(TGĐA) - Trong suốt quãng đời làm nghệ thuật của mình, với hàng trăm bộ phim và vai diễn, đôi khi là các công việc khác nhau như trợ lý, chủ nhiệm… dù ở vai trò nào, Nguyễn Hậu cũng đều vui vẻ, nhiệt tình làm hết sức mình và ít khi than phiền. Thay vì than thở, kể lể, nam diễn viên dành khoảng thời gian đó cho gia đình, bạn bè và đến văn phòng tạp chí Thế giới điện ảnh chơi.
Người miền Tây hồn hậu
Sinh ra và lớn lên tại Sa Đéc trong một gia đình không có ai dính dáng đến nghệ thuật, Nguyễn Hậu có một niềm đam mê lớn thời niên thiếu là trốn nhà đi xem phim tại các rạp chiếu trên tỉnh lộ, mặc gia đình ngăn cản. Đây cũng là “chỉ dấu” cho thấy Nguyễn Hậu sau này không quản khó khăn vất vả chỉ một lòng gắn bó với nghệ thuật điện ảnh. Đầu thập niên 1970, cùng gia đình chuyển từ quê lên Sài Gòn, Nguyễn Hậu có cơ hội thỏa mãn niềm đam mê phim ảnh của mình khi tình cờ học cùng lớp với con trai một ông chủ hãng phim và được mời tham gia vai phụ, nhỏ trong các phim Nhà tôi, Xóm tôi, Hoa mới nở… mà hãng phim này đang sản xuất. Một lần nữa, cơ hội đến với điện ảnh của Nguyễn Hậu lại gần hơn khi ông học chung lớp tú tài với con gái đạo diễn Bùi Sơn Duân (Lam Sơn) và được đạo diễn định hướng theo học nghề một cách bài bản.
| |
Diễn viên Nguyễn Hậu |
Sẵn đam mê và ham học hỏi, Nguyễn Hậu bắt đầu con đường lập nghiệp, lập thân bằng nghề diễn xuất dưới sự dìu dắt, giúp đỡ của đạo diễn Lam Sơn. Sau sự kiện 30/4/1975, Nguyễn Hậu về Vĩnh Long gia nhập đoàn ca múa nhạc Cửu Long và gắn bó với lĩnh vực sân khấu 13 năm. Đầu thập niên 1980, Nguyễn Hậu chuyển lên Sài Gòn và trở thành diễn viên không thể thiếu trong hầu hết các dự án phim điện ảnh, truyền hình phương Nam. Một số bộ phim đã trở nên quen thuộc với đông đảo khán giả truyền hình, có sự tham gia của nam diễn viên gốc miền Tây chân chất mộc mạc là Đất phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Đất khách, Xóm nước đen, Người đàn bà yếu đuối, Câu chuyện pháp đình, Vó ngựa trời Nam…
Điều đặc biệt ở Nguyễn Hậu, ông là diễn viên chuyên trị các vai phụ bởi ngoại hình và gương mặt phù hợp với những vai diễn góc cạnh, những vai phản diện. Chính vì thế, khi nhắc đến Nguyễn Hậu, khán giả không hẳn nhớ rõ tên nhân vật mà ông đã đóng nhưng đều lập tức nhận ra diễn viên thường đóng vai nông dân, chất phác, quê mùa, những vai có tính cách hơi dữ dằn… Đó là Hai Gọn trong Mảnh đất tình đời (vai diễn đã giúp Nguyễn Hậu giành giải Nam diễn viên xuất sắc nhất – Cánh diều 2005 do Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng); Ba của bé An trong Đất phương Nam; A Sành – một người Hoa trầm ngâm, giàu tình cảm với những âm tiếng Việt lơ lớ trong Đất khách; là Mười Đâu (Người đàn bà yếu đuối), Năm Kha (Sương gió biên thùy)… Những nhân vật với tên gọi đặc sệt Nam Bộ đã đồng hành với Nguyễn Hậu trong nhiều năm ông lăn lộn trên phim trường từ Sài Gòn về vùng sông nước miền Tây. Ở tuổi trung niên, cuộc sống trải qua nhiều thăng trầm, di chuyển nhiều nơi, chứng kiến sự đổi thay của lịch sử, đời sống xã hội, Nguyễn Hậu có đủ trải nghiệm để hóa thân thành các nhân vật khác nhau. Đôi khi không cần hóa trang, không cần chú trọng ngoại hình, Nguyễn Hậu lên phim tuy vẫn giữ sự chân chất mộc mạc nhưng mỗi nhân vật của ông đều có dấu ấn đặc biệt, được khán giả nhớ mãi. Giai đoạn phim truyền hình ăn nên làm ra, Nguyễn Hậu rất đắt sô và ông cũng miệt mài chạy sô không kém các diễn viên trẻ. Trên chiếc xe máy dream cũ, Nguyễn Hậu có thể sáng Biên Hòa, chiều Sài Gòn tối muộn đã có mặt ở Long An quay đêm sáng hôm sau vẫn có thể đến hãng phim nhận kịch bản mới.
Một người bạn của Thế giới điện ảnh
Với điện ảnh, Nguyễn Hậu là một trong số ít diễn viên đi qua suốt chiều dài lịch sử của điện ảnh Sài Gòn từ trước ngày 30/4/1975 cho tới thời kỳ phim giải trí, thị trường, sang giai đoạn đổi mới và dòng phim hợp tác với nước ngoài, phim do các đạo diễn Việt kiều thực hiện. Sau Nhà tôi, Xóm tôi, Hoa mới nở, Hải vụ 79 (những phim làm trước giải phóng), Nguyễn Hậu trở lại ấn tượng với nhân vật trùm phun-rô trong loạt phim đề tài phản gián Cao nguyên F101 của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Nguyễn Hậu cũng tham gia Lưỡi dao (đạo diễn Lê Hoàng), Hồng Hải Tặc (hãng phim Lý Huỳnh sản xuất). Nhân vật thầy giáo Tành trong phim Thung lũng hoang vắng (đạo diễn Nhuệ Giang) là vai chính đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời làm điện ảnh của Nguyễn Hậu. Người Mỹ trầm lặng, Mùa len trâu, Mười, Lửa Phật… những dự án phim đình đám hợp tác với nước ngoài đều có vai cho Nguyễn Hậu. Dĩ nhiên, luôn là vai phụ và ít phân cảnh, thù lao không nhiều nhưng tạm đủ cho ông và gia đình trang trải cuộc sống nếu được đi đóng phim đều. Điều quan trọng, dù có lúc sống chật vật nhưng đó không phải là lý do để Nguyễn Hậu hết yêu nghề. Không chỉ là diễn viên, Nguyễn Hậu còn cộng tác với một số tờ báo viết bài về hậu trường làm phim.
| |
Nguyễn Hậu (trái) vai thầy giáo Tành trong phim Thung lũng hoang vắng |
Biết nhiều, có mối quan hệ rộng, Nguyễn Hậu có một kho tàng chuyện làm phim. Văn phòng đại diện tạp chí Thế giới điện ảnh ở số 87 Nguyễn Đình Chiều quận 3, thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến quen thuộc của ông. Đôi khi là để lĩnh tiền nhuận bút và báo biếu nhưng có những hôm ông chỉ ghé chơi, hỏi thăm mọi người. Nguyễn Hậu thường đến vào giờ nhất định. Buổi sáng tầm 9h30. Dựng chiếc xe dream ngay ngắn vào góc sân, dáng người chắc nịch, bước vào văn phòng, bỏ qua màn chào hỏi khách sáo… những câu chuyện mới, tin tức phim ảnh, vai diễn mới được ông cập nhật chi tiết. Dường như nếu một ngày không nói về phim ảnh, ông có lẽ rất buồn.
Đổi lại, ngồi với Nguyễn Hậu, người ta có thể nghe chuyện phim ảnh cả ngày không chán. Trước khi ra về, không bao giờ ông quên phần của mình – là tờ tạp chí mới – “để cho sắp nhỏ ở nhà coi cho vui”, vừa nói Nguyễn Hậu vừa cuộn chặt cuốn báo, cài vào gác-ba xe máy, rồi thận trọng dắt chiếc dream ra ngoài, nổ máy hòa vào dòng người tấp nập trong cái nắng Sài Gòn. Để rồi vài bữa rảnh rảnh, ông lại ghé chơi. Một ngày, ban biên tập của tạp chí nhận được email của một độc giả từ Mỹ. Trong email, người này nói tình cờ xem một đoạn trong phim Kẻ di trú và đã nhận ra người bạn xa xưa thời trung học tên Nguyễn Hữu Hậu. Do ở nước ngoài gần 36 năm nên thấy hình ảnh bạn, lòng rất bồi hồi và muốn liên lạc nhưng không biết cách nên nhờ quý báo làm cầu nối… Người này cũng gửi kèm theo hình nhờ báo chuyển cho Nguyễn Hậu. Hôm tới tạp chí chơi và được thông báo có bạn tìm, Nguyễn Hậu xem hình xong và kêu lên: “Rồi, nhớ ra rồi, bạn cùng học Chu Văn An”. Có thể câu chuyện nhờ làm diễn viên mà gặp lại người quen, bạn bè thời xa lắc xa lơ của Nguyễn Hậu không mới nhưng qua cử chỉ, điệu bộ của ông có thể thấy nghề diễn viên đã không chỉ nuôi sống gia đình ông mà còn nuôi dưỡng cảm xúc của người đàn ông đang gánh trên vai trọng trách là trụ cột gia đình.
Thời gian gần đây, phim truyền hình thoái trào, điện ảnh thiếu vắng những phim bám sát hơi thở cuộc sống, những phim khai thác tâm lí, số phận con người vốn được coi là mảng đề tài mà một diễn viên chuyên trị những vai nông dân, chân quê như Nguyễn Hậu có thể thỏa sức khai phá nhưng ông vẫn gắng trụ với nghề, với guồng quay cuộc sống không ngừng biến đổi. Cho đến lúc mắc bệnh hiểm nghèo và đến lúc ra đi.
Nguyễn Hậu – cái tên giống như người với thần thái và nụ cười hồn hậu trên môi, ông sẽ luôn sống mãi trong lòng người hâm mộ. Ông là một nghệ sỹ bình dân và là một nghệ sỹ của nhân dân.
Thảo Nguyên