(TGĐA) - Cùng TGĐA điểm lại những dấu mốc đáng chú ý với điện ảnh Việt suốt năm 2022. Những tác phẩm nào gây ấn tượng cho khán giả? Những sự kiện nào tác động lớn đến ngành điện ảnh? Hay có điều gì đáng mừng, điều gì gây tiếc nuối?
Điện ảnh Việt 2022: Nhiều phim 'ngã ngựa' song vẫn không thiếu tác phẩm chất lượng hứa hẹn làm nên chuyện tại Ngôi Sao Xanh | |
Chờ đợi điện ảnh Việt 2022: 'Bữa tiệc’ thịnh soạn đa dạng! |
Tháng 1: Nhà rạp “thấp thỏm” chờ đợi được phép mở cửa trở lại
|
Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động chiếu phim tại Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người dân có nhu cầu rất cao về thưởng thức văn hóa nghệ thuật, các hoạt động giải trí nên có nhiều phim Việt có kế hoạch ra mắt khán giả trong dịp Tết sau gần 2 năm trì hoãn.
Thị trường chiếu phim Hà Nội là một trong những thị trường quan trọng, góp phần đáng kể vào tổng doanh thu trên toàn quốc. Trước đó, Thủ tướng cũng đã cho phép một số tỉnh thành mở rạp chiếu phim, nhưng lại buộc phải tạm dừng khi diễn biến dịch chưa có dấu hiệu lắng xuống. Thế nên, các nhà rạp luôn sống trong trạng thái “thấp thỏm”, khi nguồn vốn duy trì tương đối khó khăn.
Tháng 2: Ngày “hội” đi xem phim của mọi nhà
Khán giả dần quen với việc đo thân nhiệt khi tới rạp chiếu phim |
Rốt cuộc sau bao tháng ngày chờ đợi, các rạp phim gần như được mở lại trên địa bàn cả nước. Nói là ngày “hội” đi xem phim nhưng khi tới rạp, các khán giả vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp phòng dịch, như là đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt ngay từ bãi gửi xe.
Tuy vậy, tín hiệu doanh thu cũng đã sáng trở lại. Một số phim có doanh thu rất ổn, như Chìa khóa trăm tỷ thu về 68 tỷ đồng trong dịp chiếu Tết, hay Bẫy ngọt ngào thậm chí còn thu được 83 tỷ đồng.
Tháng 3: Bắt đầu xuất hiện những “thảm họa” màn ảnh
|
Không có nhiều phim bom tấn Hollywood ra rạp Việt vào tháng 3 nhưng có vẻ các nhà làm phim Việt lại không biết tận dụng thời cơ này để bứt lên. Người lắng nghe – tác phẩm tâm lý, rùng rợn của đạo diễn Khoa Nguyễn không thể thuyết phục người xem vì cách thể hiện cũ kỹ dù kịch bản tốt. Trong khi đó, màn ảnh Việt lại bắt đầu xuất hiện những “thảm họa”, đó là bộ phim Mến gái Miền Tây chỉ thu được hơn 7 tỷ đồng, bởi nội dung phim còn nhiều sạn và có cái nhìn gượng gạo về người đồng tính. Thất bại của Mến gái Miền Tây dường như báo hiệu cho khán giả rằng, năm nay vẫn sẽ còn không ít nỗi thất vọng.
Tháng 4: Hiện tượng mang tên Đêm tối rực rỡ!
|
Đêm tối rực rỡ! được thực hiện bởi vợ chồng đạo diễn và biên kịch Aaron Toronto và Nhã Uyên, kể về bi kịch của một gia đình có nạn bạo hành, thông qua khung cảnh là một đám tang mang đậm phong tục miền Nam.
Đây là một phim độc lập và dựa rất nhiều vào truyền thông “miệng”, nhưng lại bất ngờ thu về 20 tỷ đồng doanh thu. Giới chuyên môn cho rằng, chính sự đầu tư về mặt kịch bản cũng như diễn xuất chân thật, nhất là của nữ chính Nhã Uyên, đã khiến Đêm tối rực rỡ! gây ấn tượng mạnh trong lòng khán giả.
Tháng 5: Những xúc cảm đối nghịch
|
Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác – một bộ phim tương đối “ổn áp”, dành cho thiếu nhi của đạo diễn Hàm Trần lại chịu cảnh lỗ vốn khi ra rạp, gây không ít sự tiếc nuối.
Nghề siêu dễ - bộ phim tiếp tục công thức “hài & remake” của đạo diễn Võ Thanh Hòa lại thu về 70 tỷ đồng sau 3 tuần ra rạp. Trong khi đó với quy luật thị trường ngày càng khó tính hiện nay, một bộ phim như 578 phát đạn của kẻ điên chỉ đem về hơn 3 tỷ đồng, mặc cho mức kinh phí được công bố lên tới 60 tỷ đồng.
Tháng 6: Thông qua Luật điện ảnh (sửa đổi)
Chiều 15/6/2022, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật điện ảnh (sửa đổi) với 467 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 93,78%), trong đó có 449 đại biểu tán thành (chiếm 90,16%), có 14 đại biểu không tán thành (chiếm 2,81%) và 4 đại biểu không biểu quyết (chiếm 0,80%). Luật có 8 chương, với 48 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
|
Luật điện ảnh sửa đổi cũng duy trì quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật điện ảnh nhằm đảm bảo tính khả thi và đảm bảo quy định về nguồn thu của quỹ.
Bên cạnh thông qua Luật điện ảnh (sửa đổi), tháng 6 cũng chứng kiến sự thành công của bộ phim Em và Trịnh cũng như đơn vị sản xuất Galaxy Studio. Bộ phim không chỉ mang về doanh thu cao nhất năm 2022 tính tới thời điểm này: gần 100 tỷ đồng, mà còn đem đến cú nổ lớn về mặt truyền thông, khi những chủ đề liên quan tới bộ phim liên tục “nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Em và Trịnh cũng vướng phải luồng tranh cãi không nhỏ, nhất là câu chuyện làm phim tiểu sử dựa trên nhân vật có thật.
Tháng 7: Phim Việt thất thế
|
Khi mùa phim bom tấn Hollywood ập đến, phim Việt rơi vào cảnh thất thế là điều có thể nhìn thấy trước. Hai bom tấn Thor: Love & Thunder và Minions: The Rise of Gru đã tạo nên sức công phá “khủng khiếp” trong tất cả các rạp chiếu trên cả nước. Chỉ có một phim Việt duy nhất ra mắt là Kẻ đào mồ của đạo diễn Công Hậu, nhưng doanh thu hơn 500 triệu đồng đã phần nào phản ánh được chất lượng chưa tới của bộ phim này.
Tháng 8: Cuộc thi Màn ảnh Xanh tìm thấy người chiến thắng
|
Màn ảnh Xanh Việt Nam: Đường đến phát triển bền vững – cuộc thi làm phim đầy ý nghĩa với thông điệp bảo vệ môi trường do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) bắt tay Tập đoàn Netflix tổ chức, đã tìm thấy chủ nhân của giải thưởng cao nhất.
Vượt qua nhiều ứng cử, phim tài liệu Bám rễ của tác giả Mai Đình Khôi đã xuất sắc giành giải nhất trị giá 100 triệu đồng. Bám rễ là phim tài liệu ngắn dài hơn 10 phút kể chuyện những người phụ nữ ở Thụy Hải (Thái Thụy, Thái Bình) trồng xuống những thân mầm bần, sú vẹt trên bãi bồi ngập mặn trong màn đêm.
Tháng 9: Giải thưởng Cánh diều 2021 tổ chức thành công tốt đẹp
|
Dù khá muộn, tới tận tháng 9/2022 mới trao giải cho năm 2021 nhưng với lần đầu tiên “bay” ở Thành phố biển Nha Trang, Giải thưởng Cánh diều 2021 của Hội Điện ảnh Việt Nam đã được tổ chức thành công, mang tới dư âm đẹp trong lòng nghệ sĩ, người yêu điện ảnh cũng như người dân tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh thành công về mặt tổ chức, Giải thưởng Cánh diều 2021 cũng tìm được chủ nhân xứng đáng với ngôi vị cao nhất hạng mục phim truyện Điện ảnh thuộc về bộ phim Đêm tối rực rỡ! của đạo diễn Aaron Toronto. Trong khi đó ở hạng mục truyền hình, bộ phim xuất sắc nhất thuộc về Thương ngày nắng về do VFC sản xuất.
Tháng 10: “Cùng nhau đi” để ngành hoạt hình phát triển
|
VFDA tiếp tục có những đóng góp to lớn khi tổ chức Tọa đàm: “Phim Hoạt hình Việt Nam – Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế”, với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều các chuyện gia, các nhà sáng lập, đại diện của các công ty, doanh nghiệp, hoạt hình trong cả nước như: Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam, DeeDee Animation Studio, Colory Animation hay Sconnect Việt Nam…
Tọa đàm đã góp phần đưa ra những tiềm năng trông thấy, cũng như những hạn chế cản trở ngành hoạt hình Việt Nam có bước thăng tiến. TS. Ngô Phương Lan – Chủ tịch VFDA phát biểu trong tọa đàm: “Bây giờ là lúc chúng ta không đòi hỏi mà phải cùng nhau đi. Tất cả chính sách cơ chế, hỗ trợ chỉ là mang tính chất biểu tượng, còn thiết thực là việc chúng ta vẫn phải làm”.
Tháng 11: “Tiệc phim” Haniff trở lại
|
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (Haniff) lần thứ VI với khẩu hiệu “Điện ảnh – Nhân văn, Thích ứng và Phát triển” trở lại với khán giả Hà Nội sau 2 năm đại dịch. Khán giả có dịp được thưởng thức 11 bộ phim dài, 20 phim ngắn dự thi; 7 phim trong Chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc; 63 phim trong Chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới (Panorama) được trình chiếu trên các rạp toàn thành phố.
Tại Lễ trao giải, tác phẩm Paloma đến từ điện ảnh Brazil đã được vinh danh ở giải thưởng Phim truyện dài xuất sắc nhất. Trong khi đó, NSND Đặng Nhật Minh với bộ phim Hoa nhài -–nhận về giải thưởng Bộ phim có nội dung đóng góp cho sự nghiệp xây dựng phát triển của Thành phố Hà Nội.
Tháng 12: Màn “ngã ngựa” bất ngờ của Thanh Sói
|
Thanh Sói – bộ phim ăn theo Hai Phượng (2019) của đạo diễn Ngô Thanh Vân trình làng khán giả vào dịp cuối năm. Trong khi Hai Phượng từng lập thành tích 40 tỷ đồng sau 3 ngày công chiếu, thì Thanh Sói chỉ ra mắt với doanh thu 5 tỷ đồng.
Đó là chưa kể so với một phim khác ra cùng thời điểm như Đảo Độc Đắc - Tử mẫu Thiên linh cái (đạo diễn Lê Bình Giang), Thanh Sói có số lượng suất chiếu áp đảo hơn. Màn “ngã ngựa” này có thể là do Thanh Sói đụng phải “siêu bom tấn” Avatar 2 nhưng cũng không loại trừ đây là thời điểm niềm tin của khán giả với phim Việt gần như “chạm đáy”, khi có quá nhiều phim thảm họa trong năm nay như Cù Lao xác sống hay Huyền sử Vua Đinh.
|
Đầu tháng 12, bộ phim nặng tính nghệ thuật Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt, thu về gần 3,9 tỷ đồng – một con số cao đối với một phim độc lập, phần nào chứng tỏ khán giả Việt bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới những dòng phim khác ngoài giải trí.
Điện ảnh Việt 2022: Nhiều phim 'ngã ngựa' song vẫn không thiếu tác phẩm chất lượng hứa hẹn làm nên chuyện tại Ngôi Sao Xanh (TGĐA) - Trước tình thế Điện ảnh Việt đang “khát” phim trăm tỷ hơn bao ... |
Chờ đợi điện ảnh Việt 2022: 'Bữa tiệc’ thịnh soạn đa dạng! (TGĐA) - Khép lại năm 2021 có phần ảm đạm vì ảnh hưởng của dịch ... |
Quỳnh Anh