Gặp lại 'Người tình' của Jean Jacques Annaud

(TGĐA) - Bộ phim Người tình gần như nằm ở giao điểm của những mâu thuẫn trong sự nghiệp của Jean Jacques Annaud.

gap lai nguoi tinh cua jean jacques annaud Lương Gia Huy được trao giải Thành tựu trọn đời ngôi sao châu Á - LHP điện ảnh châu Á New York
gap lai nguoi tinh cua jean jacques annaud Tự hào Việt Nam mình đẹp đến thế này trong những thước phim nước ngoài!

Là nhà điện ảnh nổi tiếng với tham vọng và chất lượng các hình ảnh của mình, lần này ông lao vào việc chuyển thể một cuốn sách tâm tình, một tác phẩm bán rất chạy chứa đầy những kỷ niệm và cảm xúc riêng tư, cần phải được thể hiện sao cho đa số công chúng có thể hiểu được. Là người chứng kiến nhiều biến động của thế giới, lần này Annaud lại muốn thu hẹp phạm vi để khắc họa chân dung một thiếu nữ khám phá tình dục. Là một đạo diễn thường tiết kiệm từ (Con gấuCuộc chiến của lửa có thể bắt gặp trên toàn thế giới mà không cần phải thêm phụ đề), ông chìm đắm hoàn toàn vào áng văn xuôi đầy chất thơ của Marguerite Duras và lấy ra những câu văn trọn vẹn mà ông lồng vào trong lời kể thuyết minh của bộ phim. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, ông sử dụng một kiệt tác của văn học Pháp để tạo ra một bộ phim tiếng Anh…

gap lai nguoi tinh cua jean jacques annaud
Hình ảnh kinh điển trong phim Người tình

Thế nhưng bỏ qua tất cả những đặc trưng nổi trội này, bộ phim thuộc diện nằm ngoài mọi sự xếp hạng. Nhiều cách nhìn khác nhau không làm giảm bớt đi tính khác lạ cũng như sự quyến rũ. Một số người vào lúc thích hợp đã nói đến sự khiêu dâm trên giấy láng. Không phải là sai khi tiếp theo phim Con gấu, Annaud đã làm một bộ phim rất chau chuốt. Nhưng không cần thiết cứ phải tuân theo từ “giáo lý” nghe rất kêu, phải vác camera lên vai hay phải ưu tiên cho thoáng chút bề ngoài để làm nên “cái thật”. Ngược lại, cái khoảng cách mà phim Người tình đòi hỏi chính là một yếu tố cơ bản của sự đời thay đổi thường xuyên đang yêu cầu chúng ta chia sẻ cảm xúc của các nhân vật.

Phim Người tình ít nhiều đặc biệt vì nó là một bộ phim vừa ấn tượng vừa tâm tình. Làm thế nào để tìm ra sự cân bằng giữa hai khái niệm?

Jean-Jacques Annaud: Tôi muốn chuyển thể tác phẩm Người tình của Marguerite Duras vào ngày mà tôi nhận thấy mình không đủ khả năng nói được cho con gái 15 tuổi của mình về tình dục. Đó là một đề tài chưa bao giờ tôi đề cập và tôi muốn thoát khỏi địa hạt của những phim mình đã làm trước đó. Hơn nữa châu Á là một lục địa rất cuốn hút tôi và tôi rất khao khát được lưu lại đó để khám phá các bí mật. Thế mà tôi lại chỉ có thể thỏa mãn nỗi khao khát đó qua một bộ phim. Tôi đã kiên nhẫn chờ đợi cơ hội để làm điều đó. Tôi nhận thấy từ nhiều năm nay mình quan tâm rất cặn kẽ đến thế giới thuộc địa. Để đáp ứng nhu cầu bộ phim đầu tiên của mình có tên Thắng lợi ca hát, tôi đã thăm thú rất lâu ở Châu Phi đen và đã đọc rất nhiều tiểu thuyết thuộc địa. Do vậy đó là một thế giới quen thuộc đối với tôi. Tương tự, phim Người tình tập hợp mọi yếu tố cấu thành mà tôi cần để khám phá châu Á qua chủ nghĩa thực dân Pháp, bằng cách nói về tình dục.

Đó là một chủ nghĩa thực dân ngược đời mà chúng ta được chứng kiến, vì nhân vật cô gái thuộc về một gia đình da trắng nghèo khổ, trong khi người tình Trung Hoa lại đại diện cho một tầng lớp quý tộc nào đó…

Jean-Jacques Annaud: Tôi đã gặp trường hợp tương tự ở châu Phi. Tôi được biết ở Bắc Cameroon con cái các lãnh chúa địa phương không thể đến trường của trẻ con da trắng vì trường đó bị coi là của những người không ra gì. Nói chung, tôi tin rằng mình khá quen thuộc với “những tình cảm vùng nhiệt đới”. Sự ẩm ướt đến mức ngột ngạt và nó đưa đến những cách cư xử đặc trưng, tạo ra một thú nhục dục khác biệt.

Khi xem phim, người ta có cảm giác quy tắc xã hội rất gò bó. Về điểm này màn chiếu về bữa ăn là rất rõ ràng: mỗi người phải ở đúng vị trí của mình…

Jean-Jacques Annaud: Xã hội thực dân rất kinh khủng, nó hoàn toàn phân thứ bậc. Tôi tin rằng thậm chí không cần thiết phải nhấn mạnh vào mặt này để bộ phim mang tính chính trị. Về điểm này tôi muốn nói thêm là còn một lý do khác nữa đã thúc đẩy tôi làm bộ phim, mà tôi chỉ ý thức được sau khi bộ phim được quay xong. Người bạn thân nhất thời trẻ của tôi là một chàng trai lẽ ra đã trở thành vua Campuchia. Bố anh ta là đại sứ, đã từ bỏ ngôi vị của mình vì tình yêu với một phụ nữ da trắng, là mẹ của bạn tôi. Thế rồi ông ta bị ám sát. Bạn tôi trở nên mồ côi. Anh ta rất hay đến nhà tôi, và tất nhiên hay nói về đất nước mình. Khi tìm nhân vật người tình, tôi muốn tìm được một người đàn ông cao lớn với nước da sáng và mũi thẳng, mà thật ra không biết vì sao. Cho đến ngày tôi gặp Tony Leung, giống bạn tôi như hai giọt nước. Nhưng chỉ rất lâu sau đó, khi xem lại các bức ảnh, thì tôi mới quyết định và tôi hiểu rằng mình đã có một sự hòa trộn rất khôn ngoan giữa nhân vật trong thời trẻ của tôi và nhân vật trong cuốn sách của Duras. Chính con người đó khiến tôi vẫn nghĩ đến một cách vô thức khi tìm kiếm ai đó đẹp đẽ và có hạng. Tôi cũng sử dụng cả mối thất vọng và khó chịu của anh ta khi ở Paris suốt ngày bị coi là người Tàu, trong khi mình lại là hoàng tử Campuchia. Anh ta cảm thấy mình bị miệt thị khi nhớ về kỷ niệm thời thơ ấu, lúc mình đến lớp trên lưng hổ hoặc voi. Chính cảm đó nuôi dưỡng chiều hướng tìm kiếm diễn viên của tôi. Bản thân tôi cũng xuất thân từ một tầng lớp sống dễ chịu nhưng khiêm nhường. Tôi nhớ lại những suy nghĩ về vị trí của mình trong xã hội: tôi luôn có tư tưởng là các khách sạn và nhà hàng lớn không dành cho mình. Cảm giác không thuộc về thế giới đó làm cho tôi có nhiều cảm tình đối với nhân vật. Cuốn sách này đã được giới thiệu vào một thời điểm rất thích hợp, với mọi yếu tố hợp nhất. Và để xét đến nỗi đam mê của tôi với châu Á mà tôi muốn bộ phim này thật ẩm ướt. Tôi đã đặt các máy xịt hơi lên các bức tường, cho các mảng nước chảy ròng ròng, phun nước lên cây cối. Khi ta biết châu Á, ta sẽ biết được cảm giác ngủ khỏa thân dưới một cái quạt là như thế nào. Và cảm giác đó là cần thiết để chuyển tải những gì tôi cảm thấy khi khám phá cuốn sách.

gap lai nguoi tinh cua jean jacques annaud

Toàn bộ tác phẩm của Duras là về các cảm giác. Tôi có cảm tưởng hơn cả châu Á, điều bà mô tả là một cái nhìn về châu Á của riêng mình. Cảm xúc của bà hình thành như một cái lọc giữa hiện thực và ý tưởng mà ta có thể có về châu Á

Jean-Jacques Annaud: Đúng là cuốn sách là một dạng bưu thiếp, được ướp hương và tô màu. Khi Duras mô tả về sông nước Mekong, đầy những con trâu bất động và bèo trôi dạt, thì chẳng có gì là trong trắng cả, mùi vị ngay lập tức bốc lên. Tôi có những hình ảnh về châu Á, những kỷ niệm về khung cảnh ở đó hoàn toàn mới lạ mà tôi muốn chia sẻ và đã tìm thấy trong cuốn sách. Thế nhưng đó lại là một cuốn sách về ký ức. Điều này giải thích tại sao đây không phải là một thực tế hoàn toàn đúng đắn, mà là một bằng chứng đã được tô điểm, đã được biến đổi, tạo ra phần tốt đẹp trong một vài khía cạnh của cuộc sống trong vùng. Tôi muốn nói rằng Duras đã dựng cuốn sách của mình trên kết cấu của châu Á, hay trên âm hưởng của nó. Theo tôi, sẽ là lý tưởng nếu làm bộ phim này bằng mùi vị. Người ta sẽ có thể cảm nhận được hỗn hợp của mùi thịt nướng, mùi thối rữa và hương hoa, tất cả cuối cùng tạo nên ham muốn tình dục.

Người ta nói về sự cân bằng giữa công khai và riêng tư, nhưng còn có một sự cân bằng khác tuyệt đối phải tôn trọng, đó là giữa hình ảnh và lời văn. Dù đúng hay sai, ông đã được nhận dạng là thuộc về một trào lưu điện ảnh tất cả bằng hình ảnh. Thế nhưng đây là lần đầu tiên phim của ông gợi ý nhiều hơn là bộc lộ…

Jean-Jacques Annaud: Tôi tin cái này không ngăn cản cái khác. Đúng là tôi vẫn được coi như một người làm ra hình ảnh. Nhưng nhân dịp này, tôi muốn nói rằng ngôn từ đối với tôi là đối tượng của đam mê. Đến mức tôi dự định làm một quyển từ điển…

Tôi đam mê từ nguyên học và có những kỷ niệm khá rõ nét về thời kỳ mình học tiếng Latin và Hy Lạp. Còn văn học thì vẫn luôn là một trong những thú vui lớn nhất trong cuộc sống. Có lẽ bởi vì nó chứa đựng sự trừu tượng. Tiến trình điện ảnh bắt buộc người ta khi muốn chuyển tải một tư tưởng thì phải thông qua một ví dụ. Người ta chỉ đạt đến tư tưởng thông qua một tình huống. Điều làm tôi say mê trong văn học, đó là việc người ta sử dụng chất trừu tượng của khái niệm, sự thuần khiết tuyệt đối, sự nhẹ nhàng của nó. Trong điện ảnh, tiến trình là ngược lại: người ta bắt đầu bằng sự trừu tượng mà tư tưởng chứa đựng để đạt được mạch kể chuyện bằng sự kiện. Vì vậy hạnh phúc đôi khi lại là ở chỗ rút ra khỏi hình ảnh để nghe thấy âm nhạc của ngôn từ và như vậy là rút ra khỏi cái cụ thể có tính áp chế. Điều đó giải thích những đoạn có giọng nói nền (ta nghe thấy giọng thuyết minh của Jeanne Moreau) được thêm vào để tạo khoảng cách và dáng vẻ văn học. Vì những từ ngữ đó được thể hiện trên các trang viết, lẽ ra không nên đưa vào các lời thoại. Giọng thuyết minh cũng tạo ra niềm luyến tiếc. Vì mỗi khi có giọng thuyết minh tức là có kỷ niệm.

Tôi vô cùng thích truyện Tên của hoa hồng, mà tôi đã đọc cả trăm lần trước khi chuyển thể thành phim. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy niềm thích thú ngôn từ mạnh như với Duras. Tôi mong muốn được nghe lại những từ đó và xây dựng nên những hình ảnh để tôn giá trị cho chúng.

Đôi khi từ ngữ lại nói lên điều trái ngược với nội dung nó bộc lộ. Như khi cô gái nói với người tình là cô chỉ đến với anh ta vì tiền.

gap lai nguoi tinh cua jean jacques annaud
Người tình có nhiều cảnh nóng táo bạo giữa Jane March và Lương Gia Huy.

Jean-Jacques Annaud: Điều làm cho điện ảnh hấp dẫn, đó là tạo ra âm vực khác nhau để diễn tả những mâu thuẫn tình cảm. Thú vị biết bao khi ta tạo ra một hình ảnh vui tươi trên nền nhạc buồn hoặc ngược lại… Hay khi ta nghe ai đó khẳng định rằng mình rất vui trong khi lại cảm thấy không hề như vậy…Trong bộ phim này quả thật đã nhiều lần tôi tạo các sắc thái theo cách đó.

Khi Marguerite Duras không viết nữa thì bà làm phim. Thế nhưng điều ít nhất ta có thể nói là phim của bà chứa đầy khuynh hướng tối thiểu hóa, một cách từ chối nào đó đối với những cái gây ấn tượng. Đã bao giờ ông đặt câu hỏi theo hướng nào bà có thể tiến lên nếu bà làm phim?

Jean-Jacques Annaud: Đó là một câu hỏi mà tôi không muốn đặt ra. Mà tôi cũng không muốn tự hỏi mình điều đó. Vì công việc của người làm điện ảnh, đó là chỉ ra rõ hơn cái mà bản thân mình cảm thấy hoặc hiểu được. Người tình là một bộ phim dựa trên tiểu thuyết của Duras, nhưng nó không thể không là sự phản ánh đối với những gì tôi cảm nhận khi tiếp xúc với cuộc sống, hoặc đối với những gì tôi hiểu về hứng tình dục của một người con gái khi tiếp xúc với một người con trai lớn tuổi hơn. Vì thế tôi quay cái gì là hoàn toàn theo sở thích của tôi, nó phụ thuộc vào điều tôi cảm nhận. Nhưng nó nhất thiết phải thành thật với nguyên bản. Tôi không nói là mình đã trung thành với cuốn tiểu thuyết, nhưng dám chắc là mình đã trung thành theo cách mà mình cảm nhận.

Không vì thế mà Druillet vẽ Lucky Luke, ông lại không biến nhân vật này thành của mình bằng cách thay đổi hoàn toàn con người và tinh thần trong loạt phim. Tương tự mối quan hệ mà Duras duy trì với các hình ảnh và ngôn từ chỉ giống rất ít với bộ phim mà ông thực hiện…

Jean-Jacques Annaud: Rõ ràng, nếu là Duras, bà sẽ làm một bộ phim rất khác và hẳn sẽ là thành công. Nhưng lại một lần nữa vấn đề này không đặt ra…

Ông có nhạy cảm đối với các bộ phim của bà không?

Jean-Jacques Annaud: Thành thật mà nói thì không. Nhưng đó là điều kiện điện ảnh làm tôi thú vị, vả lại về mặt trí tuệ hơn là về mặt cảm xúc. Nó thuộc về dạng điện ảnh nghiên cứu, chỉ tồn tại bên lề nhưng có thể ảnh hưởng ra ngoài biên giới tự nhiên của mình. Không gì buồn hơn là một nền nghệ thuật thứ bảy bị đồng nhất hóa. Khi tôi đi xem phim, tôi muốn được lựa chọn. Tương tự tôi ít khi đến những hiệu sách quá chuyên môn hóa, tôi tâm niệm là điện ảnh phải tiếp tục tồn tại trong tính đa dạng của mình. Thế nhưng ngày nay thì lại không thật sự như vậy…

Ông đã làm hai bộ phim Thắng lợi ca hát Cú đánh đầu được coi là khá kinh điển trong diện mạo điện ảnh Pháp. Thế rồi ông đã thay đổi chiều hướng, chuyển sang quay bằng tiếng Anh những bộ phim tỏ ra hướng tới một công chúng có tính quốc tế hơn. Đối với phim Người tình dựa theo một cuốn sách bán rất chạy của văn học Pháp, người ta có thể nghĩ là ông sắp quay trở lại với điện ảnh Pháp…

Jean-Jacques Annaud: Có lẽ thế, nhưng điều đó sẽ kéo theo việc tôi phải xa rời một số yếu tố khác của bộ phim mà tôi muốn làm. Mỗi bộ phim đều nằm ở trung tâm một số vận động mâu thuẫn nhau. Việc lựa chọn diễn viên chẳng hạn bao hàm những lựa chọn mà tôi đã thực hiện.

gap lai nguoi tinh cua jean jacques annaud
Cảnh trong phim Người tình

Ngoài ra, ngôn ngữ thật sự của bộ phim là ngôn ngữ của cơ thể. Liên quan đến những màn ở đó người ta thấy đôi tình nhân làm tình, làm sao để xác định được giới hạn mà vượt qua đó là bắt đầu cùa điều cấm kỵ?

Jean-Jacques Annaud: Đúng là phải chỉ ra thực tế của niềm đam mê xác thịt, phải tìm ra sự cân bằng chính xác giữa cái quá đáng và cái quá ít. Tất nhiên là sự cân bằng chính xác này là một khái niệm có hình thái biến đổi, phụ thuộc vào thời kỳ, địa điểm, độ nhạy cảm của người làm phim và câu chuyện mà anh ta kể lại. Các màn làm tình là những màn khó quay nhất, nhưng tất nhiên chúng ở trung tâm bộ phim. Tôi đã cố gắng trung thực nhất có thể bằng cách giữ cân bằng qua việc dựng hình một vài khía cạnh tương đối sống sượng. Nhưng tôi biết điều đó không thích hợp với tất cả: phim khiêu dâm là đồi trụy với người này và ngược lại với người khác. Điều làm tôi quan tâm trong trường hợp này là biểu đạt tình dục. Tôi chú ý đến việc người ta sẽ tìm thấy trên màn ảnh những chi tiết của một giây phút sau đó sẽ còn in sâu suốt đời trong ký ức: làn da mịn màng, những giọt mồ hôi, những cái nhìn…Tôi muốn rằng từ những cái ghì siết cơ thể của hai nhân vật chính, người ta thấy cách họ trao thân cho nhau, từ bỏ mọi ràng buộc. Vì vậy những màn “kích động” nhất giao động ở giữa tính cụ thể của những cái ghì siết và tính trừu tượng thuần túy nhất.

Bộ phim cũng như cuốn truyện, đã được viết theo ngôi thứ nhất. Điều này làm cho ông phải đi theo quan điểm của một phụ nữ…

Jean-Jacques Annaud: Tôi có hai con gái và vợ tôi cũng có một con gái từ lần hôn nhân đầu. Vì vậy, cuộc sống của tôi được bao quanh bằng phụ nữ và điều đó hoàn toàn phù hợp với tôi. Tôi thích ở gần phụ nữ và đánh giá cao cách họ nhìn nhận thế giới này. Tất cả điều đó để nói lên rằng không có vấn đề gì đặc biệt đối với tôi khi làm một bộ phim trong đó người phụ nữ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể. Ngược lại, thế giới thuần túy đàn ông, nhất là khi mang đầy tính máy móc, là xa lạ đối với tôi. Vả chăng có lẽ vì thế mà tôi làm phim Cú đánh đầu, đó là dịp để khám phá hậu trường của một đội bóng…

Người tình cũng là câu chuyện về việc học, ở đây là học về thú khoái cảm. Nhìn nhận kỹ hơn, sự khai tâm có lẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của ông, mà thoạt nhìn có vẻ không chuyên vào một cái gì…

Jean-Jacques Annaud: Nếu đúng vậy thì tôi rất mừng. Đối với tôi, việc học, sự hiểu biết thế giới và những người khác quanh ta chính là cái lớn nhất mà cuộc sống đem lại. Chúng ta sống trên trái đất này là để học, để luôn làm giàu cho chính bản thân mình từ sự hiện diện của những người khác. Và để làm điều đó điện ảnh là một phương tiện vô địch. Nó đã cho phép tôi đi khắp thế giới, gặp gỡ các dân tộc và các nền văn hóa cực kỳ khác nhau, nghiên cứu lịch sử, xã hội học, triết học…

Và làm như vậy có lẽ tôi đã cho phép công chúng chia sẻ với mình một số suy nghĩ, cảm giác, những hiểu biết hoặc trò vui…

gap lai nguoi tinh cua jean jacques annaud
Cảnh trong phim Người tình

Tự truyện Người tình (The Lovers/L’Amant) của Marguerite Duras đã được đạo diễn Jean Jacques Annaud đưa lên màn ảnh vào năm 1992 cùng sự tham gia của Jane March, Lương Gia Huy và Lisa Faulkner. Với 90% cảnh phim được quay tại miền quê Việt Nam, Người tình kể về câu chuyện tình bắt đầu từ cuộc gặp gỡ trên chuyến phà Vĩnh Long - Sa Đéc giữa thiếu nữ Pháp (Jane March thủ vai) với một người Hoa giàu có (Lương Gia Huy thủ vai). Phim như một lời tự kể bằng hình ảnh, trên nền giọng đọc khàn khàn, đầy cảm xúc của huyền thoại điện ảnh Pháp Jeanne Moreau…

gap lai nguoi tinh cua jean jacques annaud Lương Gia Huy được trao giải Thành tựu trọn đời ngôi sao châu Á - LHP điện ảnh châu Á New York

(TGĐA) – LHP điện ảnh châu Á New York (NYAFF) vừa công bố danh sách ...

gap lai nguoi tinh cua jean jacques annaud Tự hào Việt Nam mình đẹp đến thế này trong những thước phim nước ngoài!

(TGĐA) - Ngoài Kong: Skull Island, còn nhiều phim nước ngoài có bối cảnh đẹp miên ...

Nguyễn Chí Tình (dịch)

Ghi chép của Yves Alion