Nghệ sĩ lên tiếng - Chấn hưng điện ảnh, bắt đầu từ đâu?

(TGĐA) - LTS: Đã nhiều năm nay ngôi nhà của điện ảnh ngày càng trở nên sập sệ. Nghệ sỹ bỏ hãng đi làm ăn tứ tán khắp nơi, thay vì mục đích làm nghệ thuật là mục đích trần trụi hơn: Kiếm sống và kiếm tiền. Ngành điện ảnh sau gần 60 năm xây dựng với đầy đủ các bộ máy, ban ngành, cơ sở vật chất từ Cục điện ảnh, các Hãng phim, Viện phim Việt Nam, Trung tâm kỹ thuật, Trung tâm chiếu phim Quốc gia… không biết từ khi nào dần dần tách nhau ra, làm ăn co cụm, ai lo nhà nấy, kẻ ấm người lạnh mặc kệ ngôi nhà chung suy tàn. Và những biến cố đau lòng xảy ra thời gian qua là hệ quả tất yếu.

Đến lúc này, các nghệ sỹ lão thành, các nghệ sỹ còn đang sung sức, cán bộ công nhân viên chức toàn ngành như bừng tỉnh với mong muốn: Chấn hưng lại ngành điện ảnh. Hào quang quá khứ thức tỉnh lương tâm trách nhiệm của người nghệ sỹ hôm nay. Nói như đạo diễn Thanh Vân: “Chúng ta phải tìm lại niềm vui trên đống tro tàn…”

Cách đây gần 20 năm, Đảng và Nhà nước đã từng đổ vài trăm tỷ để ngành điện ảnh chấn hưng. Thành, bại thế nào thời gian qua đã trả lời. Giờ đây chúng ta lại mong muốn nhà nước giang tay lần nữa, cùng nghệ sỹ xây dựng lại Ngôi nhà điện ảnh.

Chấn hưng điện ảnh bắt đầu từ đâu? Đó là câu hỏi mà Tạp chí Thế giới điện ảnh muốn đặt ra với các nhà quản lý, nghệ sỹ điện ảnh trong số báo đặc biệt này!

PGS, TS Trần Luân Kim – Nguyên Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam: “Phải xác định rõ những khó khăn và tập trung “quyết chiến” khẩn trương, bài bản, quyết liệt

- Thưa ông, hiện tại điện ảnh nước nhà đang ở trong tình trạng rệu rã về mọi mặt. Là người đã gắn bó lâu năm với điện ảnh, đi sâu đi sát với các Hội viên và thông hiểu tường tận nhiều vấn đề trong lĩnh vực này, theo ông, để kích thích nền điện ảnh hiện tại phát triển thì chúng ta phải có những bước chiến lược như thế nào?

Hệ thống bộ máy tổ chức sản xuất và phổ biến phim nước ta hiện nay đúng là không tương xứng với đòi hỏi phát triển hoạt động của ngành cũng như nhu cầu của xã hội. Hệ thống sản xuất Nhà nước hoạt động cầm chừng, hệ thống phổ biến hầu như không còn tác dụng trong thực tế. Các cơ sở tư nhân hhoạt động sôi nổi hơn, song phân tán và hiệu quả chưa như mong đợi. Tình trạng này kéo dài quá lâu và chưa thấy có bàn tay nào đủ trách nhiệm và sức mạnh can thiệp, xoay chuyển kịp thời, hữu hiệu. Đó là điều gây lo lắng và rất đáng quan tâm.

PGS-TSKim

Tuy nhiên, do ý chí sức sống khách quan tiềm tàng của những người yêu và cần làm điện ảnh, dòng chảy của hoạt động điện ảnh nước ta vẫn được khai thông cho dù không đủ điểm tựa để dâng trào. Thời gian gần đây, với số lượng phim ít ỏiđược sản xuất hàng năm, vẫn nổi lên những tác phẩm ghi dấu ấn và được công chúng đón nhận. Niềm vui này nằm trong nỗi buồn lãng phí tiềm năng, mà lẽ ra có thể đạt được nhiều hơn rất nhiều.

Hoạt động điện ảnh nước ta hiện đối mặt với hàng loạt khó khăn vướng mắc lớn nhỏ. Để khắc phục chúng, cần phải xác định rõ ràng và chính xác những khó khăn trước mắt và tập trung “quyết chiến” với chúng bằng biện pháp khẩn trương, bài bản, quyết liệt.

Theo tôi, những vướng mắc cơ bản hiện nay ai cũng nhìn thấy, đó là:

  1. Đang thiếu sự quan tâm quản lý – điều hành vĩ mô đối với hoạt động điện ảnh nước nhà. Hiện tượng buông lỏng và thả trôi, khoán trắng cho các cơ sở tự bươn chải đã trở thành quen thuộc với chúng ta. Cơ quan chức năng nhà nước cần ý thức mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc thống nhất quản lý – điều hành toàn ngành một cách cụ thể, chi tiết mới mong vực dậy sức sống của ngành. Ta đều biết, điện ảnh là hoạt động chuyên sâu mang tính xã hội rộng khắp, liên quan rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hóa- kinh tế- xã hội … do đó không thể áp dụng phương pháp quản lý thả lỏng. Để thực hiện mục tiêu này, không có con đường nào khác ngoài việc chấn chỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy từ trên xuống, trong đó quan tâm đặc biệt đến chức năng nhiệm vụ và phân công cụ thể, hợp lý.
  1. Thứ đến là câu chuyện muôn thuở về đội ngũ. Hiện chúng ta có đội ngũ anh chị em nghệ sĩ, cán bộ chuyên môn không quá thưa thớt, lại chăm việc. Tuy nhiên, nhu cầu tác nghiệp hiện rất lớn vì đòi hỏi rất cao. Chúng ta đang cần kíp những gương mặt đầu đàn ở nhiều lĩnh vực hoạt động quan trọng, đặc biệt trong các khâu sáng tác cũng như hoạt động sản xuất. Đào tạo trong nước hiện chưa đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, nhà nước cần dành kinh phí cử nhân sự có triển vọng phát triển ra nước ngoài rèn luyện nâng cao. Mặt khác, cần tăng cường hình thức đào tạo nghề thiết thực trong thời gian ngắn, phù hợp, nhằm chuẩn hóa trình độ kiến thức cũng như kỹ năng tác nghiệp đối với đội ngũ đang hành nghề mà còn non yếu. Bên cạnh đó, nhà nước cần chuẩn hóa và áp dụng chức danh nghề nghiệp vàp mỗi đối tượng hoạt động sáng tác, nhằm đề cao trách nhiệm của nghệ sĩ đồng thời đảm bảo chất lượng tác phẩm. Có quy hoạch để từng bước (theo thời gian) hình thành đội ngũ hoạt động đồng bộ, có số lượng và trình độ phù hợp.
  1. Hoạt động điện ảnh, đặc biệt hoạt động sáng tác – sản xuất phim gắn liền với tài chính. Có thể khẳng định, sau đội ngũ hành nghề, nguồn vốn làm phim quyết định bộ mặt của điện ảnh nước nhà. Đây là chỗ tắt lâu nay của chúng ta. Trong tình hình trước mắt, nguồn kinh phí Nhà nước cấp làm phim hàng năm, vẫn có giá trị đặc biệt. Một mặt cần giữ vững nguồn kinh phí này, mặt khác cần cải tiến mục tiêu, phương thức tài trợ nhằm đạt hiệu quả xã hội cao nhất. Ngoài các phim trọng điểm, cần mở rộng diện tài trợ để thực hiện các phim có tác động đột phá, mở đường về giải pháp cũng như phong cách sáng tác. Cạnh đó, cần huy động rộng rãi nguồn vốn trong xã hội, từ các doanh nghiệp, như thời gian qua đã có nơi làm được. Ngân hàng cho vay ưu đãi cũng sẽ là giải pháp tích cực hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển. Sau cùng, cần nhìn vào thực tế để hoạt động phù hợp. Đó là, với những cơ sở sản xuất phim eo hẹp vốn, rất nên chuyển hướng đề tài, theo đó là giảm thiểu quy mô dàn cảnh, thực hiện những tác phẩm tâm lý đời thường có giá trị nhân văn sâu, có sức khơi động và thu hút người xem mà ít tốn kém. Con đường này đã được khai phá, nên nghiên cứu thực hiện.
  1. Cuối cùng là một vấn đề lớn – vấn đề thị trường điện ảnh. Sức mạnh của nền điện ảnh nào trên thế giới cũng chịu sự chi phối chặt chẽ của thị trường. Ở ta, từ lâu đã hình thành hệ thống cơ sở tiêu thụ sản phẩm điện ảnh, nhưng chưa tạo dựng được một thị trường điện ảnh hoàn chỉnh, trong đó đảm bảo sự liên thông tự nhiên của mạng lưới tiêu thụ ngang dọc, và chịu tác động trực tiếp của quy luật cung – cầu. Hiện nay, ở các đô thị lớn tồn tại các điểm chiếu là sở hữu của các chủ thể khác nhau, thiếu hắn sự điều phối tổng thể. Gần như toàn bộ các địa bàn rộng lớn ở nông thôn với nhiều chục triệu công chúng tiềm tàng, là vùng trắng điện ảnh. Nhìn ra ngoài, ta không thấy có nhiều tác phẩm điện ảnh mang nhãn hiệu Việt Nam xuất hiện trên màn ảnh thương mại của các nước. Một thị trường như vậy là eo hẹp, và chính sự eo hẹp ấy đã hạn chế quy mô sản xuất của điện ảnh Việt nam!

Cho nên, tìm cách mở rộng thị trường điện ảnh nước nhà là công việc cấp bách hiện nay. Cần quy hoạch lại nhu cầu phổ biến phim ở từng địa bàn cũng như trên phạm vi toàn quốc. Từ đó có kế hoạch đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng rạp chiếu phù hợp ở các đô thị, vùng công nghiệp và vùng dân cư – đặc biệt chú trọng các địa bàn nông thôn. Trong tương lai, trên cơ sở thực hiện mới tạo ra đó, hiệu quả kinh doanh điện ảnh sẽ đem lại lợi ích lớn và lâu dài, cả về tài chính lẫn đời sống tinh thần. Mặt khác, cần có chiến lược cụ thể hữu hiệu mở rộng thị trường ra nước ngoài như một số nước đã làm, không nên bị động tùy thời và buông trôi, để tư nhân vất vả chèo chống.

- Trước đây, điện ảnh Việt Nam cũng đã trải qua một lần chấn hưng vào những năm đầu 90 và Nhà nước đã đổ vào đó một khoản tiền không nhỏ nhưng kết quả không như mong muốn. Điện ảnh Việt vẫn chưa được chấn hưng theo đúng nghĩa của nó. Theo ông, ngày hôm nay để chấn hưng nền điện ảnh thì chúng ta cần làm những gì và Nhà nước phải đầu tư như thế nào?

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Nhà nước ta đã quyết tâm chi phí tương đối lớn để phục hưng hoạt động điện ảnh nước nhà. Chủ trương này đã đem lại một số kết quả nhìn thấy. Tuy nhiên, đã không có giải pháp duy trì và tạo đà vươn lên một cách liên tục hữu hiệu, nên các thành quả đạt được đã giảm tác dụng đáng kể.

Giờ đây, để khôi phục, đưa các mặt hoạt động điện ảnh vào nền nếp và hiệu quả, có lẽ không cần một “cao trào phục hưng” nữa; mà cần căn cứ vào tình hình thực tiễn, thực hiện tích cực các đề xuất đã nêu ở trên, là cơ bản có thể giải quyết được vấn đề.

Cần nhấn mạnh là, trong lúc phát động xã hội hóa hoạt động điện ảnh như hiện nay, trách nhiệm của cơ quan nhà nước về lĩnh vực điện ảnh vẫn không hề giảm nhẹ. Nhà nước cần chủ trì quản lý-điều hành tổng thể các hoạt động chính, cần chủ trì thực hiện chương trình đào tạo đội ngũ (nhất là đội ngũ đầu đàn) và chủ trì củng cố, mở rộng thị trường điện ảnh cả nước.

Tiến sỹ Lưu Trọng Hồng – Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh:Phải chú tâm tới đào tạo nhân lực cho điện ảnh”

- Ông là người đã gắn bó lâu năm với điện ảnh, đã từng biết điện ảnh Việt cũng từng có kế hoạch chấn hưng vào thập niên 90 và Nhà nước phải đổ vào một khoản tiền không nhỏ. Vậy thưa ông, cuộc chấn hưng năm đó đã thành công được những gì? Những mặt thành công đó có duy trì được đến nay?

Từ năm 1988, do không còn được Nhà nước bao cấp hoàn toàn, ngành điện ảnh bắt đầu gặp khó khăn và khi buộc phải bước vào cơ chế mới, khó khăn lại càng chồng chất. Phim video tràn vào các rạp chiếu bóng và cửa hàng dịch vụ băng hình, trong đó đầy rẫy video “đen”. Phim Nhà nước tài trợ teo dần, phim tư nhân bùng nổ, nhưng không ít phim được gọi là phim “mì ăn liền”. Có thể ví hơi khập khiễng, Điện ảnh Việt Nam lúc đó như một con gà công nghiệp vừa ra khỏi chuồng, ngơ ngác kiếm ăn, gặp gì “mổ” nấy, hậu quả là gà bị ngắc ngoải vì trong diều chỉ toàn sỏi cát.

Trước tình hình đó, Nhà nước đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để cứu sống, hồi sức và tăng cường sức khỏe cho ngành điện ảnh mà ta gọi là Cuộc chấn hưng điện ảnh thông qua các chương trình củng cố và phát triển điện ảnh, chính thức bắt đầu từ tháng 7 năm 1995, khi Nghị định 48/CP của Chính phủ ra đời.

Nhờ các chương trình trên, một loạt thiết bị sản xuất và phổ biến phim hiện đại được nhập vào để trang bị cho các hãng phim nhà nước và các rạp chiếu phim của khoảng 40 tỉnh, thành phố. Đặc biệt lần đầu tiên ở Việt Nam có một cụm rạp chiếu phim hiện đại thuộc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, một cơ sở gia công phim tiên tiến của Trung tâm Kỹ thuật Điện ảnh và một trường quay khá quy mô đang hình thành tại Cổ Loa. Nhờ cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường cùng với số tiền khoảng 20 tỷ hàng năm để tài trợ cho sản xuất và phổ biến phim mà mỗi năm các Hãng phim nhà nước sản xuất bình quân được 7 phim truyện và hàng chục phim tài liệu, khoa học và hoạt hình.

Một điều đáng kể nữa là từ năm 2000, sau khi phá bỏ độc quyền nhập phim, một loạt rạp chiếu phim hiện đại của tư nhân cùng với 6 - 7 bộ phim truyện cũng của tư nhân và khoảng 100 bộ phim nước ngoài được nhập mỗi năm đã cuốn hút khán giả trở lại xem phim tại rạp.

Tuy nhiên, điện ảnh nước ta vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, yếu kém như đầu tư thiếu đồng bộ, trình độ người sử dụng không đáp ứng được yêu cầu hiện đại của máy móc thiết bị, dẫn đến hiệu quả khai thác quá thấp. Số lượng phim sản xuất trong nước so với số lượng phim ngoại nhập quá ít, chất lượng chưa đáp ứng mong muốn của người xem…

LuuTrongHong

- Còn những hạn chế chưa làm được vì lý do nào? Nếu chúng ta có một cuộc chấn hưng điện ảnh lần 2 thì cần rút kinh nghiệm những gì từ lần chấn hưng thứ nhất và bây giờ Nhà nước phải đầu tư như thế nào?

Tôi được biết trong quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, những ưu khuyết điểm của quy hoạch trước và của các chương trình củng cố và phát triển điện ảnh đã được phân tích mổ xẻ nhằm tìm giải pháp phát huy những điều đã làm được và khắc phục những điều chưa làm được. Tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến nhấn mạnh đến giải pháp đầu tư cho đào tạo nhân lực và bên cạnh việc đề cao sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp cần hình thành một tổ chức chuyên sản xuất những phim phục vụ nhiệm vụ chính trị và đào tạo tay nghề trẻ (nói chung là thực hiện những bộ phim rất cần thiết cho xã hội nhưng các hãng phim khác không quan tâm hoặc không muốn làm). Ngoài ra, tôi xin đề xuất hai ý kiến nhỏ:

Một là, tìm mọi giải pháp để nâng cao chất lượng kịch bản, trong đó khuyến khích hình thành các nhóm hợp tác viết kịch bản.

Hai là, không đầu tư mới hoặc nâng cấp thiết bị mà chúng ta có thể thực hiện được thông qua hợp tác với nước ngoài (chẳng hạn gia công in tráng phim…). Ngược lại, những cái không thể thực hiện được ở nước ngoài thì nhất thiết phải đầu tư ở trong nước (chẳng hạn bối cảnh lịch sử Việt Nam, phong cảnh tiêu biểu Việt Nam… tại trường quay v.v…)

Đạo diễn, NSND Hải Ninh – Nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam: “Phải bắt đầu từ khâu tổ chức, sản xuất, đến việc đào tạo đội ngũ

Không phải chỉ đến năm 1995 điện ảnh mới có cuộc chấn hưng đầu tiên mà trước đó cũng đã có và gần đây nhất là có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị cũng rất quan trọng. Như vậy, trên thực tế chúng ta đã có nhiều lần chấn hưng, nhưng tại sao những lần chấn hưng đó lại hầu như rơi vào khoảng không, lặp đi lặp lại làm cho con người chán nản, thiếu lòng tin vào sự lãnh đạo từ trên xuống dưới, làm hạn chế “ngọn lửa” trong người nghệ sĩ? Theo tôi, chấn hưng là phải toàn diện bắt đầu từ khâu tổ chức, sản xuất (sáng tác, phương thức sản xuất, phát hành, chiếu bóng) đến việc đào tạo đội ngũ. Khâu tổ chức không khác gì một ngôi nhà, phải an cư mới lạc nghiệp. Còn lâu nay chúng ta vẫn lợi dụng các khái niệm và để chúng thả nổi trong xã hội. Ở đây, tôi muốn nói đến vấn đề xã hội hóa, đây không phải là một khái niệm chung chung mà là một quy luật của thị trường, cũng phải có những bước phát triển mang tính khoa học.

Nhớ lại trước đây, chúng ta có Liên hiệp điện ảnh là một đơn vị hành chính có quyền quyết định dưới cấp Cục. Khi bước vào cơ chế thị trường bắt đầu chuyển sang kinh doanh, Cục điện ảnh lúc bấy giờ có xảy ra vụ thất thoát (đây được xem là tiền sử cho vụ thất thoát 42 tỷ mới đây của Cục điện ảnh) và kế toán trưởng bị bắt đi tù. Sau đó, Cục điện ảnh được chuyển thành Vụ điện ảnh có chức năng tư vấn, hướng dẫn các chủ trương chính sách, luật lệ giúp cho Bộ điều hành và trao toàn quyền sản xuất cho các Hãng. Nhưng không hiểu vì lý do nào, Vụ điện ảnh lại chuyển thành Cục điện ảnh như ngày nay. Nhìn về mặt tổ chức, đây là một kiểu đi vòng vèo mà không có tư duy thích hợp với từng giai đoạn của lịch sử. Còn hiện tại, tất cả những sáng tạo của người nghệ sĩ đang được vo tròn lại bởi những ý kiến của một số người trong Hội đồng kiểm duyệt. Thực tế, những người trong Hội đồng này chưa chắc đã giỏi hơn những người nghệ sĩ trực tiếp làm ra tác phẩm. Vì vậy, khi khả năng để kiểm duyệt quyết định màu sắc sáng tác và giá trị của tác phẩm qua một ai đó lại yếu kém hơn người thực hiện thì làm sao có thể có tác phẩm tốt.

NSNDHaiNinh

Nhìn vào thực tế đó, chúng ta thấy Cục điện ảnh trong khoảng thập niên vừa qua không hề có ấn tượng, không đưa ra được những công trình lớn, những chương trình hoạt động chào mừng những ngày Lễ lớn của đất nước. Đặc biệt là việc tổ chức những Liên hoan phim vẫn còn nhiều lộn xộn, gần đây nhất là LHP quốc tế Việt Nam lần thứ nhất đã để lại nhiều ì xèo về khâu tổ chức và cho đến khi xảy ra sự thất thoát 42 tỷ thì chúng ta mới thấy được diện mạo thực sự của Cục điện ảnh tồi tệ như thế nào. Tôi cho rằng để xảy ra việc thất thoát tài sản của Nhà nước và làm đình trệ các chương trình hoạt động của ngành thì tội này thuộc về người lãnh đạo vì pháp luật đã quy định, chứ không thể ngồi đợi đến khi nào bắt được tên ăn cắp thì mới xét đến người lãnh đạo. Ở đây cũng phải nói đến sự trì trệ của pháp luật, coi thường dư luận. Tại sao lại để ngành điện ảnh mang một không khí âm u, tối tăm, làm cho mọi người bức xúc, không phấn khởi. Có thể nói, Cục điện ảnh xảy ra vụ thất thoát này gần như là giọt nước tràn ly và đây là thời điểm nên đặt dấu chấm hết cho những người thiếu năng lực để kết thúc một cơ chế không có hiệu quả. Từ đó nên đặt ra một cơ chế mới như thế nào. Tôi nghĩ chúng ta nên thành lập một Ban gồm những người giỏi nhất, tín nhiệm nhất về đạo đức, nghề nghiệp, có trình độ để xây dựng một mô hình điện ảnh mới, trong đó có phương thức sản xuất, chương trình hoạt động và lộ trình đi như thế nào.

Khi chúng ta đã có một mô hình như trên thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có một chủ trương chính sách về phương hướng sáng tác, chế độ, phương thức sản xuất, kỹ thuật... tức là phải có một chiến lược toàn diện. Chiến lược đó phải hình thành những lộ trình và bước đi cụ thể để cuối cùng có thể tổng kết từng giai đoạn và hiệu quả đã đề ra. Còn gần đây, khi đọc Nghị quyết 23 tôi thấy cũng nhiều ý nghĩa nhưng khi ban hành thì nó chẳng khác nào những bùa yểm dán trên tường. Tôi cho rằng đáng lẽ ngay sau đó thì Cục điện ảnh, Hội điện ảnh và cả các Hãng phim của Nhà nước phải có những chương trình hoạt động riêng, gắn với sự đổi mới theo nội dung mà Nghị quyết đề ra. Nhưng đáng tiếc là sự việc hầu như hoàn toàn im ắng.

Tôi không tán thành khi chưa có sự chín muồi, chưa có lộ trình và bước đi cụ thể thì cứ thả nổi và nói là xã hội hóa. Đó là cách nói giấu đi sự yếu kém khi không có khả năng thực hiện và cải tiến thì nói bừa vậy. Do đó, chúng ta vẫn phải duy trì dòng phim chính thống. Bởi nghệ thuật của chúng ta như một bảng màu. Nếu chúng ta coi dòng phim chính thống là phim đỏ thì phải duy trì vì nền điện ảnh dân tộc ta hình thành từ dòng phim này. Nói cách khác là chúng ta cần duy trì quá khứ bằng không tức là sẽ đánh mất lịch sử. Bên cạnh dòng phim chính thống còn có những dòng phim khác của tư nhân, Việt kiều. Vì vậy, Nhà nước phải có tỷ lệ cho từng dòng phim, từng màu sắc để làm sao trên một bảng màu phải đảm bảo được sự đa dạng về màu sắc.

Gần đây nhất, tôi cảm thấy vừa vui vừa buồn khi xem trên truyền hình thấy sự xuất hiện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề xây dựng cơ sở mới cho truyền hình. Thủ tướng đã có một bài phát biểu rất ngoạn mục, trong đó có xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ, hướng đi và vai trò của truyền hình. Ở đây, tôi vui vì truyền hình thực sự khởi sắc nhưng lại thấy buồn vì một nền điện ảnh có mặt suốt trong hai cuộc kháng chiến, đóng góp không nhỏ trong sự thắng lợi của đất nước thì đến bây giờ gần như bị bỏ rơi. Đó thực sự là một cám cảnh, nghe vừa vui lại vừa thấy đau nhói. Như vậy, bản thân ngành điện ảnh đối với Nhà nước bây giờ là cái gì, có còn là một cơ sở để đóng góp trong vấn đề xây dựng đất nước hay không?

Muốn chấn hưng điện ảnh, chúng ta không thể không nói đến vấn đề đào tạo. Trong quá trình lịch sử trước đây, vấn đề đào tạo rất được coi trọng. Năm nào đội ngũ nhân lực cũng được cử đi học đạo diễn, quay phim, kỹ thuật, họa sĩ... cả trong và ngoài nước. Nhờ có được đội ngũ cán bộ ấy, giai đoạn đầu khi phim truyện của chúng ta còn non trẻ nhưng đã có những đóng góp để khẳng định diện mạo của nền điện ảnh, đặc biệt là những tác phẩm trong những năm 60 – 70 như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Huyền thoại người mẹ… Khi đó, Nhà nước có chiến lược cho ngành điện ảnh rất rõ ràng: hướng đi như thế nào, phục vụ cái gì, phương thức như thế nào. Lúc bấy giờ tuy chỉ là phương thức bao cấp nhưng có một chiến lược cụ thể của một giai đoạn lịch sử cụ thể. Còn bây giờ, vấn đề đào tạo ít được chú trọng, việc đi học ở nước ngoài không còn được duy trì như thời trước, mạnh ai nấy đi. Đào tạo trong nước thì dựa vào trường điện ảnh, đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu, sinh viên ra trường không có cơ hội thực tập. Điều này khác hẳn với thời trước như đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã từng chia sẻ ở Pháp đào tạo một người đạo diễn là toàn diện vừa làm thư ký đạo diễn, vừa làm ánh sáng, vừa đẩy xe ray… để khi tung ra trường quay có thể làm chủ hoàn toàn. Hiện nay, chúng ta có nhiều máy móc tốt và vẫn tiếp tục bổ sung về kỹ thuật các trang thiết bị, hoàn chỉnh về trường quay nhưng lại thiếu con người. Thiết nghĩ, bên cạnh việc đào tạo thế hệ trẻ, những nghệ sĩ đã có những tác phẩm khẳng định tên tuổi, đến một lúc nào đó năng lượng sáng tác của họ bắt đầu hao mòn thì nên cho họ đi học nước ngoài một thời gian ngắn để tái tạo năng lượng mới, có thể đó là những chuyến tham quan, nghiên cứu ngắn. Tôi cho rằng, vấn đề đào tạo là phải dựa vào những yếu kém của cơ sở hiện nay để khắc phục. Nhìn xa hơn và chúng ta hy vọng một nền điện ảnh có thể hòa nhập và tiên tiến như các nước trên thế giới thì phải tạo ra một đội ngũ cho tương lai. Chúng ta phải có chủ trương, đào tạo toàn bộ và toàn diện từ A đến Z của một công trình điện ảnh. Lâu nay những người lãnh đạo điện ảnh của chúng ta thường hay ăn xổi, chỉ muốn làm những gì trong phạm vi của mình mà không quan tâm tới những gì bên ngoài, chỉ nhìn thấy cái trước mắt mà không thấy cái tương lai. Nói chung, chúng ta phải có một chương trình đào tạo tương lai, toàn diện các bộ môn trong nghệ thuật điện ảnh. Hy vọng hơn 10 năm sau điện ảnh sẽ có được sự thay đổi lớn. Điều này tôi học được của Hàn Quốc. Tôi sang đó chỉ tìm hiểu hai vấn đề: thứ nhất có thật diễn viên Hàn Quốc đẹp như trên phim không? Thứ hai tại sao trước những năm 90 điện ảnh Hàn Quốc kém Việt Nam nhưng sau đó lại vượt lên, có gì bí ẩn chăng? Về con người thì có thể thấy ngay là họ có sự đầu tư nhất là diễn viên, còn người bình thường họ cũng như người Việt Nam. Vấn đề thứ hai theo tìm hiểu thì tôi được biết cũng không có bí ẩn ở đây. Cách đây hơn 20 chục năm, điện ảnh Hàn Quốc cũng không khác gì Việt Nam bây giờ. Sau khi được sự hỗ trợ của Nhà nước, bắt đầu có chiến lược văn hóa cho điện ảnh nhưng họ ngộ ra rằng không thể nào với công nghệ của Hàn Quốc lúc bấy giờ có thể tiến xa như Hàn Quốc ngày nay. Khi đó, Hàn Quốc đã quyết định tung người đi học tất cả các ngành chuyên môn ở Mỹ. Một khi con người có kiến thức, tài năng tức khắc sẽ đẻ ra những hạt ngọc. Bởi vậy, tôi cho rằng vấn đề đào tạo rất cần được coi trọng và trên hết là phải có những chương trình đào tạo cụ thể, toàn diện nhưng phải đồng bộ.

PGS, TS Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng trường ĐH SKĐA – HN: “Tôi ước mơ sinh viên của ta hai, ba em có thể có 1 máy quay”

Làm thế nào để chấn hưng điện ảnh dân tộc là một câu hỏi mà mới nghe thì có vẻ là ai cũng dễ sẵn có rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết. Nhưng thực sự để trả lời câu hỏi này là rất khó. Tôi chỉ có vài ý kiến liên quan đến đào tạo:

Gần đây nhà nước rất quan tâm đến công tác đào tạo nên trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã có những đổi mới rất quan trọng. Cơ sở khang trang hơn, sinh viên có điều kiện thực hành tốt hơn, giao lưu quốc tế có điều kiện rộng mở hơn. Chưa bao giờ sinh viên của trường có điều kiện đi học hỏi ở nước ngoài nhiều như bây giờ. Năm nay có 9 sinh viên đi Hàn Quốc học 2 tháng, 5 sinh viên đi Hàn Quốc dự trại sáng tác quốc tế. Năm ngoái có cả đoàn sinh viên đi biểu diễn kịch ở cuộc thi của các trường đào tạo nghệ thuật quốc tế… Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã đáp ứng được nhu cầu chưa hay đã được đầu tư đã thích đáng cho công tác đào tạo chưa thì còn là vấn đề đáng suy nghĩ.

Muốn chấn hưng nền điện ảnh, các nước đều đầu tư cho đào tạo, đầu tư về con người. Theo tôi những điều quan trọng của đào tạo là: cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ thầy và trò.

PGS-TSHiep

Điện ảnh truyền hình là đào tạo đặc thù, đòi hỏi rất tốn kém, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ. Đó là quy luật, điện ảnh truyền hình gắn với bước đi của công nghệ. Tất nhiên thiết bị không thể thay thế con người nhưng nó là những điều kiện, môi trường để cho người ta rèn luyện phát huy khả năng. Mặc dù điều kiện thực hành của trường đã rất tốt so với trước đây nhưng thiết bị vẫn không đồng bộ, đó là hạn chế. Cơ sở vật chất phải đầy đủ và đồng bộ để sinh viên có điều kiện thực hành. Tôi ước mơ sinh viên của ta hai, ba em có thể có 1 máy quay. Khi nhiều sinh viên mà ít máy quay quá thì có em chỉ được sờ, ngắm máy quay. Đó là thách thức rất lớn. Để có điều kiện thực hành từng sinh viên phải nỗ lực rất lớn. Cái khó không bó cái khôn. Cha mẹ tạo điều kiện, bạn bè tạo điều kiện, các bác các chú ở các cơ sở làm phim tạo điều kiện hỗ trợ cho sinh viên thực hành. Nhưng cũng có cái khó bó cái khôn. Trang thiết bị mới hiện đại, đồng bộ ở các cơ sở sản xuất phim ngoài trường các em chỉ được nhìn ngắm thôi, làm sao được sử dụng. Nước nào cũng thế thôi, sinh viên muốn được thực hành thật sự, trường phải được đầu trang bị kỹ thuật.

Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng là vấn đề đang đặt ra. Phải có thầy giỏi mới hy vọng có trò giỏi. Thầy giỏi tới mức nào lấy thầy giỏi ở đâu ra, chắc chắn phải lấy từ ngành điện ảnh truyền hình. Có một thực tế những người đang sung sức thì lao vào sáng tác, bứt ra cái vòng quay với cường độ rất lớn để đến bục giảng đòi hỏi những người đó tử vì đạo mới làm được. Chỉ đến tuổi nào đó khi đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm sáng tác thì người ta mới làm công tác giảng dạy.Đó là sự khác biệt về đội ngũ giảng dạy của trường so với các trường khác, sinh viên giỏi cứ giữ lại trường đào tạo lad giảng dạy được. Đó là lý do tại sao chúng ta không có lớp trẻ có thể đảm đương công tác giảng dạy. Trường đang nỗ lực, tạo điều kiện động viên các em sinh viên giỏi ở lại trường học lên tiến sĩ, thạc sĩ, học nước ngoài để có thể giảng dạy. Ngoài ra, trường cũng cố gắng mời chuyên gia quốc tế. Một năm có khoảng 24-28 lượt chuyên gia nước ngoài đến trường dạy, so với tỉ lệ sinh viên của trường thì đã là con số rất đáng kể. Đó là hỗ trợ rất đáng kể về đội ngũ thầy.

Đổi mới chương trình giảng dạy là thách thức để nâng cao chất lượng đào tạo. Tiếp cận và dịch các các giáo trình của nước ngoài là việc nhà trường đang rất qua tâm. Trường đã dịch khá nhiều tài liệu của các nước để phục vụ đào tạo. Chúng ta có thể tha khảo chương trình của các nước nhưng không thể nhập khẩu chương trình đào tạo nghệ thuật như đào tạo kỹ thuật.

Có thể thấy sinh viên của trường không chỉ xuất thân từ thành phố mà còn ở ở các vùng xa xôi, mặt bằng kiến thức khác nhau về các lĩnh vực như: ngoại ngữ, âm nhạc, hội hoạ.. Theo tôi thời nào cũng có những em tài giỏi điều đó là chắc chắn. Sinh viên năm nào cũng có người tài, có năm nhiều, có năm ít hơn, chứ không bao giờ không cóầítc phẩm của họ, tài năng của họ, các bậc cha anh có thể tự hào. Khi tiếp xúc với các chuyên gia tôi cũng hỏi về sinh viên của mình, thì họ cũng thẳng thắn nói những mặt mạnh yếu của sinh viê mình. Họ cũng rất thẳng thắn nói rằng có những sinh viên họ không hiểu tại sao lại có thể học điện ảnh. Tôi cũng nói rằng nước tôi không phải như nước các ông. Đầu vào sinh viên của chúng tôi khác, xã hội cũng phát triển không đồng đều. Nên các trường khi tuyển sinh có tiêu chuẩn khác nhau cho các vùng miền để công bằng, ví dụ nông thôn miền núi được cộng 2 – 3 điểm. Cũng không thể phủ nhận rằng có những sinh viên có khi không học cho mình mà cho bố mẹ. Chắc chắn nước phát triển nào cũng đã phải qua giai đoạn như vậy, chỉ có điều chúng ta chưa qua và đi sau họ rất nhiều. Vấn đề đặt ra hiện nay là tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác tuyển sinh để chúng ta chọn được những em xứng đáng vào trường.

Có một thực tế mặc dù điều kiện học tập, thực hành còn nhiều khó khăn nhưng tất cả sinh viên của trường sau khi ra trường đều có việc làm. Nhiều cơ sở làm phim muốn lấy quay phim, đạo diễn nhưng không còn người để lấy. Đó là điều đáng mừng nhưng lại có một thực tế cũng đáng suy nghĩ: Trong số sinh viên ra trường, những người đầu quân vào điện ảnh rất ít vì điện ảnh hiện giờ có thể nói là không thể sống nổi. Ai cũng biết rằng sinh viên ra trường khoan nói những ứoc mơ cao xa mà trước hết là phải sống được bằng nghề mình đã học. Điện ảnh không còn ánh hào quang như xưa nữa, các gia đình Hà Nội ít cho con học diễn viên mà họ học ngoại giao, ngoại thương, … Một tình trạng nhiều năm gần đây có thể thấy ở trường SKĐA là các bạn học đạo diễn truyền hình, học biên kịch có khi xinh đẹp hơn diễn viên. Vậy nên để tìm được một gương mặt diễn viên sáng màn ảnh là rất khó.

Mỗi giai đoạn có những điều kiện lịch sử cụ thể và có những đòi hỏi mang tính lịch sử. Những gì làm được chúng tôi cũng đang cố gắng để đóng góp vào với các anh em đồng nghiệp để xây dựng nền điện ảnh dân tộc.Đào tạo là cái gốc cơ bản cho sự phát triển. Tôi hy vọng rằng khi nói chấn hưng Điện ảnh chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác đào tạo điện ảnh - một lĩnh vực đang đứng trước rất nhiều thách thức.

Nhà báo Cát Vũ: “Phải đào tạo ra những con người biết yêu dân tộc”

- Theo bà, chúng ta nên có thay đổi như thế nào trước tình trạng các hãng phim tư nhân phát triển tự phát còn các hãng nhà nước thì rệu rã, các nghệ sỹ bỏ đi làm việc riêng như hiện nay?

    Các hãng phim nhà nước nằm trong tay nhà nước. Thời gian gần đây sự quan tâm đến các hãng phim nhà nước là quá lơ là, thả nổi. Tình trạng phim nhà nước ít và không hay vì nhân tài không được coi trọng. Tài năng không phải là chúng ta không có nhưng không tạo điều kiện cho người ta làm việc, mức lương khiến họ không sống được khiến họ phải bỏ ra ngoài bươn chải. là điều tất yếu. Tôi nghĩ rằng người nghệ sỹ không ai muốn phải làm như vậy. Họ luôn muốn sống được bằng nghề của mình và có đủ điều kiện cuộc sống để họ có thể dành mọi tâm huyết sáng tạo nghệ thuật. Chấn hưng bằng cách nhà nước phải đầu tư. Chúng ta đã có sẵn đội ngũ chuyên nghiệp rồi thì phải làm sao để họ có thể làm ra những tác phẩm điện ảnh đích thực.

    Còn hãng phim tư nhân tự phát thì do hãng phim họ có tiền, họ muốn kiếm tiền thì họ phải làm theo cái họ nghĩ là ra được tiền. Họ không định hướng vì không ai định hướng họ. Mà có định hướng họ thì họ sẽ không kiếm được tiền theo mục đích của của họ. Nếu nhà nước muốn định hướng hãng phim tư nhân cũng rất khó, chỉ có thể hướng dẫn họ để họ đừng đi quá những gì không đúng. Còn đương nhiên phải cho họ khoảng tự do để họ có doanh thu. Quan trọng là sự tự phát đó vẫn nằm trong quản lý của nhà nước.

    NhabaoCatVu

    - Chúng ta đã từng có Cuộc chấn hưng điện ảnh lần thứ 1, theo bà, nếu có Cuộc chấn hưng điện ảnh lần thứ 2 thì chúng ta nên tập trung vào cái gì và có các bước đi như thế nào?

      Theo tôi biết Cuộc chấn hưng điện ảnh lần 1 nhắm vào cơ sở vật chất, chúng ta đã thay thế và mua mới nhiều máy móc. Tôi thấy điều đó cũng rất tốt nhưng những cơ sở vật chất đó đến giờ đã lạc hậu rồi, cái quan trọng hơn hết khi chấn hưng điện ảnh phải là chấn hưng con người làm điện ảnh. Bây giờ đã là muộn nhưng chưa phải là hết hy vọng, có thể phải hy sinh thế hệ này để cho thế hệ sau. Chấn hưng theo cách cho tiền làm phim thì việc đó chỉ đáp ứng phần ngọn, còn phần gốc là phải đào tạo con người. Việc này có hai phần: thứ nhất là đào tạo chuyên ngành của mình, thứ hai là đào tạo con người để thưởng thức điện ảnh và làm điện ảnh thì phải đào tạo từ nhỏ. Có nghĩa là ngành giáo dục của mình phải làm sao cho con người biết yêu dân tộc, biết yêu những gì thuộc về văn hoá Việt Nam, từ đó mới định hướng được đường đi của họ và đem lại những bộ phim mang tâm hồn dân tộc. Đào tạo chuyên ngành thì phải cho đi học kinh nghiệm các nước khác. Hàn Quốc đã hy sinh mấy chục năm để đào tạo một thế hệ trẻ thì họ mới nhận được kết quả ngày nay. Đó là điều tất nhiên vì điện ảnh không phải là buôn bán kinh tế mà một sớm một chiều thấy được kết quả của nó. Đào tạo từ gốc, giáo dục cho con người tâm hồn dân tộc và chọn những người giỏi cho đi học đàng hoàng đó sẽ là những người có kiến thức và nền tảng và kỹ thuật để cho nền điện ảnh phát triển.

      Nhân lực hiện nay tôi thấy rằng mạnh ai nấy bơi, có người tự bỏ tiền đi học chứ không phải từ nguồn của nhà nước. Khi họ trở vệ họ tự vận dụng đóng góp cho điện ảnh nhưng là những trường hợp rất lẻ mẻ vì không có nhiều người có điều kiện đó. Đầu tư cho đào tạo là tốn kém nhưng thời gian sau ta sẽ được hưởng thành quả đó lâu dài, vì một sản phẩm điện ảnh sẽ mang lại mối lợi rất lâu cho dân tộc chứ không phải là mối lợi thực tế trước mắt.

      Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long: “Hãy bắt đầu từ gốc”

      Nửa thế kỷ trước, nền điện ảnh Việt Nam ra đời trong khói lửa chiến tranh, ta vừa làm phim vừa đánh giặc bên cạnh sự trợ giúp hết lòng của đất nước Liên Xô (cũ). Cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã được đào tạo bài bản từ Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa. Cái nền tảng ấy được hình thành, và điện ảnh Việt Nam đã làm nên những bộ phim kinh điển, đã tự hào với nhữngthước phim làm lay động lòng người…

      NguLong

      Nhưng bây giờ đã 36 năm sau giải phóng. Cái nền tảng điện ảnh hình thành ngày xưa chỉ có thể xây được những ngôi nhà gỗ, nên muốn xây lại ngôi nhà cao tầng cho điện ảnh tất nhiên nền móng ấy sẽ không còn phù hợp. Đất nước đã hoà bình, tình hình thế giới thay đổi, ta có thể dựa vào ai để đổ nền móng cho mình nếu không phải bằng sức lực của chính mình? Một thế hệ nghệ sĩ được đào tạo bài bản xưa nay đã trên tuổi cổ lai hy. Điện ảnh là cái guồng máy khổng lồ, nó chỉ chạy được khi những con ốc vít gắn chặt vào nhau một cách hoàn hảo. Những con ốc vít ấy chính là những con người phụ trách tất cả các khâu trong chu kỳ khép kín của một đoàn làm phim. Một đạo diễn chuyên nghiệp chưa đủ, nền tảng của điện ảnh chính là sự chuyên nghiệp của cả hệ thống làm phim. Nghĩa là cái gốc của điện ảnh hiện nay chính là vấn đề đào tạo những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cách đây hơn chục năm, Cục Điện ảnh đã có đề án chấn hưng nền điện ảnh bằng việc cải tạo hệ thống máy móc kỹ thuật đã lạc hậu với những Trung tâm kỹ thuật hiện đại. Nhưng máy móc mang về đến nay chỉ còn là một mớ sắt vì không có các chuyên viên sử dụng. Cuối cùng đồng tiền của nhà nước như rơi vào không khí, trong khi máy móc thì trùm mền, còn các đoàn phim phải đi làm hậu kỳ, kỹ xảo ở nước ngoài. Tấm gương xây dựng nền móng cho điện ảnh hiện đại từ Hàn Quốc ở trước mắt, sao chúng ta không chịu khởi động. 300 con người trẻ tuổi đã được đào tạo bài bản từ Mỹ, và ngân sách bỏ ra ấy đã hoàn toàn không phí phạm. Vấn đề ở đây chính là việc sử dụng đồng tiền nhà nước một cách hiệu quả và công tâm trong việc chọn lọc và đào tạo những người trẻ tuổi thực sự có năng lực và tâm huyết . Đây không hề là một cuộc dạo chơi mà là trọng trách cả dân tộc giao phó cho họ…

      Chúng ta đã từng bỏ nhiều tiền tỷ để làm phim kỷ niệm các ngày lễ lớn. Đồng tiền ấy được đầu tư cho những lợi ích trước mắt, chủ yếu để phục vụ cho căn bệnh hình thức. Lễ kỷ niệm càng to thì tiền bỏ ra cho bộ phim càng to. Con số từ 3 tỷ nâng dần đến 13 tỷ rồi bây giờ phóng lên đến hàng trăm tỷ, nhưng có phải tiền càng to thì phim càng có chất lượng không? Câu trả lời đã quá rõ.

      Kim Anh - Thúy Phương