(TGĐA) - Liên hoan phim (LHP) tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 13 đã khép lại vào cuối tháng 9 vừa qua ở Hà Nội và TP. HCM thu hút lượng lớn khán giả trong 7 ngày chiếu với 19 tác phẩm điện ảnh đặc sắc của 8 nước tham dự Anh, Áo, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ (Phái đoàn Wallonie-Bruxelles), Phần Lan và nước chủ nhà Việt Nam. Các suất chiếu phần lớn kín chỗ ngồi, phim tài liệu dù kén khán giả nhưng vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng bởi tính hiện thực đời sống.
19 bộ phim đặc sắc trình chiếu tại Liên hoan phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam 2023 | |
Việt Nam và Ý mở màn đặc sắc Liên hoan phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam 2023 |
Đề tài của các bộ phim tham dự năm nay tập trung vào các chủ đề nóng, giàu tính thời sự như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và chung sống hòa bình với thiên nhiên, bình đẳng giới, những rủi ro của thời đại số…Riêng chủ đề môi trường có nhiều phim đề cập tới vấn đề này, mang đến những góc nhìn, cách kể khác nhau về một vấn đề có tính toàn cầu.
Khán giả tới xem phim tài liệu |
Vesuvio hoặc cách họ học cách sống giữa các núi lửa (2022, Ý) - đạo diễn Giovanni Troilo
Vesuvio hiện ra lờ mờ trên Napoli và ở trên một bệnh viện có một bà mẹ trẻ đang chuẩn bị sinh con. Giuseppe Mastroserio - một chuyên gia nghiên cứu về núi lửa đã cảnh báo thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của con người trên sườn núi lửa. Một cuộc diễn tập sơ tán trong phim đã phô bày nhiều lỗ hổng của việc sơ tán thực tế. Những hình ảnh ấn tượng về các vụ phun trào núi lửa gần đây nhất xen kẽ với các báo cáo của Antonio Salamandra, người minh họa những hậu quả bi thảm của một vụ phun trào có thể xảy ra. Bất chấp điều này, tất cả họ đều tiếp tục sống cuộc sống thường nhật và học cách chung sống với nó.
Bộ phim mang đến cái nhìn đa chiều, nhân văn bằng cách con người chung sống và đối mặt với những thảm họa thiên nhiên.
Cô gái mang tên Tania (2019, Bỉ) - đạo diễn Mary Jimenez, Bénédicte Liénard
Đây là câu chuyện thật kể về số phận của Tania, một thiếu nữ bị buộc phải hành nghề mại dâm tại khu vực các mỏ vàng của Peru. Bộ phim là sự kết hợp độc đáo của cả hai thể loại phim tài liệu với phim truyện. Cơn sốt đào vàng đã kéo theo hệ lụy là tàn phá môi trường, đồng thời bộ phim cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh việc thân phận con người bị chủ nghĩa tư bản chà đạp.
Phim Cô gái mang tên Tania |
Bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng: Phim Tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan Điện ảnh Trujillo 2020 (Peru), Phim xuất sắc nhất tại LHP Mỹ La tinh 2020 (Mexico), Phim xuất sắc nhất tại Tuần lễ Điện ảnh Peru 2019, Hình ảnh xuất sắc nhất và Giải đặc biệt của Ban Giám khảo tại LHP Quốc tế Phim Fribourg 2019 (Thụy Sỹ).
Nhân chứng sống: Một câu chuyện về khí hậu (2021, Anh) - đạo diễn Emily Munro
Bộ phim tài liệu lưu trữ đi tìm kiếm nguyên nhân của khủng hoảng khí hậu sau chiến tranh. Nhân loại đang bước vào một giai đoạn mới hay mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn? Biến đổi khí hậu là hậu quả của quá trình phát triển và tìm kiếm năng lượng?...
Poster phim Nhân chứng sống - Một câu chuyện về khí hậu |
Rác ơi về đâu (2022, Áo) - đạo diễn Tnikolaus Geyrhalter
Bằng ngôn ngữ hình ảnh độc đáo của các cảnh quay với bố cục tỉ mỉ, đạo diễn đã truy lùng dấu vết của lượng rác thải khổng lồ trên khắp hành tinh từ trên bãi biển, trên núi, dưới đáy đại dương và cả sâu trong lòng đất. Trong hành trình của mình, Geyrhalter đã minh họa cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của con người nhằm kiểm soát lượng rác thải khổng lồ do chúng ta thải ra mỗi ngày.
Cảnh trong phim Rác ơi về đâu |
Ô nhiễm trắng (2020, Việt Nam) – đạo diễn Dương Văn Huy
Cùng chủ đề rác thải với bộ phim Áo, nhưng Ô nhiễm trắng lại nói về những thói quen hàng ngày của người dân Việt Nam khi sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần một cách tràn lan, vô ý thức, vô tình đã tạo ra hiểm họa với môi trường, cuộc sống của chính thế hệ mình và thế hệ tương lai. Bộ phim cũng đưa ra cái nhìn sâu hơn về tác hại của Ô nhiễm trắng với sức khỏe con người.
Phim đoạt giải Quay phim xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam năm 2021, giải A Đạo diễn tại LHP Môi trường toàn quốc lần thứ 8 năm 2022.
Đường về hoang dã (2021, Việt Nam) – đạo diễn Đặng Thị Linh
Bộ phim kể về hành trình 30 năm của loài gấu, từ khi bị săn bắt ở rừng, bị giam cầm và hành hạ tại các trại nuôi, đến khi được giải cứu về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam. Qua đó, truyền tải về ý thức tôn trọng quyền sống của gấu nói riêng và động vật hoang dã nói chung, góp phần bảo vệ hệ sinh thái đang chịu nhiều tổn thương của Trái đất.
Tôi muốn thở (2020, Việt Nam) – đạo diễn Hương Na Nguyễn
Bộ phim là câu chuyện về ung thư. Các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra có 75 - 80% ung thư phát sinh liên quan đến môi trường sống và chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể. Chính khói, bụi, ô nhiễm không khí tác động đến con người hình thành nên ung thư. Vì vậy bảo vệ môi trường cũng giống như hơi thở của chúng ta vậy.
Có thể nói thông qua những bộ phim tài liệu, khán giả không chỉ hiểu thêm về vấn đề khí hậu, bảo vệ môi trường, mà còn có dịp tìm hiểu về văn hóa, con người, xã hội Việt Nam cũng như của các nước khác. Đó còn là những câu chuyện đáng nhớ về những con người ở các vùng đất khác nhau. Có thể kể đến các phim Bí ẩn từ lòng đất (đạo diễn Phùng Ngọc Tú), Những đôi chân không mỏi (đạo diễn Đào Đức Thành), Muntadas ở Hà Nội: Diễn giải về đô thị từ góc nhìn Tây Ban Nha - Việt Nam (đạo diễn Nông Nhật Quang - phim Tây Ban Nha)…
Giá trị thời đại của phim tài liệu không chỉ là những câu chuyện của ngày hôm nay mà còn là thông điệp bền vững về văn hóa, con người, khát vọng cống hiến, đấu tranh vì thế giới nhân văn và ước mơ hòa hợp dân tộc như trong tác phẩm Kẻ thù của tôi, bạn của tôi (đạo diễn Phạm Hồng Thăng, Dương Văn Huy), Phía trên những đám mây (đạo diễn Đào Duy Từ, Lê Anh Tuấn), Những người kiên định (đạo diễn Jtorsten Korner – phim Đức)…
Nét mới ở LHP tài liệu châu Âu – Việt Nam năm nay còn có dấu ấn của các tác giả độc lập. Phải nói rằng, họ cũng rất đau đáu với những bộ phim phản ánh những mặt sáng, tối của xã hội đương đại. Trong số đó không thể không nhắc đến bộ phim Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như giải Đạo diễn xuất sắc nhất và giải Đặc biệt tại LHP Tài liệu Quốc tế Amsterdam (Hà Lan) 2021, Danh sách rút gọn 15 phim Tài liệu xuất sắc tại Oscar 2023, Top 20 phim Tài liệu hay nhất của năm 2022 do Tạp chí Paste Magazine (Mỹ) bình chọn, giải Phim châu Á hay nhất tại LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất 2023.
Poster phim Những đứa trẻ trong sương |
LHP tài liệu châu Âu – Việt Nam chính là dịp để các nhà làm phim trong nước được tiếp cận, tham khảo thêm với xu hướng làm phim tài liệu khác nhau từ các nước trên thế giới để mỗi tác phẩm không chỉ nói lên hiện thực cuộc sống, con người, xã hội mà còn hấp dẫn người xem như phim truyện. Đó chính là điều công chúng ngày nay đòi hỏi ở phim tài liệu.
19 bộ phim đặc sắc trình chiếu tại Liên hoan phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam 2023 | |
Việt Nam và Ý mở màn đặc sắc Liên hoan phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam 2023 |
Trí Anh