnh mình muốn làm tốt hơn. Mình mong sẽ làm được một bộ phim có nhiều hình ảnh mới lạ và thêm nhiều yếu tố giải trí hơn nữa để phục vụ đông đảo khán giả.
Chân thành cảm ơn và chúc anh tiếp tục thành công.
Nhà sản xuất Trần Trọng Dần: Tôi muốn làm phim về người phụ nữ Việt hiện nay (TGĐA Onlie) - Từ thành công của phim Ngôi nhà trong hẻm (2012) và Dịu ... |
Vũ Liên