(TGĐA) - Trong số tiếp theo của Kính đa chiều, khán giả tiếp tục được lắng nghe và bàn luận cùng host Minh Đức, khách mời – NSƯT Vân Khánh và MC Phương Uyên về chủ đề Ca Huế.
'Kính đa chiều': Lê Hoàng, Bạch Long thẳng thắn chỉ ra thứ cản trở cải lương phát triển | |
'Kính đa chiều': Nghệ sĩ Thanh Hằng không dám xem lại băng video cải lương của mình |
Ca Huế là một trong những di sản phi vật thể quý giá của Việt Nam được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003. Đây là loại hình ca hát truyền thống có nguồn gốc từ miền Trung. Loại hình nghệ thuật này thường được coi là hòa âm lịch sử và tinh thần dân tộc. Trong số lần này của Kính đa chiều, khán giả được tiếp cận ca Huế dưới góc nhìn của một người nghệ sĩ trình diễn.
Chia sẻ về cảm nhận riêng về dòng âm nhạc đặc biệt này, NSƯT Vân Khánh cho biết bản thân ngày bé nghe thụ động ca Huế hằng ngày vì có cha cô là nghệ sĩ đàn cò. Nữ nghệ sĩ thú nhận sự thật khi bé cô không hề thích những làn điệu ca Huế: “Tôi không quen nghe nhưng qua nhiều năm tháng và sống trong môi trường như thế thì thành quen”. Đến khi đi hát ca Huế, Vân Khánh vẫn với một lý do thụ động là đi làm vì mưu sinh cũng như theo nghề của cha chứ chưa thực sự thích và đam mê.
NSƯT Vân Khánh cho hay khi đã có thâm niên trong nghề và tìm hiểu sâu hơn thì cô nhận ra ca Huế đặc biệt ở chỗ xuất phát từ cung đình, chỉ được hát vào những dịp thiết triều hay tiếp đón quan lại và sứ thần. “Do đó nó mang tính thính phòng và bác học hơi cao trong từng giai điệu, lời lẽ. Chính vì thế, ca Huế ít được phổ biến nơi quần chúng. Cũng bởi vì thế lúc nhỏ làm sao tôi hiểu được hết những ý nghĩa sâu xa trong ca Huế. Chỉ đến khi bước chân vào ca Huế tôi mới khám phá ra được nhiều điều hay và ngày càng nuôi dưỡng niềm đam mê với loại hình này”, nữ ca sĩ nói.
Tuy xuất phát từ cung đình nhưng giai điệu ca Huế lại mang cho người nghe những cảm giác đau buồn và sầu thảm. Dưới góc độ là người nghệ sĩ trình diễn, NSƯT Vân Khánh cho hay các bài ca Huế thường hát về thân phận những người phụ nữ phong kiến ví dụ như phi tần trong cung, những nỗi niềm uất ức không biết tỏ cùng ai. Bên cạnh những bài ca Huế bản lớn thì khi phổ biến vào đời sống nhân dân lại có thêm những bản lý nhỏ hay các bài hò. “Tất cả đều để phù hợp với người dân lao động. Bản thân tôi nghĩ cũng chính bởi mảnh đất Huế, con người và cuộc sống nơi đây khiến cho những giai điệu ca Huế phản ánh lại thực tế trong những câu hát”, Vân Khánh nhận định.
NSƯT Vân Khánh mỗi lần biểu diễn ca Huế đều được khán giả yêu cầu hát bài nào phải “tươi nhất”: “Duy chỉ có những bài hiện đại có thêm những bộ gõ, bộ đệm mang không khí rộn ràng chứ còn lại thực sự ôi thôi buồn thúi ruột”. Bên cạnh đó, nữ nghệ sĩ còn nghiệm ra rằng hát ca Huế phải đúng độ tuổi, có trải nghiệm và hiểu được ý nghĩa sâu xa trong ca từ thì càng hát càng thấm: “Lúc trẻ cứ hát vậy với giọng trong trẻo, ngân vang nhưng độ sâu, độ chín thì không thể bằng”.
NSƯT Vân Khánh chia sẻ du khách khi thưởng thức ca Huế đầu tiên là vì sự tò mò, tiếp đến là bởi khung cảnh lãng mạn mà ca Huế tạo ra, cuối cùng là sự kích thích và phấn khích của những nhạc cụ dân tộc. Một suất diễn ca Huế kéo dài từ 45 phút cho đến 1 tiếng đồng hồ nhưng theo NSƯT Vân Khánh đánh giá để du khách hiểu hết ý nghĩa giai điệu và ca từ là vô cùng khó khăn: “Bởi vì những bài ca Huế sử dụng rất nhiều từ cổ và khó hiểu. Do đó nếu chúng tôi chỉ hát những bài bản lớn thì khách sẽ khó cảm nhận được nên cũng linh động khéo léo đưa vào những ca khúc âm hưởng dân gian và độc tấu nhạc cụ để tạo nên không khí đa dạng, hứng thú”.
Với một người nghệ sĩ trình diễn ca Huế chuyên nghiệp như NSƯT Vân Khánh, cô khẳng định “Đến Huế mà chưa nghe ca Huế là coi như chỉ mới đi Huế một nửa”. Bên cạnh đó, khi biểu diễn ca Huế trước du khách gần xa, NSƯT Vân Khánh luôn cảm nhận được bản thân có một trọng trách và niềm tự hào khi được giới thiệu vẻ đẹp quê hương xứ sở của mình.
MC Phương Uyên tổng kết: “Có thể nói những buổi biểu diễn ca Huế không chỉ đưa du khách đến với không gian âm nhạc trữ tình, tinh tế, mà còn là cơ hội để khán giả tìm hiểu về truyền thống lịch sử và đặc trưng văn hóa của Huế. Những giai điệu lôi cuốn dù buồn hay vui tươi thì tất cả đều là cửa sổ mở ra để khán giả hiểu hơn về tinh thần của người dân Huế và cả vùng đất miền Trung”.
Kính đa chiều được phát sóng vào lúc 20h00 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên kênh VTV9.
'Kính đa chiều': Lê Hoàng, Bạch Long thẳng thắn chỉ ra thứ cản trở cải lương phát triển (TGĐA) - Trong những số đầu tiên của Kính đa chiều, khán giả được gặp ... |
'Kính đa chiều': Nghệ sĩ Thanh Hằng không dám xem lại băng video cải lương của mình (TGĐA) - Trong số tiếp theo của Kính đa chiều, khán giả tiếp tục được ... |
Mi Ty