(TGĐA) - Đạo diễn, biên kịch và tổng giám đốc hãng phim Mosfilm Karen Shakhnazarov vừa tròn 65 tuổi. Nhân dịp này phóng viên báo Văn hóa có cuộc trò chuyện với ông, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Karen Shakhnazarov |
Thái độ của ông đối với tuổi tác?
Khá bình thản. Không thể nói rằng tôi cảm thấy gánh nặng tuổi tác. Mặc dù, tất nhiên, cuộc sống đang trôi đi, bạn không làm gì được. Thậm chí không thể nói là buồn. Tôi cho rằng trên vai tôi có một hành trang nào đấy, điều đó không tồi. Tôi không sống bằng hồi ức.
Phải chăng ông không xem lại những bộ phim của mình?
Không. Tôi nghĩ rằng sau khi ra mắt, bộ phim bắt đầu có cuộc sống độc lập. Mặt khác, khi nhìn thấy tác phẩm của mình, bạn muốn làm lại nhiều cái, mà điều đó không thể thực hiện được nữa rồi.
Thứ hai, bạn hiểu rằng chúng xuất hiện vào đúng thời điểm, vào độ tuổi phải xuất hiện, có nghĩa là chúng cần thiết như vậy. Không cần quay trở lại với chúng.
Hơn nữa, điện ảnh, xin nói với bạn, là nghệ thuật rất phù du, về thực chất, nó là cái tức thời. Những kẻ muốn dùng điện ảnh để dựng đài kỷ niệm cho mình hoàn toàn sai lầm.
Nếu bộ phim sống được 10-20, 40 năm đã là tốt lắm rồi. Thực chất đó là cái duy nhất có ý nghĩa. Không phải giải thưởng, phát hành, số lượng khán giả, mà là phim của anh có được xem lại sau vài thập kỷ không.
Điều đó cũng nói lên rằng anh có phải nghệ sĩ đích thực không.Tarkovsky, Gayday, Danelia đã làm điện ảnh đích thực, vì vậy cho đến nay phim của họ vẫn hay.
Trước hết, những câu chuyện “nhân văn” sẽ còn lại, còn các kỹ xảo lạc hậu rất nhanh và không có giá trị đặc biệt. Bạn hiểu không, vào những năm 70, khi tôi đến Mosfilm thì Ryazanov, Ozerov, Alov, Naumov, Lotyanu, Chukhray, Konchalovsky, Mikhalkov (còn rất trẻ) đang làm việc ở đấy.
Ngoài họ còn có các đạo diễn tạm gọi là hạng hai – Karelov, Chulyukin, Saltykov. Mà đấy mới chỉ Mosfilm, chưa kể đến hãng Lenfilm với những tên tuổi như Averbakh, Kozintzev, Vengerov, German. Trình độ điện ảnh Liên Xô cao hơn nhiều so với điện ảnh Nga hiện nay. Tuy nhiên, tôi không lý tưởng hóa nó, vì cũng có nhiều phim dở, nhưng dù sao tỷ lệ những bộ phim có chất lượng rất lớn.
Phim Gorod Zero, 1989 của đạo diễn Karen Shakhnazarov |
Làm thế nào tạo được sự đa dạng như vậy? Hiện nay phần lớn các bộ phim cứ na ná như nhau.
Đây là câu hỏi mang tính triết học. Tất nhiên, tôi xin lỗi, nhưng chất lượng con người cũng hơi khác, trình độ học vấn hoàn toàn khác. Thậm chí không có gì để so sánh. Thanh niên hiện nay phần lớn chưa đọc “Anna Karenina.” Mặt khác, hồi đó chúng tôi, những nhà làm phim trẻ, được nâng đỡ, đòi hỏi, và điều đó đưa chúng tôi vào khuôn phép.
Tôi bắt đầu làm việc tại đoàn làm phim hài và ca nhạc, nơi lãnh đạo nghệ thuật là Ryazanov, Gayday, Danelya. Chính ở đấy, tôi đã làm phim Chúng tôi ở ban nhạc Jazz, Buổi chiều mùa đông ở Gagra, Người đưa thư. Kịch bản Chúng tôi ở ban nhạc Jazz do tôi với Sasha Borodyansky viết đi viết lại tới 12 lần. Thời bấy giờ nhà nước quan tâm tới điện ảnh.
Và các nhà lãnh đạo có trình độ, mặc dù hiện nay họ bị phê phán… Cho dù lúc bấy giờ chúng ta đối xử với Ermash (chủ tịch Ủy ban điện ảnh thuộc Hội đồng bộ trưởng Liên Xô cũ) như thế nào đi nữa, nhưng làm việc dưới trướng ông là Tarkovsky, Gayday, Ryazanov, Bondarchuk, Hutsiev.
Về đại thể, ông là một nhà sản xuất thiên tài. Tôi hiểu rằng không thể phục hồi hệ thống đó, nó đã tồn tại vì có một mô hình kinh tế phù hợp. Hệ thống kinh tế thị trường hiện nay đòi hỏi một phương pháp tiếp cận khác. Khó khăn của nền điện ảnh chúng ta là ở chỗ nó phải trở thành hoặc hoàn toàn thị trường, hoặc thuần túy nhà nước bao cấp.
Còn ở nước ta, một mặt, vẫn còn sự hỗ trợ của nhà nước kiểu Liên Xô, mặt khác, buộc phải lưu ý quyền lợi của các nhà sản xuất, rạp chiếu phim, v.v… Về cơ bản, nền điện ảnh của chúng ta không phụ thuộc vào khán giả…Cần phải xây dựng các mối quan hệ qua lại đúng đắn giữa ngành điện ảnh, nhà nước và thị trường.
Trong một bài trả lời phỏng vấn ông nói rằng ông không muốn con cái gắn bó với điện ảnh. Ông có phản ứng gì khi con trai ông đi theo nghề của bố?
Quả thật tôi không muốn điều đó. Tôi biết quá rõ nội bộ ngành điện ảnh, tôi hiểu cơ may của những người vào học năm đầu tiên của khoa đạo diễn. Tình hình ở đây thế này: hoặc bạn là đạo diễn, hoặc không là gì cả. Cần phải thường xuyên làm việc: quay phim, sản xuất phim, tổ chức chiếu ra mắt. Mà điều đó hiện nay là vô cùng khó khăn. Nhưng mặt khác, tôi cũng không thể bắt ép con chọn một nghề khác, trong khi mẹ là diễn viên, ông là đạo diễn âm thanh Igor Mayorov, cụ - Vasily Pronin, nhà quay phim tuyệt vời, đã làm phim Giấy thông hành vào đời, Ngôi nhà của chúng ta, Hành trình qua ba biển với tư cách đạo diễn. Lại còn tôi nữa. Rõ ràng môi trường từ nhỏ đã đẩy con trai tới điện ảnh.
Ivan Shakhnazarov, con trai của Karen Shakhnazarov trong thời gian theo học trường điện ảnh VGIK |
Vậy thì ai bắt đầu thuận lợi hơn – ông lúc bấy giờ hay con trai ông hiện nay?
Tất nhiên là tôi. Chính quyền Xô viết biết cách làm việc với các đạo diễn trẻ. Nếu tôi không nhầm thì Liên Xô mỗi năm sản xuất 30 phim đầu tay màn ảnh rộng. Cũng ngần ấy đạo diễn được đào tạo. Vì vậy, hầu như mỗi người đều có cơ hội làm một bộ phim đầu tay. Tất nhiên, lúc bấy giờ tồn tại hệ tư tưởng, vì vậy, ban đầu buộc phải làm phim về một nông trang nào đấy, nhưng hiện nay ngay cả cơ hội đó cũng không có. Mặt khác, nếu như kinh nghiệm ban đầu không thành công thì sau đó rất khó được làm phim, đôi khi phải làm đạo diễn “phụ” vài năm …Còn hiện nay, người ta đào tạo quá nhiều đạo diễn trẻ. Cơ hội làm phim đầu tay của các đạo diễn trẻ hết sức mong manh. Tôi luôn luôn nói rằng mỗi năm cần làm 15 phim đầu tay. Những phim này phải được nhà nước tài trợ hoàn toàn và giúp phát hành. Cách đây không lâu cậu con trai cả của tôi, Ivan Shakhnazarov, đã làm phim Số phận, được mời tham gia LHP Kinotavr. Nhưng cơ hội ra rạp của bộ phim rất ít, mặc dù Ivan vẫn hy vọng. Mặt khác, một khi đã đi theo nghề này, buộc phải thử sức, cho dù khó khăn đến đâu. Dù sao rồi người ta sẽ nói nhiều với Ivan: “Với cậu thật dễ hiểu, bố cậu làm cho hết”. Ở địa vị tôi, tôi không muốn bố tôi là đạo diễn, hơn nữa lại còn là giám đốc Mosfilm.
Bố ông, một chính khách nổi tiếng, phản ứng thế nào đối với việc ông chọn nghề điện ảnh?
Bố mẹ tôi là những người có thiên hướng nghệ thuật. Mẹ có một thời mơ ước trở thành diễn viên, vì vậy ở một chừng mực nào đó tôi đã thể hiện những hy vọng không thành của mẹ. Hơn nữa, vào thời tôi, điện ảnh là một nghề danh giá, còn đạo diễn nói chung có vị thế rất cao.
Thế tại sao ông không giảng dạy nữa? Ông chỉ thỉnh thoảng giảng bài tại Học viện điện ảnh của Nikita Mikhalkov?
Trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp và nắm vững kiến thức chưa đủ, cần phải biết chia sẻ chúng nữa. Dù sao đó cũng là một tài năng riêng biệt.
Ví dụ như Volodya Khotinenko, tôi cho rằng ông ấy là một nhà sư phạm xuất chúng. Bạn hãy nêu tên các đạo diễn trẻ hiện nay mà xem, tất cả đều là học sinh của Khotinenko.
Ông ấy yêu mến các bạn trẻ, thích làm việc với họ, rõ ràng đối với ông đó là một phần quan trọng của cuộc sống.
Tôi không có năng khiếu ấy cũng như tham vọng để lại thế hệ học trò của mình. Cần phải làm những gì bạn có thể làm và hoạt động trong những lĩnh vực phù hợp với bạn…Tôi cảm thấy như vậy trung thực hơn. Mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn được mời giảng dạy.
Poster phim Anna Karenina phiên bản mới nhất của đạo diễnKaren Shakhnazarov |
Làm thế nào ông có thể kết hợp được cái ghế đạo diễn với lãnh đạo một hãng phim lớn như Mosfilm?
Công việc đạo diễn giúp tôi với tư cách giám đốc loại bỏ nhiều trục trặc trong công tác quản lý. Bước ra trường quay, tôi cảm thấy thiếu cái gì, cái gì lỗi thời, cái gì cần làm để công việc trở nên tốt hơn. Về mặt thể chất, tất nhiên, khá vất vả, vì bạn không thể bỏ xưởng ngay cả một thời gian ngắn, mặc dù tôi có những trợ lý rất giỏi…Thực ra, tôi đã quen sống như vậy, tôi thích khi xung quanh luôn luôn có điều gì đấy diễn ra.
Ông là một nhà lãnh đạo khắt khe?
Điều này bạn nên hỏi các nhân viên của tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi mang tiếng như vậy vì tôi chia tay với mọi người khá dễ. Nếu tôi thấy ai không đáp ứng được công việc là nói lời tạm biệt ngay lập tức, không một chút vương vấn. Nhân tiện xin nói, điều này có căn nguyên từ điện ảnh: nếu trong đoàn làm phim có ai đó không hoàn thành công việc một cách rõ ràng, cần giải phóng ngay lập tức và tìm người khác thay thế, không nên để mất thời gian giải thích, bộ phim đang được tiến hành…Tôi mang nguyên tắc đó vào Mosfilm. Đồng thời tôi luôn luôn cố gắng đối xử với mọi người một cách nhân văn.
Ông thường phát biểu trong chương trình của Vladimir Solovyev với tư cách chuyên gia về chính trị. Ông có bao giờ muốn thử sức mình trong lĩnh vực chính trị chuyên nghiệp không?
Không, mặc dù tôi quan tâm tới chính trị, bố tôi là một trong những người sáng lập ra nền chính trị học Xô viết. Ông là chủ tịch hiệp hội khoa học chính trị Liên Xô và đã làm rất nhiều cho sự phát triển của khuynh hướng này.
Ở nhà có rất nhiều tư liệu, vì bố tôi làm việc tại Ban chấp hành trung ương. Tôi biết nhiều điều mà các bạn cùng tuổi của tôi không tiếp cận được…Ở đấy có sự tác động của những quy luật hoàn toàn khác mà tôi không thích sống như vậy. Dù sao, một mặt là quan tâm chính trị, phân tích, phát biểu ý kiến của mình, và mặt khác là làm chính trị thực sự. Không, tôi xin kiếu.
Ông có dự định làm bộ phim mới không?
Trước mắt thì không. Anna Karenina là một dự án lớn, và tôi rất phấn khởi vì đã làm được cái mình muốn. Sau một bộ phim như vậy tạm thời tôi chưa dự định gì. Rất có thể tôi sẽ làm một cái gì đấy hài hước để thư giãn, lâu rồi tôi không làm phim hài...
Trần Hậu
(Theo Portal-kultura.ru)