(TGĐA) - Trong 6 giọng ca Người kể chuyện tình năm nay, Nguyễn Thạch Thảo là một ca sĩ trẻ đầy nội lực, mỗi khi cô cất tiếng hát, khán giả như đắm chìm trong biển âm nhạc trữ tình.
'Người kể chuyện tình': Nhạc sĩ 'Hoa mười giờ' tiết lộ có 'tình nhân' mới ở tuổi 82 | |
Jee Trần: Hotgirl bán kẹo kéo gây ấn tượng tại 'Người kể chuyện tình' |
Nguyễn Thạch Thảo sinh ra ở Hội An, Quảng Nam. Cô là cháu ruột của nhà thơ, nhà phê bình và nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông. Ở quê nhà, Nguyễn Thạch Thảo tham gia phong trào Hoa phượng đỏ từ năm học lớp 2 cho đến lớp 9. Khoảng thời gian 6 - 7 tuổi, Nguyễn Thạch Thảo thường xuyên tham gia các cuộc thi hát và đoạt được giải thưởng cao ở những cuộc thi đó.
Năm học lớp 10, cô đi hát phòng trà ở Hội An, chuyên các dòng nhạc Trịnh. “Tôi là người nhỏ nhất trong số các ca sĩ phòng trà ở đó, mọi người thường bảo chỉ nghe tôi hát thôi chứ đừng nhìn, vì ngoại hình và giọng hát không hề liên quan, nhưng tôi đã hát một cách hát vô cùng trải đời”, Nguyễn Thạch Thảo kể lại.
Gia đình cô có truyền thống theo ngành giáo nên việc học hành từ nhỏ của Nguyễn Thạch Thảo bị quản rất nghiêm khắc. Đi học, cô phải đạt thứ hạng cao, nếu bị tụt hạng sẽ bị phạt. Năm Nguyễn Thạch Thảo học lớp 9, ba mẹ cô ly dị. Ở độ tuổi dậy thì, cô bị khủng hoảng trầm trọng. Từ một học sinh giỏi và là Liên đội trưởng của trường THCS, Nguyễn Thạch Thảo bỏ học và chơi với bạn xấu. Cô muốn chứng minh tại ba mẹ như vậy nên con mới thành ra như vầy. Sau đó nhờ cô chú khuyên ngăn nên cô bé lớp 9 mới trở lại con đường học tập.
Sau khi ly dị, gia đình phải bán hết tài sản để trả nợ. Em trai ở với mẹ, còn cô theo ba. “Lúc đó nếu tôi theo mẹ thì ba tôi đúng nghĩa là mất hết tất cả, nên tôi theo ba. Cuộc sống khó khăn lắm, nhiều bữa cơm còn thiếu ăn, huống chi là các khoản chỉ tiêu khác, nên đến tận bây giờ tôi muốn lo cho ba để bù đắp phần nào”, Nguyễn Thạch Thảo xúc động kể.
Cô cho biết gia đình hướng cô theo nghề giáo chứ không được ủng hộ theo nghệ thuật. Tốt nghiệp PTTH, Nguyễn Thạch Thảo thi vào ngành Sư phạm mầm non của trường Đại học sư phạm TP.HCM. “Tôi cũng thích sư phạm, vì tính cách tôi hướng theo sự ổn định. Tôi quan niệm ca hát để phục vụ cho đam mê chứ không đặt nặng vấn đề kinh tế, nên tôi theo học sư phạm”, cô bày tỏ.
Thế nhưng, khi bước chân vào TP.HCM, ngọn lửa đam mê của cô gái Hội An bùng lên dữ dội, cô quyết định theo con đường nghệ thuật, mặc cho gia đình phản đối. Đến Sài Gòn, Nguyễn Thạch Thảo phải ở ghép vì mang theo rất ít tiền. Cô cố gắng tìm học bổng ở trường và là 1 trong 2 sinh viên của khoa nhận được học bổng quốc tế AMA của trường Đại học sư phạm TP.HCM và xin được ở ký túc xá. Năm 2014, mỗi năm cô nhận được khoảng 18 triệu đồng tiền học bổng. Cô dùng tiền đó để tự trang trải cuộc sống xa nhà.
Ngoài giờ học, Nguyễn Thạch Thảo tham gia hát tại các quán cà phê Acoustic. Mỗi đêm cô hát từ 20 đến 30 bài, thù lao nhận được từ 100 đến 150 nghìn đồng cho mỗi đêm. Cô tự nhận mình là một người may mắn, khi đi hát những ngày đầu, cô thường được anh chị giới thiệu đi chỗ này, chỗ kia, rồi từ đó cô có nhiều tụ điểm để hát hơn và gia tăng thêm nhu nhập.
Cho rằng mình không được đẹp như các ca sĩ khác, Nguyễn Thạch Thảo rất dễ tủi thân. Có những lần khi cô đang hát thì ca sĩ tới, chủ quán cắt ngang bài hát của cô và bảo cô xuống cho ca sĩ lên hát. “Tôi không trách ai nhưng thầm nghĩ bản thân phải tự cố gắng, để tương lai không phải trải qua cảm giác đó một lần nào nữa”, Nguyễn Thạch Thảo nghẹn ngào.
Ở ký túc xá có quy định 23 giờ đóng cửa. Nguyễn Thạch Thảo không có xe máy nên từ lúc đi học đến khi đi hát đều phải đi xe buýt, có hôm đi nhờ xe bạn. Có những đêm đi hát về trễ, Nguyễn Thạch Thảo phải năn nỉ xin bảo vệ cho vào ký túc xá. Một sinh viên nữ đi sớm về khuya khiến cho nhiều người hiểu nhầm là đi chơi đêm, Nguyễn Thạch Thảo phải giải thích mình đi hát để kiếm tiền. “Có một lần ký túc xá đổi bảo vệ, người ta không biết nên không cho tôi vào, tôi đứng khóc quá trời, sau đó bạn bè đến xin giùm nên tôi mới được vào. Chưa lần nào tôi phải ngủ ở ngoài”, Nguyễn Thạch Thảo kể.
Trong thời gian từ sinh viên tới khi ra trường đi dạy mầm non, Nguyễn Thạch Thảo được nhận vào Hội Thanh niên xung phong TP.HCM và Đoàn Văn Công Quân Khu 7 để sinh hoạt ca hát. Ngoài ra, cô cũng ra mắt 2 MV Tình ca Hội An - ca khúc của nhạc sĩ Trần Quế Sơn và Bonjour Vietnam của Marc Lavoine với bối cảnh quay chính là Hội An. Hai MV này có thể xem như lời tri ân với quê hương xứ sở của Nguyễn Thạch Thảo.
Người kể chuyện tình là cuộc thi lớn đầu tiên mà Nguyễn Thạch Thảo tham gia. Trước đây, cô nhút nhát không dám thi vì nghĩ rằng đi thi phải có mối quan hệ, có người nâng đỡ, nhưng cho đến thời điểm hiện tại cô nhận ra rằng, chỉ có bản thân mình mới giúp được chính mình và cô đang tăng tốc như một “con ngựa chiến”.
“Tôi sinh năm 1995, mà phải hát dòng nhạc từ những năm 40 - 50 nên gặp nhiều khó khăn. Có những bài tôi cảm thấy hoàn toàn xa lạ, không cảm được, tôi phải tìm tòi về lịch sử bài hát, tiểu sử của tác giả khi sáng tác ca khúc để lấy cảm xúc”, Nguyễn Thạch Thảo bộc bạch.
Bên cạnh đó, diễn xuất cũng là một thử thách khá lớn dành cho Nguyễn Thạch Thảo. Cô nhận thấy phát âm của mình rất đặc giọng Hội An nên dành rất nhiều thời gian để tập nói, phát âm sao cho chuẩn. “Sát ngày thi tôi còn tập phát âm nhiều hơn là tập diễn, mọi người cười tôi nhiều lắm”, cô nhớ lại.
Lần đầu đi thi nhiều bỡ ngỡ nhưng giọng ca đến từ Hội An lại từng bước chinh phục giám khảo và khán giả một cách ngoạn mục.
Tiết mục chào sân, Nguyễn Thạch Thảo chọn bài hát Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Danh ca Thái Châu và Biên tập Minh Đức khen Thạch Thảo mang đến một không gian mới cho bài hát ra đời cách đây 70 năm với cách hát nhẹ nhàng, thong thả rất đúng ý của nhạc sĩ. “Bài hát ra đời khi em còn chưa sinh ra mà em hát cảm xúc như vậy rất đáng khen”, danh ca Thái Châu nhận xét.
Đêm thi tiếp theo, Nguyễn Thạch Thảo chọn ca khúc Ai đi ngoài sương gió của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết. Giám khảo Thái Châu và Như Hảo khen Nguyễn Thạch Thảo có tuổi đời nhỏ hơn tuổi bài hát mấy chục năm nhưng hát dạt dào cảm xúc, giọng hát đầy nội lực, làm chủ sân khấu, hòa quyện với dòng nhạc.
Ở đêm thi nhạc Trịnh Công Sơn, Nguyễn Thạch Thảo dự thi ca khúc Xin cho tôi. Cả 3 giám khảo đều ấn tượng với màn trình diễn của Nguyễn Thạch Thảo, say đắm, tha thiết, kết hợp với nhóm múa đẹp mắt. Danh ca Thái Châu nhận xét đây là bài hát khó, giai điệu có nhiều con sóng, sóng lớn, sóng nhỏ nhưng nữ ca sĩ đã kiên cường qua từng con sóng, để trở về bình yên.
Tiếp theo, Nguyễn Thạch Thảo chọn ca khúc Tạ tình của Hoàng Thi Thơ để dự thi. Nhạc sĩ Đài Phương Trang nhận xét tiết mục của Nguyễn Thạch Thảo: “Đây là bài khó nhưng người hát dễ phiêu với ca từ. Khi tôi nghe Thảo hát, giống như là đắm chìm trong biển âm nhạc trữ tình, những giọng ngân nga của Thảo đầy nội lực. Tôi có lời khen Thảo hát rõ lời, đem đến cho người nghe sự thích thú”.
Tại vòng bán kết, Nguyễn Thạch Thảo sẽ dự thi ca khúc Thời hoa đỏ (nhạc Nguyễn Đình Bảng, thơ Thanh Tùng). Đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân sẽ dàn dựng cho Nguyễn Thạch Thảo hóa thân thành cô gái đi du học về thăm trường cũ, gặp lại người bạn là thầy giáo trường làng (Long Hồ thủ vai). Cả hai ôn lại những ký ức đẹp về thời hoa đỏ như một dấu son trong cuộc đời mình.
Người kể chuyện tình tập 9 nhạc thập niên 80, chủ đề Tình khúc hoài niệm với phần dự thi của Tuấn Nghĩa, Nguyễn Thạch Thảo, Jee Trần, Thái Hằng sẽ được lên sóng vào lúc 21h00 thứ năm ngày 8/9/2022 trên kênh THVL1.
'Người kể chuyện tình': Nhạc sĩ 'Hoa mười giờ' tiết lộ có 'tình nhân' mới ở tuổi 82 (TGĐA) - Xuất hiện tại Người kể chuyện tình chủ đề nhạc thập niên 70, ... |
Jee Trần: Hotgirl bán kẹo kéo gây ấn tượng tại 'Người kể chuyện tình' (TGĐA) - Là một trong số sáu thí sinh tham gia Người kể chuyện tình ... |
Mi Ty