Hoạt động triển lãm: Dòng chảy tiêu biểu qua các thời kỳ làm phim của Điện ảnh TP.HCM

(TGĐA) - Một trong những hoạt động nổi bật, thu hút người xem của lễ hội Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Điện ảnh là không gian triển lãm, trưng bày hình ảnh, hiện vật và poster phim chọn lọc qua các ghi nhận - những dấu ấn và hoạt động tiêu biểu của Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Dưới đây là ba chủ đề chính được trưng bày tại triển lãm.

Hội Điện ảnh TP. HCM kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (30/10/1982 – 30/10/2022) Hội Điện ảnh TP. HCM kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (30/10/1982 – 30/10/2022)
Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh khai giảng năm học mới Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh khai giảng năm học mới

Có một nền Điện ảnh Bưng Biền trong kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ (1947-1954)

Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã đi qua chặng đường gần 70 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngày 15/3/1953. Nhưng trước đó có một nền Điện ảnh Nam bộ thường được gọi là “Điện ảnh Bưng Biền” đã ra đời sớm trong những tháng năm đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp, bất chấp mọi khó khăn, nền điện ảnh đó đã để lại một dấu son không thể phai nhạt trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, một nền Điện ảnh thủ công, với những bước đi bằng những tấm gỗ và tre giữa đầm lầy Đồng Tháp Mười, trong lúc kháng chiến chống lại đạn bom… Trong những vùng giải phóng nhỏ hẹp, thiếu thốn mọi thứ… Họ làm việc giữa những mái lều bên bờ kênh, dùng thuyền làm xưởng sản xuất, đi kiếm nước ngọt, tránh mọi ổ phục kích ngày đêm rình rập… Tạo những kỳ tích huyền thoại có thật như tráng phim trực hình ngay trong lòng địch; Tráng phim trực hình không cần điện; In phim bằng máy quay phim… Và cho ra đời bộ phim chiến sự đầu tiên của khu 8 là Trận Mộc hóa lịch sử anh hùng.

Hoạt động triển lãm: Dòng chảy tiêu biểu qua các thời kỳ làm phim của Điện ảnh TP.HCM
Điện ảnh Bưng Biền

Điện ảnh TP. HCM - Tiên phong qua các thời kỳ

Điện ảnh TP. HCM thăng trầm qua các giai đoạn phục hồi và phát triển của đất nước. Song có thể tự hào là vẫn luôn tiên phong, dũng cảm “tháo gỡ, trải nghiệm” cùng những đột phá hiệu quả trong hoạt động nghề nghiệp.

Thành tựu của Công ty cổ phần phim Giải Phóng… tiền thân là Xưởng phim Giải Phóng

Ngày 12/9/1962 Xưởng phim Giải Phóng được thành lập - từ đó những thước phim tài liệu quý giá ghi lại những hình ảnh hào hùng của quân dân ta trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ đã đến với nhân dân cả nước cũng như bạn bè thế giới như các phim tiêu biểu: Miền Nam anh dũng, Chiến thắng Bình Giã, Mỹ nhất định thua, ta nhất định thắng Đồng Xoài rực lửa, Chiến thắng Tây Ninh, Du kích Củ Chi, Hạt lúa vành đai, Đội nữ pháo binh Long An, Đường ra phía trước, Nghệ thuật tuổi thơ… Những thước phim tài liệu phải đánh đổi cả xương máu đã cổ vũ tinh thần cho nhân dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Không ít các nghệ sĩ, chiến sĩ đã ngã xuống trên chiến trường trong khi vẫn cầm trên tay chiếc máy quay phim.

Hoạt động triển lãm: Dòng chảy tiêu biểu qua các thời kỳ làm phim của Điện ảnh TP.HCM
Các tác phẩm điện ảnh của Xưởng phim Giải Phóng

Ngày 10/9/1976, đất nước thống nhất, hòa bình lập lại Xưởng phim Giải Phóng phát triển thành Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM (nay là Công ty cổ phần Phim Giải Phóng) với 3 thể loại phim: Tài liệu, truyện và hoạt hình.

Đạo diễn Mai Lộc khi được bổ nhiệm làm giám đốc Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM - người từng đạo diễn thành công và đậm dấu ấn phim Vợ chồng A Phủ trong thời gian kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc đã chỉ đạo thực hiện ngay 2 bộ phim Địa chỉ để lại (do ông và NSND Huy Thành) thực hiện năm 1977 và phim Tình đất Củ Chi (do đạo diễn Lê Văn Duy) thực hiện năm 1978. Phim đạt Huy chương bạc LHPQT Maxcơva (Liên Xô) 1977.

Hoạt động triển lãm: Dòng chảy tiêu biểu qua các thời kỳ làm phim của Điện ảnh TP.HCM
Diễn viên Trần Bảo Sơn

Sau đó nhiều bộ phim khác ra đời với nội dung về cuộc kháng chiến cũng như công cuộc bắt tay xây dựng hòa bình. Các phim tiêu biểu đạt nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế như: Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Vùng gió xoáy... (NSND Hồng Sến); Về nơi gió cát, Xa và gần… (đạo diễn - NSND Huy Thành); Ván bài lật ngửa (đạo diễn Lê Hoàng Hoa); Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư… (đạo diễn Việt Linh). Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng); Tuổi thơ dữ dội, Mảnh đất tình người, Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn - NSƯT Vinh Sơn); Xương rồng đen (đạo diễn - NSƯT Lê Dân); Lưỡi dao, Ai xuôi Vạn Lý, Gái nhảy… (đạo diễn - NSƯT Lê Hoàng); Biệt ly trắng, Long Thành cầm giả ca… (đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn); Bụi hồng, Con thú tật nguyền, Thời xa vắng (đạo diễn - NSƯT Hồ Quang Minh); Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh); Hạ sĩ quan (đạo diễn Lê Dũng)…

Dòng phim Việt thị trường – “Cuộc đua” của các nhà làm phim tư nhân bùng nổ - Thế hệ đạo diễn Việt kiều về nước - Các phim đạt doanh thu cao (từ 12 đến hơn 400 tỷ đồng Việt Nam) năm 2004 đến nay

Từ điểm mốc ấn tượng thành công của bộ phim thương mại Gái nhảy (Hãng phim Giải Phóng sản xuất năm 2003) đạo diễn Lê Hoàng thực hiện, đạt doanh thu đột phá trên 12 tỷ đồng. Doanh thu ở thời điểm này với 12 tỷ là con số đáng mơ ước mà các nhà sản xuất phim mong đợi trong bối cảnh bấy giờ. Năm 2004, bộ phim hài Khi đàn ông có bầu ra đời (do công ty Phước Sang sản xuất), Phạm Hoàng Nam làm đạo diễn. Đây là bộ phim đầu tiên đăng ký chiếu Tết Nguyên đán (năm 2005) của các hãng phim tư nhân… và về sau đã trở thành tiền lệ trong mỗi dịp Tết về. Chỉ sau hơn một tuần công chiếu, phim Khi đàn ông có bầu đã vượt lên đứng đầu với doanh thu 6 tỷ đồng. Từ đây “cuộc đua” của các nhà làm phim tư nhân đã bắt đầu.

Hoạt động triển lãm: Dòng chảy tiêu biểu qua các thời kỳ làm phim của Điện ảnh TP.HCM
Dòng phim thị trường

Điện ảnh TP. HCM đã một thời được mệnh danh là “kinh đô” điện ảnh của cả nước với sức sản xuất có năm lên đến gần 100 phim. Doanh thu cao có, song số phim thất bại cũng không hề ít. Đã có nhiều nhà sản xuất phải bán nhà, bán đất, vay nợ ngân hàng… ấy vậy mà họ vẫn tìm giải pháp xoay trở… bởi “máu” làm phim. Và trên con đường mạo hiểm đam mê ấy, họ đã có sự thành công cùng niềm tự hào. Tiêu biểu các phim đạt từ 12 đến 400 tỷ đồng như: Gái nhảy, Giải cứu thần chết, Long Ruồi, Tèo Em, Hương Ga, Để Mai tính, Em là bà nội của anh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em chưa 18, Siêu sao siêu ngố, Mắt biếc, Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Chị Mười Ba, Gái già lắm chiêu 3, Tiệc trăng máu, Lật mặt 48h, Bố già, Em và Trịnh

Khi thị trường điện ảnh Việt Nam đang dần khởi sắc, một thế hệ đạo diễn Việt kiều trẻ háo hức về nước làm phim, tạo thành ba xu hướng: phim sáng tạo, phim tác giả và phim thương mại. Tiêu biểu như đạo diễn Hồ Quang Minh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh… Sau đó là các đạo diễn: Charlie Nguyễn, Lưu Huỳnh, Victor Vũ, Lê Văn Kiệt, Hàm Trần, Dustin Nguyễn Cường, Ngô Quang Lê…

Hoạt động triển lãm: Dòng chảy tiêu biểu qua các thời kỳ làm phim của Điện ảnh TP.HCM
Một góc triển lãm
Hoạt động triển lãm: Dòng chảy tiêu biểu qua các thời kỳ làm phim của Điện ảnh TP.HCM
Đạo diễn Xuân Phương (Bên trái)

Ngày 10/1/1994, cụm rạp chiếu phim thuộc Nhà văn hóa Tân Sân Nhất đầu tiên ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh và ở Việt Nam. Sau đó là Galaxy, BHD, 2 đơn vị Lotte Cinema, Megastar sau đổi thành CGV đều của Hàn Quốc, với công nghệ tiên tiến bậc nhất, hệ thống phòng chiếu cao cấp hiện đại, sang trọng. Vài năm gần đây TP. HCM tiếp tục có thêm 2 đơn vị xây dựng cụm rạp chủ yếu nằm ở quận 1 và quận 3 như Cinestar và Megags.

Cần khẳng định, thời hoàng kim cũng như cho tới hiện tại của ngành Điện ảnh TP. HCM là có sự góp sức rất lớn của đội ngũ tư nhân sản xuất phim về vốn, năng lực sản xuất cũng như công tác phát hành phim.

Hoạt động triển lãm: Dòng chảy tiêu biểu qua các thời kỳ làm phim của Điện ảnh TP.HCM
Nhà quay phim Minh Trí - dũng sĩ diệt xe tăng

Ông Minh Trí, phóng viên quay phim của Xưởng phim Giải Phóng từng là dũng sĩ diệt xe tăng, sau giải phóng ông là đạo diễn, cho đến nay vẫn tiếp tục làm nghề bồi hồi chia sẻ: Triển lãm làm sống dậy một thời hào hùng của thế hệ tiền nhân, những người từng làm nên lịch sử nền điện ảnh dân tộc như các ông: Mai Lộc, Khương Mễ, Lý Cương, Thế Đoàn, Nguyễn Đảnh, An Sơn, Trương Thành Hỷ, Hồ Tây của điện ảnh Bưng Biền Cách mạng Nam bộ cùng những bộ phim tài liệu như Trận Mộc Hóa, Trận La Ban… Và họ lại tiếp tục là ngọc cờ đầu - những người sáng lập của Xưởng phim Giải Phóng thời kháng chiến chống Mỹ. Triển lãm là việc làm vô cùng ý nghĩa cả về chính trị lẫn nghề nghiệp, gợi nhớ thời vàng son của điện ảnh Giải Phóng qua từng poster phim cùng những kỳ Liên hoan phim trong nước và quốc tế như Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang… Tôi thấy diễn viên Thùy Liên đứng hoài bên poster phim Mùa gió chướng như hoài niệm và sống lại cùng đoàn phim, để chia sẻ cùng người xem tại triển lãm. Tất cả đã đưa chúng tôi trở về quá khứ hào hùng cùng niềm tự hào lớn lao. Những chiếc máy quay qua các thời kỳ - hiện vật sống động được trưng bày, càng gợi nhớ cho tôi về trận chống càn Giôn xơn City với 45.000 quân Mỹ đánh vào cơ quan đầu não của Trung ương cục miền Nam, khi đó tôi là dũng sĩ diệt xe tăng, vừa là phóng viên quay phim với chiếc máy quay Pallapolex đồng hành tham gia cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 rồi tới Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tiến về Sài Gòn. Hay với máy quay Ari 35 tôi vinh dự được quay kỳ họp Quốc hội khóa 6 - khóa đầu tiên sau khi đất nước thống nhất… mọi thứ ùa về cứ dâng trào, bồi hồi, xúc động.

Hoạt động triển lãm: Dòng chảy tiêu biểu qua các thời kỳ làm phim của Điện ảnh TP.HCM
Biên kịch Phạm Thùy Nhân

Biên kịch Phạm Thùy Nhân, người từng ngụp lặn, gắn bó trong các hoạt động cũng như sáng tác điện ảnh và truyền hình của thành phố đến với buổi triển lãm bằng tâm thế của người đi… dạo. Ông dùng từ đi dạo là để vừa nhẩn nhơ và vừa chiêm nghiệm lại quá khứ, rồi đối chiếu cùng hiện tại qua từng poster phim ở các thời kỳ. Tôi rất khâm phục về công tác tìm kiếm, tổng hợp tư liệu chọn lọc qua từng thời kỳ làm phim. Qua không gian triển lãm, tôi như thấy diện mạo tiêu biểu của từng giai đoạn phát triển của điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là sự tiếp cận ấn tượng của chuỗi hoạt động lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Điện ảnh thành phố.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú và đạo diên Tường Phương
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú và đạo diễn Tường Phương

Đạo diễn - NSƯT Tường Phương chia sẻ: Rất lặng lẽ và đầy cảm xúc. Triển lãm đã đưa tôi trở về những ký ức, thời mà tôi chưa từng được chứng kiến cũng như thời mà sau này tôi từng sống và làm phim. Từ những hiện vật, nội dung giới thiệu, hay những áp phích, poster phim… giúp tôi thấy cả một dòng chảy lịch sử điện ảnh thành phố - nghề mà tôi đeo đuổi cả cuộc đời. Đặc biệt là khu vực giới thiệu về điện ảnh Cách mạng Bưng Biền. Một kỳ tích phi thường của các bậc tiền nhân. Thật vô cùng khâm phục, tự hào và đầy biết ơn họ.

Hội Điện ảnh TP. HCM kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (30/10/1982 – 30/10/2022) Hội Điện ảnh TP. HCM kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (30/10/1982 – 30/10/2022)

(TGĐA) - Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Điện ảnh Thành phố ...

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh khai giảng năm học mới Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh khai giảng năm học mới

(TGĐA) - Sáng 14/10 vừa qua, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. ...

Vũ Liên

Photo: Kiều Anh Dũng - Hoàng Chí Hùng