(TGĐA) - Hayao Miyazaki là đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Nhật Bản. Cuộc đời ông có một tình yêu đặc biệt với phim hoạt hình. Nhân vật chính trong các bộ phim của Miyazaki là những cô bé, cậu bé tuổi teen mơ mộng thích phiêu lưu, đặc biệt là bay. Chúng được coi là hiện thân của Hayao Miyazaki thời trẻ. Các đây 3 năm, ông đã đánh cược mọi thứ vào bộ phim mới nhất của mình với xưởng phim Studio Ghibli, The Wind Rises và bây giờ đang ông có kế hoạch làm bộ phim tiếp theo.
|
Những giấc mơ bay
Khi còn nhỏ, Hayao Miyazaki thường xuyên mơ thấy mình bay. Nhiều đêm, ông tưởng tượng cơ thể mình đang lướt qua những đám mây trôi trên các thành phố Utsunomiya và Kanuma của Nhật Bản – nơi ông đã lớn lên. Cho tới lúc, phép màu đột nhiên biến mất, ông thấy mình nhào lộn và từ từ rơi xuống dưới sau đó tỉnh giấc trước khi rơi bịch xuống đất.
Bố của Hayao Miyazaki là Katsuji, điều hành một công ty có tên là Miyazaki Airplane chuyên sản xuất bộ phận đuôi đứng cho các chiến đấu cơ của Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II. Một lần, khi tới thăm nhà máy cùng bố, cậu bé Hayao bị say mê bởi những chi tiết máy móc thông minh cũng như cái cách mà hệ thống dây chuyền lắp ráp kết nối với nhau và vận hành hài hòa. Nhưng cậu lại không tạo ra sự kết nối ý thức với các vật dụng mà cha cậu làm ra đó vào ban ngày mà chúng thường đi vào tâm trí và điều khiển cậu vào ban đêm. “Trong đầu tôi, chúng hoàn toàn tách rời”, ông nói và cười khúc khích. “Đây có thể là một trường hợp nghiên cứu tâm lý tuyệt vời. Tôi yêu máy bay vì chúng là một cỗ máy thực sự kinh ngạc, nhưng tốc độ và chiều cao của máy bay mới là những điều được xem là dễ hiểu đối với một đứa trẻ. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người cũng có những giấc mơ mà tôi đã có.”
|
Tại Nhật Bản, các phim hoạt hình của Miyazaki cũng phổ biến tương tự các bộ phim bom tấn. Và trên khắp thế giới, mọi gia đình, các tín đồ phim ảnh đều mong ngóng, dự báo về tác phẩm mới của ông giống như trẻ em đếm ngược đến ngày Giáng sinh. John Lasseter, giám đốc sáng tạo của hãng Disney và người đồng sáng lập của hãng Pixar, mô tả ông là "một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất của thời đại chúng ta". Ý kiến này được mọi người nhiệt liệt đồng ý, mặc dù ai cũng muốn thay thế cụm từ "của chúng ta" bằng "tất cả".
|
Trong suốt sự nghiệp của mình, Miyazaki chỉ thực hiện 11 bộ phim, và tác phẩm mới nhất của ông, The Wind Rises, cho đến giờ phút này được xem là tác phẩm cuối cùng của ông. Cả 10 phim đầu tiên đã được thực hiện đều dành cho đối tượng đầu tiên và trước hết là trẻ em. Hầu hết các phim đều có điểm nhấn với nhân vật là những anh hùng trẻ tuổi, khoảng dưới 10 tuổi hoặc đang ở những năm tháng đầu của tuổi thiếu niên và tất cả cho thấy một tình yêu sâu sắc, thậm chí cuồng nhiệt với thiên nhiên.
Một số phim như My Neighbour Totoro và Spirited Away, đều rất quen thuộc với khán giả Việt Nam, nói về những đứa trẻ đã khám phá ra những nơi kỳ diệu và sinh vật huyền bí ẩn mình ở những khu rừng vắng. Các phim khác, như Princess Mononoke và Howl’s Moving Castle, nói về những cuộc phiêu lưu, đặt bối cảnh ở vùng đất nơi những chú lợn có thể bay. The Wind Rises được Miyazaki hoàn thành năm ông 73 tuổi và mang một màu sắc khác. Đây là một phim tiểu sử của Jiro Horikoshi, một nhà thiết kế máy bay chiến đấu Nhật Bản trong thập niên 1930 – người đã tạo ra thương hiệu Mitsubishi A6M Zero, chiếc chiến đấu cơ đầy kiêu hãnh của Nhật Bản đồng thời là tên nhà máy của cha ông đã giúp đỡ xây dựng.
|
Không chỉ là phim tiểu sử, The Wind Rises còn có những chi tiết nút thắt mượn từ văn học. Một trong số đó là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Magic Mountain, về sự mông lung giữa hai cuộc chiến, của Thomas Mann và câu chuyện tình bi thương trong The Wind Has Risen, một cuốn sách của nhà văn Nhật Bản Tatsuo Hori. Câu chuyện cuộc đời của Jiro diễn ra trong bối cảnh ám ảnh về thị giác. Những cảnh đầu cho thấy đó là trận động đất Great Kanto năm 1923, khiến các tòa nhà ở Tokyo đổ xuống đều tăm tắp giống như rải quân bài. Sau đó, trong một chuyến đi thăm Đức quốc xã vào năm 1938, Jiro tiếp tục chứng kiến vụ Kristallnacht (Đêm bạo động chống người Do Thái trên toàn Đức quốc xã và Áo trong hai đêm 9 và 10 tháng 11 năm 1938. Kristallnacht có nghĩa là Đêm thủy tinh, hay Đêm pha lê - có nguồn gốc từ những mảnh thủy tinh vỡ nằm rải rác trên đường phố sau khi cửa kính của các cửa hàng, tòa nhà, và giáo đường của người Do Thái bị đập phá)
Thậm chí theo tiêu chuẩn lập dị của Miyazaki, The Wind Rises là một bộ phim cô độc và u sầu. Phải chăng đó là một thể loại phim mà các hãng phim thường gọi là " dự án đam mê" cũng có thể thấp thoáng hình bóng của cuốn tự truyện trong đó? Trong cảnh đầu tiên, chúng ta thấy Jiro 10 tuổi đang mơ leo lên mái nhà và bước vào một thiết bị kỳ lạ có cánh giúp cậu bay lên trên nơi có các con sông và cánh đồng bao quanh.
Tiếp đến, sau khi đọc vội vàng một cuốn sách về hàng không, Jiro có một giấc mơ khác mà ở đó cậu gặp nhà thiết kế máy bay Ý nổi tiếng là Giovanni Battista Caproni, người có máy bay chiến đấu riêng, Ca. 309 Ghibli, sau này được mượn để đặt tên cho hãng phim của Miyazaki. "Những chiếc máy bay là những giấc mơ đẹp," Caproni nói với Jiro. "Các kỹ sư đã biến ước mơ thành hiện thực" – Đó cũng là chủ đề xuyên suốt các bộ phim của ông vua hoạt hình Nhật Bản.
Hãy để các bộ phim lên tiếng
Miyazaki, kỹ sư vĩ đại của những giấc mơ, hiếm khi nhận lời tham gia các cuộc phỏng vấn. Ông thích để cho các bộ phim nói thay mình, cũng như khu Ghibli Museum - một tổ hợp triển lãm thú vị, có sân chơi và khu tín ngưỡng phục vụ cho công việc của ông ở ngoại ô Tokyo. Văn phòng làm việc của ông cách tòa nhà chính Ghibli 10 phút đi bộ. Từ tòa nhà, đi xuống một ngõ hẹp và phía sau một trường mẫu giáo có một ngôi nhà gỗ rộng lớn bao quanh bởi những cây thông đó chính là văn phòng của ông.
Miyazaki gọi tòa nhà mà ông tự thiết kế là "The Pig House", nơi có cả phòng thu riêng của ông. Hầu hết các tầng trệt đều thông đến một căn phòng lớn thoáng mát và được sưởi ấm bởi một lò sưởi bằng củi. Một cầu thang dẫn lên một cây cầu hẹp, trải dài qua giữa phòng, cao khoảng 10ft so với sàn dẫn đến cửa của phong họp trên lầu của đạo diễn.
Miyazaki thường ngồi ở chiếc bàn đặt phía trước bếp lò, nhấm nháp cà phê đen trong chiếc cốc sứ. Ông trông nghiêm trang và tử tế với nụ cười rạng rỡ để lộ lúm đồng tiền. Tóc và râu ông đều bạc trắng, nhưng cặp lông mày đen rậm như sâu bướm. Đôi mắt nhiều nếp nhăn nhưng tỏa sáng phía sau cặp kính đen gọng lớn. Đây cũng là kiểu mặt nhân vật mà ông thường vẽ. The Pig House cũng là nơi mà Miyazaki thường làm các phim của ông. Cụ thể là ở đây, lên cầu thang và băng qua cây cầu, trong phòng làm việc.
Ông cũng đã viết The Wind Rises và phác thảo cốt truyện nơi này. Tự tay ông đã vẽ rất nhiều các khung hình phim hoạt hình. Đôi khi ông làm việc một mình và đôi khi với một đội ngũ khoảng hơn 30 nghệ sĩ trong tòa nhà chính nhỏ đến kỳ lạ của studio. (Trong thực tại của ngành công nghiệp sản xuất phim hiện nay thì đây là một team khá khiêm tốn so với khoảng 250 nghệ sĩ và họa sĩ làm việc trong dự án Frozen của Disney.)
The Wind Rises mới đầu chỉ là một manga truyện tranh mà Miyazaki gửi cho một tạp chí thời trang với những bức vẽ nguệch ngoạc về các hoạt động bên trong của một động cơ một cánh. Không nghĩ là có thể phát triển thành một cái gì đó lớn hơn, Miyazaki đã vẽ nó như một biện pháp thư giãn sau khi phát hành của bộ phim thứ 10 của mình, Ponyo, vào năm 2008. Tuy nhiên, Toshio Suzuki, nhà sản xuất làm việc lâu năm với ông, đã thuyết phục ông nên phát triển nó thành một phim truyện.
|
Mới đầu, Miyazaki cho rằng Toshio Suzuki hơi cường điệu hóa bởi ông nhận ra số lượng người yêu thích đến máy bay đang giảm dần. “Aeroplanes là biểu tượng của thế kỷ 20. Trong khi cả Jiro và Tatsuo Hori là đại diện của một thời gian trước khi tôi được sinh ra. Vì vậy, tôi nói không," ông kể lại. Nhưng khoảng hơn ba tháng sau, Suzuki lại nói lại với ông chuyện này. Cơ hội để làm một bộ phim cho riêng mình như vậy chắc hẳn hơi khó chối mặc dù Miyazaki nghĩ rằng cả Jiro và Tatsuo Hori đều là những người vĩ đại hơn ông. Đó cũng là lý do ông cân nhắc để đặt mình ở bên cạnh họ. "Tôi đã rất may mắn được làm hoạt hình trong 50 năm yên bình, trong khi họ sống ở thời điểm đầu khó khăn với xung đột chính trị. Nhưng tôi nghĩ rằng thời gian hòa bình mà chúng ta đang sống cũng đang đi đến hồi kết thúc."
Điện ảnh là đam mê
Miyazaki sinh vào tháng Giêng năm 1941. Một trong những ký ức đầu tiên của ông là chứng kiến cảnh đồng minh ném bom năm ông được bốn tuổi rưỡi, và thức dậy trong đêm để xem Utsunomiya chìm trong biển lửa. Sau này ông nhớ lại khoảnh khắc chạy trốn khỏi thành phố, vừa chạy vừa nắm lấy tay cha mình, nhưng cảm giác lúc đó không hề sợ hãi bởi vì ánh sáng từ các tòa nhà đang cháy khiến cho bầu trời sáng như ban ngày.
Cha của Miyazaki là một người yêu thích điện ảnh và thường xuyên dẫn cậu bé Hayao đi xem các bộ phim của những đạo diễn nổi tiếng Nhật Bản như Ozu và Mizoguchi, cũng như những bộ phim mới nhất từ châu Âu. Miyazaki nhớ đã xem Bicycle Thieves của De Sica, Diary of a Country Priest của Bresson, Ashes and Diamonds của Wajda và nhiều phim khác. Những bộ phim này để lại ấn tượng mạnh với ông, mặc dù, vào thời điểm đó, ông không hẳn là hoàn toàn hiểu chúng. Đây là cách mà ông hy vọng những khán giả trẻ tuổi của mình sẽ phản hồi tương tự đối với tác phẩm của ông.
Bicycle Thieves là phim màu đen và màu trắng và miêu tả cuộc sống như là khó khăn, với những chàng trai trẻ và cha mình lê bước quanh thành phố," ông nói. "Tôi nhớ ra khỏi rạp chiếu phim và nghĩ, 'Tôi đã không hiểu điều đó.”
"Trong thực tế, tôi thường về nhà trong “tâm trạng điện ảnh” như thế! Vì vậy, khi tôi nhận ra rằng The Wind Rises có thể sẽ tương tự như vậy vào thời điểm tôi quyết định, “OK, chúng ta hãy đặt cược tất cả những gì chúng ta có ở Ghibli trong bộ phim này". Bộ phim có một chút khó hiểu hơn so với những phim khác, nhưng tôi cho rằng những đứa trẻ xem nó, một ngày nào đó sẽ hiểu nó mà thôi."
Điều thú vị là trước kia, cha của Miyazaki cũng đưa ông đi xem các phim hoạt hình kinh điển của Disney. Nhưng chúng không khiến ông có ấn tượng nhiều, chỉ đến năm 1958, khi Miyazaki 17 tuổi, ông mới thực sự cảm thấy yêu thích phim họat hình. Miyazaki đi xem The Tale of the White Serpent, bộ phim hoạt hình đầu tiên được thực hiện tại Nhật Bản. Vào thời điểm đó, tham vọng của ông là trở thành một nghệ sĩ manga, và ông đã phác thảo những gì ông mô tả về The Tale of the White Serpent là "một bộ phim ngớ ngẩn", nhưng độ tinh khiết của cảm xúc trong phim đã khiến ông đến phát khóc.
“Nó khiến tôi nhận ra tôi là kẻ ngốc nghếch biết bao," hai thập kỷ sau, ông đã viết ra suy nghĩ của mình về bộ phim đó. "Mặc dù có nhiều người không tin vào những điều tôi nói nhưng tôi khao khát một thế giới nghiêm túc và tinh khiết .... Tôi không phủ nhận thực tế là tôi muốn làm một cái gì đó để đời”
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1963, Miyazaki bắt đầu công việc của một họa sỹ tại Toei Animation, nơi ông đã gặp người vợ tương lai của mình, Akemi, còn gọi là Isao Takahata, người sau này trở thành người đồng sáng lập của Ghibli. Họ hợp tác trong nhiều series phim hoạt hình: một phim nói về một tên trộm tên là Lupin III, tiếp đến là phần ngoại truyện có tựa đề The Castle of Cagliostro do Miyazaki đạo diễn, phát hành vào năm 1979.
Bộ phim thứ hai của ông là một cuộc phiêu lưu khoa học viễn tưởng theo mô hình sinh thái tên là Nausicaä of the Valley of the Wind. Phim do Takahata làm sản xuất và bất ngờ thành công vang dội. Đây là một phần của loạt truyện tranh mà Miyazaki đã vẽ nhằm quyên góp tiền cho bộ phim. Bộ truyện tranh này đã tạo ra một lượng fans đông đảo thường xuyên xếp hàng trong đêm trước ngày phát hành tập truyện mới. Được khích lệ, hai người thành lập công ty sản xuất riêng của họ vào tháng Sáu năm 1985, với sự giúp đỡ của Toshio Suzuki, biên tập viên của một tạp chí hoạt hình xuất bản hàng tháng
Tên công ty, Ghibli, do chính Miyazaki đề xuất. Ông đã tìm thấy nó, giống như Jiro, trong một cuốn sách giáo khoa hàng không. (Lúc đầu, ông phát âm sai là "Ji-bli", và từ đó giữ nguyên.) Đây là một thuật ngữ tiếng Ả Rập được các phi công của Ý trao đổi với nhau khi mô tả các luồng gió nóng khô thổi qua Địa Trung Hải từ sa mạc Sahara. Ông hy vọng Ghibli sẽ mang lại không khí tươi mát cho một ngành công nghiệp điện ảnh lâu năm của Nhật Bản, và điều đó đã thành sự thật.
Gần ba thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày thành lập, 20 bộ phim của Ghibli đã được thực hiện. Chín phim trong số đó đã được đạo diễn bởi Miyazaki. Danh tiếng của hãng phim bay cao bay xa hơn bao giờ hết. Nhưng giờ đây, một bầu không khí kỳ lạ đang bao trùm tại studio, như thể việc Miyazaki nghỉ hưu là bước đầu tiên trên bậc cầu thang xuống dưới của hãng phim. Bởi bộ phim tiếp theo của Takahata, The Tale of Princess Kaguya, cũng là phim cuối cùng của ông, và hai năm qua chỉ có một phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết When Marnie Was There của Joan G Robinson được sản xuất. Tất cả các dự án khác đã bị đình trệ.
Trong văn phòng của mình, Toshio Suzuki, người đồng hành với Miyazaki, mô tả cảm giác kiệt sức ở studio - "Chúng tôi không có kế hoạch tương lai. Chúng tôi chỉ muốn nghỉ một thời gian," ông nói, với một nụ cười rầu rĩ - nhưng có vẻ như nó ẩn chứa nhiều điều so với những từ được nói ra.
|
Toshio Suzuki cũng đã gần 70 tuổi, râu tóc cũng đã nhuốm màu muối tiêu, chỉ còn lại nụ cười tinh nghịch giống như người bạn của mình. Văn phòng của ông đầy ắp tài liệu và máy tính xách tay khiến người khác liên tưởng ông giống như một giáo viên bận rộn hơn là nhà sản xuất phim nổi tiếng thế giới. Trên bức tường là một cái tủ bằng kính đựng beer, thú nhồi bông và một vài mẫu đồ chơi. Đằng sau là giải thưởng Gấu vàng của Liên hoan phim Berlin, và một giải Oscar. Cả hai giải thưởng này đều dành cho phim Spirited Away.
Trước khi bắt tay vào The Wind Rises, Toshio Suzuki cũng đã từng có suy nghĩ Ghibli Studio nên một bộ phim dễ tiếp cận khán giả hơn. Nhưng cuối cùng, ông vẫn bảo với Miyazaki rằng “nếu ông không làm bộ phim này, ông sẽ có cảm giác mình vẫn chưa làm tất cả mọi thứ ông cần phải làm."
Chuyển động trong sự tĩnh lặng của thời gian
Ghibli có thể tiếp tục làm phim mà không có Miyazaki và Takahata nhưng Suzuki cũng đã lặng lẽ thông báo nghỉ hưu, thôi không đảm nhận vai trò sản xuất cho xưởng phim nữa. Vì thế cho nên, suy nghĩ về một thế giới không những phim mới của Ghibli Studio hay không có phim mới của Miyazaki cuối cùng cũng thành sự thật.
Hiện tại, khái niệm nghỉ hưu đối với Miyazaki có nghĩa là dành thời gian với cháu trai của mình, và vẽ các manga khác nhưng không có ý định chuyển thể lên màn ảnh lớn. Ông cũng hy vọng sẽ làm được ba phim họat hình ngắn mới và công chiếu tại Ghibli Museum. Miyazaki cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên hạn chế con cái của họ xem phim của ông chỉ một lần một năm, và cũng mong rằng các bộ phim ngắn của bảo tàng sẽ không được trình chiếu ở bất cứ nơi nào khác nữa. Có như vậy, trải nghiệm xem chúng sẽ trở thành một ký ức được trân trọng.
Miyazaki không thích không khí điện ảnh hiện đại: nơi người ta có thể giật mình kinh hãi kinh hoàng bởi hệ thống âm thanh lập thể được lắp trong các rạp chiếu phim hiện nay. Âm thanh của The Wind Rises vẫn được phối mono). Trong con người Miyazaki, chất wabi-sabi vẫn luôn đậm đà mặc dù càng về sau, các bộ phim của ông dường như ít wabi-sabi hơn. Những khoảnh khắc đẹp nhất của chúng thường được giữ kín trong tĩnh lặng và ở đó nhân vật của ông chỉ đơn giản là suy nghĩ, hoặc chờ đợi, và thời gian mờ dân như một tiếng thì thầm.
|
Trong The Wind Rises có trường đoạn Jiro đi nghỉ ở vùng núi, dành cả ngày chơi máy bay giấy và tận hưởng niềm vui của mình. Đó có lẽ là điều đẹp nhất, tốt nhất trong phim. Trong Spirited Away, chúng ta thấy nữ anh hùng trẻ tuổi Chihiro cưỡi trên một đoàn tàu lướt trên mặt của một hồ nước thủy tinh; trong My Neighbour Totoro, Satsuki và Mei, hai cô bé thường không thể kìm nén cảm giác trầm ngâm chờ đợi cha mình tại một trạm xe buýt khi màn đêm từ từ buông xuống. Họ cũng như thần rừng Totoro, người không làm được gì hơn ngoài việc là chờ đợi với họ. "Sắp đặt những cảnh này trong một câu chuyện mang lại cho tôi niềm vui to lớn," Miyazaki nói, "vì ý nghĩa của chúng không thể giải thích được bằng lời mà chỉ bằng hình ảnh. Đó là việc mà các bộ phim phải làm." Ông nhớ lại câu chuyện của một người bạn kể khi chiếu My Neighbour Totoro cho một lớp học dành cho trẻ em trường mẫu giáo, và mô tả sự phấn khích của chúng đối với bộ phim: đôi mắt và miệng của chúng há hốc khi Mei 4 tuổi tìm thấy Totoro đang ngủ trong cái hốc rỗng của một cây long não; Tiếng la hét vui sướng của chúng khi thấy cô trèo lên bụng của cậu và quan sát cậu ngáy. Trong cảnh ở trạm xe buýt, ông nói, tất cả đám trẻ ngồi trong im lặng; một số nắm tay giáo viên hay của các bạn bên cạnh để bớt cảm giác hồi hộp, trong khi những đứa khác thoăn thoắt chui xuống dưới gầm một cái bàn bất kỳ để xem phim từ chỗ nấp đó. "Chúng khá căng thẳng, thậm chí có một chút sợ hãi, nhưng không giống như kiểu chúng không muốn xem", ông nói. "miễn là khoảnh khắc sau cùng, chúng hoà tan vào trong bộ phim. Và điều đó làm tôi rất hạnh phúc." Và có lẽ niềm hạnh phúc rất trẻ thơ đó đã khiến Miyazaki không yên tâm nghỉ hưu. Đầu tháng 11/2016, ông tuyên bố sẽ trở lại vị trí đạo diễn để thực hiện bộ phim truyện Boro The Caterpillar (Tiếng Nhật - Kemushi no Boro), phát triển từ một cảnh quay ngắn sử dụng công nghệ CG mà ông đã làm cho viện bảo tàng Studio Ghibli ở Tokyo.
Ông cũng nói rằng đã chuyển một lời đề nghị tới nhà sản xuất phim kỳ cựu Toshio Suzuki của mình mặc dù vẫn chưa nói gì với vợ. Miyazaki tiết lộ dù làm phim nào, ông cũng sẵn sàng chết chìm trong đó.
Trong phim mới, Miyazaki vẫn dùng phong cách hoạt hình vẽ tay mà ông luôn sử dụng trong suốt sự nghiệp làm phim. Trong nền điện ảnh Nhật Bản, Miyazaki được xem là “người kiên định với cách làm phim của mình đến chết”. Hiện vẫn chưa có thông báo chính thức về ngày sản xuất cũng như phát hành phim nhưng thông thường, Miyazaki mất trung bình 5 năm để hoàn thành một bộ phim cho nên Boro The Caterpillar được dự báo sẽ công chiếu vào năm mà nhà làm phim bước sang tuổi 80. Một trong những thành tựu mà Miyazaki đạt được cho những cống hiến của ông với điện ảnh là giải thưởng Academy Honorary Award tại Lễ trao giải Annual Governors Awards lần thứ 6 vào tháng 11/2014.
Đạo diễn Hayao Miyazaki Hints trở lại với phim truyện (TGĐA) - Miyazaki nói ông sẽ thực hiện bộ phim truyện "Boro The Caterpillar" (Tiếng ... |
“Thầy giáo bất đắc dĩ” - Phim “ngôn tình” Nhật Bản hiếm hoi ra rạp Việt (TGĐA) - Thầy giáo bất đắc dĩ (Tựa gốc: My Korean Teacher) là một câu chuyện ... |
Phim Nhật Bản "Người đàn bà thép": Có gây sốt như "Oshin" ngày xưa? (TGĐA) - Lấy hình mẫu từ nữ thương nhân Hiroka Asako sống từ cuối thời ... |
Thanh Quỳnh