(TGĐA) - Người mà đạo diễn Trần Văn Thủy muốn chia sẻ đó là anh Nguyễn Văn Nhân, nguyên giám đốc của Hãng. Anh đã thôi giữ chức giám đốc và đang làm việc với tư cách cố vấn cho Ban giám đốc.
Trong cuộc giao ban tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sáng thứ hai hàng tuần hôm đó, một chai rượu ngon đã được mở và sau đó ngập tràn trong tiếng cốc chạm nhau là những lời chúc mừng đạo diễn Trần Văn Thủy. Vâng, anh vừa giành được giải thưởng “Phim ngắn hay nhất” tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 44 tổ chức tại Băng cốc cho phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai. Niềm vui quá lớn và quá bất ngờ không chỉ cho đạo diễn Trần Văn Thủy mà còn cho tất cả những nghệ sỹ điện ảnh Tài liệu bởi chưa một lần nào, giải thưởng cao này lại được trao liên tiếp hai năm liền cho một quốc gia. Và bất ngờ hơn, khi đạo diễn Trần Văn Thủy đang là trung tâm của mọi lời chúc mừng thì anh lại đột ngột tiến đến một người với chiếc hộp đựng những chiếc kẹo socola như những đồng vàng lóng lánh trên tay, anh trân trọng tặng người đó và nói: “Giải vàng này xin tặng lại anh, đồng chí nguyên Giám đốc của tôi. Vinh dự này thuộc về anh, người đã có công lớn cho sự thành công của bộ phim này”.
Vâng, sự chia sẻ bao giờ cũng đẹp đẽ với tất cả mọi ý nghĩa của nó.
Người mà đạo diễn Trần Văn Thủy muốn chia sẻ đó là anh Nguyễn Văn Nhân, nguyên giám đốc của Hãng. Anh đã thôi giữ chức giám đốc và đang làm việc với tư cách cố vấn cho Ban giám đốc.
| |
Nguyên Giám đốc Nguyễn Văn Nhân - Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW |
Học ở Đức từ năm 1960 đến năm 1965 tại Khoa Nhiếp ảnh trường Đại học đồ họa và nghệ thuật trang trí sách Leipzic, anh học cùng lớp với các anh Lê Phức - Hồng Sỹ - Lương Xuân Tâm (anh Lê Phức có giai đoạn làm Tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh Việt Nam). Nhưng về nước anh lại bị phân công về làm in tráng tại phân xưởng in tráng thuộc Xưởng phim Việt Nam. Năm 1967 anh đi Liên Xô thực tập in tráng phim tại Xưởng phim Kiép đến năm 1970 về Xưởng kỹ thuật sản xuất phim. Năm 1976 Xưởng kỹ thuật sản xuất phim tách sang Cổ Loa, anh ở lại Xưởng phim Thời sự Tài liệu. Cứ vậy rồi anh làm phụ trách Xưởng in tráng, rồi lên Phó giám đốc Hãng phụ trách kỹ thuật và cuối năm 1996 anh chính thức là quyền Giám đốc Hãng phim tài liệu.
Thật trớ trêu cho anh, học thì dính dáng đến nghệ thuật nhưng tổ chức lại phân công làm một công việc hoàn toàn kỹ thuật. Cả một đời làm việc, anh gắn bó với toàn bộ những bước thăng trầm của điện ảnh Tài liệu nhưng khi anh là người lãnh đạo cao nhất của Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương thì cũng là thời kỳ khó khăn nhất, có thể nói đó là thời điểm mà Hãng đang đứng bên bờ vực.
Anh tiếp nhận một cơ ngơi với số tiền nợ là 1,4 tỷ đồng. Trong đó nợ Bảo hiểm xã hội hơn hai trăm triệu đồng dẫn đến tồn đọng một số lớn người đến tuổi về hưu mà không về được. Nợ nhuận bút của chính anh em nghệ sỹ trong Hãng từ năm 1993 đến năm 1996 chưa trả. Tổng số CBCNV của Hãng lúc này là 197 người. Sản lượng phim do Nhà nước đặt hàng càng ngày càng tụt, chỉ còn 8 phim, rồi 7 phim/năm. Phim nhựa giảm, chủ yếu là làm phim video (cao điểm nhất của Hãng trong thời kỳ thịnh vượng là 70 phim/năm, hầu hết là phim nhựa, in tráng hàng loạt trong một năm đạt 2,5 triệu mét).
Có thể nói khó khăn chồng chất, không biết gỡ cái gì trước cái gì sau. Nhưng điều làm anh cùng Ban giám đốc lo lắng nhất là anh em nghệ sỹ cũng như anh em cán bộ, nhân viên kỹ thuật, hành chính trong Hãng không còn sự yên lòng để gắn bó với cơ quan, gắn bó với sự nghiệp điện ảnh Tài liệu.
Anh không nghĩ là giám đốc hay quyền giám đốc, anh lăn lưng ngay vào việc làm thế nào để giải quyết vấn đề nợ nần. Bàn bạc cùng Ban giám đốc để tìm lối thoát và việc đầu tiên là đi vay để trả ngay cho Bảo hiểm xã hội. Giải quyết việc đó để thực hiện đúng chính sách của Nhà nước với anh em đã đến tuổi hưu vẫn còn đang tồn đọng, đồng thời giải quyết việc đó cũng là biện pháp để giảm được biên chế. Anh sang Điện ảnh Quân đội đề nghị ứng trước tiền sản xuất (họ vẫn thuê gia công in tráng phim, thu thanh, làm bản đầu tại Hãng) và đã đáp ứng được một phần để giải quyết nợ nần.
Một cuộc họp cán bộ công nhân viên chức quan trọng đã được tổ chức. Anh thay mặt Ban giám đốc đã công khai toàn bộ những khó khăn của Hãng, sự sống còn của Hãng đang được đặt trước mặt chúng ta như thế nào? Anh đặt ra năm 1997 doanh thu phải đạt trên dưới 5 tỷ đồng thì mới đảm bảo sự tồn tại của Hãng. Trong khi đó 7-8 phim Nhà nước đặt hàng cộng với các nguồn phim in tráng gia công cho các nơi, số mét phim quay tư liệu được giao, tất tật mới thu xấp xỉ khoảng 2 tỷ. Vậy phải lo mọi nguồn việc để sao có được 3 tỷ. Một cuộc họp có thể nói là căng thẳng và sòng phẳng. Vâng, tôi vẫn nghĩ một thất vọng thật nhiều khi có tác dụng tích cực hơn một hy vọng giả và cái buổi họp này đã có một tác động thực sự tích cực. Cũng không hiểu từ một điều gì, có thể những gương mặt của Ban giám đốc mới với những lo lắng thực sự, những dự định đầy trách nhiệm đã mang đến cho anh em niềm tin và hy vọng. Cũng trong cuộc họp ấy anh em đã bàn bạc rất sôi nổi và hình như Ban giám đốc đã khơi gợi được ý thức trách nhiệm trong từng thành viên của Hãng.
Một năm lăn lộn với bao lo toan, có lẽ không cánh cửa nào mà anh cùng Ban giám đốc không đến gõ. Thực tế năm 1997 đã đạt được tổng doanh thu là 4 tỷ. Có thể nói anh cùng Ban giám đốc đã tận dụng được tất cả anh em, gần như ai cũng có công việc. Thái độ của anh rất cương quyết về tiến độ sản xuất đối với từng nghệ sỹ cũng như đội ngũ kỹ thuật và vì vậy Hãng đã tạo được lòng tin với cấp trên, với các cơ quan đặt hàng về kế hoạch làm phim. Cũng thật vui, năm 1997 Hãng đã được nhận Cờ luân lưu của Chính phủ bởi Hãng đã hoàn thành kế hoạch xuất sắc, tiến hành các giải pháp kinh tế có hiệu quả và thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước nghiêm chỉnh, phục vụ tốt công tác đối ngoại, đặc biệt là phục vụ thông tin đối ngoại cho Hội nghị cấp cao 7 các nước sử dụng tiếp Pháp (riêng thành tích này được nhận Bằng khen của Chính phủ). Bản thân giám đốc nhận được thư khen của Phó thủ tướng.
Năm 1997 cũng là năm các phim Hãng sản xuất được đánh giá chất lượng cao.
Có một lần anh tâm sự với tôi: “Khi lãnh đạo tin anh em và đặt lòng tin vào đúng người đúng việc, dám chịu trách nhiệm trước việc mình làm thì lãnh đạo chỉ có được thôi”. Rất nhiều anh em trẻ đã được anh tạo điều kiện làm việc tốt trong giai đoạn này.
Tại Hội nghị Tổng kết năm 1997 của Hãng, Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm đã xuống trao Bằng khen của Chính phủ. Hồi đó hội trường của Hãng vẫn còn là một dãy nhà lụp xụp cũ nát và khung cảnh đó có lẽ đã làm Bộ trưởng rất ngạc nhiên. Bộ trưởng nhìn quanh một lượt rồi nói: “Lần đầu tiên tôi đến Hãng, đứng trong một cái hội trường mà tôi có cảm giác như đang ở trong thời kỳ chiến tranh”. Tất cả anh em đều cười và bây giờ nghĩ lại thấy cũng vui…Có thể nói đây là một tổng kết để lại nhiều ấn tượng tốt cho anh em, gây được không khí hào hứng và phấn khởi. Cũng từ cuối năm 1997 Hãng đã chuẩn bị được nhiều kịch bản tốt cho năm 1998.
Mục tiêu năm 1998 vẫn là tổng doanh thu 5 tỷ (mà sản lượng phim Nhà nước đặt hàng vẫn không có gì thay đổi). Giữa năm 1998 xảy ra việc Bộ quyết định tách toàn bộ phần kỹ thuật hậu kỳ về Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh. Việc này đã phần nào làm xáo trộn tư tưởng anh em (ai đi, ai ở?), xáo trộn doanh thu của Hãng (doanh thu của phần in tráng phim hàng loạt không còn nữa). Việc đó không ai muốn nhưng vẫn phải chấp hành Nghị quyết của Bộ.
Nhưng rồi cuối năm 1998 vẫn hoàn thành kế hoạch trước nửa tháng. Doanh thu năm 1998 đã vượt lên 5 tỷ. Anh em trong Hãng tham gia các Trại viết kịch bản đều đạt chất lượng tốt, có cả kịch bản cho phim Hoạt hình được đưa vào sản xuất. Toàn bộ phim cho công tác đối ngoại được Bộ ngoại giao và Bộ Văn hóa đánh giá cao. Hội đồng thi đua của Cục Điện ảnh nhất trí đề nghị Hội đồng thi đua cấp trên xét và tiếp tục tặng Cờ thi đua luân lưu của Chính phủ. Và lại một năm nữa, toàn bộ những phim của Hãng gửi đi dự thi đã chiếm hầu hết những giải cao của giải Hội Điện ảnh hàng năm.
Hai năm để làm giám đốc, thời gian không nhiều của một đời người nhưng anh đã làm được nhiều việc quá.
Hai năm thôi nhưng đã có nhiều dịp anh tỏ rõ được bản lĩnh của người giám đốc. Đó là những khi chèo chống để bộ phim Trở lại Ngư Thủy được chấp nhận. Đó là những khi anh cùng Phó giám đốc Lê Mạnh Thích chầu chực ở cửa nhà Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm để mời Bộ trưởng xem phim, giải tỏa bằng được việc công nhận sản xuất cho bộ phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai của đạo diễn Trần Văn Thủy. Anh không quên được, khi Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm xuống Cục điện ảnh xem phim Trở lại Ngư Thủy, trong phòng chiếu Bộ trưởng đã khóc; và với những gì mà bộ phim Trở lại Ngư Thủy đã làm được cho chị em đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy thực sự là món quà quý giá đền đáp lại cho đoàn làm phim và cho anh. Chắc anh đã hạnh phúc lắm khi 2 năm liền, hai bộ phim đó đã dành được giải cao tại Liên hoan phim Quốc tế và mang lại vinh quang cho Điện ảnh Việt Nam.
Tháng tư năm 2000, anh đã chính thức nghỉ hưu. Tôi biết trong bữa cơm thân mật mà Ban giám đốc và một số anh em đại diện của Hãng tổ chức tiễn anh, nhiều người đã bày tỏ với anh những tình cảm rất thực.
Khi tôi tâm sự với mọi người ở Hãng về anh, có một đạo diễn nói với tôi, có lẽ anh có cái mặc cảm của người làm kỹ thuật mà lại lãnh đạo những anh em làm nghệ thuật, nhưng chính cái mặc cảm đó lại trở thành điểm tốt trong con người anh: Chân thành - Nhân hậu.
Tôi thấy ý kiến của người đạo diễn đó cũng đúng, nhưng tôi lại nghĩ anh là một người làm khoa học, mà những người làm khoa học thì tư duy luôn ở một trong hai cực: Đúng - Sai!
Và với anh đã là Đúng thì anh lăn đến cùng.
Ông Nguyễn Văn Nhân sinh ngày 01/01/1937 - tại Thị Xã Sơn Tây – Hà Tây (nay là Hà Nội). - Năm 1959: Thi đỗ trường Đạo học Bách Khoa Hà Nội và trường tiếng Đức. - Năm 1960 – 1964: Học tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức Trong suốt thời gian học tập, ông Nguyễn Văn Nhân luôn trau dồi đạo đức con người mới, không bị khách quan lôi kéo, luôn phấn đấu vươn lên. Năm nào cũng được công nhận là loại học sinh khá và nhiều lần được khen thưởng. Trong những năm học tại Cộng hòa Dân chủ Đức, ông đã mang hết năng lực phấn đấu để học tốt, đồng thời tham gia rất nhiệt tình những công tác của Đại sứ quán và đại diện Mặt trận Dân tộc giải phòng của ta ở Berlin như: Tham gia xây dựng gian hàng hội chợ của ta ở Leipzig; làm công tác phiên dịch cho các phái đoàn Thương mại; Tổ chức những phòng triển lãm tranh ảnh để giới thiệu về cuộc đấu tranh anh dũng của Nhân dân Miền Nam cũng như công cuộc lao động XHXN ở Miền Bắc nước ta… Cũng trong thời gian này, ông đã được Đại sứ Việt Nam tại Đức tặng giấy khen. - Tháng 11/1964: Tốt nghiệp Đại học tại Đức và về nước công tác tại Phân Xưởng in tráng – Xưởng Kỹ thuật sản xuất phim (nay là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương). - Từ 1966 – 1967: Là Giảng viên lớp học sinh Công nhân học nghề in tráng - Từ 1967 – 1970: Thực tập về Điện ảnh tại Ki – ep (Liên Xô cũ) - Từ 1970 – 1976: Kỹ sư Xưởng Kỹ thuật sản xuất phim - Từ 1976 – 1983: Phó Quản đốc Xưởng in tráng- Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. - Từ 1984 – 1992: Là Xưởng trưởng Xưởng in tráng phim Trong thời gian này, ông được bầu là Đảng ủy viên Đảng ủy Hãng 7 khóa, trong đó có 2 khóa là Bí thư Đàng ủy Hãng. - Từ 1992 – 1997: Là Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW - Từ 1997 – Tháng 3/2000: Là Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. - Tháng 4/2000: nghỉ theo chế độ hưu trí. Hơn 32 năm hoạt động ôngluôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp. 81 năm tuổi đời, 41 năm tuổi Đảng, với thành tích trong những năm tháng cống hiến cho Cách mạng, đ/c được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: - Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất - Huy chương “Vì sự nghiệp Điện ảnh Việt Nam” - Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Do tuổi cao sức yếu, ông Nguyên Văn Nhân đã qua đời ngày 26/6/2018 (tức ngày 13 tháng 5 năm Mậu Tuất), hưởng thọ 81 tuổi. Hội điện ảnh Việt Nam, Tạp chí Thế giới điện xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ông Nguyễn Văn Nhân |
Nguyễn Thước