(TGĐA) - Nhìn ở bề nổi, ba bộ phim từng đoạt Oscar The godfather, The sixth sense và Little miss sunshine có vẻ không có nhiều điểm chung, nhưng thật ra là có. Chúng có cùng một “cung bậc cảm xúc” trong những tình huống chính của phim. Đến đây, một câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể chế tạo ra robot thông minh giúp phân tích kịch bản và đưa ra những lời khuyên trước khi dựng thành phim?
Gặp gỡ những nhân vật đáng nhớ nhất của 'Bí kíp luyện rồng: Vùng đất bí ẩn' | |
Moonlight có thể tạo ra cuộc lật đổ ngoạn mục trong đêm Oscar? |
Từ một nghiên cứu khoa học lý thú
Mới đây, dùng công nghệ trí khôn nhân tạo (AI), các nhà phân tích điện ảnh đã phân tích hơn 6.000 kịch bản đã được dựng thành phim trong hơn 80 năm qua và khám phá ra tất cả đều rơi vào 6 cung bậc cảm xúc và các cung bậc này đã dẫn đến phản hồi khác nhau của khán giả, kể cả thích hay không thích. Nếu có cung bậc cảm xúc đi từ “bần cùng tiến lên giàu có” như The shawshank redemption, thì cũng có cung bậc đi từ “lên voi đến xuống chó” như Who framed roger rabbit. Thế thì, cung bậc cảm xúc nào thường nhận được lời khen ngợi của các nhà phê bình và thành công về thương mại? Phân tích cho thấy, những bộ phim bi có khoảng cách xa giữa hai cung bậc cảm xúc, tức “từ hạnh phúc hay mãn nguyện đi đến đau khổ và chán chường” hay nhận được đề cử Oscar nhất trong quá khứ. Một số lớn đoạt luôn Oscar sau đó.
| |
The godfather, The sixth sense hay Little miss sunshine có cùng cung bậc cảm xúc |
Bằng việc phân tích cặn kẽ và có cơ sở khoa học lĩnh vực cảm xúc của từng bộ phim, các nhà phim đã đúc kết được “phản ứng của khán giả đối với từng cung bậc cảm xúc” và cung bậc nào gây “ảnh hưởng” mạnh nhất để các nhà làm phim có thể dựa vào cho ra những bộ phim mà khán giả thật sự muốn xem, được nhiều nhà phê bình yêu thích và cuối cùng là chiếm lĩnh được trái tim của các thành viên bầu chọn Oscar của Viện Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS). Các bộ phim ở “cung bậc bi” cao trào được bình quân 2,14 đề cử Oscar cho một phim. Ví dụ, bộ phim âm mưu chính trị The constant gardener được đề cử 4 Oscar và đoạt vai nữ phụ cho diễn viên Rachel Weisz vào năm 2006. “Phim kể câu chuyện về một nhà ngoại giao Anh ở Kenya khám phá ra bí ẩn đằng sau cái chết bất ngờ của vợ mình đã tạo ra cung bậc cảm xúc về một gia đình đang ở tột cùng hạnh phúc bỗng rơi xuống vực thẳm của sự bất hạnh” – một nhà phân tích nói. Trong khi đó, những bộ phim nói về trường hợp người giàu biến thành trắng tay, dù có “biên độ hạnh phúc và bất hạnh” rất lớn chỉ có thể được giới phê bình khen chứ khó lòng chiếm lĩnh được trái tim khán giả và hệ quả là thất thu tại rạp. Khán giả bị ấn tượng bởi “khả năng làm giàu từ tay trắng” hơn là “tỉ phú sạt nghiệp và trở về số không!”. Làm như cái sau không đáp ứng được giấc mơ đời thực của họ.
| |
The constant gardener thuộc cung bậc bi - được bình quân 2,14 đề cử Oscar cho một phim |
“Man in a hole”
Trong số các bộ phim có cung bậc cảm xúc không thỏa mãn được khán giả nên thất thu nặng còn có Lawrence of arabia, một trong những bộ phim nhận được lời khen nhiều nhất của các nhà phê bình trong lịch sử điện ảnh thế giới và nhận được 7 Oscar năm 1963, kể cả phim hay nhất nhưng doanh thu tiền vé tệ hại, chỉ mang về 6 triệu USD so với kinh phí 15 triệu USD! Một ví dụ khác là Girl, Interrupted - bộ phim mang về cho nữ diễn viên Angelia Jolie vai phụ xuất sắc nhất năm 2000 nhưng cũng thất bại tại phòng vé. Khán giả hầu như rất ít biết về bộ phim này so với những bộ phim khác của cô, như Mr & Mrs Smith hay Tom Raider.
| |
Toy story 3 là ví dụ của cung bậc cảm xúc 'từ giàu có trở nên bần cùng' |
Khi nói đến sự thành công về tài chính, chúng ta có cụm từ “man in a hole” (người trong lỗ) để chỉ những bộ phim có cung bậc cảm xúc “đi từ suy sụp đến vươn lên” đánh đúng vào tâm lý muốn thành công của con người. Phim có cung bậc cảm xúc này rất dễ được Oscar và các giải thưởng điện ảnh khác dù chúng thuộc thể loại phim nào, kinh phí cao hay thấp. Sử dụng bộ tiêu chuẩn sàng lọc, nhóm phân tích chọn ra 6.147 bộ phim chiếu rạp từ 1935 đến 2018 và các đề cử Oscar ở mọi hạng mục. Thuật toán sau đó phân loại cung bậc cảm xúc cho mỗi bộ phim, “nghèo trở thành giàu” hay “giàu biến thành rách rưới”, “bất hạnh trở thành hạnh phúc” hay “ấm êm hóa thành tan nát”. Toy story 3 thuộc cung bậc cảm xúc “từ giàu xuống rách rưới”. Những bộ phim cùng cung bậc cảm xúc được đưa vào một nhóm. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra phim ảnh cũng như tiểu thuyết, được phân làm 6 cung bậc cảm xúc chính, đó là: phấn đấu kiên trì để vượt lên số phận, trở thành giàu có hay từ thất bại đi đến thành công (đại diện là các bộ phim The shawshank redemption, Groundhog day, The nightmare before Christmas); từ giàu có trở thành bần cùng hay vấp ngã không có điểm dừng mà đại diện là các bộ phim Psycho, Monty python and the holy grail, Toy story 3); "Man in a hole" (suy sụp nhưng vươn lên được trở lại hay thất bại để thành công lớn hơn mà đại diện là các bộ phim The godfather, The lord of the rings: The fellowship of the ring, The sixth sense); "Icarus" (đạt đến đỉnh cao giàu có hay quyền lực rồi rơi xuống trở lại mà đại diện là các bộ phim On the waterfront, Mary poppins, A very long engagement); Cinderella (thăng tiến, ngoi lên - sụp đổ rồi ngoi lên lại mà đại diện là các bộ phim Rushmore, Babe, Spider-Man 2); Oedipus (sụp đổ - ngoi lên rồi sụp nữa (đại diện là các bộ phim All about my mother, As good as it gets, The little mermaid). Trong 6 cung bậc này, “man in a hole” là phim dễ đạt doanh thu cao nhất.
| |
Bảng thống kê doanh thu và kinh phí sản xuất của loạt phim Batman |
Nên làm phim theo cung bậc cảm xúc nào?
Đến đây, câu hỏi đặt ra là: các nhà làm phim có làm phim theo cung bậc “man in a hole”? Câu trả lời là “không” vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất, trong khi những bộ phim này thường kiếm được nhiều tiền nhất trong các cung bậc cảm xúc thì “việc kết hợp tốt giữa kinh phí và thể loại phim cũng có thể tạo ra một bộ phim thành công về tài chính dù ở bất cứ cung bậc cảm xúc nào”.
Lord of the rings: Fellowship of the ring kinh phí cao là ví dụ về thành công của một bộ phim có cung bậc cảm xúc “man in a hole”. Còn cung bậc cảm xúc “Icarus” thích hợp cho những bộ phim kinh phí thấp như bộ phim gia đình Junebug ra rạp năm 2005. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có một bộ phim “bi, nhân vật” thành công về tài chính bạn phải bỏ ra ít nhất 100 triệu USD vào thời điểm hiện nay. Các bộ phim siêu anh hùng đang chứng minh cho lời khuyên này.
| |
Lord of the rings - Fellowship of the ring là ví dụ của cung bậc cảm xúc 'man in a hole' |
Phim siêu anh hùng kinh phí cao đã đẩy các bộ phim “man in a hole” xuống vị trí thứ 2 về doanh thu. Phim bi siêu anh hùng cũng được cấp nhiều kinh phí hơn kinh phí bình quân 186 triệu USD của phim bom tấn Hollywood và mang về doanh thu bình quân 310,5 triệu USD. Hãy nhìn lại tất cả các bộ phim Batman do các studio chính của Hollywood sản xuất chúng ta sẽ thấy tập nào có chất bi nhiều sẽ đạt doanh thu cao hơn. Trong khi đó, các bộ phim khoa học giả tưởng, huyền bí và kinh dị có kết thúc hạnh phúc đều không thành công về tài chính, mà ví dụ là Cloud Atlas của Wachowskis do Tom Hanks và Halle Berry đóng vai chính bị thất bại nặng nề tại rạp năm 2012 (chỉ kiếm được 27 triệu USD tại Mỹ so với 128,5 triệu USD bỏ ra). Tương tự, làm một bộ phim hài với “kết thúc buồn” cũng sẽ thất bại về doanh thu. Tại Hollywood, việc quyết định sản xuất phim nào được giao cho một nhóm nhỏ các nhà sản xuất và họ dựa vào trực giác, trải nghiệm và tài năng để chọn lựa. Nhưng có nhiều khi quyết định dẫn đến thất bại nặng nề. Vì vậy có người đặt vấn đề: tại sao không chế tạo một phần mềm trí khôn nhân tạo để nó tự động phân tích kịch bản dựa vào những dữ liệu lập trình và đưa ra quyết định cuối cùng thay cho con người với độ chính xác cao hơn? Với khả năng hiện nay của công nghệ có lẽ chúng ta phải chờ thêm một thời gian nữa robot mới có thể giúp con người trong việc thẩm định kịch bản. Tuy nhiên, ngay vào lúc này, khoa học đã có thể tạo ra những phần mềm trợ giúp các nhà biên kịch và các hãng sản xuất phim với những lời khuyên về cung bậc cảm xúc nên có trong phim.
| |
Tom Hanks và Halle Berry trong bộ phim Cloud Atlas, kinh phí 128,5 triệu USD nhưng doanh thu rất nhỏ |
Bộ phim về vụ giết người kinh hoàng có thật vẫn có trong đề cử Oscar | |
7 sự cố lớn nhất lịch sử Oscar: Trao nhầm giải chưa là gì! |
Lê Tây Sơn