Mùa len trâu - Mùa đổi thay thân phận

(TGĐA) - Mùa len trâu do Hãng phim Giải phóng (hợp tác với Hãng phim 3D Productions của Pháp và Hãng phim Novak Prod của Bỉ) sản xuất năm 2004.

Poster_phim_Ma_len_tru

- Biên kịch: Nguyễn Võ Nghiêm Minh

- Đạo diễn: Nguyễn Võ Nghiêm Minh

- Quay phim: Yves Cape

- Họa sĩ: Phạm Hồng Phong

- Nhạc sĩ: Tôn Thất Tiết

- Diễn viên: Thế Lữ vai Kìm

Kiều Trinh vai Bân

Hữu Thành vai Định

Quang Thịnh vai Quang

Giải thưởng:

- Giải phim hợp tác với nước ngoài xuất sắc nhất (năm 2004)

- Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV, năm 2007

- Giải đặc biệt của Ban Giám Khảo trẻ tại LHP Locarno (Thụy Sĩ) - 2004

- Giải thưởng lớn tại LHP Amien (Pháp) - 2004

- Giải đặc biệt LHP Amazonas (Brazil) - 2004

- Giải thưởng lớn tại LHP Asia Marine (Nhật bản) - 2005

- Giải phim nước ngoài xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Palm Springs lần thứ 17 (Mỹ )- 2006

- Giải đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Việt nam lần thứ XV - 2007

- Giải đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cape Town (Nam Phi) - 2005


Vùng đất Cà Mau hồi đầu thế kỷ 20.

Hàng năm, khi mùa mưa lũ về, nước tràn ngập ruộng vườn, cuộc sống người dân vô cùng vất vả. Để cứu đàn trâu không bị chết đói vì thiếu cỏ, người ta tổ chức những cuộc “len trâu” (đưa trâu đi tránh lũ), tìm đến những khu đất cao, nơi có cỏ. Kìm ở tuổi mới lớn, cố xin cha mẹ được dắt 2 con trâu nhà đi “len”. Vượt qua bao khó khăn vất vả, thậm chí phải chịu mất một con trâu trên đường; sau mùa lũ, Kìm trở về nhà như một thanh niên đã trưởng thành, với cả những thói xấu thường gặp ở tuổi trẻ thời ấy.

*****

Nguyễn Võ Nguyên Minh vốn là nhà vật lý học; anh nhận bằng tiến sĩ tại trường Đại học California, Hoa kỳ. Mùa len trâu là kết quả đam mê nghệ thuật từ tấm bé, và là tác phẩm đầu tay của nhà khoa học tự nhiên. Dựa vào nội dung hai thiên truyện ngắn trong tập truyện “Hương rừng Cà mau” của nhà văn nổi tiếng Sơn Nam, câu chuyện phim dẫn người xem đi qua những nẻo đường lạ, đến những làng quê xa xôi, trong khung cảnh đặc biệt có một không hai, trở thành tác phẩm điện ảnh độc đáo, gây ấn tượng nổi bật, đoạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Mở đầu câu chuyện, ta chứng kiến cảnh cô cháu gái của Kìm vô tình phát hiện sợi dây thừng buộc chiếc cối xay đá vào bộ xương người trên mặt ruộng. Kìm tới xem và rưng rưng nhớ lại câu chuyện buồn đã xảy ra trước đó khá lâu, trong một mùa mưa lũ dữ dằn, khi anh ta còn là cậu con trai mới lớn trong một gia đình nông dân nghèo. Sử dụng hình ảnh này để mở đầu phim tác giả muốn nhấn mạnh đến một sự kiện đặc biệt quan trọng đã xảy ra trong cuộc đời Kìm, liên quan đến hiện tượng ngập nước miên man trong mùa mưa lũ – căn nguyên của những đợt “len trâu” đầy khổ ải và khốc liệt. Khi ấy, trên con thuyền trôi dạt, hai cha con Kìm phải đội mưa trong đêm, vật vã với đói khát; và người cha đã chết trên đường đi tìm sự sống. Phong tục thủy táng ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt của thiên nhiên; ở đây, trở thành “cái chốt” chi phối cấu trúc truyện phim, tạo nên tình huống mang đậm bản sắc riêng, gây ấn tượng khác thường. Pha mở đầu này giúp tác giả vào truyện một cách nhuyễn ngọt, có trọng tâm; sự kiện cùng nhân vật xuất hiện trực tiếp, đường đột, tạo sức hút ngay từ đầu.

Trước mặt chúng ta giờ đây là một quang cảnh lạ thường: Khắp làng xóm, đồng ruộng là biển nước miên man, có nơi sâu 1 mét, có nơi sâu tới 4 mét. Nhà cửa trôi nổi giữa đồng ruộng như những con thuyền trên mặt hồ rộng lớn. Những đàn trâu lầm trong nước, tấp nập hướng về những cồn đất cao còn tươi ngọn cỏ. Chúng cùng với chủ cố chạy nước, đi tìm cỏ ống, cỏ chỉ ở nơi xa, bỏ qua cỏ năng đã gặm mòn răng mà không đủ bổ dưỡng. Trong hoàn cảnh ấy của tự nhiên, bọn trẻ nơi đây lớn lên theo mùa nước nổi và theo mùa len trâu. Mùa len trâu góp phần tạo nên nếp sống riêng có của vùng trũng. Nối tiếp những mùa len trâu từ thế hệ này sang thế hệ khác đã hình thành nền văn hóa nước đặc trưng, trong đó nổi lên những hoàn cảnh sống đặc biệt, kết tạo những mối quan hệ công việc và tình cảm mang sắc thái hảo hớn – vừa bộc trực sôi nổi vừa thâm trầm ý nhị.

Ba_tiu_thuyt_Hng_rng_C_Mau_ca_nh_vn_Sn_Nam

Bìa tiểu thuyết Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam

Nước hiện diện mọi lúc, mọi nơi trong suốt câu chuyện, trở thành nhân vật trung tâm của bộ phim; chi phối mọi hành động của các nhân vật khác và mọi tình tiết của câu chuyện phim. Cùng với đất, nước và đất là cơ sở của ý niệm quê hương, tổ quốc; là cội rễ của nền văn hóa Việt. Nước biểu tượng cho sự trong sạch, sự uyển chuyển cùng mạch sống ngàn đời. Trong phim, nước còn được tác giả gắn với hình ảnh của cái chết. Sống và chết đều không tách rời khỏi nước, đều được nước bao bọc nuôi dưỡng - đó là một phần của tư duy triết lý mà tác giả phim ngầm bộc lộ. Nếp sống khác thường ở bên trên và trong nước đã hình thành những tập quán, phương thức sống riêng biệt; tạo nên hình ảnh độc đáo về văn hóa nước. “Len trâu” là cách ứng phó năng động để sinh tồn của người dân địa phương, là cuộc di chuyển định kỳ vô định, một hành trình ngẫu nhiên đậm sắc thái tài tử Nam bộ, lãng du trong khốc liệt tận cùng. Len trâu trở thành nét văn hóa thú vị nổi bật. Để thực hiện những đại cảnh đàn trâu rùng rùng bươn chải trong mưa và nước, các tác giả phim đã phải thuê đến hơn 300 con trâu từ các nơi tụ hợp về. Đoàn “diễn viên” đông đảo này đã gây ấn tượng rất mạnh. Một hình ảnh khác được các tác giả tập trung miêu thuật, gây ấn tượng sâu sắc, là cảnh thủy táng giữa đồng nước mênh mông vắng lặng. Biến nước thành đất để ký thác thân xác con người là sáng kiến trong tình thế bắt buộc, song ở khía cạnh văn hóa, tập tục này góp mặt hình thành hồn cốt của đời sống vùng nước nổi. Nước, giờ đây càng gắn bó hơn với con người, trở thành cội nguồn thế tục, chẳng những nuôi sống con người mà còn dung nạp con người. Nếp sống trên nước còn tạo ra dòng tâm tưởng, mối quan hệ đặc trưng giữa những con người, trong một “xã hội” đặc biệt. Ở đó có sự cạnh tranh của kẻ mạnh và cường quyền mang tính lang bạt kỳ hồ, song tình người da diết chân thành luôn sáng lên trong nhiều tình huống, tạo nền tảng cho nếp sống – cũng là văn hóa sống ở đây. Tình người ấy biểu hiện nổi bật trong trường đoạn mô tả cái chết của người cha và quá trình ông ta được thủy táng. Trên chiếc xuồng mộc, ông già mệt nhọc cố đưa tay gạt nước mưa trên mặt con trai. Bên ngoài vang lên tiếng quạ xao xác như điềm báo xấu. Khi ông già tắt thở, Kìm gào lên và tất cả rơi vào vắng lặng, chỉ hiện hình trong mờ tối chiếc mũi thuyền lướt êm trên mặt nước ngầu đục. Giữa lúc nguy nan trong đơn độc, bà Hai xuất hiện trên chiếc xuồng nhỏ, đưa Kìm cùng xác người cha về căn lều nổi của bà. Sau khi thực hiện những nghi thức đơn giản, họ bó chặt cái xác và ném xuống nước. Để dằn cái xác xuống đáy nước,bà Hai đã không lưỡng lự khi quyết định hiến cái cối xay đá là tài sản quý giá nhất của gia đình bà để buộc vào cái xác… Sau này, khi Kìm tìm đến để trả tiền chiếc cối xay, bà Hai đã mất, ông Hai tuy nghèo xác vẫn từ chối nhận tiền. Tình cảm ấy trong trẻo như nước, chỉ có ở những tấm lòng từ tâm.

Cảnh trí trong phim thật đặc biệt. Những khung trời hẹp xỉn màu mưa lũ chia tách không gian thành những bức tranh ảm đạm sôi động, trong đó nổi lên bao cảnh tượng lạ, đẹp, ấn tượng. Các tác giả đã khéo léo lợi dụng hiện trạng của thiên nhiên; chọn lựa khung cảnh đắc ý, phối hợp dàn cảnh, tạo ra những không gian nhân tạo có tính kịch, gắn không gian ấy với nhân vật cùng sự kiện của câu chuyện phim. Những căn nhà đơn sơ trên nền đất cao chưa bị ngập nước, những túp lều tạm trôi dạt lênh đênh trên mặt nước, những con thuyền nghèo lặng lẽ đơn độc trôi trong mưa, cùng những đàn trâu mệt nhọc lầm lũi hướng về phía trước… tất cả đều được các tác giả chọn lựa, sắp đặt tỷ mỷ, có dụng ý rõ ràng. Trong nghệ thuật dàn cảnh, việc chú trọng cả tổng thể lẫn chi tiết đối với cả cảnh nhỏ, hẹp cũng như với cảnh lớn, rộng, đòi hỏi rất nhiều công phu và ý tưởng nhằm tạo hiệu quả khớp hợp hoàn cảnh với tính chất và kịch tình của câu chuyện phim. Ở đây, các tác giả đã cung cấp khá đầy đủ các dữ kiện để người xem dễ dàng cảm tthụ một cách đầy đủ và lý thú về một mùa len trâu đáng ghi nhớ đã đi vào quá vãng. Sự tinh tế của chủ thể thuật kể tỏ rõ trong cung cách biểu đạt cảnh nghèo, cảnh khó của người nông dân chân lấm tay bùn bằng thái độ cảm thông, trân trong một cách uyển chuyển, ngọt ngào của người trong cuộc.

Diễn xuất trong Mùa len trâu rất đa dạng và phong phú. Ngoài Kìm – nhân vật chính cùng các nhân vật hỗ trợ khác, còn phải tính đến những yếu tố dệt nên câu chuyện là nước cùng đàn trâu đông đảo. Kìm, chàng trai mới lớn, thơ trẻ nhưng đầy trách nhiệm với công việc và gia đình. Quá trình len trâu đã biến cậu ta thành gã thanh niên dạn dạy công việc và linh hoạt ứng phó đường đời. Biểu hiện trưởng thành của nhân vật này được thể hiện cả ở chuyện biết uống rượu, hút thuốc lá, tán gái và nói tục. Khi được cha hỏi: “Mày gần con gái chưa con?” Câu trả lời của Kìm là “Chưa, nhưng biết rồi. Đã thấy thằng chủ hiếp một con nhỏ”. Bộ phim phản ánh quá trình diễn tiến tự nhiên của cuộc sống, con người nơi đây một cách mộc mạc, dễ tin. Hai vợ chồng ông bà Hai xuất hiện ngắn nhưng kịp để lại dấu ấn quan trọng làm nền tảng biểu hiện ý tưởng của tác giả khi đề cập hình tượng người nông dân Nam bộ với bản chất sôi nổi, rộng lòng. Nước có mặt trong phim như một yếu tố nền tảng, gắn kết mọi nhân vật cũng như mọi sự kiện của câu chuyện. Đàn trâu đen xuất hiện trở thành chủ thể diễn xuất, đem lại sinh động và độc đáo. Tất cả dàn diễn viên đều được chỉ đạo diễn xuất giản dị, thật thà, thậm chí bỗ bã, không khoa trương ngoại hình. Nội dung câu chuyện phim không đòi hỏi diễn viên phải thể hiện nhiều cử chỉ nội tâm phức tạp; mà đòi hỏi sự tự nhiên , hồn nhiên tối đa. Diễn xuất của các diễn viên đã đạt tới mức tự nhiên như thế trong cảnh hai cha con Kìm chuyền nhau cây sáo để thổi một bản nhạc cũ, bà mẹ nằm trong màn, nghe và thảng thốt ngồi dậy, lẩm bẩm: “Đó là bài ông nội mày dạy, câu chót tao quên mất!”; rồi cảnh cô gái một mình e ấp chải tóc, hát ru giữa rừng nước vắng lặng… tất cả dấy lên một niềm vui bé nhỏ mà ấm áp, thật sự hiền hòa.

Thành tựu nổi bật của bộ phim thuộc về nghệ thuật tạo hình. Trong điều kiện đặc biệt khó khăn về địa hình, nhà quay phim đã chọn được những điểm quay đem lại hiệu quả hình ảnh cao. Vị trí máy chủ yếu tạo nên những góc nhìn khách quan, dẫn tới phương thức thuật kể bán tự sự. Phần lớn góc quay được chọn là ngang thẳng, trực tiếp – Không cố ý tạo ra những hiệu quả đặc biệt gây sốc, mà đơn thuần kể và để hình ảnh tự nói lên vấn đề của nó. Tính chân thực, do đó dễ dàng được người xem cảm nhận. Ánh sáng trong phim thường nhu hòa, phù hợp với tính chất thời tiết mùa mưa lũ; song không thiếu những trường hợp sử dụng loại ánh sáng có độ tương phản cao. Phân biệt rõ ràng những mảng sáng tối, nhằm mô thuật trạng thái tâm cảm của nhân vật trước niềm vui cùng nỗi đau đớn tột cùng. Nền màu chủ đạo của phim ngả về sẫm tối, khớp hợp với màu của mưa và nước. Phần lớn khuôn hình cấu tạo đơn giản, khá gợi cảm, do tác động của sự khốc liệt giản dị và gần gũi đời thường. Nhiều cảnh cận đắt giá, gây ấn tượng và cảm xúc mạnh, làm nổi bật ý nghĩa của cảnh và tạo ra phong cách thể hiện có dấu ấn riêng. Đó là những cận cảnh khuôn mặt mệt mỏi của bố mẹ Kìm khi hai ông bà nằm nói chuyện trong màn, cận cảnh nước mưa ào ạt rót xuống làm vỡ tung mặt nước, rồi cận cảnh 2 chiếc sừng trâu lớn khua nghiêng ngửa như hai chiếc gọng kiềm khổng lồ… Đặc biệt là dãy cận cảnh làm nổi bật những bờ lưng nhấp nhô, những cánh chân rối nhịp của đàn trâu rùng rùng, hỗn độn tràn lên, gây cảm giác dữ dội về một sức mạnh vô biên và vô chủ. Một số khuôn hình đẹp mang phong cách hội họa lặp đi lặp lại với cảnh con thuyền lướt qua rặng cây bạch đàn hoặc vài cây thốt nốt, vài cây cô thụ trơ cành giữa biển nước mênh mông, gây cảm xúc trơ trọi, đơn độc sâu thẳm. Nói chung, cảnh phim có sức chinh phục người xem mạnh mẽ, bởi “chất Nam bộ” đặc sệt trong hầu hết các khuôn hình – nó hiện lên trong sức mạnh của hình ảnh, ngay cả những góc máy chỉ có nước cũng bật lên sức mạnh khó cưỡng ấy.

Câu chuyện phim tiến triển theo một tiết tấu lệch pha, lúc thư thái lúc dồn, nhanh; tạo nên một nhịp điệu bất cân bằng, phù hợp với trương lực lúc căng lúc chùng của câu chuyện phim.

Ý nghĩa truyện phim tuồng như được trải ra trên hai lớp: lớp ngoài là câu chuyện lạ lùng kỳ thú, ta có thể trực tiếp cảm nhận; và lớp bên trong là mạch ngầm những ngoa dụ và ẩn dụ đa nghĩa liên quan đến vận đời, đến mối quan hệ bất di bất dịch, không thể kháng cự giữa con người với thiên nhiên trời đất. Các tác giả có vẻ không chuyên tâm mô tả nhân vật mà chỉ dùng nhân vật để khắc họa hình tượng tác phẩm.

Bộ phim đã thành công trong việc tạo nên cái đẹp ngh