(TGĐA) - Theo thông báo mới nhất từ Cục điện ảnh, hai bộ phim Việt sẽ tranh tài ở hạng mục phim dài tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 4 (Haniff) là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ và Trúng số - một tác phẩm của đạo diễn Dustin Nguyễn, từng được chọn làm đại diện cho Việt Nam tham dự Vòng tuyển chọn “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Oscar 2015. Hai đại diện của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với 10 bộ phim xuất sắc khác đến từ các nền điện ảnh tiên tiến như Pháp, Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada, Philippines, Singgapore hay Thái Lan…
Liệu Trúng số...
Cuộc cạnh tranh quyết liệt!
So với Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 3 diễn ra vào năm 2014, Haniff 2016 chỉ có số lượng phim dài dự thi nhỉnh hơn một, 12 so với 11 tác phẩm. Tuy nhiên, nếu Haniff lần thứ 3 chỉ có duy nhất một bộ phim ngoài lãnh thổ Châu Á là Hai người phụ nữ (Two women) của Nga thì năm 2016, đó là cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt đến từ nhiều quốc gia điện ảnh tiên tiến trên thế giới. Đây cũng chính là nét mới của Haniff 2016 khi BTC quyết định mở rộng hạng mục phim dự thi tới tất cả các nền điện ảnh của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (thay cho phim dự thi trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như các kỳ trước).
... hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ làm nên chuyện tại Haniff năm nay
Chính vì vậy, thách thức dành cho hai bộ phim đại diện cho Việt Nam là Trúng số (Jackpot) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Yellow flowers on the green grass) là lớn hơn nhiều so với Đập cánh giữa không trung và Những đứa con ở làng ở Haniff lần thứ 3 trước đó. Tuy nhiên, doanh thu khả quan cùng với chất lượng đã được thẩm định bằng những giải thưởng trong và ngoài nước, hai bộ phim tham dự Haniff lần thứ 4 vẫn có hy vọng được bước lên sân khấu bế mạc và trao giải diễn ra vào ngày 5/11/2016. Nếu như ở Haniff lần thứ nhất, chúng ta có Nhật Kim Anh đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất; Haniff lần thứ 2 có Thiên mệnh anh hùng đoạt giải đặc biệt của Ban giám khảo thì năm thứ 3, bộ phim Đập cánh giữa không trung cũng xuất sắc vinh danh với giải thưởng này.
Nhìn vào danh sách 10 bộ phim còn lại trong hạng mục phim dài dự thi mới thấy Haniff 2016 quả là một cuộc cạnh tranh quyết liệt. Nếu như năm ngoái, Two women của điện ảnh Nga đã chiến thắng và bước lên bục cao nhất thì năm nay phía đại diện Nga cũng tràn trề hy vọng khi đã gửi bộ phim Toa xe màu xanh (The green carriage) của đạo diễn Oleg Asadulin tới tham dự. Nền điện ảnh lâu đời nhất thế giới - điện ảnh Pháp cũng có một đại diện dự thi, đó là tác phẩm Marguerite của đạo diễn Xavier Giannoli. Bộ phim từng đạt giải Phục trang đẹp nhất, Nữ diễn viên xuất sắc nhất, Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất và Âm thanh xuất sắc nhật tại Giải thưởng César 2016; giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Giải thương Lumiiere, Pháp 2016; Giải Nazareno Taddeicho Xavier Giannolitại LHP Quốc tế Venice 2015.
Nhật Bản, Iran và Hàn Quốc cũng là ba quốc gia về điện ảnh đáng gờm. Nếu bên phía Nhật góp mặt với bộ phim Gia đình nở hoa (Blossoming into a family) của đạo diễn Hiroki Hayashi; điện ảnh Iran với Không thể hòa hợp (Inadaptable) của đạo diễn Ebrahim Ebrahimiyan thì Hàn Quốc, mang tới bộ phim Những ngày đẹp đẽ (One way trip) của đạo diễn Choi Jeong Yeol.
Lần đầu tham dự Haniff nhưng nền điện ảnh Ấn Độ và Canada đều mang đến những tác phẩm ít nhiều đã gây tiếng vang của mình. Những chú chim sắt (Birds with large wings) của đạo diễn Dr. Biju từng đạt giải thưởng Quốc gia của Ấn Độ năm 2015 cho Phim về chủ đề môi trường xuất sắc nhất. Còn Hồi ức (Remember) của Canada, do đạo diễn Atom Egoyan thực hiện cũng đã đoạt giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Canada 2016; Giải Vittorio Veneto cho Atom Egoyan tại LHP Venice 2015; Đề cử Sư tử Vàng cho Atom Egoyan tại LHP Venice 2015; Đề cử giải SIGNIS cho Atom Egoyan tại LHP Hong Kong 2016 và Đề cử giải Nam chính, Biên kịch và Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải thưởng Phê bình Điện ảnh Vancouver 2016.
Poster phim Cemetery of splendour của đạo diễn nổi tiếng người Thái ApichatpongWeerasethakul
Ba tác phẩm dự thi còn lại đều thuộc về 3 quốc gia “quen mặt” và từng đoạt giải thưởng cao nhất tại Haniff. Nếu ở lần thứ nhất Sand Castle của đạo diễn Boo Junfeng đến từ Singapore đoạt giải thì năm thứ 2, Shacked của Phillipines cũng tiếp bước đứng trên bục vinh quang nhất. Năm nay, phía Singapore gửi tới tham dự bằng bộ phim Hạnh phúc căn bản (Fundamentally Happy) của cặp đạo diễn Tan Bee Thiam và Lei Yuan Bin còn Philippines mang tới tác phẩm Gia đình (Ordinary people) của đạo diễn Eduardo Roy Jr. Phim đã có Giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên xuất sắc nhất, Dựng phim xuất sắc nhất và Giải Netpac tại LHP Độc lập Philippines 2016. Bộ phim còn lại thuộc về Thái Lan là Nghĩa địa huy hoàng (Cemetery of splendour) của đạo diễn nổi tiếng ApichatpongWeerasethakul. Phim từng được Đề cử Giải Un Certain Regard cho đạo diễn Apichatpong Weerasethakul tại LHP Cannes 2015; Giải Phim hay nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Châu Á Thái Bình Dương 2015.
Ngoài 12 phim dài dự thi, trong số gần 550 bộ phim đăng ký tham dự, trong đó có trên 300 phim dài và trên 200 phim ngắn từ hơn 40 quốc gia, BTC cũng sẽ chọn ra 30 đến 35 phim ngắn dự thi; khoảng 50 đến 60 phim chiếu trong Chương trình phim Panorama và các hạng mục phim khác.
Ngoài mở rộng hạng mục phim dự thi, nét mới của năm nay còn dự kiến tổ chức chương trình chiếu phim ngoài trời kết hợp với biểu diễn thời trang Việt Nam - Italia tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội) trong các đêm 02, 03 và 04/11/2016và việc sẽ chiếu phim khai mạc vào chiều ngày 1/11/2016 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, thay cho việc chiếu sau lễ khai mạc như 3 kỳ LHP trước để dành trọn thời gian cho Lễ Khai mạc. |
Ai sẽ tới Việt Nam?
Khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với Song Seung Hun tại Haniff năm nay
Song Seung Hun - Ngôi sao của phim Trái tim mùa thu sẽ có mặt tại Việt Nam vào đầu tháng 11 tới. Đó là chia sẻ của bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh trong buổi họp báo giới thiệu hoạt động của LHPQT Hà Nội (Haniff) lần thứ 4, ngày 15/9/2016. Cũng theo chia sẻ của bà Ngô Phương Lan, hiện BTC Haniff vẫn đang trong quá trình tiếp tục thương thảo với các ngôi sao quốc tế cũng như các tác phẩm điện ảnh đặc sắc trên thế giới để có thể xuất hiện trong khuôn khổ LHP. Cho tới thời điểm này, ngoài Song Seung Hun thì cặp đôi đạo diễn – diễn viên Régis Wargnier và Catherine Deneuve của bộ phim Đông dương (Indochine - 1992) cũng gây chú ý không kém. Bộ phim lấy bối cảnh Việt Nam thời thuộc địa này từng thắng giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Năm nay, phía Pháp đã khôi phục lại bản phim này và ngỏ ý muốn trình chiếu Đông dương tại Việt Nam, trong khuôn khổ Haniff lần thứ 4. Một gương mặt đáng chú ý khác là nữ diễn viên Geraldine Leigh Chaplin cũng sẽ có mặt tại Haniff năm nay. Năm nay 72 tuổi, nữ diễn viên gạo cội, ngôi sao của Doctor Zhivago này chính là con gái vua hài Charlie Chaplin. Bà sẽ xuất hiện tại Haniff cùng chồng.
Diễn viên gạo cội Catherine Deneuve cùng bộ phim Đông dương sẽ xuất hiện tại Haniff năm nay
Ngoài ra, với khẩu hiệu “Điện ảnh, hội nhập & phát triển bền vững”, Haniff lần thứ 4 còn tiếp tục đón tiếp khoảng 1200 đại biểu quốc tế, các diễn viên, đạo diễn, nghệ sỹ điện ảnh đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Haniff 2016 không chỉ thực sự là tiệc phim mà còn là lễ hội điện ảnh thực sự với nhiều gương mặt nghệ sỹ, ngôi sao mà tưởng như chỉ nhìn thấy trên phim ảnh.
Lễ Khai mạc và Bế mạc – Trao giải Haniff lần thứ 4 được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Truyền hình trực tiếp lễ khai mạc vào 20h00 ngày 1/11/2016 trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam và trực tiếp Bế mạc vào 20h00 ngày 5/11/2016 trên kênh VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam.
Haniff lần thứ 4 tiếp tục mang tới nhiều màu sắc trong khuôn khổ 5 ngày diễn ra LHP. Ngoài hai buổi Hội thảo - tọa đàm “Hợp tác sản xuất phim trong các nước ASEAN” và “Điện ảnh Ấn Độ hợp tác và phát triển”, Haniff còn thu hút nhiều người với Chợ dự án phim, Trại sáng tác tài năng trẻ Haniff 2016 và Bối cảnh Việt Nam trong một số phim nước ngoài. Đây chính là cầu nối để các tác phẩm, các nhà làm phim kết nối, tìm đến với các LHP danh tiếng khác trên thế giới. |
Gia Hoàng