(TGĐA) - Theo kết quả các cuộc điều tra xã hội học, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân Nga ngày càng hay đi xem phim. Số lượng người đến rạp chiếu phim tăng lên. Và doanh thu cũng tăng. Tình hình thuận lợi đó sẽ duy trì cho tới những năm gần đây.
Quang cảnh trước cửa một rạp chiếu phim ở Nga |
Theo dự báo của Trung tâm phát triển thuộc Đại học kinh tế, mỗi năm doanh thu phát hành phim tăng từ 5-6%. Đến năm 2020, người dân sẽ đóng góp cho các nhà phát hành phim gần 60 tỷ rúp. Tuy nhiên, trên bản đồ điện ảnh thế giới, nước Nga vẫn là “tép riu”: chỉ chiếm 1,5% nền công nghiệp giải trí của thế giới. Để so sánh: Trung Quốc sẽ chiếm 1/3 thị trường điện ảnh thế giới.
Trong tình hình thu nhập thực tế của người dân giảm xuống và thiếu niềm tin vào ngày mai, ngày càng có nhiều người dân Nga muốn lãng quên những nghịch cảnh của mình trong chiếc ghế ấm áp của rạp chiếu phim. Chỉ theo kết quả của nửa đầu năm nay, số người đến rạp ở Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập tăng 13%. Đây là số liệu của hãng “Kinh doanh điện ảnh ngày nay”. Theo kết quả của năm, tổng doanh thu sẽ cao hơn các chỉ số của những năm trước. Mới trong nửa đầu năm 2017, các rạp chiếu phim đã thu về 31,7 tỷ rúp, trong khi đó suốt cả năm ngoái tổng doanh thu phát hành của Nga đạt 48,3 tỷ rúp. Để so sánh: tổng doanh thu trên thế giới năm 2016 là 38 tỷ USD.
Năm ngoái, tổng số người đến rạp chiếu phim Nga tăng lên và đạt 192 triệu khán giả. Ngay cả trong những điều kiện khủng hoảng kinh tế, điện ảnh vẫn là một loại hình giải trí phù hợp với người dân. Đồng thời giá vé trung bình vẫn ở mức năm 2015, nghĩa là khoảng 250 rúp.
Các số liệu điều tra xã hội học cũng khẳng định sự quan tâm của người dân Nga đối với điện ảnh tăng lên. Ví dụ, kết quả điều tra tháng 8 của hãng khảo sát “Romir”cho biết rằng nửa năm gần đây có 24% số người Nga đến rạp chiếu phim. Năm 2014 chỉ có 22%. Quả thật, cũng theo các nhà khảo sát “Romir”, chi phí giải trí theo kế hoạch của người Nga trong cùng giai đoạn giảm đáng kể. Nếu như hiện nay người Nga sẵn sàng chi gần 365 rúp cho một lần đến rạp thì ba năm trước chi phí theo kế hoạch cao gấp hai.
Rạp chiếu phim tại Nga luôn đông người |
Kết quả khảo sát tháng 6 của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga cũng cho thấy xu thế tương tự. Theo đó, cứ 8 người dân Nga thì có 1 người đi xem phim hơn một lần trong tháng. Một phần tư số người được hỏi đến rạp chiếu phim ít nhất một vài lần trong năm. Để so sánh, năm 2001, chỉ có 6% số người Nga đến rạp xem phim một số lần trong tháng, và cứ 5 người thì có 1 người xem phim một lần trong tháng.
Các chuyên gia Trung tâm phát triển trong báo cáo tổng quan về công nghiệp điện ảnh nước nhà cho biết, phát hành phim là thu nhập chủ yếu của ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà. Nguồn này chiếm đến 70-80% thu nhập của ngành điện ảnh. Số 20-30% lợi nhuận còn lại thu về từ việc giới thiệu phim trên TV, bán phim ra nước ngoài, cũng như bán giấy phép video trên internet, - nhà phân tích Inna Sedykh thuộc Trung tâm phát triển Đại học kinh tế nói. Thật kỳ lạ, nhưng phim Nga trở nên hấp dẫn nhất đối với khán giả Trung Quốc. Ví dụ, nếu như năm 2016, doanh thu phát hành quốc tế của phim Nga chiếm 35 triệu USD thì 24 triệu USD thu được từ Trung Quốc.
Phim Nga không được khán giả nhà ưa chuộng. Chúng chỉ chiếm 18% tổng doanh thu – 8,6 tỷ rúp. Số người xem phim Nga cũng thấp – 35 triệu người năm 2016. Mặc dù khán giả Nga ít quan tâm tới phim nội, số lượng phim Nga được sản xuất trong những năm gần đây tăng lên một cách đáng kể. Ví dụ, năm 2014, có 82 phim được phát hành, còn năm 2016, số lượng phim phát hành tăng lên gần gấp hai.
Cảnh trong phim Trò ma thuật, 2016 |
Các nhà kinh tế cho rằng sản xuất phim nội tăng lên là nhờ sự ủng hộ quy mô của nhà nước dành cho ngành điện ảnh nước nhà. “Trong thời điểm hiện nay, hệ thống tài trợ của nhà nước vẫn là công cụ tài chính mạnh nhất đối với điện ảnh Nga. Nó chiếm khoảng 50% số kinh phí dành cho ngành điện ảnh Nga trong nước”, - các chuyên gia nói. Ví dụ, năm 2016, theo số liệu của Bộ văn hóa, tổng số tiền cấp cho ngành điện ảnh Nga lên tới 7,2 tỷ rúp. “Trong đó có 4,3 tỷ rúp được chuyển cho Quỹ điện ảnh, gần 2 tỷ rúp dành cho việc sản xuất phim ở Liên bang Nga và nước ngoài. Còn năm 2016, với sự hỗ trợ của Bộ văn hóa, đã sản xuất được 95 phim nghệ thuật, 205 phim tài liệu và 170 phim hoạt hình”, - các chuyên gia thuộc Đại học kinh tế cho biết.
Và nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước, ngành điện ảnh Nga trong một tương lai gần sẽ tiếp tục phát triển tích cực, các chuyên gia tại Trung tâm phát triển nói. Theo dự báo của các chuyên gia, mức tăng doanh thu hàng năm sẽ là 5-6%/năm trong giai đoạn đến năm 2020. Kết quả là đến thời gian này, tổng doanh thu đạt 58 tỷ rúp.
Ít ra là trong mấy năm gần đây kinh phí của nhà nước sẽ chiếm khoảng 50% tổng số kinh phí sản xuất phim trong nước, các chuyên gia Đại học kinh tế dự báo. “Sự khuyến khích tài chính đó sẽ cho phép các hãng phim làm những bộ phim thương mại kinh phí lớn, điều này sẽ góp phần tăng tỷ lệ phim nội trong hệ thống phát hành của nước Nga. Nếu không, phần lớn các nhà sản xuất phim sẽ thôi làm phim và chuyển sang phim truyền hình, còn phim với kinh phí hơn 100 triệu rúp sẽ không có lợi nhuận”, - các chuyên gia của Đại học kinh tế nhận định.
Thị trường phát hành phim thế giới trong giai đoạn này cũng sẽ phát triển. Theo đánh giá của các nhà phân tích ở PricewaterhouseCoopers, đến năm 2020, tổng doanh thu phát hành tăng gần 52 tỷ USD với nhịp độ tăng trung bình năm là từ 7-9%. “Các nước sản xuất phim chủ chốt, vẫn như xưa, sẽ là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản”, - các chuyên gia Đại học kinh tế nói. Đứng đầu sự tăng trưởng của thế giới sẽ là Trung Quốc. “Động lực phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp điện ảnh châu Á trước hết được xác định bởi yếu tố nhân khẩu (năm 2016, dân số Trung Quốc là 1,4 tỷ người, theo số liệu của Ngân hàng thế giới) và sự phát triển năng động của mạng lưới điện ảnh quốc gia”, - bà Sedykh nói, đồng thời nhấn mạnh rằng phim Hollywood vẫn thống trị thị trường thế giới.
Cảnh trong phim Phi đội quả cảm - một trong những bom tấn của điện ảnh Nga 2016 |
Theo các chuyên gia của “Báo Độc lập”, nhìn chung, kết luận của các nhà kinh tế thuộc Đại học kinh tế về triển vọng của nền công nghiệp điện ảnh có phần mâu thuẫn. “Thị trường dịch vụ video trực tuyến đang và sẽ tăng tối thiểu 16%, nếu lưu ý sự phát triển của internet tốc độ cao, và trước tiên là điện thoại di động. Đồng thời, phần lớn các rạp chiếu phim phát triển hoàn toàn mang tính chất quán tính: ở các thành phố lớn chúng thường được bố trí trong các trung tâm thương mại, ở các khu vực chúng được ủng hộ bằng các khoản tài trợ từ ngân sách thành phố. Thật ngây thơ, nếu cho rằng rằng màn ảnh rộng như một phép thần thông biến hóa sẽ vượt ra ngoài phạm vị các trung tâm liên bang tới các làng quê do thiếu nhu cầu và nhờ khả năng xem phim trực tuyến có sử dụng các dịch vụ công khai và bí mật”, - nhà phân tích hãng “Alor” Sergey Korolyov nói.
Quả thật, bà Olga Zinyakova, phụ trách mạng lưới rạp chiếu phim “Karo” cho rằng, việc xây dựng các rạp chiếu phim ở các thành phố nhỏ trở nên khó khăn bởi thiếu mô hình tài chính có thể cho phép hòa vốn trong vòng 5 năm. “Còn việc hai năm gần đây giá vé xem phim trung bình vẫn giữ nguyên mức 250 rúp trong điều kiện giá phát hành những bộ phim mà các nhà phát hành mua giấp phép bằng ngoại tệ, giá thuê mặt bằng, dịch vụ nhà ở công cộng, chi phí quảng cáo và quảng bá tăng, nói lên rằng lợi nhuận kinh doanh giảm chứ không tăng”, - Korolyov nói tiếp. Theo ý kiến nhà phân tích, nếu như các nhà phát hành với mục đích cạnh tranh với dịch vụ video trực tuyến sẽ duy trì giá vé tương đối thấp thì thu nhập thực sự sẽ tăng khoảng 5-6% năm.
Trần Hậu
(Theo ng.ru)