(TGĐA) - Điện ảnh chúng ta hiện như thế nào sau khi xã hội hóa cùng bộ luật điện ảnh ra đời năm 2006 và cùng song hành? Các nhà làm phim hiện nay mong muốn điều gì? TGĐA xin đóng vai trò diễn đàn chung, gửi tới bạn đọc ý kiến của những nhà làm điện ảnh hiện nay.
'Bằng chứng vô hình' tung bộ poster nhân vật nhuốm máu khiến khán giả nóng lòng chờ đợi | |
Trương Đình Hoàng - kẻ đối đầu đáng gờm của Peter Phạm trong 'Đỉnh mù sương' |
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Nhà nước cần vận động làm phim theo đề tài và xúc tiến phát triển quỹ điện ảnh
Vấn đề “nhà nước và nhân dân cùng làm” trong điện ảnh nghe thấy dễ mà lại khó. Nếu coi nguồn đầu tư nhà nước và tư nhân là bình đẳng thì sau khi hợp tác làm phim, cả hai phía phải “cùng bơi cùng chìm”. Đến nay dường như cơ chế này vẫn chưa được xây dựng đúng đắn nên việc tư nhân góp vốn cùng nguồn ngân sách để sản xuất một bộ phim đang bị ví như việc “chung voi với đức ông” mà “đức ông” ở đây là nhà nước. Chưa kể việc nhà nước rót vốn cho dự án nào đó thường căn cứ trên giá trị chính trị của nó mà không thực quan tâm đến khả năng doanh thu, nên nhà sản xuất phim tư nhân trở nên ngần ngại.
Theo tôi, chúng ta nên khuyến khích các nhà sản xuất tư nhân hưởng ứng các đợt vận động làm phim theo đề tài mà nhà nước khuyến khích. Phim nào đạt yêu cầu, nhà nước sẽ giúp họ hoàn vốn 100% hoặc theo tỷ lệ thích đáng nào đó. Như vậy đã đến lúc, một quỹ phát triển điện ảnh cần được hình thành ngay để cơ chế hỗ trợ điện ảnh có định hướng được vận hành đúng cách và công minh. Nhớ đó, tôi tin những bộ phim có hàm lượng văn hóa cao như Song Lang, hay Áo lụa Hà Đông sẽ ngày càng nhiều, thay vì những phim chiếu rạp bây giờ thường dựa trên kịch bản remake.
Không phải tôi không ủng hộ kịch bản remake mà điều đó đang chứng tỏ cho một thực trạng, các biên kịch trẻ ngày nay thường sung sức, nhưng lại thiếu trải nghiệm, thiếu kiến thức nên các ý tưởng của họ thường không đủ sức nặng về ý nghĩa nhân sinh. Riêng phim remake, dường như các phim đó không thực sự “nặng” như cách quan niệm của chúng ta nhưng để kể một câu chuyện có vẻ “như chơi” thế, cần một tầm suy nghĩ rất sâu sắc để có thể rút tỉa từ đời sống những chi tiết đắt giá, để có thể “biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có gì”, nhưng cái dường như “không có gì” đó sẽ thu hút khán giả bởi chính giá trị nhân sinh mà không cần tuyên ngôn.
Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang: Nhiều phim thiếu mất cái “hồn” của điện ảnh
Tôi cảm thấy khá mừng vì nhiều phim bây giờ được làm một cách khá chuẩn mực theo thể loại. Gần đây, tôi tâm đắc với sự tròn trịa của Hai Phượng, phim ra chất hành động đích thực và có tính chuyên nghiệp cao. Tôi lại không hài lòng với Mắt biếc, có thể nhiều người nghĩ Mắt biếc hay nhưng cá nhân tôi không cảm nhận được cái “hồn” của điện ảnh mà thay vào đó, chỉ là những cảnh “đèm đẹp”, diễn viên được ưu ái nhiều góc máy lung linh.
Nhưng cái chính là họ không toát ra sức mạnh nội tâm của nhân vật, biến bộ phim như một MV ca nhạc hay một thứ “phiên dịch” từ văn học ra hình ảnh. Đây cũng là điểm yếu của nhiều phim thị trường bây giờ.
Dĩ nhiên, so với thời của bọn tôi, nghề nghiệp của các bạn trẻ bây giờ có sự tiến bộ nhanh hơn nhờ phát triển khoa học kỹ thuật, họ được cọ sát, học hỏi ở nhiều môi trường mới, nhiều tính cạnh tranh hơn. Chỉ tiếc rằng về phần nội dung bên trong còn bị “yếu” và chỉ quanh quẩn có vài hướng đi.
Như ở TPD (Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh) - nơi được coi là một trong những môi trường học tập lý tưởng nhất hiện nay của giới trẻ yêu phim, các bạn đang tự bó buộc mình ở những chủ đề như phân biệt giới tính rồi tình dục, rất thiếu cái nhìn mới về hiện thực xã hội. Để khơi gợi cho người ta sự quan tâm sâu sắc về nhiều thực trạng khác ở xã hội hiện giờ, các bạn ngày nay chưa làm được điều đó.
Tôi cũng hiểu nếu đề tài mà “khoai” quá, làm phim cũng sẽ rất khó ăn khách, kể cả trên thế giới ở những nước có nền công nghiệp điện ảnh rất mạnh như Anh, Pháp, Mỹ cũng vậy thôi. Nhưng để phim nghệ thuật mang trong mình chất điện ảnh đích thực và có khán giả, nó không chỉ phụ thuộc vào cá nhân nghệ sĩ mà đó còn là trách nhiệm của cả một nền giáo dục, chúng ta phải đặt mục tiêu đào tạo, truyền bá làm sao để nâng cao dần thẩm mỹ từ người làm nghề cho tới khán giả.
Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn: Đề phòng hậu quả từ phim “thảm họa”
Khán giả bây giờ đủ thông minh để khước từ và nhận biết thế nào là phim “thảm họa”. Đó là những phim được đầu tư vội vàng, cách làm cẩu thả, dễ dãi với những tiếng cười “rẻ tiền”, lạm dụng yếu tố gây sốc, phần lớn là tình dục. Nhân vật thì ngô nghê, thiếu chiều sâu, làm cho ta cảm giác không được “thật”.
Chúng ta đều biết không có nhân vật “tệ” tồn tại trong một bộ phim hay và cũng không thể có một nhân vật “hay” trong một bộ phim tệ. Cái khó là nước nhà thiếu một đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp – cái cốt yếu ở một bộ phim. Chính điều này đòi hỏi đạo diễn phải có kiến thức văn học cùng tư duy hình ảnh phong phú để biến những ngôn ngữ văn tự kia thành ngôn ngữ điện ảnh.
Ngoài ra, nhân vật trong phim hay tới đâu cũng không thể phát huy tối đa ở một thế hệ diễn viên trình độ còn non nớt, không được đào tạo vững vàng và chỉ là lấn sân từ một lĩnh vực khác. Cách đây không lâu, NSƯT Nguyễn Chánh Tín vừa ra đi, anh ấy vừa đóng phim hay lại có vẻ đẹp đầy lãng tử. Vai Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Chánh Tín trong Ván bài lật ngửa mãi là hình tượng bất hủ của một tài tử màn bạc đích thực nhờ sức hút mạnh mẽ, đầy bản lĩnh cùng sự đa chiều ở cách thể hiện. Sự ra đi của NSƯT Nguyễn Chánh Tín là mất mát to lớn mà điện ảnh Việt rất lâu sau này sẽ rất khó để bù đắp.
Bên cạnh đó, đề tài các phim chiếu rạp đến 90% là dành cho khán giả từ 15 – 30 tuổi nhưng ở các liên hoan phim (LHP) lớn luôn thiếu vắng đối tượng này. LHP là nơi tôn vinh các tác phẩm, các nghệ sĩ, nhưng đó cũng phải là nơi giao lưu nghệ sĩ với với khán giả. Tại sao khán giả tới rạp, thích xem phim là không thể đến liên hoan phim? Hãy làm cách nào đó để LHP trở thành một ngày hội mà ở đó, từ đạo diễn, nhà biên kịch, diễn viên…có dịp lắng nghe khán giả muốn gì, thích gì nhất. Đó cũng là cách hiệu quả để ngăn ngừa phim “thảm họa”.
Quay phim, NSND Lý Thái Dũng: Không nên quá lạm dụng công nghệ, mô hình xã hội hóa đang có những dấu hiệu khởi sắc
Ngày nay, các bạn thường nghe tới cụm từ 4.0 và rõ ràng nó đang ảnh hưởng từ khâu đào tạo, phương thức sản xuất làm phim, phát hành trong điện ảnh. Nên là khi có cái gì đó mới thì thông thường sẽ được sử dụng rất nhiều và khó tránh khỏi lạm dụng.
Thành ra, tôi lại muốn nhấn mạnh rằng, những thứ đó mãi chỉ là hình thức, đi cùng với nó luôn phải là một nội dung, một câu chuyện được kể dưới năng lực của cả một tập thể. Do đó, công nghệ không có lỗi gì ở đây nếu phim bạn làm ra không hay. Ngày xưa có kiểu “phim mỳ ăn liền”, sản xuất trong thời gian ngắn, ít tốn kém để chúng ta có nhiều thời gian đầu tư vào câu chuyện. Ngày nay thì khác, sự hòa hợp giữa hình thức bên trong lẫn bên ngoài là quy luật tất yếu của điện ảnh nhưng với riêng điện ảnh nước ta phải cần thêm thời gian. Có nhà điện ảnh nổi tiếng từng nói rằng: “kịch bản, kịch bản và kịch bản”, chúng ta có tiền, có công nghệ nhưng lấy thứ gì để kể đây nếu không có một kịch bản hay?
Kịch bản hay ý tưởng quan trọng là thế, nên nó luôn cần mảnh đất để phát triển trong một cơ chế tốt. Ví dụ với dòng phim nhà nước thì cơ quan nhà nước chính là nhà sản xuất, các nhà làm phim vẫn luôn chờ đợi ở phía đó một cái nhìn thông thoáng, về định hướng tương lai hay chỉ cần dừng lại ở khâu kiểm duyệt. Nếu hòa hợp và giải quyết được tối đa những vấn đề tồn đọng thì chủ trương xã hội hóa vẫn luôn là hướng đi tốt vì đầu tư điện ảnh luôn gặp rất nhiều rủi ro. Bạn nghĩ mình phải làm phim kiểu này, kiểu nọ sẽ có lời nhưng chưa chắc đã thế đâu. Vậy còn gì tuyệt hơn khi các hãng tư nhân được nhà nước chia sẻ những rủi ro đó bằng nhiều cách như rót vốn, cung cấp thiết bị hay hỗ trợ phát hành?
Kể từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, gần đây nhất, chúng ta có Truyền thuyết về Quán Tiên – một phim cho thấy sự khởi sắc của mô hình xã hội hóa khi thu về lượng lớn khán giả trẻ tới làm tôi cảm thấy hết sức phấn khởi, tin vào sự khởi sắc.
Đạo diễn, NSƯT Lê Hoàng: Chúng ta vẫn còn quá ngại đột biến và táo bạo
Bạn cứ thử liệt kê danh sách thành phần ban giám khảo, rồi nhà phê bình của các LHP, giải thưởng điện ảnh Việt Nam trong khoảng 4, 5 năm trở lại đây xem sao. Tôi hết sức tôn trọng các anh chị đó, họ đều là người có thâm niên, đóng góp cho điện ảnh Việt nhiều tác phẩm, công trình để đời nhưng thử hỏi lần cuối họ làm phim là khi nào?
Tư duy điện ảnh thay đổi từng giờ, từng phút và tôi rất tiếc phải nói rằng, các anh chị đã là người của thế hệ cũ và liệu có nắm rõ được hết cách thức làm phim mới bây giờ? Chúng ta cần sự trẻ trung, mới lạ để không chỉ giải thưởng mà điện ảnh Việt không còn trở nên một màu và kém thu hút như hiện nay đối với các nhà phim trẻ. Ngoài ra, như giải thưởng Cánh diều theo tôi được biết cũng chỉ toàn giám khảo ngoài Bắc, bổ sung giám khảo trong Nam cũng là một cách để tăng tính hấp dẫn và đảm bảo công bằng hơn chăng?
Đợt hội thảo ở LHP Việt Nam lần thứ 21, cá nhân tôi có chút bất bình khi tham luận có tính thiết thực cao về kiểm duyệt phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lại không được đọc, phải nhờ báo chí đưa. Trong đó, anh ta có nói Thất sơn tâm linh bị biến thành không đầu không đuôi, chắp vá và quặt quẹo. Có lẽ, do yêu cầu không hợp thuần phong mỹ tục hay bài trừ mê tín dị đoan nhưng nếu không “mê tín dị đoan”, còn gì là ra đúng chất phim ma, phim kinh dị? Thế mới biết vẫn còn nhiều thứ quá mơ hồ, không rõ ràng.
Tại sao điện ảnh Thái đem phim kinh dị của họ xuất ngoại và nhận được nhiều yêu mến đến thế, là do các nhà làm phim nước họ được thoải mái sáng tạo và không phải dè dặt với nỗi lo kiểm duyệt gắt gao. Điện ảnh nước ta thực sự phải cân nhắc lại về vấn đề này. Còn ngại đột biến, còn ngại táo bạo, chúng ta sẽ dần mất đi nếu không muốn nói là “giết chết” thế hệ tương lai.
Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Nhà nước nên tìm mọi cách để giành lại mặt trận văn hóa
Các hãng phim nhà nước nay đã cổ phần, song cũng gặp nhiều khó khăn vì đã quen với việc được nhà nước bao cấp nên để “tự bơi” là rất khó. Các đạo diễn “công chức” chưa quen hòa nhập với thị trường và chưa nắm bắt được thị hiếu của khán giả về thể loại, đề tài và phong cách sáng tác... Trong khi lực lượng sáng tác của các hãng tư nhân, đa số được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, họ huy động được nhiều nguồn vốn, tạo được tính cạnh tranh trên phòng vé... Tuy vậy, dòng phim truyền thống mang tính nghệ thuật gần như rất ít hoặc làm không tới hay ngại làm, cần thiết phải có sự hỗ trợ của nhà nước
Có một thời, điện ảnh Việt đã vươn ra ngoài biên giới và đoạt nhiều giải quốc tế với thế hệ đạo diễn đầy kinh nghiệm và có tâm, đó chính là thời bao cấp. Tôi hoàn toàn không coi thường các tác giả trẻ hiện nay nhưng có lẽ, cơn lốc thị trường đang ngự trị trong các rạp và hệ thống phát hành, tài năng và giá trị của đạo diễn cùng diễn viên chỉ được đánh giá qua doanh thu phòng vé nên sự đầu tư và định hướng của nhà nước cho điện ảnh là rất cần thiết ngay từ bước chọn đề tài kịch bản, nhằm đầu tư đúng mực cho dòng phim nghệ thuật có thể đồng hành với dòng phim thị trường một cách hài hòa.
Để khuyến khích những bộ phim điện ảnh mang tính nghệ thuật, theo tôi nhà nước cũng nên tài trợ một phần cho những kịch bản tốt dù là hãng phim tư nhân hay nhà nước, kể cả những nhà sản xuất độc lập, việc này nên giao cho Cục Điện ảnh tổ chức thẩm định trước khi trình nhà nước.
Riêng về vấn đề nhập phim cùng các điều kiện sản xuất phim nước ngoài, tôi nghĩ không học đâu xa, hãy học từ điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện nay, phát hành phim Việt đang là 90% đã thuộc về tư nhân và nước ngoài, nên việc thao túng thị trường phát hành phim là đương nhiên khi họ nắm phần lớn hệ thống rạp toàn quốc. Có thể nói “mạnh vì gạo bạo vì tiền”, nếu không nắm được phát hành thì nhà nước coi như bỏ trống một lĩnh vực rất đáng kể trên mặt trận văn hóa cũng như kinh tế thị trường, thậm chí có thể mất dần bản sắc văn hóa Việt sau này.
(Còn tiếp)
Với các đơn vị phát hành phim như Galaxy hay BHD hiện nay, điều họ muốn là một thị trường bình đẳng, ưu đãi về thuế, tài chính, đất đai hay một hội đồng duyệt phim kiểu mới. Trích từ tham luận góp ý, đề nghị xây dựng Luật điện ảnh sửa đổi vào năm 2019, nhà sản xuất BHD nhận thấy phải có biện pháp để hạn chế tình trạng doanh nghiệp mạnh, có thị phần lớn (đa phần là doanh nghiệp nước ngoài) cố tình lợi dụng vị thế để chèn ép doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, BHD cũng nêu kiến nghị tỷ lệ ăn chia mà nhà phát hành và nhà sản xuất nhận được tối thiểu là 50% trong tuần đầu tiên để phim Việt không bị thu quá thấp so với Hollywood (60%), từ đó mới đảm bảo lợi nhuận tái đầu tư sản xuất. Phía Galaxy đưa ra bất cập về phân loại độ tuổi tới rạp. Mức phân loại PG (Cha mẹ hướng dẫn cho trẻ khi xem) phổ biến trên thế giới nhưng còn mơ hồ ở Việt Nam. Một số phim liên quan tới chính trị chưa có quy định rõ xem mức độ nhạy cảm ra sao. Thế cho nên, cần thành lập một hội đồng duyệt phim chuyên biệt, không kiêm nhiệm như hiện nay hoặc phân chia theo tỉnh, thành phố lớn, giống mô hình các nước trên thế giới… |
'Bằng chứng vô hình' tung bộ poster nhân vật nhuốm máu khiến khán giả nóng lòng chờ đợi | |
Trương Đình Hoàng - kẻ đối đầu đáng gờm của Peter Phạm trong 'Đỉnh mù sương' |
PV