(TGĐA) - Quả là vào hai thập niên 1930, 1940 Điện ảnh Nga-Xô Viết cũng có vài bộ phim gây được thiện cảm của người xem và giới làm phim phương Tây. Ví như Chiến hạm Pachômkin của S,Aydanhxtanh, Đất của A. Dovzhenko, Tsapaev của anh em Vassiliev… Nhưng sau khi những bộ phim chỉ cuốn vào việc ca ngợi anh lái máy kéo, chị chăn nuôi lợn, các công trường, nhà máy, cùng phong trào thi đua Stakhanovist, điện ảnh Nga-Xô Viết bỗng khép cửa chơi một mình... Bất ngờ mùa Xuân năm 1956, những tráng vỗ tay kéo dài tán thưởng phim Người thứ 41 làm rung chuyển khán phòng Liên hoan phim Cannes. Vài năm sau đến lượt bộ phim Bài ca người lính… Để đến hôm nay G.Chukhrai trở thành nhà kinh điển của nền Nghệ thuật Điện ảnh thế giới.
Đạo diễn Grigori Chukhrai |
“Cuộc chiến tranh của tôi”
Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945 ) đã trở thành mốc son xác lập toàn bộ cuộc đời của Grigori Chukhrai. Vào tháng 8 năm 1941, có thông cáo tuyển mộ lính nhẩy dù. Lúc ấy G.Chukhrai đang là chiến sỹ bộ binh, anh chiến sỹ trẻ liền xung phong gia nhập quân chủng mới và cũng xông trận liền. Người đạo diễn tương lai này đã trải qua lửa đạn suốt từ ngày đầu tới ngày cuối. G .Chukhrai tham gia chiến dịch Stalingrad, các trận đánh ở vùng Donsky, sau đó chiến đấu trong đội hình Phương diện quân Ucraina I và II. Cũng nhiều lần anh lính dù G.Chukhrai nhảy xuống hậu phương của quân thù. Vì chiến công và lòng dũng cảm, G.Chukhrai đã được tặng thưởng nhiều huân, huy hương. Tất cả sau này được ông tự hào kể lại trong cuốn hồi ký mang tựa đề “Cuộc chiến tranh của tôi”.
Sau ngày chiến tranh kết thúc, cởi bỏ tấm áo khoác quân phục, G.Chukhrai thi vào Trường Quốc gia Điện ảnh Toàn Liên bang ( gọi tắt là VGIK). Trong chiến hào, ngoài mặt trận, G.Chukhrai không có điều kiện để nghiên cứu lịch sử, đọc các tác phẩm văn chương kinh điển. Vì thế khi trải qua các cuộc thi, anh lính cựu này hầu như không trả lời nổi câu hỏi nào của các thành viên ban giám khảo. G.Chukhrai nói: “Trong trận mạc, nếu ai đó không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không phải vì anh ta không thông tỏ kỹ chiến thuật, không biết sử dụng vũ khí; mà bởi vì trong những tình huống thử thách nhất anh lính đó không đủ ý thức về nghĩa vụ, không có những phẩm cách riêng cần thiết.
Tôi luôn luôn cố gắng gìn giữ những phẩm cách ấy trong bản thân. Trong nghệ thuật chắc cũng như vậy thôi!”. Câu trả lời này đã làm các thành viên Ban Giám khảo như giật mình tỉnh giấc. Và anh cựu binh đã thi đậu vào trường! Sau này, G Chukhrai đã không bao giờ làm sai điều mình đã khẳng định. Người đạo diễn này luôn luôn quan niệm rằng, quay mỗi bộ cũng như bất kỳ một hành động nào của con người, cần phải được thực hiện bằng toàn bộ lương tâm của mình.
Người thứ 41
Tốt nghiệp đại học điện ảnh, một thời gian khá lâu, G.Chukhrai làm trợ lý đạo diễn, đạo diễn thứ 2. Nhưng ngay ở bộ phim đầu tiên - với tư cách là đạo diễn chính, G.Chukhrai đã giành được thắng lợi vang dội. Phim chuyển thể từ truyện vừa của nhà văn Boris Lavrennev. G.Chu khrai hiểu rõ ông muốn có bộ phim tương lai kể về thời kỳ Nội chiến ở nước Nga như thế nào. Nhưng kịch bản chuyển thế của nhà biên kịch lại hầu như vuốt cho tròn các góc cạnh sắc nhọn của cốt chuyện, mong làm hài lòng giới lãnh đạo của Hãng phim. G.Chukhrai không thể thỏa hiệp với nhà biên kịch. Chính vì vậy đạo diễn đã rời xa kịch bản văn học gốc và dàn dựng bộ phim như những gì mình muốn.
Cảnh trong phim Người thứ 41 |
Nhưng cũng chính vì thế phim Người thứ 41 phải trải qua một chặng đường gập ghềnh, đầy chông gai. May sao, bộ phim ra đời ở những năm tháng cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960 - mà bây giờ người Nga thường gọi là “Thời kỳ ấm áp trở lại”. Phim được duyệt, được phát hành, được gửi tới LHP Cannes dự thi và chính tại đây phim được tặng giải thưởng “Vì những ý tưởng độc đáo và những lý giải nghệ thuật xuất sắc”.
Điều đáng kể hơn, với Người thứ 41, điện ảnh Nga-Xô Viết dường như đã dấn bước sang một chặng đường khai phá mới, vượt qua căn bệnh ấu trĩ, giáo điều, minh họa sống sít để thể hiện chất người và tính nhân văn một cách đầy đủ, sâu sắc hơn.
Cũng với Người thứ 41, giới điện ảnh phương Tây bắt đầu quan tâm trở lại với nền điện ảnh của nước Nga-Xô Viết.
Poster phim Người thứ 41 |
Bài ca người lính
Với bộ phim Bài ca người lính, G.Chukhrai đã có dự định và ngẫm nghĩ ngay từ thời gian chiến tranh. Ông muốn làm một bộ phim để tưởng nhớ tới những người cùng ông ra trận và không có cơ hội trở về. Nhưng bộ phim thứ hai này lại một lần nữa bị phê phán dữ dội. Những người không đồng tình cho rắng Bài ca người lính không giáo dục và dấy lên trong người xem tinh thần yêu nước. Họ yêu cầu ông phải bỏ đi một số trường đoạn, nhưng G.Chukhrai không chịu. Kết quả là bộ phim không được chiếu ở các thành phố lớn và cũng là bị chặn đứng con đường đến với quảng đại người xem. Nhưng rồi, may mắn đã đến. Một cấp lãnh đạo ủng hộ để phim được gửi đi dự thi tại LHP Cannes.
Kết quả Bài ca người lính được nhận một lúc 2 giải thưởng: “Phim xuất sắc giành cho thanh thiếu niên”, “Vì chủ nghĩa nhân đạo cao cả và vì những thành tựu nghệ thuật đặc biệt”. Bộ phim này trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh Xô Viết nổi tiếng toàn thế giới. Phim còn nhận được hàng trăm giải thưởng khác: tại Anh, Đan Mạch, Italy, Mỹ..
Cảnh trong phim Bài ca người lính của đạo diễn Grigory Chukhrai |
Hạnh phúc trong cuộc sống riêng tư
Irina Penkova là người vợ hiền, đảm đang, thủy chung của G.Chukhorai. Chàng lính nhẩy dù để mắt tới cô thiếu nữ dịu dàng, dễ thương ấy chính trong một đợt diễn tập ở vùng quê hương cô. Lúc đó Irina Penkova đang là sinh viên của một trường đại học tại Piatchigor. Nhưng đó là một mối tình đơn phương. Irina vẫn đang trao đổi thư từ với một ngưới lính gốc Grudi khác đang ở ngoài mặt trận. Chỉ đến khi G.Chukhrai bị thương nặng, nằm trong bệnh viện và Irina tới thăm “bước chuyển cơ bản” – đạo diễn gọi tên như vậy trong cuốn hồi ký “Cuộc chiến tranh của tôi”.
Vừa bình phục, về đơn vị chưa bao lâu, G. Chukhrai xin nghỉ phép để tới Piatchigor cưới cô gái. Có 15 ngày phép cả thẩy thì đi lại trên đường đã mất 10 ngày. Việc này đã được G.Chukhrai kể trong phim Bài ca người lính.
Đám cưới của họ diễn ra vào ngày 9 tháng 5 năm 1944, nghĩa là trước khi Moskva mở cuộc diễu binh mừng chiến thắng tròn một năm. Sau đám cưới G.Chukhrai đuổi theo Sư đoàn đang chiến đấu tại Hunggary. “Chàng rể mới” bị thương một lần nữa. Mãi đến giữa năm 1946, cặp vợ chồng trẻ mới được gặp nhau. Gần một năm sau, cậu con trai Pavel cất tiếng khóc chào đời. Đó chính là đạo diễn Pavel Chukhrai những năm gần đây nổi tiếng với bộ phim Stalingrad. Hai vợ chồng G. Chukhrai trải qua những năm tháng nhiều khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Bà vợ tần tảo nuôi con, thu vén việc nhà để chồng yên tâm dốc sức cho việc theo đuổi nghề đạo diễn điện ảnh.
G.Chukhrai và vợ |
Có lẽ chính vì thế, sau thành công của hai bộ phim Người thứ 41 và Bài ca người lính, G.Chukhrai hầu như được mời tới rất nhiều liên hoan phim quốc tế và các lần công chiếu ở các nước - đi đâu, tới nơi nào đạo diễn cũng đưa bà vợ đi theo. Mối tình của G.Chukhrai và I.Penkova kéo dài hơn 60 năm. Đó là một cuộc hôn nhân đẹp và bền vững, lâu dài nhất trong nền Điện ảnh Nga-Xô Viết.
Trân trọng phim của người khác hơn phim của mình
Trong suốt cuộc đời lao động sáng tạo cật lực, hết lòng của mình, đạo diễn G.Chukhrai chỉ dàn dựng được tất cả 8 bộ phim. Nhưng công lao và tình yêu nghề của ông còn biểu hiện ở những phương diện khác.
G.Chukhrai đã là người đứng đầu Tổ phim thực nghiệm (gọi tắt là YETK) của Hãng “Mosfilm” trong 10 năm trời. Là người tổ chức và lãnh đạo, G. Chukhrai không chỉ tìm ra nguồn vốn đầu tư và doanh thu cho đơn vị, ông còn lên tiếng dũng cảm bênh vực cho những sáng tạo mới mẻ, mang tinh thần dân chủ của các nhà biên kịch, các đạo diễn trẻ. Có thể kể ra đây tên những bộ phim xuất sắc đã ra đơi dưới sự bảo trợ của ông: Nô lệ tình yêu, Mặt trời trắng trên sa mạc, Ivan Vasilevist thay đổi nghề nghiệp…
Đạo diễn G.Chukhrai trao Giải Vàng cho đạo diễn Italy F.Fellini |
Chuyện còn lưu truyền: Chính G.Chukhrai là người giới thiệu và sau này lên tiếng bênh vực bộ phim 81/2 của đạo diễn lừng danh người Italy Federico Fellini để phim này tham gia Liên hoan phim Quốc tế Moskva, mùa hè năm năm 1963. Phim 81/2 mang nhiều ý nghĩa triết lý và biểu tượng. Vào thời gian ấy còn chưa hợp “khẩu vị” với giới lãnh đạo điện ảnh nói riêng, văn hóa nói chung của nước Nga-Xô Viết. Nhưng phim 81/2 đã được trao giải Vàng tại Liên hoan phim này.
Tô Hoàng