(TGĐA) - Thực trạng điện ảnh Việt Nam thật là buồn. Từ khi xã hội hoá điện ảnh, chúng ta chỉ có hai loại phim: Phim tuyên truyền và phim giải trí. Phim tuyên truyền lấy kinh phí từ Nhà nước. Phim giải trí lấy kinh phí từ tư nhân. Hỏi sao không có Quỹ điện ảnh? Một số người trong ngành trả lời, Bộ Tài chính không cho. Hỏi tiếp, tại sao Bộ Tài chính không cho? Câu trả lời: Họ muốn giữ độc quyền cấp kinh phí cho phim.
|
Độc quyền thì có nhiều quyền.
Trong khi đó, trên thế giới, có hàng ngàn loại Quỹ điện ảnh. Các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ… đều có rất nhiều Quỹ điện ảnh. Mỗi loại Quỹ đều có mục đích và tiêu chí riêng.
Tại sao có nhiều Quỹ điện ảnh?
Khác với nhiều loại hình nghệ thuật, điện ảnh là nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh. Không như viết văn, chỉ một người làm, điện ảnh là công việc sáng tạo tập thể. Để làm một bộ phim, những người làm điện ảnh cần được hỗ trợ để sáng tạo. Họ cần nhận được sự giúp đỡ ban đầu về tài chính, những thiết bị chuyên môn phù hợp cũng như hệ thống phân phối cho phép họ tiếp cận nhiều thị trường, nhiều đối tượng.
|
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho bộ phim thường khó hơn việc làm phim. Bao nhiêu thủ tục giấy tờ, bao cửa ải khó có thể vượt qua. Tìm kiếm người đại diện, nhà sản xuất hoặc những “Mạnh Thường Quân” xuất hiện, cung cấp cho người kể chuyện số tiền cần thiết… khiến nhiều người muốn làm phim chán nản, nhụt ý chí, mất tinh thần… Bao nhiêu tài năng tiềm ẩn của điện ảnh đã bị chết một cách oan uổng.
Vì vậy, cần những Quỹ điện ảnh ra đời.
Những Quỹ này hỗ trợ các ý tưởng, cá nhân và tổ chức… để giảm bớt sự bất bình đẳng thông qua việc làm phim và các nền tảng truyền thông. Những Quỹ điện ảnh sẽ tăng cường nguồn lực tài chính, giúp các nhà làm phim thực hiện ý tưởng sáng tạo, kết nối những người kể chuyện với những thiết bị cần thiết để hoàn thành công việc của mình, đồng thời truyền đi những thông điệp của họ và mở rộng các dự án của họ.
|
Những Quỹ điện ảnh có vai trò làm điểm tựa, truyền cảm hứng cho những nhà làm phim kiên trì và sáng tạo. Những câu chuyện mạnh mẽ sẽ mở rộng cơ hội cho nhiều người tham gia. Khi điện ảnh trở thành một loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng và cộng đồng, nó sẽ khẳng định vai trò trung tâm của các chiến lược văn hoá trong quá trình chuyển đổi xã hội. Những bộ phim tương lai sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến ý thức cộng đồng, vì một xã hội tốt lành.
Trên thế giới, có nhiều loại Quỹ điện ảnh. Ngoài kinh phí của Nhà nước trong việc bán sổ xố hay bán vé, các Quỹ điện ảnh khác thường tài trợ cho các Dự án làm phim theo thể loại, đề tài… Có Quỹ tài trợ cho phim tài liệu. Quỹ tài trợ cho phim ngắn. Quỹ dành cho phim truyền hình. Quỹ dành cho phim về đề tài phụ nữ. Quỹ dành cho phim sinh viên. Quỹ dành cho phim truyện đầu tay. Quỹ dành cho các nhà làm phim thuộc nhóm thiểu số. Quỹ tài trợ cho việc viết kịch bản. Quỹ tài trợ cho công tác hậu kỳ… Tất cả cùng hoạt động sôi nổi và công khai, minh bạch. Vì vậy, ở các cường quốc điện ảnh như Mỹ, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc… không bao giờ thiếu các tài năng điện ảnh.
|
Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi 2021 tiếp tục đưa vào văn bản ở Mục 2, điều 45, 46, 47 nhấn mạnh việc Thành lập, Mục đích và Nguyên tắc hoạt động của Quỹ điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài lo ngại “dậm chân tại chỗ” khi việc thành lập Quỹ vẫn không được thực thi dù đã được Luật hóa từ năm 2006 thì những quy định về nguồn vốn, cách thức hoạt động, đầu tư… cũng có nhiều vướng mắc khi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nghệ sỹ cũng như nhiều nhà quản lý điện ảnh. |
Cùng công việc làm phim, nhưng các nhà làm phim quốc tế thường nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của nhiều tổ chức, dưới nhiều hình thức. Ngoài những khoản hỗ trợ như đã nêu trên, họ còn nhận được nhiều khoản kinh phí khác. Chẳng hạn, ở Mỹ hay Canada, những nhà làm phim con được ưu đãi thuế. Việc ưu đãi này thể hiện qua những việc cụ thể như giảm giá thuê bối cảnh, nơi ở, giúp quảng bá phim… Một cách nữa là giúp các nhà làm phim bán trước phim của mình. Bán quyền phân phối phim cho các thị trường thích hợp. Hoặc nhóm làm phim có thể huy động gây quỹ cộng đồng bằng cách quảng cáo, giới thiệu thành phần đoàn phim. Nhiều Dự án lúc đầu có kinh phí nhỏ, nhưng nhờ cách này, đã có đủ nguồn tài chính. Một số nhà làm phim có kinh nghiệm còn có thể kêu gọi các hãng quảng cáo sản phẩm của họ trong phim để tài trợ cho phim. Song cách này cũng cần thể hiện tế nhị, tránh gây phản cảm cho người xem. Qua những cách hỗ trợ trên, chúng ta nhận thấy, việc làm phim, dù có gọi là đầu tư mạo hiểm hay độ rủi ro cao đến đâu, nếu biết thực hiện hợp lý, bộ phim sẽ là thành quả của mỗi người, của từng bộ phận và của cả cộng đồng.
Cơ hội học điện ảnh miễn phí cùng nhiều đạo diễn, biên kịch tên tuổi nổi tiếng thế giới (TGĐA) - BHD và Giải thưởng Hàn lâm Điện ảnh châu Á (AAA) giới thiệu ... |
Làm thế nào để điện ảnh Việt trở thành nền công nghiệp phát triển bền vững và có tính cạnh tranh? (TGĐA) - Trong bối cảnh Việt Nam cần nhiều kinh nghiệm để xây dựng nền ... |
Đoàn Tuấn