(TGĐA) - Ai là chủ nhân thực sự của phim truyền hình hiện nay? Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC? Chưa chắc. Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh? Cũng chưa chắc. Hay Today TV? Vẫn chưa đúng.
Biên kịch Chu Thu Hằng: Đừng thấy phim ngôn tình ăn khách mà lao vào! | |
Phim truyền hình Việt 2016: Nỗ lực để giữ khán giả! | |
Phim truyền hình Việt 2015: Nỗ lực vượt… khó! |
|
1. Ai là chủ nhân thực sự của phim truyền hình hiện nay? Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC? Chưa chắc. Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh? Cũng chưa chắc. Hay Today TV? Vẫn chưa đúng. Có thể là các đạo diễn? Nhưng thử hỏi, trong số hàng chục đạo diễn làm phim truyền hình hiện nay, người xem có nhớ tên ai không? Hoặc biên kịch phim truyền hình? Rất nhiều tên tuổi, hàng chục bút danh, hàng chục nhóm viết, nhưng hầu như không ai nhớ. Còn các diễn viên thì sao? Thử hỏi một diễn viên bậc trung, chính cô ấy cũng không nhớ nổi những vai diễn của mình có điểm gì ấn tượng. Vậy tại sao phim truyền hình vẫn tồn tại? Người ta vẫn làm? Để làm gì? Chả nhẽ chúng ta cứ thích sống mãi trong cảnh chợ chiều của phim truyền hình hiện nay? Câu hỏi này đặt ra trong bối cảnh đáng buồn. Tất cả những tổ chức và thành phần làm phim nêu ra ở trên, không ít thì nhiều, đều có lỗi. Nhưng theo tôi, người gây ra cái lỗi lớn nhất, đẩy phim truyền hình Việt Nam vào tình cảnh thê thảm hiện nay, không ai khác, chính là những nhà sản xuất. Đó chính là những ông chủ thực sự của những bộ phim truyền hình. Là những người bỏ tiền sản xuất phim, nhưng vấn đề quan trọng là kinh phí sản xuất lại quá ít ỏi. Câu tục ngữ “tiền nào của ấy’’ luôn luôn đúng với thực tế sản xuất phim truyền hình hiện nay. Từ việc đầu tư, trả nhuận bút cho khâu ban đầu đến khâu cuối cùng là chiếu phim, tất cả đều diễn ra trong trạng thái mệt mỏi.
|
2. Trước hết, nói về biên kịch. Ai là người viết kịch bản phim truyền hình hiện nay? Đa số họ đều ở độ tuổi 30-40. Cả nam và nữ. Nhưng nữ nhiều hơn nam. Họ có đặc điểm chung gì? Tất cả đều không có vốn sống, vốn thực tế. Nhà sản xuất cần làm bộ phim về kiều nữ và đại gia? Xong ngay. Họ lên mạng, tìm kiếm hàng chục câu chuyện về đề tài này. Chế biến, xào xáo vài ngày. Và có ngay một câu chuyện 30 tập khá mùi mẫn về hoàn cảnh, số phận, tình đời đen bạc của những người này. Nhà sản xuất chỉ việc đồng ý. Chẳng có biên kịch nào đi thực tế. Đi làm gì? Các kiều nữ ngay cạnh phòng trọ. Xinh đẹp. Nhỏ nhặt. Ghen tuông. Làm bộ. Lừa đảo. Vân vân. Các đại gia thừa sức hình dung. Đánh quả. Lừa tình. Chặn xã hội đen. Cứu cả nhà người đẹp. Làm chứng từ giả. Phá sản. Kiều nữ ngoảnh lại. Làm lại cuộc đời. Vân vân… Các nhà báo đã sống ảo, viết ảo về cuộc đời của các nhân vật rồi. Đến lượt các nhà biên kịch lại còn viết ảo hơn. Cả hai nhà này đều có điểm chung là đều viết chung chung, khái niệm về nhân vật, không có chi tiết nào thuyết phục. Nhưng một kịch bản có đủ những cung bậc tình cảm như thế, nhà sản xuất khó lòng chối từ. Bởi họ đâu cần đi sâu vào chuyên môn. Đại khái thế là hay rồi. Họ góp ý: thêm vào những màn đấm đá thật dữ dội, những trận đuổi bắt cho nghẹt thở, sử dụng nhiều loại vũ khí thật kinh sợ. Vậy là phim sẽ ăn khách. Nhiều quảng cảo nhảy vô.
3. Và tự nhà sản xuất đi tìm đạo diễn. Trả ngần này tiền nghe? Chơi không? Không chơi thì chúng tôi mời người khác. Anh là đạo diễn có cá tính? Để cái cá tính đó sang một bên. Lúc khác sử dụng . Chúng tôi chỉ cần đạo diễn biết nghe lời. Đúng điều độ. Kế hoạch sản xuất ư? Có người của chúng tôi lo. Anh yên tâm. Chỉ việc ra hiện trường chỉ đạo. Còn diễn viên? Chúng tôi cũng chọn rồi. Hợp vai hay không? Có căn cứ gì để tranh luận với nhau? Diễn viên giỏi phụ thuộc vào cái gì? Vào ai? Ngày trước, họ phụ thuộc vào kịch bản, vào đạo diễn. Bây giờ họ phụ thuộc vào chúng tôi. Hiểu chưa?
Còn những khâu sau như thế nào? Khỏi cần nói, bạn đọc cũng hình dung được. Câu chuyện xã hội hóa làm phim truyền hình là như thế. Gọi là ‘’xã hội hóa’’ cho có vẻ là ai cũng có phần, nhưng thực ra, đó là hình thức tư nhân làm phim. Họ không chú ý đến nội dung. Cũng không cần nghệ thuật thể hiện. Họ chỉ cần một loại “na ná như phim’’. Đủ sức chiếu trên truyền hình. Và kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, lấy quảng cáo, bù chi phí làm phim. Lời lãi ăn chia với nhà đài.
|
4. Nhưng đừng tưởng các nghệ sỹ làm phim truyền hình như lũ cừu. Gậy ông lại đập lưng ông đấy. Các nghệ sỹ cũng rất khôn ngoan. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Các anh định làm phim 30 tập thôi ư? Kịch bản này, tụi tôi phải kéo ra những 45 tập. Còn dư vài đoạn nữa đây này. Chi tiền tiếp ra đi. Đâm lao phải theo lao. Lê thê ai biết? Dài dòng ai hay? Chúng tôi đã thuê mấy nhà báo ca phim này rồi? Phần kết nhiều bí ẩn lắm đấy. Có người đặt làm tiếp phần II rồi. Các ông mà không quyết, chúng tôi tự quyết đấy. Có hội chỉ đến một lần. Hối không kịp đâu.
5. Đây không phải là câu chuyện “kẻ cắp gặp bà già’’ mà là câu chuyện kết hợp làm phim. Đôi bên cùng có lợi. Nhưng bên có hại là ai? Chính là phim truyền hình. Mà phim truyền hình là cái gì nhỉ? Hay như phim truyền hình Hàn Quốc, khán giả nước mình còn bão hòa, không xem nữa. Làm hay làm gì? Hoặc như phim cổ trang Trung Quốc, chiếu mãi ở nước mình. Người xem cũng chán. Làm hay làm gì? Bây giờ, phim truyền hình Ấn Độ đang ăn khách. Nhưng mình cạnh tranh sao nổi với Cô dâu 8 tuổi với Góa phụ nhí? Cứ kệ họ. Rồi sẽ hết thôi mà. Làm hay làm gì? Ai mua phim truyền hình nước mình? Lào chắc? Hay Campuchia? Phim truyền hình nhà mình, đậm đà bản sắc dân tộc lắm. Họ làm sao hiểu nổi mà dám mua! Thôi, cứ cây nhà lá vườn. Tự cung tự cấp tự xài. Nước mình có 64 tỉnh thành đấy. Mỗi tỉnh lại có một đài truyền hình. Cho không, bỏ rẻ cũng còn lãi chán. Các nhà sản xuất vẫn làm phim truyền hình. Họ là những đầu tầu, kéo theo cả một guồng máy chạy suốt ngày đêm như những toa tầu đang chạy trên đường sắt nước ta.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Sau 'Người phán xử', VFC còn rất nhiều phim hấp dẫn! | |
Nhân xem phim 'Người phán xử' |
Đoàn Tuấn