(TGĐA) - Ngày 11/9/2017, Hội Điện ảnh Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của Chi hội Hãng phim truyện Việt Nam về vấn đề Cổ phần hóa hãng phim, Hội Điện ảnh đã tiến hành cuộc họp BCH vào sáng 18/9 với tham dự của một số thành viên BCH Chi hội Hãng phim truyện Việt Nam là những người nắm được diễn biến sự việc một cách sát sao nhất, nhằm cung cấp thêm thông tin, giúp BCH Hội nắm chắc vấn đề.
| |
Hãng phim truyện Việt Nam, cổng số 4 Thụy Khuê |
Tại cuộc họp, BCH Hội Điện ảnh Việt Nam đã lắng nghe ý kiến cũng như thông tin mà các nghệ sỹ cung cấp và được biết hiện Hãng phim có 4 khu vực đất gồm:
- Khu nhà xưởng, trường quay và nhà Thủy phi cơ (đã có sổ đỏ) tại số 4 Thụy Khuê có diện tích hơn 5000 m2. Đây là khu đất hãng sử dụng từ năm 1959, hiện thiếu nhà nước 2 tỷ đồng tiền thuế đất).
- Mảnh đất tại Hoàng Hoa Thám có diện tích hơn 900m2 (đang trong quá trình làm sổ đỏ).
- Khu đất tại trường quay Cổ Loa có diện tích gần 6000m2 (có quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch giao).
- Tòa nhà 4 tầng tại số 6 Thái Văn Lung, TP. Hồ Chí Minh (Có giấy chứng nhận quyền sử dụng).
| |
Cơ sở vật chất của Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay |
Đạo diễn Vũ Xuân Hưng nhấn mạnh vào 2 vấn đề nổi bật. Đó là:
- Quá trình CPH không minh bạch thể hiện ở việc đi tìm đối tác chiến lược rất sơ sài. Nhà cổ đông chiến lược trúng thầu đã xuất hiện như có sự chuẩn bị trước.
- Không đưa giá trị về lợi thế BĐS và thương hiệu của Hãng phim vào giá trị của doanh nghiệp.
- Trong quá trình thực hiện có hàng loạt xáo trộn trong việc sử dụng các không gian không nằm trong mục đích sản xuất sản phẩm nghe nhìn mà là ăn uống.
- Sử dụng lao động không đúng chuyên môn khiến họ bức xúc mà phải tự nghỉ việc.
- Không thực hiện các cam kết đã nêu cũng như không có kế hoạch tờ trình hoạt động trong thời gian trước mắt và kế hoạch dài hạn.
- Vô hiệu hóa lao động trong việc sử dụng lao động khiến người lao động không biết tương lai họ như thế nào?
| |
Kho đạo cụ đang trong quá trình di dời sau Cổ phần hóa |
Đạo diễn Nguyễn Đức Việt cho biết mục đích đơn thư gửi các cơ quan chức năng ngoài bảo vệ quyền lợi của các nghệ sỹ còn là để bảo vệ tương lai của Điện ảnh Cách mạng, bảo vệ nền điện ảnh đất nước bởi trong 2 tháng sau khi Cổ phần, các phương tiện sản xuất để làm phim gần như đang bị chuyển đi hết và bị vô hiệu hóa. Bộ phận hậu kỳ và thu thành bị gộp lại. Đạo diễn Nguyễn Đức Việt nhấn mạnh: Nếu không làm rõ tận cùng sự việc thì tương lai của Hãng phim mất là một lẽ nhưng quá khứ với bề dày truyền thống 60 năm cũng mất luôn. Ngoài ra, từ lúc cổ phần hóa, các nghệ sỹ có năng lực, từng làm nhiều phim cho Hãng đã bỏ đi hoặc về hưu sớm.
| |
Phòng kịch bản đang trong quá trình di dời sau Cổ phần hóa |
Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát nói thời gian qua báo chí và Hội viên khắp cả nước đã kêu nhiều. Bà nói về sự việc diễn ra tại Hãng phim trong 2 tháng sau khi cổ phần, “các giải thưởng, huân huy chương của hãng bị hất đổ, các nghệ sỹ bị đuổi đi làm nghề khác, phòng biên kịch cho thuê bán bún riêu” và kết luận: “Tiềm lực của nhà đầu tư này không có gì. Họ không tha thiết làm phim mà giải quyết hết mặt bằng cho thuê”. Bà Ngát đề xuất trong sự việc này, Hội sẽ bảo vệ quyền lợi của Hội viên bằng cách: Ngay trong chiều 18/9/2017, trên tinh thần “Nếu được cứu thì thoát mà không cứu sẽ chết luôn”, Hội sẽ soạn thảo kiến nghị để trình Thủ tướng nắm được tình hình.
|
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, sau khi gửi tới BCH Hội điện ảnh Biên bản rà soát pháp lý vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (dài 6 trang đánh máy) do một nhóm các luật sư trong Sài Gòn giúp đỡ, đã nói đến chi tiết đưa giá trị đất đai và lợi thế đất đai ra ngoài giá trị doanh nghiệp là “việc làm Đúng Nghị định đã không còn hiệu lực”.
|
Đạo diễn Trịnh Lê Văn cho biết: Bảo vệ quyền lợi của Hội viên và anh em nghệ sỹ là việc mà Hội điện ảnh phải làm. Hội chỉ tiếp nhận đề xuất chứ không nói bên nào đúng sai. Kết luận đó do các cấp các ngành có thẩm quyền. Hội sẽ làm đúng chức năng nhiệm vụ của Hội là kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ sự việc nếu như đây đúng là hành vi lợi dụng cổ phần hóa để chiếm đất nhà nước thành tài sản tư nhân.
| |
Đến hẹn lại lên - Một trong những bộ phim nổi tiếng của Hãng phim truyện Việt Nam |
Sau khi phân tích và lập luận, các nghệ sỹ đại diện BCH Chi hội Hãng phim cho rằng Cổ phần hóa Hãng phim đã diễn ra không đúng, không cẩn thận và thiếu minh bạch đồng thời đề xuất kiến nghị thanh tra và làm rõ quá trình Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Bởi tất cả những việc lùng bùng đó đều do không minh bạch mà ra. Đơn vị đấu thầu không có ai ngoài công ty này chứng tỏ thiếu tính cạnh tranh, thậm chí chưa kêu gọi cổ phần hãng phim mà họ đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu trong khi Luật đấu thầu quy định Cuộc đấu giá không thành công nếu chỉ có một nhà đầu tư chiến lược tham gia. Công tác thanh tra sẽ biết lý do tại sao giá trị đất bằng 0, giá trị thương hiệu bằng 0 trong khi Hãng đang sở hữu nhiều bất động sản và là hãng phim có bề dày truyền thống hơn 60 năm.
| |
Hãng phim truyện Việt Nam cổng số 4 Thụy Khuê |
Tổng hợp các ý kiến, BCH Hội điện ảnh đề xuất hướng giải quyết của Hội điện ảnh Việt Nam như sau:
- Hội Điện ảnh sẽ làm công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Ban Tuyên giáo… đề nghị rà soát lại 3 yếu tố Giá trị đất, Giá trị thương hiệu, Quyền lợi của các Nghệ sỹ và đề nghị thanh tra quá trình Cổ phần hóa.
Vào lúc 14h00 ngày 19/9/2017, Ban lãnh đạo mới Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam tiến hành cuộc họp với các nghệ sỹ có sự tham gia của báo chí. Nhiều câu hỏi được đặt ra trên tinh thần đối thoại giữa lãnh đạo và người lao động đã được ông Tổng giám đốc Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) trực tiếp trả lời. Các câu hỏi chủ yếu tập trung vào quyền lợi của người lao động và định hướng hoạt động của công ty sau khi cổ phần hóa… Tiếp đến, vào lúc 18h00 ngày 19/9/2017, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái có cuộc làm việc với Hãng phim truyện Việt Nam. Sáng thứ 5, ngày 21/9/2017, Chi hội Hãng phim truyện Việt Nam tiến hành gặp gỡ công khai báo chí.
| |
Nhớ về số 4 Thụy Khuê |
Thảo Nguyên