(TGĐA) - NSND Trần Lực từ lâu đã chuyên tâm với với nghiệp sân khấu, nhưng một khi nhắc tới điện ảnh, có lẽ anh vẫn còn nhiều vương vấn.
Trần Lực, Quốc Khánh, Mỹ Uyên, Quốc Trung... nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân |
“Lược nhanh” về tài tử điện ảnh một thời
NSND Trần Lực thường nhớ tới người chú của mình, là NSND Trần Đắc, đạo diễn của những bộ phim kinh điển như Sao tháng Tám hay Bài ca ra trận khiến anh được truyền cảm hứng, đắm mình vào thế giới phim ảnh.
Khoảng những năm 90 khi từ Bulgaria trở về Việt Nam, Trần Lực thấy ngành sân khấu Việt quá khó để phát triển, điều đó khiến anh khá hụt hẫng. Tạm gác lạc nguồn cảm hứng sân khấu từ cha mình, đó là cố NSND Trần Bảng - một trong những nghệ sĩ gạo cội và nhà nghiên cứu lỗi lạc của làng Chèo, NSND Trần Lực tìm tới điện ảnh.
Vai diễn đầu tiên của anh chính là Chuyện tình bên dòng sông của đạo diễn Đức Hoàng, sau đó anh lần lượt tham gia các tác phẩm Vụ áp phe Đông Dương của chú mình Trần Đắc, rồi Gánh hát rong khiến tên tuổi của NSND Trần Lực nổi lên như một trong những ngôi sao thời bấy giờ.
NSND Trần Lực |
Nhưng có lẽ “đỉnh cao” sự nghiệp của Trần Lực, phải kể tới các phim Hoa ban đỏ, Người yêu đi lấy chồng, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong... Có thời, cái tên Trần Lực trở thành định nghĩa của vẻ điển trai, nam tính. Anh sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo, trở thành tâm điểm của các dự án lớn nhỏ.
Đặc biệt khi đóng Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong (2003), anh mang đến hình tượng lại là người đàn ông trí thức, mang trong mình thứ khát vọng vĩ đại là giải phóng dân tộc... Nhưng cũng là Trần Lực, khi đóng chàng kỹ sư Hoành trong Sẽ đến một tình yêu (1983) lại là một chàng trai trẻ, yêu đời, đấu tranh đến cùng với cái sai. Nhận thấy thỏa hiệp là sai trái, anh quyết tâm chống lại. Đây là vai diễn hồi Trần Lực còn là sinh viên năm thứ nhất Trường Sân khấu Điện ảnh, được đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa chọn.
Về sự nghiệp đạo diễn, Trần Lực nổi tiếng với các bộ phim Tết này ai đến xông nhà rồi Chuyện nhà Mộc. Đặc biệt là Tết này ai đến xông nhà– được coi là tác phẩm hài Tết đầu tiên chiếp rạp và đem về nguồn lợi lớn. Phim chiếu suốt từ 23 tháng Chạp tới tận 8/3 năm sau. Tất cả các phòng chiếu của Trung tâm chiếu phim Quốc gia đều chiếu Tết này ai đến xông nhà. "Sau mấy chục năm phe vé mới lại xuất hiện, tôi vẫn nhớ 50.000/1 vé (giá gốc 25.000/1 vé)" - đạo diễn Trần Lực bày tỏ.
Còn Chuyện nhà Mộc (NSND Xuân Bắc đóng) cũng là một tác phẩm hết sức duyên dáng. Phim kể về hành trình đi thi đại học của bố con ông Mộc. Với nhiều tình tiết rất đời và nhân văn, lại có những tình huống hài hước, trở thành ký ức tươi đẹp khó quên của nhiều thế hệ.
Hoàn thành ước mơ dang dở với sân khấu
Ở lĩnh vực điện ảnh, Trần Lực đã có một sự nghiệp rực rỡ, đầy đặn những thành công được khán giả và giới chuyên môn công nhận. Thế rồi Trần Lực quyết định theo đuổi giấc mơ sân khấu khi tuổi đã ngoài ngũ tuần.
Khát khao tự lập đoàn kịch riêng với phong cách trình diễn ước lệ nhen nhóm trong anh từ thuở học Đại học sân khấu điện ảnh Sophia (Bulgaria). Về nước vào những năm 90 của thế kỷ 20, nhiều lần anh cùng NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh xoay xở tạo dựng đoàn kịch tư nhân nhưng không thành công. Có người bảo với anh: "Đoàn kịch diễn theo phong cách ước lệ thì chẳng ai xem". Tuy vậy khi đã thấy có đủ điều kiện, Trần Lực quyết định thực hiện những gì còn dang dở trong tâm can.
LucTeam ra đời như vậy, đó một đoàn kịch của thầy và trò. Trần Lực và học trò của anh – những nghệ sỹ trẻ tuổi. Anh và học trò thành lập nên đoàn kịch này vì thầy trò có chung một chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao. Phương pháp nghệ thuật của đoàn kịch LucTeam là sân khấu ước lệ.
Anh bảo, sân khấu vốn là loại hình nghệ thuật tổng hợp: “Nếu chỉ có ông đạo diễn, bà biên kịch hay một vài diễn viên đơn lẻ thì không thể có những vở diễn. Hãy thử tưởng tượng, nếu đứng chung sân khấu mà đạo diễn không gắn kết được diễn viên theo một tinh thần chung, các nghệ sỹ không có sự tương trợ lẫn nhau (xuất hiện theo lối bạn diễn kiểu bạn, tôi diễn kiểu tôi, cốt chỉ để tròn vai hoặc nâng bản thân mình lên) thì sẽ vô cùng nhàm chán”.
Với những khát khao và tìm tỏi không ngưng nghỉ, LucTeam đã đạt được vô số thành tích lớn nhỏ. Có thể kể tới như Bạch đàn liễu của tác giả Xuân Trình, trình diễn bởi đoàn kịch LucTeam đạt giải Vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô. Hay giải bạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc cho vở Búp Bê.
Vẫn “nặng lòng” với điện ảnh?
Năm 2022, Trần Lực trở lại với phim điện ảnh Em và Trịnh khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Giải thích cho lý do này, anh nói rằng: “Tôi đã không muốn đóng phim nữa, chuyên tâm với sân khấu Luc Team, và đi dạy. Nhưng êkip làm phim và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã thuyết phục được tôi. Thứ nhất là họ làm tôi thích thú với cách họ nhìn về Trịnh Công Sơn. Thứ hai là họ làm tôi tin là mình có thể... giảm cân để trở thành một Trịnh Công Sơn Version Trần Lực 2022. Tôi đã cân nhắc khá lâu để đồng ý.
Những gì xảy ra sau đó thì mọi người biết rồi. Tôi thấy Trịnh Công Sơn thực sự là một trải nghiệm thú vị không chỉ với tôi mà với cả đoàn làm phim và với cả khán giả, cả những người yêu nhạc Trịnh nữa. Người ta nên thử yêu một cách khác đi”.
Vai diễn nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều, nhưng suy cho cùng Trần Lực vẫn hết sức bình thản, anh nói rằng: “Với tôi thì tôi thấy đây là một thành công của cá nhân tôi: tôi đã tập chơi guitare trở lại. Bao nhiêu ngón đàn từ thuở văn công quân đội, đi biểu diễn phục vụ bộ đội trên chốt giờ tôi mang ra luyện lại hết. Tất nhiên nhạc trong phim là lồng tiếng. Nhưng có chơi đàn được tử tế thì mới diễn tự tin được. Tôi cũng luyện giọng trở lại.
Rõ là tôi không thể làm ca sĩ, nhưng trong vai một nhạc sĩ tự chuyển tải bài hát của mình thì tôi nghĩ tôi đạt yêu cầu. Thành công lớn nữa là tôi đã ... giảm được 8kg. Từ 72 xuống 64kg, nếu so với chiều cao 1m78 thì tôi đủ gầy để làm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ, đầy nhiệt huyết, chưa ốm đau. Chế độ ăn uống và luyện tập hà khắc mà nhà sản xuất yêu cầu tôi phải thực hiện đã tỏ ra rất hiệu quả và tôi nghĩ sẽ duy trì chế độ này với bản thân và với các học trò của mình. Tôi là thầy mà, thấy cái gì tốt cho team của mình thì phải học ngay”.
Rồi khi tham gia Đào, phở và piano – với vai ông họa sĩ già với lòng yêu nước đầy “chất chơi” và lạc quan, Trần Lực cũng có những trải nghiệm hết sức thú vị. Anh nhận được nhiều tình cảm trân quý của khán giả, có khán giả trẻ nói với anh rằng: “Cháu chỉ muốn nói là trong cả bộ phim cháu thích nhất vai người họa sĩ của chú, với cháu trong phim chú như một tia nắng ấm áp, một màu tươi sáng ở nơi pháo nổ, đạn bay nơi chỉ có màu xám đen u buồn. Khi tới phân đoạn của chú, cháu thấy yêu đời và thấy thật đáng yêu. Trong phim với cháu, chú là sự tự do tươi sáng”.
Từng nói không còn nhiều hứng thú với điện ảnh, nhưng có lẽ Trần Lực đã thay đổi suy nghĩ phần nào, anh chia sẻ khi được hỏi mình còn muốn làm phim nữa không: “Dĩ nhiên là có, nhưng vẫn phải là một kịch bản, một câu chuyện mà bản thân tôi cảm thấy thực sự thích. Kể cả phim thương mại hay phim nghệ thuật, miễn là mình cảm thấy thực sự thích…”.
Trần Lực, Quốc Khánh, Mỹ Uyên, Quốc Trung... nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân |
P.V