(TGĐA) - Bền bỉ và đầy hứng khởi đi trên con đường điện ảnh với phương châm làm những gì mình thích, làm những gì khiến mình vui, đồng nghiệp, bạn bè cùng vui, Lương Mạnh Hải, giờ đây không chỉ là diễn viên mà còn là nhà sản xuất phim, cùng với người cộng sự tin cậy, chủ nhân của giải thưởng Bông sen Vàng - Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Việt Nam lần thứ 20 Vũ Ngọc Đãng, đã khơi nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim mới đang và sắp bước chân vào xa lộ điện ảnh Việt Nam. Họ biết rõ đó sẽ là con đường không mấy dễ dàng và cũng không chắc mình có thể đi được bao xa, đi đến bao giờ, nhưng họ cũng biết rõ đó là lựa chọn khiến họ hạnh phúc, ít nhất là cho đến lúc này. Phim điện ảnh Khi con là nhà do Lương Mạnh Hải cùng Vũ Ngọc Đãng biên kịch và đạo diễn cuối năm 2017 có một màu sắc rất riêng trong dòng chảy phim Việt hiện tại là một ví dụ tiêu biểu về quan niệm thế nào là “hạnh phúc” là “được vui” của người làm phim…
Lương Mạnh Hải |
Có nước mắt, có rung cảm, và những chi tiết lay động lòng người nhưng dường như về mặt tổng thể, Khi con là nhà đã có nhiều hơn sự lạc quan, hài hước ở nội dung câu chuyện. Đó là sự chủ động ngay từ đầu của biên kịch hay là được điều chỉnh trong quá trình làm phim? Lý do của việc này là gì?
Tinh thần của bộ phim, dù là đen tối hay tươi sáng, phải được xác định ngay từ trước khi bấm máy. Khi chọn một câu chuyện về cha con dành cho mọi đối tượng khán giả thì chúng tôi bắt buộc phải làm đúng như format. Tức là bộ phim phải kết thúc có hậu một cách xứng đáng và phải mang đến cho người xem những cảm xúc tích cực.
Xem Khi con là nhà, có thể thấy bạn vẫn là diễn viên luôn tạo ra những điều bất ngờ khi hóa thân vào nhân vật, bất kể đó là câu chuyện khác, dạng vai khác. Bạn có cảm nhận gì về người cha vừa đáng thương vừa đáng giận trong phim?
Nhà, với tôi, là nơi mình không phải giấu cảm xúc, là nơi mình yêu và được yêu, là nơi mang đến sự bình yên cho tâm hồn của mình. |
Đây là một vai rất tuyệt vời đối với tôi. Trước khi quay tôi đã rất lo lắng cho vai này. Không phải vì khó đóng mà vấn đề là mình có làm cho khán giả tin rằng trên đời lại có một ông bố “lầy” như thế hay không? Cũng có thể sau này, tôi sẽ đóng những ông bố khác nhưng chắc chắn không phải là một ông bố nghèo, tội mà lành như trong phim này. Điều tôi thích nhất là nhân vật ông bố trong Khi con là nhà rất đặc trưng trong xã hội hiện nay chứ không phải là một ông bố chỉ có ở trong phim nên có thể dễ nhận được sự đồng cảm của mọi người.
Lương Mạnh Hải và bé Bi trong Khi con là nhà |
Ở Hotboy nổi loạn 2, bạn đóng khá ăn ý cùng một chú chó, còn trong Khi con là nhà, bạn chăn lợn rất tài. Giữa hai con vật này, bạn có ấn tượng và kỷ niệm với “bạn” nào hơn?
Tôi có nhiều kỷ niệm hơn với nàng chó Kiki trong Hotboy nổi loạn 2. Điều này là đương nhiên vì mình có thể ôm ấp, vuốt ve Kiki. Chưa kể trong phim này, Kiki thực sự phải diễn xuất, phải tương tác với mình. Còn với Khi con là nhà, heo nọc chỉ đơn thuần là vật nuôi để cha con cùng kiếm sống.
Lương Mạnh hải và nàng chó Kiki trong Hot boy nổi loạn 2v |
Được biết cu Bi trong phim, cũng là cu Bi ngoài đời. Bạn hãy kể đôi chút về quá trình làm việc với diễn viên nhí này?
Ngày casting, tôi hoàn toàn không chú ý đến con lắm vì các bé khác được chọn vào vòng cuối cùng phần nhiều là gương mặt quảng cáo nên nhìn rất nổi trội. Mặc dù được giới thiệu con là dân đóng phim chuyên nghiệp rồi nhưng tôi vẫn thấy con rất nhút nhát, mắt vẫn đảo liên tục khi diễn như các bạn khác.
Nhưng càng thử diễn với các bé khác thì tôi lại càng thấy con tiềm năng hơn cả. Vì con biết, con hiểu đây là công việc, con lắng nghe và làm đúng, làm chính xác lời đạo diễn. Cho đến khi được thử thêm những đoạn khó hơn và tới lúc con chạy khắp công viên vừa chạy vừa khóc thì đúng là nhân vật đã hiện ra. Trên trường quay, Cu Bi làm việc như 1 người lớn, chứ không giống 1 đứa trẻ 7 tuổi. Tôi nể vô cùng!
Nhà, với tôi, là nơi mình không phải giấu cảm xúc, là nơi mình yêu và được yêu, là nơi mang đến sự bình yên cho tâm hồn của mình. |
Với ông bố Quang thì: Con là Nhà, còn với cá nhân bạn: Nhà được định nghĩa như thế nào, nói cách khác, là nơi như thế nào?
Khi nói: “Về nhà thôi!” tức là mình không chỉ nói tới 1 chỗ để về đi ngủ. Nhà, với tôi, là nơi mình không phải giấu cảm xúc, là nơi mình yêu và được yêu, là nơi mang đến sự bình yên cho tâm hồn của mình.
Giá trị gia đình và tình người trong Khi con là nhà một lần nữa bộc lộ và thể hiện rất rõ. Điều đó cho thấy sự nhất quán trong chủ trương làm nghề của Song Ngư Films cũng như sự lựa chọn chỉ làm phim bằng kịch bản gốc, tự viết chứ không chuyển thể hoặc remake. Xin cho biết, thuận lợi và khó khăn của việc này là gì?
Dù là kịch bản gốc, chuyển thể hoặc remake đều phải hay và tạo cảm hứng thì chúng tôi mới làm. Cái nào cũng có thuận lợi và khó khăn, chỉ khác là tỷ lệ nào nhiều hơn mà thôi. Làm kịch bản chuyển thể hay remake chắc chắn áp lực rất lớn vì bị so sánh.
Nếu tôi biết sở thích của khán giả là gì thì tôi giàu to rồi |
Người làm phim hay phải gồng mình lên để chứng tỏ có thể làm 1 phiên bản khác hay hơn. Như thế nó lại đè nặng lên cảm hứng sáng tạo. Chưa chắc chúng ta làm lạ hơn, khác hơn thì được công nhận là hay. Còn với kịch bản gốc cho dù được yêu hay ghét thì cũng là đứa con của mình.
Một câu hỏi cũ: Theo bạn, sở thích của khán giả Việt Nam hiện nay là gì? Ở góc độ là nhà sản xuất phim, bạn làm bộ phim mình thích hay làm phim theo sở thích khán giả?
Nếu tôi biết sở thích của khán giả là gì thì tôi giàu to rồi! Câu hỏi này rộng lớn quá! Sở thích của khán giả phải được phân loại cụ thể chứ không chung chung được vì nó phụ thuộc vào trình độ văn hóa, nhận thức, tuổi tác, vùng miền, giới tính, nhiều thứ lắm! Ở góc độ của nhà sản xuất thì ai cũng muốn chiều khán giả của mình. Nhưng chiều được hay không còn tuỳ hên xui!
Mong muốn và hi vọng của bạn dành cho Điện ảnh Việt Nam 2018 là gì?
Với tư cách là nhà sản xuất, tôi lo lắng về tình hình phát hành phim Việt hiện vẫn chưa được quan tâm |
Với tư cách là nhà sản xuất, tôi lo lắng về tình hình phát hành phim Việt hiện vẫn chưa được quan tâm và bảo trợ một cách thực sự. Cụ thể, ngoài việc quy định tỷ lệ ăn chia cho phim Việt thì còn phải đảm bảo giờ chiếu, suất chiếu trong tuần đầu tiên và cả thời gian trụ tại rạp tối thiểu. Còn giờ phim nội, phim ngoại cứ lao vào 1 cuộc chơi hoàn toàn không cân sức.
Hàng tuần, phim Việt ra rạp thấp thỏm lo âu nếu phải đụng với các phim bom tấn từ Mỹ, Hàn, hầu như là 6-7 phim cùng lúc. Không cần so sánh thì chúng ta đều biết ai xuất sắc hơn. Tôi cho rằng, một nền điện ảnh còn quá nhiều thứ chưa đồng bộ, vốn chưa mạnh, năng lực nhiều hạn chế như Việt Nam thì rất cần nhà nước bảo hộ.
Hiện tại, số lượng rạp tăng, số phim nhập tăng, doanh thu phòng vé tăng nhưng phần lớn đều thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Muốn nền điện ảnh nội địa phát triển thì nên dựa vào doanh nghiệp sản xuất phim trong nước chứ không phải là nước ngoài. Mong rằng những năm tới, sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Vân Thảo