Lời thú nhận của Eva - Lại một thảm họa giờ vàng?

Trên thế giới, motif phân thân đã được nhào nặn và khai thác nhiều như bộ phim đình đám Hanna Montana, Ghost rider, Spider man, The brave one… Hầu hết những bộ phim kiểu dạng này được nhào nặn công phu với kịch bản chặt chẽ và ấn tượng, tạo nên nhiều tình huống thú vị và bất ngờ, có duyên và ấn tượng nhưng cũng không kém phần sâu sắc, Hanna Montana là bộ phim tiêu biểu như thế.  

(TGĐA) - Bộ phim truyền hình dài tập Lời thú nhận của Eva được sản xuất bởi công ty M&T Pictures và do đạo diễn trẻ Nguyễn Mạnh Hà thực hiện. Tác phẩm được xem là phần tiếp nối cho bộ phim khá thành công Bí mật Eva của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và đang tạo nên sự hy vọng đối với phim Việt sau hàng loạt những bộ phim thảm họa thời gian vừa qua.


Lời thú nhận của Eva cũng đặt ra tình huống tương tự như các bộ phim trên, do đó bắt buộc các nhà làm phim phải có óc tư duy thật sự logic, mới làm sáng tỏ được nhân vật và ý tưởng mà mình truyền đạt đến người xem. Lời thú nhận của Eva đã phát sóng được gần mười tập, San chưa đến giai đoạn biến thành người đẹp quyến rũ nhưng tính thuyết phục của phim chưa thực sự đạt được ngưỡng cần thiết.

Trước ngày lên sóng, Lời thú nhận của Eva chưa được tuyên truyền rầm rộ nhưng đến thời điểm hiện tại nó đã ít nhiều hút công chúng yêu phim màn ảnh nhỏ. Qua những gì bản thân nó đã thể hiện đã cho thấy một bộ phim có thể xem được nhưng để ngự trị giờ vàng, Lời thú nhận của Eva chưa xứng tầm. Có thể, Lời thú nhận của Eva đã và đang tạo nên sự hy vọng cho giờ vàng chiếu phim Việt Nam trên sóng truyền hình quốc gia sau hàng loạt các bộ phim thảm họa như Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật, Cho một tình yêu, Cô nàng bất đắc dĩ, Có lẽ nào ta yêu nhau… nhưng nó cũng khó tránh khỏi tình trạng phim thảm họa với hàng loạt những “hạt sạn” không dễ bỏ qua.

Tình tiết dài lê thê, lủng củng, diễn giải một tình huống chiếm quá nhiều thời gian đã khiến một tập phim phát sóng là một khoảng thời gian nhạt nhẽo ngự trị sóng. Các tình tiết lặp và sử dụng hơi lạm như cách San nói chuyện điện thoại. Hầu hết việc gì nơi nào, tình huống nào cũng thấy San cầm di động a-lo khiến sự nối kết giữa cô và các nhân vật khác rời rạc. Tình huống gặp gỡ đầu tiên của hai nhân vật chính Nguyên - San tuy chưa tạo được sự ấn tượng nhưng vẫn tạo nên hiệu quả thúc đẩy mạch phim có tiến trình hợp lý về sau. San San là một nhà viết kịch bản trẻ, có những mơ mộng lãng mạn về một chàng hoàng tử đẹp trai, lịch lãm… Vì vậy khi gặp Trần Nguyên sang trọng trong bộ vest, cao ráo, đẹp trai đã khiến San San đứng tim, mắt nhìn theo không chớp.

Dàn nhân vật là điểm đáng lưu ý đầu tiên của bộ phim này. Ngoài San, chuyện phim còn quay quanh nhân vật bà Điệp - mẹ của San, một phụ nữ cực kỳ điệu đà và bà ngoại của San - một người bà, người mẹ nghiêm túc và giàu tình cảm.

San là trục chính, là mẫu hình lý tưởng của một người phụ nữ trong thời đại công nghiệp. Có lẽ ý đồ của các nhà làm phim là xây dựng hình ảnh nhà biên kịch San San trẻ tuổi, tài cao, cá tính mạnh mẽ, có tài… Tuy nhiên, hình ảnh San San hiện lên thật chưa đẹp mắt. San San cầu thị, có niềm tin mạnh mẽ về đứa con tinh thần là kịch bản Tình yêu sét đánh. Dù bị Trần Nguyên chê tới tấp như vô lý, kém hấp dẫn, không có thực… nhưng San San vẫn cố chấp và khăng khăng khẳng định đó là một kịch bản có khả năng tiến xa. San San gọi điện thoại liên tục tới công ty, điện thoại cầm tay, nhà riêng của Trần Nguyên để đòi được nói chuyện, minh oan đứa con tinh thần của mình nhưng có vẻ San San được xây dựng hơi quá, đanh đá và có chút gì đó thiếu lòng… tự trọng.

Phan Minh Huyền trong vai San San - cô nàng trẻ thường xuyên bị bà ngoại ép ăn đậu phụ để kích thích yêu đương chưa thực sự ăn nhập nhân vật. Là một hotgirl Hà thành nổi tiếng và trưởng thành qua cuộc thi Missteen, kinh nghiệm đóng một số phim… nhưng vai diễn đã cho thấy sự quá sức đối với nữ diễn viên trẻ này. Thoại của San San chối và đanh. Vẻ mặt San San lúc nào cũng tỏ ra sợ sệt và lo lắng cái gì đó nhưng khán giả có cảm giác cô không thể hiện được cảm xúc đang sợ của mình. Minh Huyền chỉ biết trợn mắt và thở ra những câu khò khè khó nghe và điệu bộ đều rất ngượng ngùng. Tuy nhiên, càng về các tập sau diễn xuất của Minh Huyền càng lên.

Trái ngược hẳn với hình ảnh cô gái San cá tính, nhân vật bà Điệp là một phụ nữ yếu đuối, điệu đà thái quá và rất mít ướt. Bà có ước mơ vĩ đại trong đời là được một lần mặc áo cô dâu bước lên xe hoa, nhưng có lẽ do tiếng sét ái tình nhiều quá, tháng nào cũng có người bà thích nên bà vẫn chưa chịu dừng lại ở một ai. Tính cách của bà như một cô gái mới lớn mang nhiều ước vọng, mơ tưởng cổ tích. Vì vậy thể hiện nhân vật bà Điệp không hề dễ.

NSƯT Chiều Xuân là người được chọn thể hiện nhân vật này và chị đã làm tốt nhân vật của mình, thể hiện được giọng nói “giả nai”, ngơ ngác và bâng quơ của nhân vật. Từng cử chỉ, điệu bộ tay chân và gương mặt biểu cảm đều toát lên cái thần thái của một người phụ nữ rất coi trọng vẻ ngoài và giàu mộng tưởng. Tuy nhiên cũng không ít khán giả không thích nhân vật bà Điệp của Chiều Xuân bởi sự nhí nhố và thiếu thực tế. Có thể người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh một Chiều Xuân trong vai những người phụ nữ hiền lành và phúc hậu, nghiêm chỉnh và đoan chính cho nên khi hóa thân vào vai diễn bà Điệp dại khờ, ngây thơ dù tuổi đã lớn nên gây nên cảm giác khiên cưỡng. NSƯT Chiều Xuân trông trẻ và đẹp hơn khi hóa thân vào nhân vật nhưng khán giả vẫn thấy thấp thoáng sự “cưa sừng làm nghé.” Nhưng công bằng để nói, nhân vật của Chiều Xuân là một điểm được của phim, vì cái lạ lẫm những câu thoại rất “củ chuối” kiểu dạng như: “Đã bị sét đánh lại còn vào bếp chỉ có làm nô lệ cho đàn ông thôi”, “Tim của con đang đau… Mà tim con đau có liên quan gì đến món ăn của mẹ nấu nhỉ”…



Công Lê