(TGĐA) - Tuy Kim Dung đã 'tiếu biệt giang hồ', nhưng 'hiệp khí trường tồn'. Tinh thần hiệp khách mà thế giới võ hiệp của ông tạo ra đã hòa lẫn vào máu của độc giả.
Làn sóng làm lại tác phẩm Kim Dung: Phim kiếm hiệp đã trở lại! | |
'Tiếu ngạo giang hồ' một lần nữa được đưa lên màn ảnh |
Tiểu thuyết của Kim Dung không chỉ là 'đao quang kiếm ảnh giang hồ thiên hạ', cũng không phải là 'sầu triền miên yêu hận tình thù', vì phần lớn tác phẩm lấy đề tài từ lịch sử Trung Quốc, thể hiện tinh thần vì dân vì nước, đậm khí chất văn học cổ điển Trung Hoa. Dù Kim Dung đã kết thúc cuộc đời truyền kỳ 'hiệp cốt nhu tình, kiếm khí tung hoành', nhưng 'giấc mộng võ hiệp' mà ông để lại cho người đời mãi không phai màu.
Hàng Châu – “chiếc nôi” đưa Kim Dung đến văn đàn
Kim Dung trưởng thành tại Chiết Giang. Ông từng nói Hàng Châu là thành phố ông thích nhất ở Trung Quốc. Hàng Châu là nơi ông từng làm việc hồi trẻ, cũng là nơi bắt đầu sự nghiệp báo chí của ông, Tây hồ cũng đã nhiều lần xuất hiện trong truyện của ông. Rất nhiều năm về trước Kim Dung từng bày tỏ: “Hy vọng khi già có thể quay về Hàng Châu, chết tại Chiết Giang”. Và ông cũng từng nói, thành phố ông thích nhất ngoài Tô Châu, Hàng Châu, chính là Thành Đô, chữ “Dung” của nhân vật nữ chính Hoàng Dung trong Anh hùng xạ điêu, chính là “Dung” của Thành Đô.
|
Kim Dung thích Hàng Châu và không quên đưa địa danh Tây hồ vào tiểu thuyết võ hiệp của ông. Ngay chương thứ nhất của Lộc đỉnh ký đã nhắc đến Tây hồ; trong Thư kiếm ân cừu lục, Trần Gia Lạc và Càn Long ngắm trăng ở Tây hồ, các anh hùng Hồng hoa hội và Ngự tiền thị vệ giao đấu ở Tây hồ; trong Ỷ thiên đồ long ký, Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn gặp nhau ở ven Tây hồ; trong Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung từng bị nhốt dưới đáy Tây hồ sau đó luyện được Hấp tinh đại pháp… Giáo sư Từ Đại thuộc khoa văn học đại học Chiết Giang cũng nhận định: “Thành phố mà Kim Dung thích nhất, chính là Hàng Châu, tại sao? Ngoại trừ gần quê nhà Hải Ninh, quan trọng nhất, vì lúc trẻ ông từng làm việc ở Hàng Châu, nơi đây đã lưu lại bao ký ức tươi đẹp của ông”.
|
Hiện nay, trong nhà lưu trữ tư liệu Chiết Giang vẫn lưu trữ đầy đủ tư liệu của tờ Đông Nam nhật báo, trong đó có một bản “Giấy chứng nhận nhân viên Đông Nam nhật báo” do Kim Dung ký với tòa soạn vào năm 1946, cùng với một bản “đơn xin thôi việc” khi ông rời khỏi tòa soạn. Hai bản tư liệu gốc, đã thuật lại điểm xuất phát tiến đến văn đàn của Kim Dung, chính là bắt đầu từ sự nghiệp báo chí ở Hàng Châu.
Tại sao cuối đời phải chỉnh sửa tiểu thuyết của mình?
Ngòi bút võ hiệp của Kim Dung từng vẽ ra võ lâm trong lòng nhiều thế hệ độc giả; sinh thời khi trả lời phỏng vấn ông bày tỏ: “Mong rằng 100 năm, 200 năm sau khi tôi mất, vẫn có người đọc tiểu thuyết của tôi, như thế tôi đã rất mãn nguyện”. Kim Dung nói, mỗi khi có thời gian rảnh hoặc khi ngồi xe, ngồi máy bay, ông sẽ nghĩ ngợi lung tung, nghĩ nếu mình là hiệp khách, đại hiệp thì sẽ như thế nào? Trong số nhân vật nam chính trong tác phẩm, Kim Dung thích nhất Lệnh Hồ Xung, đồng thời cũng thích Kiều Phong, và không thích Vi Tiểu Bảo: “Gặp loại người này thì phải tránh xa”.
|
Khi Kim Dung giải thích với tờ Tuần san thời sự Trung Quốc về lý do tại sao cuối đời phải chỉnh sửa tiểu thuyết của mình, ông nói hy vọng 50 năm – 60 năm sau mọi người vẫn có thể đọc tiểu thuyết của mình: “Sau khi tôi qua đời, 100 năm sau, công chúng vẫn có thể đọc. Vậy thì phải chỉnh sửa tác phẩm hoàn chỉnh hơn, những chữ chưa thỏa đáng sửa cho thỏa đáng hơn”.
Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đều viết về lịch sử, nhưng ông nói: “Tôi không quên thế giới bên ngoài”; khi về già, Kim Dung vẫn thường xuyên tham gia nhiều hoạt động: “Không phải sợ cô đơn. Cho dù thật sự làm một học giả, cũng không thể suốt ngày chỉ ngồi trong thư phòng, tách biệt với xã hội”. Kim Dung nói: “Trong lúc nghiên cứu lịch sử, tôi cũng nghiên cứu xã hội học, muốn biết người trong xã hội có suy nghĩ như thế nào. Học là phải đem ra sử dụng, học như vậy mới đóng góp với xã hội”.
Có người chỉ trích ông tuổi tác đã cao vẫn thường xuyên tham dự các hoạt động xã hội, Kim Dung phản hồi nói: Tôi không phải ẩn sĩ, không lãng quên thế giới bên ngoài, tôi có rất nhiều sở thích”.
|
Được mệnh danh “Đệ nhất kiện bút Hương Giang”
Nếu nói, tiểu thuyết là Đồ long đao của Kim Dung, thì xã luận là Ỷ thiên kiếm của Kim Dung. Trong 30 năm Kim Dung làm chủ biên tờ Minh báo, tổng cộng ông đã viết 7.000 bài xã luận, được mệnh danh là “Đệ nhất kiện bút Hương Giang”.
Kim Dung lấy bút làm kiếm, giành lấy một vùng giang sơn. Vì thế, Kim Dung trở thành “cây đinh” trong mắt giới chính trị. Ông từng tiết lộ, thời kỳ đầu Cách mạng văn hóa, tên ông đứng thứ hai trong danh sách ám sát. Cảnh sát Hong Kong, vì bảo vệ ông, đã tặng cho ông 14 tấm biển số xe giả để thay đổi. Nhưng, khi nhắc đến quãng thời gian nguy hiểm trùng trùng này, ông lại nói đây là ngày tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. Đối với Kim Dung, tiểu thuyết là giang hồ trên mặt giấy, làm báo là giang hồ thật sự. Trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, hai loại giang hồ này hợp lại thành một.
|
Năm 1967, trong lúc Cách mạng văn hóa đang dầu sôi lửa bỏng, Kim Dung sáng tác Tiếu ngạo giang hồ. Trong phần “Hậu ký” ông viết rằng: “Mỗi ngày tôi viết xã luận cho Minh báo, sự căm ghét mãnh liệt đối với những hành vi bỉ ổi trong chính trị, được phản ánh một cách tự nhiên trong tiểu thuyết võ hiệp viết ra hàng ngày”.
Tiếu ngạo giang hồ xoay quanh cuộc đấu tranh giữa các môn phái như Ngũ Nhạc Kiếm phái, Nhật Nguyệt thần giáo… ám chỉ cuộc đấu tranh giai cấp trong Cách mạng văn hóa. Các nhân vật gian hùng, kiêu hùng như Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi, Tả Lãnh Thiền… đối với Kim Dung mà nói, họ không phải cao thủ võ lâm, mà là nhân vật chính trị. Tuy Kim Dung nói, Tiếu ngạo giang hồ không có ý phản ánh Cách mạng văn hóa, mà là thông qua một số nhân vật trong truyện, khắc họa hiện tượng phổ biến trong hoạt động chính trị ở Trung Quốc 3.000 năm qua. Nhưng, ông cố ý khiến bộ sách này không có bối cảnh thời đại, điều này cho thấy, nhân vật và sự kiện có thể xảy ra ở bất kỳ thời đại nào.
|
“Giang hồ phim ảnh” phía sau Kim Dung
Nếu không có truyện của Kim Dung, giới phim ảnh Hoa ngữ có lẽ sẽ không có nhiều sắc màu. “Truyền kỳ về nhà văn Kim Dung hạ màn” - câu nói của một nhà phê bình điện ảnh đã gây ra sự đồng cảm của đông đảo đọc giả. Với 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung vừa tạo ra giang hồ võ hiệp của văn hóa Trung Quốc, vừa mang đến nguồn đề tài và cảm hứng vô tận cho ngành công nghiệp phim ảnh Hoa ngữ.
Năm 1958, bộ phim Anh hùng xạ điêu do công ty phim ảnh Nga Mi –
Thập niên 1970 – 1980 thế kỷ trước, Hãng Shaw (tiền thân của TVB) - Hong Kong đã quay hơn 20 bộ phim điện ảnh Kim Dung, những bộ phim này tuy ghi hình đơn giản, song đã đạt được thời đại hoàng kim đầu tiên mà phim võ hiệp Kim Dung tạo ra. Phim Thiên long bát bộ năm 1977, phim Phi hồ ngoại truyện năm 1980, phim Thư kiếm ân cừu lục năm 1981… đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử điện ảnh
Nhà sản xuất Trương Kỷ Trung tuyên bố dự án điện ảnh Phi hồ ngoại truyện |
Đến thập niên 1990, đạo diễn Từ Khắc đã mạnh dạn tiến hành cải biên tác phẩm Kim Dung, lưu lại nhiều bộ phim kinh điển của trào lưu võ hiệp mới như Tiếu ngạo giang hồ, Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại… Ngoài ra, phim Đông tà tây độc của đạo diễn Vương Gia Vệ tái hiện tiểu thuyết Kim Dung với góc nhìn mang màu sắc hiện đại, phim Lộc đỉnh ký do Vương Tinh đạo diễn, Châu Tinh Trì đóng chính cũng mang đến cho khán giả cảm nhận mới mẻ.
Còn đối với người trong ngành phim ảnh, tác phẩm Kim Dung chính là “sự mê hoặc và thử thách”. Chuyên gia phim võ hiệp và tiểu thuyết Kim Dung – Trần Mặc nói, bất kể là nội dung câu chuyện hay hàm ý văn hóa, thế giới võ hiệp của Kim Dung đều rất khó chứa đựng trong một bộ phim, mà việc đem những từ ngữ mang tính tưởng tượng chuyển hóa thành ngôn ngữ nghe nhìn mang tính cụ thể, thỏa mãn trí tưởng tượng của khán giả, cũng trở thành nguyên nhân quan trọng mà võ hiệp Kim Dung được đưa lên màn ảnh hết lần này đến lần khác.
|
Đạo diễn Lại Thủy Thanh đã dàn dựng 5 bộ phim truyền hình võ hiệp Kim Dung. Nhắc đến ấn tượng đối với Kim Dung, ông nói: “Kim Dung đem những gì đã học, đã biết, đã hiểu thông thạo trong đời, truyền vào tác phẩm, vì thế trong tiểu thuyết võ hiệp của ông có thể nhìn thấy lịch sử, tôn giáo, võ học, y thuật… truyền đạt giang hồ, hiệp nghĩa và tình yêu trong lòng ông”.
Ông Dương Chấn Hoa - Tổng giám đốc truyền thông Tân Văn Hóa nhớ lại năm xưa: “Khoảng 40 năm trước, phim chuyển thể từ tác phẩm Kim Dung bắt đầu thu hút sự chú ý của khán giả Trung Quốc, thậm chí từng xuất hiện tình huống nhân viên phát hành của một số công ty điện ảnh phải chờ tại cửa ra vào sân bay, chỉ để lấy băng ghi hình phim võ hiệp Kim Dung trong thời gian sớm nhất”.
Vào thời kỳ khi lĩnh vực phim ảnh ở Trung Quốc vẫn chưa phát triển, phim Anh hùng xạ điêu năm 1983, do Huỳnh Nhật Hoa và Ông Mỹ Linh đóng, đã tạo nên tỷ suất rating điên cuồng chưa từng có ở Trung Quốc: “Đào hoa ảnh lạc phi thần kiếm, bích hải triều sinh án ngọc tiêu”, đã trở thành ký ức sâu sắc của những người ở thời đại đó.
|
Có thể nói, phim võ hiệp Kim Dung đã bồi dưỡng ra một thế hệ khán giả mê phim võ hiệp ở Trung Quốc. Sau đó, theo sự bật dậy mạnh mẽ của ngành công nghiệp phim ảnh ở Trung Quốc, võ hiệp Kim Dung cũng trở thành lực đẩy quan trọng cho bước phát triển khởi đầu của dòng phim võ hiệp Trung Quốc.
Bắt đầu từ phim Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ… phiên bản Trương Kỷ Trung, phim truyền hình Trung Quốc đã có một vị trí nhất định trong dòng phim võ hiệp Hoa ngữ.
Nhắc tới Kim Dung, bà Triệu Y Phương - Tổng giám đốc Ảnh thị Hoa Sách - bày tỏ thái độ đầy tôn kính: “Chúng tôi vô cùng kính trọng sự cống hiến của Kim Dung đối với văn hóa Trung Hoa, nhất là sáng tác võ hiệp. Quá khứ, hiện tại, thậm chí tương lai, võ hiệp Kim Dung sẽ mãi là tài nguyên quan trọng nhất của phim ảnh Hoa ngữ”.
Bà Triệu Y Phương cho rằng, mỗi thế hệ đọc giả có một cách diễn giải khác nhau đối với võ hiệp Kim Dung. Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm phim ảnh được cải biên từ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung tổng cộng có 102 bộ, bao gồm 36 phim điện ảnh và 66 phim truyền hình. Hơn nữa, sau khi Kim Dung qua đời vẫn còn một số dự án phim đang khởi động.
|
Nhà sản xuất Trương Kỷ Trung cho biết, hiện đang chuẩn bị dàn dựng bộ phim điện ảnh Phi hồ ngoại truyện: “Chúng tôi cố gắng thực hiện tốt bộ phim này, quay thành một tác phẩm đặc sắc, toát ra hương vị Kim Dung để tưởng niệm người thầy, người bạn mãi mãi của tôi – Kim Dung tiên sinh”.
Đại hiệp hạ bút, giang hồ phim ảnh phía sau Kim Dung vẫn còn mãi, hy vọng các thế hệ nghệ sỹ, độc giả, khán giả, công chúng sẽ dùng tác phẩm hay để tưởng niệm nhà văn.
Cuộc đời 'Võ lâm minh chủ' Kim Dung vinh quang đi cùng những thăng trầm | |
Nhà văn Kim Dung qua đời do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 94 tuổi |
Trịnh Nghi