(TGĐA) - Mặc dù phim Em và Trịnh đang nhận nhiều tranh cãi trái chiều giữa góc nhìn của khán giả và góc nhìn chủ quan của đạo diễn. Song một thực tế phim Em và Trịnh đang có doanh thu tăng liên tục mỗi ngày, không hề phân biệt ngày thường hay cuối tuần. Tạp chí Thế giới điện ảnh xin đăng tải bài viết chia sẻ một góc nhìn tích cực của người xem về bộ phim này.
'Em và Trịnh' mở thêm suất chiếu lúc 0 giờ vẫn đông khách, khán giả Thủ đô đội mưa đến xem | |
'Em và Trịnh': Sống lại cuộc đời của vị nhạc sĩ tài hoa |
Trước sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, nhà phát hành không những kéo dài thời gian chiếu sớm và mở thêm suất chiếu khuya lúc 0 giờ. Đúng là hiện tượng lạ. Xin được chia sẻ vài cảm nhận - một góc nhìn sau khi xem Em và Trịnh.
Hãy đừng mong phim là một phản ánh đúng với sự kiện lịch sử hoặc đúng với tiểu sử của các nhân vật. Bởi đây là phim âm nhạc và là một lát cắt các giai đoạn chính trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Quan trọng là chúng ta đón nhận câu chuyện với góc nhìn tổng quan về nhân vật này thế nào. Với tôi thì phim đã rất thành công khi gợi ra được câu chuyện về một nghệ sĩ đi qua nhiều giai đoạn của các thời cuộc lịch sử, mỗi thời cuộc đó anh đã có cách yêu khác nhau, chứ không nên đếm số lượng “dòng sông nhỏ” trôi qua đời anh.
Đối với các bạn trẻ, hoặc các anh chị có năm sinh sau năm 1980, sẽ khó có thể cảm nhận được trọn vẹn câu từ vì hoàn cảnh lịch sử ra đời của hầu hết ca khúc không phải là thời điểm họ sinh ra. Hãy nhẹ nhàng xem đây là một bộ phim âm nhạc. Và bản chất của âm nhạc là giai điệu, thì hãy cảm nhận giai điệu. Với bộ phim âm nhạc thì giai điệu đó có thêm hình ảnh của ngôn ngữ điện ảnh, hãy đón nhận nó vào thời điểm khi mà cả âm nhạc, hình ảnh và tình huống được biên kịch đặt ra được vang lên và hoà vào nhau.
Tôi xem phim một cách nhẹ nhàng theo một thói quen đánh giá tổng thể, không câu nệ vào chi tiết vì cảm thấy đạo diễn Phan Gia Nhật Linh là người có cách làm phim âm nhạc vô cùng tốt. Đã từ lâu từng ngưỡng mộ anh ở Bếp hát thì với Em và Trịnh, anh cũng đã là người không kể về lịch sử, không kể về Trịnh Công Sơn và các nàng thơ thông qua sự kiện, mà chủ đích kể về những giai đoạn âm nhạc khác nhau, từ đó người xem có thể tự giải đáp cho mình về Trịnh và các thời cuộc mà anh phải đi qua.
Thật hiếm có nhạc sĩ nào đi qua nhiều giai đoạn lịch sử như vậy, và đó là điều mà phim đã giúp chúng ta hiểu hơn về nhạc Trịnh ở ngôn ngữ điện ảnh. Đừng xem chỉ ở góc độ hình ảnh, diễn viên đẹp hay góc máy không, mà hãy đón nhận tổng thể, luôn luôn nên là tổng thể.
5 nhân vật “nàng thơ” xuất hiện trong phim là không đủ cho số lượng người tình mà chúng ta được báo chí nói về. Nhưng điều đó không có gì là quan trọng cả. Tôi không xem để tìm tòi các drama của bậc tiền bối, chỉ biết rằng Trịnh Công Sơn quả là người nhẹ nhàng thơ thẩn, và anh cũng đã phải đối diện khó khăn với những thay đổi lịch sử, nhiều lần, chứ không chỉ là việc các nàng thơ từ bỏ anh ra đi nhiều lần.
Diễm - crush đầu đời, khi anh còn quá trẻ. Lúng túng, không chủ động mà phải giải bày gián tiếp qua nhạc và qua cả người khác.
Ánh - khi anh đã chủ động hơn nhưng còn mơ mộng nhiều hứa hẹn về cuộc tình trọn vẹn như bao người khác. Nhưng số phận nghệ sĩ đã không cho phép điều đó.
Khánh Ly - khi người mơ mộng phải đối diện với quan điểm lịch sử, với chiến tranh, không thể ngồi yên mà phải hành động.
Michiko - khi anh đã có được “hòa bình”, cô là đại diện cho giai đoạn hội nhập, giao lưu văn hóa, nhưng bản thân anh cũng không thể quên đi được quá khứ, nỗi buồn và hồi ức day dứt chưa nguôi.
Hồng Nhung - xuất hiện cuối phim - là bóng hồng âm nhạc vào giai đoạn đổi mới! Và không gì hay hơn khi cô chính là đại diện cho việc hoà hợp thống nhất hai miền. Âm nhạc vang lên full band rực rỡ, ý nhị vậy thôi mong chờ gì nữa?
Nếu nhìn nhận thoáng như vậy, thì chúng ta sẽ không cần phải tìm hiểu cụ thể về ai cả. Và chỉ để cho cảm xúc nhẹ nhàng trôi cùng phim.
Đừng mong phim có drama, vì màu sắc của nhạc sĩ là vậy, phim đã phản ánh đúng bản chất chính. Anh nhẹ nhàng và diễn đạt trong sáng tác cũng vậy: lời ca thơ thẩn, giai điệu đơn giản, không bác học. Và nên nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vốn là cung Song Ngư.
Thích nhất giai đoạn Khánh Ly khi anh đi tìm một người “có thể hát nỗi đau một cách bình thản”, và Khánh Ly cả ngoài đời lẫn trong phim đều bình thản như vậy, dù bên trong họ là cả những cuộn trào nỗi đau, thời chiến - thời khó khăn, ai cũng mất mát, ở tất cả các chiến tuyến. Và sự diễn đạt nghệ thuật một cách bình thản đó sẽ khó khăn hơn nhiều lần so với những biểu hiện đớn đau ra bên ngoài của nhân vật.
Ngoài âm nhạc làm quá tốt, do nhạc sĩ Đức Trí làm giám đốc, điều mà chúng ta cần yên tâm là dàn diễn viên gần như đều diễn tốt. Nếu như không trông ngóng drama.
Với tôi thì các nàng thơ đều diễn đạt. Từ sự nổi loạn ngầm của Diễm, trong sáng quả quyết của Ánh, điềm tĩnh sắc bén của Khánh Ly, chân thành hâm mộ của Michiko… các diễn viên đều đã thật tròn vai, đều dễ chịu. Diễn viên Trần Lực có sức hút rất mạnh, nhiều khoảnh khắc có cảm tưởng anh sống độc lập với những gì người ta mường tượng về Trịnh Công Sơn, anh cũng không lấy cái thời cuộc của riêng mình mà đưa vào diễn xuất. Diễn xúc động, nhiều màu sắc và điềm tĩnh. Bùi Lan Hương tự tin cả về diễn xuất lẫn âm nhạc, do là người có ngôn ngữ âm nhạc vốn có bên trong rồi, việc bộc phát ra rất tự nhiên. Riêng về Trịnh Công Sơn thời trẻ, thì chưa thuyết phục lắm, vì Avin Lu vẫn còn khá ít nội lực, không khác gì với phim âm nhạc trước đó trong Cơn mưa Sài Gòn, hoặc cũng có thể anh đã rất cố gắng làm mới, nhưng do dàn diễn viên nữ và diễn viên Trần Lực đã lấn át hết phần. Cho dù những góc quay đầy ngôn ngữ điện ảnh đều được đầu tư hoành tráng hơn khi mỗi lần Avin Lu xuất hiện.
'Em và Trịnh' mở thêm suất chiếu lúc 0 giờ vẫn đông khách, khán giả Thủ đô đội mưa đến xem (TGĐA) - Các rạp đồng loạt mở thêm suất chiếu khuya của bộ phim Em ... |
'Em và Trịnh': Sống lại cuộc đời của vị nhạc sĩ tài hoa (TGĐA) - Nhân dịp 21 năm ngày giỗ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ... |
Minh Đức