(TGĐA) - Đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh được đánh giá là gương mặt tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam. Những tác phẩm của ông luôn được thế giới đánh giá cao, công chúng trong nước đón nhận nồng nhiệt bởi cái nhìn thấm đẫm chất nhân văn - thân phận con người, số phận của dân tộc.
Về một bộ phim không do nhà nước đặt hàng | |
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Vinh quang từ Amiens |
Trong buổi Gặp mặt đồng đội của Câu lạc bộ điện ảnh chiến trường nhân kỷ niệm 42 năm Thống nhất đất nước, nhiều người không khỏi xúc động khi nghe đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh thổ lộ lý do khiến những bộ phim ông làm về chiến tranh như Bao giờ cho đến tháng Mười; Đừng đốt… thành công đến thế!
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trò chuyện tại buổi Gặp mặt đồng đội của Câu lạc bộ điện ảnh chiến trường |
Năm 1975, đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng các đạo diễn Bùi Đình Hạc, Hải Ninh, Trần Vũ thuộc hãng phim truyện Việt Nam mỗi người dẫn đầu một đoàn làm phim vào chiến trường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Khoảng thời gian ấy tuy không dài nhưng đã để lại cho ông và các đồng nghiệp không ít kỷ niệm đáng nhớ. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 42 năm, chưa từng có ai đứng ra tổ chức gặp mặt những người đã tham gia làm phim trong chiến dịch lịch sử đó.
Trong buổi Gặp mặt đồng đội của Câu lạc bộ điện ảnh chiến trường Khu 5, đạo diễn Đặng Nhật Minh đến dự với tư cách khách mời danh dự. Tại đây, ông thể hiện mong muốn Câu lạc bộ điện ảnh chiến trường nên mở rộng, kết nạp không chỉ những anh em khu 5 mà tất cả những ai dù một ngày ra chiến trường cũng xứng đáng để ngồi ôn lại với nhau những kỷ niệm quá khứ.
|
Đạo diễn Đặng Nhật Minh bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm năm 1971, khi cùng đạo diễn Huy Thành đi theo đường mòn 559 vào chiến trường, xuống binh trạm 32 – Thừa Thiên Huế, trên đường ra gặp bộ đội ta đi vào khu 5. Ông kể: “Làm phim Đặng Thùy Trâm tôi đã vào chiến trường – nơi bộ đội ta từng ở, gặp và tiếp xúc với những người đã làm việc trong binh trạm của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Nghe họ kể chuyện tôi mới nhận ra rằng bất cứ ai ở chiến trường này đều giống Đặng Thùy Trâm, chẳng qua các chị ấy không viết nhật ký nên không ai biết. Đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm, tôi cứ nhớ mãi câu: “Ở đây cái chết dễ hơn ăn một bữa cơm”. Tôi nghĩ không câu nào có thể nói lên được sự khốc liệt của mảnh đất đó như vậy. Tất cả những người đã từng sống trên mảnh đất nơi “cái chết dễ hơn ăn một bữa cơm” đều xứng đáng là anh hùng".
|
Xem đoạn phim tài liệu đi tìm mộ liệt sĩ quay phim Chí Dũng của Câu lạc bộ Điện ảnh chiến trường, đạo diễn Đặng Nhật Minh xúc động nhớ lại sự hy sinh cao cả của cha ông – liệt sỹ Đặng Văn Ngữ: “Ông cụ tôi cũng hy sinh như anh Dũng, cụ bị bom B52, sau đó người ta nhặt một phần hài cốt của cụ cho vào võng dù chôn. Họ chỉ kịp đục một mảnh nhôm ghi tên Đặng Văn Ngữ - 1/4/67. Sau đó, các cán bộ huyện đội của Phong Mỹ đi quy tập không biết Đặng Văn Ngữ là ai, họ quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Vô Danh, năm ấy đúng 20 năm. Mãi sau tôi mới tìm được. Bố tôi là một trí thức nhưng cụ đã hy sinh, nằm xuống như bất cứ một người lính vô danh nào trên mảnh đất này. Tất cả những điều đó thấm vào trong con người tôi, đối với những người lính ra trận, trái tim tôi luôn bên cạnh họ”.
Với cương vị từng là nhà quản lý, là NSND được giới làm nghề trong nước và quốc tế nể trọng nhưng trong buổi gặp mặt với anh em điện ảnh chiến trường, đạo diễn Đặng Nhật Minh luôn gần gũi, khiêm nhường: “Tôi rất phấn khởi khi được gặp các bạn, tôi luôn trở về với dân, cả khi là quan chức, trái tim tôi cũng ở với người dân”.
Nhắc lại trích đoạn trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười - đoạn đối thoại giữa anh bộ đội tình cờ gặp một em bé – con của một liệt sĩ – khi ấy em đi đánh điện cho bố về nhắn ông sắp mất. Tất cả đoàn xe đều biết bố em, anh thủ trưởng trên xe biết đây là con đồng đội mình nên quay xe về làng. Thằng bé không chịu xuống, anh có nói với bé trai: “Chú là bạn bố cháu, cùng chiến đấu, cùng một đơn vị với bố cháu. Chú muốn nói sự thật là bố cháu đã hy sinh rồi. Đứa bé hỏi lại một câu rất đau: “Thế tại sao chú còn sống?”
|
Ngụ ý của đạo diễn Đặng Nhật Minh ở đây vô cùng sâu sắc và thấm thía, ông muốn nhắn nhủ “Tất cả chúng ta đi chiến trường, chúng ta còn sống trở về, quả bom đó không rơi đúng hầm chúng ta nhưng lại rơi xuống hầm của một đồng đội nào đó. Đó là một sự tình cờ, nhưng khi chúng ta có may mắn là viên đạn đó không bắn đúng ngực mình, quả bom đó không rơi đúng hầm mình, mình phải có trách nhiệm với những người còn sống. Câu hỏi của cậu bé làm anh bộ đội sững người – đúng rồi, tại sao viên đạn đó không rơi vào mình mà lại rơi vào bố cậu bé? Đó là một câu hỏi nhắc nhở những người còn sống trách nhiệm với những người đã mất”.
Văn là người, tác phẩm điện ảnh chính là sự thể hiện quan điểm sáng tác, cái tâm, cái tình của người đạo diễn. “Những tình cảm xuất phát từ trái tim cộng với những gì thu thập thực tế ở chiến trường đường 9 Nam Lào đã giúp tôi rất nhiều trong sáng tác, trong việc thực hiện những thước phim của tôi. Tôi đạt được thành công trong điện ảnh cũng nhờ vào những thực tế, những cảm xúc đó…”
Và đó chính là căn nguyên, là khởi nguồn cho thành công của những bộ phim chiến tranh thấm đẫm chất nhân văn và tình người của ông – NSND Đặng Nhật Minh.
Về một bộ phim không do nhà nước đặt hàng (TGĐA) - Phim Hà Nội – Mùa đông 46 ra đời đến nay vừa tròn ... |
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Vinh quang từ Amiens (TGĐA) - Giữa tháng 11 vừa qua, đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh đã ... |
Phương Hà