(TGĐA) - Phim Hoa sữa về trong gió là bức tranh nhiều chiều và gần gũi về các gia đình trong cuộc sống hiện đại. "Mỗi nhà mỗi cảnh", họ sẽ làm gì để gìn giữ hạnh phúc?
Bố Hiếu 'Hoa sữa về trong gió' theo đuổi nghề diễn viên thay vì họa sĩ | |
Con gái NSƯT Võ Hoài Nam 'chạm ngõ' qua bộ phim ‘Hoa sữa về trong gió’ |
Phim Hoa sữa về trong gió được cầm trịch bởi đạo diễn Bùi Tiến Huy, từng ghi dấu ấn qua những bộ phim giàu cảm xúc như Cả một đời ân oán, Thương ngày nắng về... Bộ phim quy tụ dàn diễn viên thực lực và được mọi người yêu mến như NSƯT Thanh Quý vào vai bà Trúc, một người mẹ, người bà đầy bao dung nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc, NSƯT Bá Anh và Thanh Hương vào vai con trai (Hiếu) và con dâu (Linh) của bà Trúc, Huyền Sâm và NSƯT Ngọc Quỳnh đóng vai cặp vợ chồng Khang - Thuận, con gái bà Trúc. Đặc biệt, phim có sự tham gia của Hoài Anh (con gái NSƯT Võ Hoài Nam) vào vai Trang, Tú Oanh cùng nhiều gương mặt trẻ khác hứa hẹn mang đến những làn gió mới cho khán giả truyền hình. Mỗi nhân vật đều mang trong mình những nét tính cách đặc trưng, tạo nên một bức tranh đa sắc về gia đình Việt Nam đương đại.
Dàn diễn viên trong bộ phim Hoa sữa về trong gió |
"Cuộc sống có vạn điều đương nhiên quen thuộc, như mẹ yêu con, như hết ngày nắng sang ngày mưa, như vòng đời suy rồi lại thịnh, như tình người lạnh rồi lại ấm. Và như mùa thu đến, hoa sữa quay về”.
Hoa sữa về trong gió là phim tâm lý tình cảm với những câu chuyện đa chiều về cuộc sống gia đình trong xã hội hiện đại. Mỗi gia đình đều được xây dựng từ những con người với hoàn cảnh, tính cách gần gũi và quen thuộc trong cuộc sống. Từng nhân vật đều hành động với mong muốn những điều tốt nhất cho người thân, cho mái ấm. Nhưng cách thức thể hiện và hành động của họ mới là vấn đề cần được quan tâm, vì không phải ai cũng làm đúng. Điều đó dẫn đến những mâu thuẫn, hiểu lầm dần đẩy một số thành viên rời xa gia đình, người thân yêu.
Qua những tập phim đầu, có thể thấy ông Hiếu là một người bố gia trưởng và bảo thủ điển hình. Sự nghiêm khắc của ông luôn đi kèm với sự áp đặt. Đúng như câu nói cửa miệng "miễn bàn", ông Hiếu chưa từng để cho Trang hay Phong thể hiện quan điểm của mình. Trong suy nghĩ của ông, chỉ cần một lời ông nói ra, đó là kết luận không cần bàn bạc thêm. Đây có lẽ là giới hạn cao nhất của sự gia trưởng, khi mà mọi suy nghĩ, cảm xúc của người khác đều không được tôn trọng. Ông Hiếu luôn trách Trang chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình, nhưng chính ông mới là người vì mong muốn và tâm tư riêng mà ép con gái phải nghe theo, cũng chính ông là người thờ ơ, gạt đi mọi ý kiến mà Trang bày tỏ. Ông Hiếu có quyền có quy tắc riêng cho mình và cho các con nhưng kỷ luật phải gắn với sự tôn trọng. Người xem vẫn trách ông Hiếu gia trưởng một cách vô lý, nhưng có lẽ trong chuyện này, ông cũng có nỗi khổ tâm của riêng mình. Còn Trang là cô gái năng động, có đam mê và chính kiến rõ ràng, chắc chắn không phải mẫu người dễ dàng chịu sự sắp đặt cho cuộc đời của mình. Một người bố bảo thủ và một người con cá tính, tưởng như khán giả sẽ chứng kiến những mâu thuẫn nảy lửa ngay từ khi bắt đầu, thế nhưng Trang khi đối diện trực tiếp với bố lại là một con người khác. Sự trái ngược trong tính cách này khá kỳ lạ, nhưng cũng dễ hiểu. Bởi một cô bé mạnh mẽ tới đâu, lớn lên cùng người bố nghiêm khắc và truyền thống cũng sẽ rất khó để khẳng định lập trường của mình, nhất là khi câu trả lời nhận lại luôn là "con không được cãi bố", "con chưa đủ tuổi để quyết định". Câu hỏi đặt ra là, nếu cô thẳng thắn và dám thể hiện mình hơn, liệu mối quan hệ bố con có đi đến mức này? Sự né tránh hiện tại giống như cách mà cô dựng cho mình một vỏ bọc trước mặt ông Hiếu. Không chỉ trong công việc, có lẽ Trang cũng chưa từng được sống với bản ngã thật của mình khi cứ phải lo sợ làm trái ý bố. Trang cũng chính là hình ảnh của các bạn trẻ ngoài kia, dường như đang tự tạo nên một "nhân cách" khác để làm vừa lòng bố mẹ, bởi họ không cảm nhận được sự chia sẻ và đồng cảm từ gia đình.
Câu chuyện của ông Hiếu và Trang mang một thông điệp sâu sắc: tình thân là bản năng nhưng nó cũng cần được vun đắp bằng sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Thay vì tranh cãi ai đúng ai sai, điều cần nhất để hóa giải khúc mắc giữa những người thân là nhìn nhận và học cách đặt bản thân mình vào đối phương. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo sự kết nối, để gia đình thực sự là chỗ dựa, là sự ủng hộ thay vì áp đặt.
Bộ phim Hoa sữa về trong gió đề cập đến khá nhiều vấn đề xã hội, trong đó có những khúc mắc do khác biệt trong các thế hệ của nhiều gia đình, sự quan tâm thái quá làm người trong nhà đôi khi cảm thấy ngột ngạt trong chính ngôi nhà của mình hay câu chuyện áp lực học thêm, áp lực chọn nghề… Bởi vậy, những câu chuyện trong gia đình bà Trúc mang lại nhiều nét thân quen mà gia đình nào cũng thấy mình ở đó, bởi ai cũng mong muốn những điều tốt nhất cho gia đình, cho những người thân yêu. Hành động của họ đều xuất phát từ yêu thương, nhưng không phải lúc nào cách thức họ bày tỏ tình cảm và sự quan tâm cũng gắn kết gia đình mà đôi khi lại khiến mối quan hệ trở nên phức tạp và xa cách. Sau nhiều biến cố, mỗi người đều nhận ra vấn đề và điều chỉnh lại mình, thương yêu vẫn hướng về nhau, lo toan và chia sẻ đùm bọc với nhau. Chính gia đình, trong những thăng trầm gian khó nhất, đã khiến mỗi người thay đổi và trưởng thành. Hoa sữa về trong gió sẽ là những câu chuyện muôn thuở về gia đình nhưng chưa bao giờ cũ, mang đến một không khí gần gũi, nhẹ nhàng, thân thương mà người xem có thể thấy mình trong đó để biết trân trọng, yêu thương mái ấm của mình hơn.
Bố Hiếu 'Hoa sữa về trong gió' theo đuổi nghề diễn viên thay vì họa sĩ | |
Con gái NSƯT Võ Hoài Nam 'chạm ngõ' qua bộ phim ‘Hoa sữa về trong gió’ |
Thanh Thúy