(TGĐA) - Nhạc sĩ Đức Trịnh từng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ông từng giảng dạy tại Nhạc Viện và tốt nghiệp cao học ngành sáng tác âm nhạc. Hiện ông là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau đây là cuộc phỏng vấn của TGĐA với ông về câu chuyện BGK gameshow âm nhạc hiện nay, đặc biệt là ồn ào giám khảo của The Voice 2017 hiện đang gây nhiều băn khoăn trong công chúng.
The Voice 2017 đang là tâm điểm phản đối của công chúng khi nhiều ý kiến cho rằng, các Huấn luyện viên – những người cầm cân nảy mực (ngoại trừ ca sĩ Thu Minh) không thuyết phục khi tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, hầu như chỉ làm nhạc thị trường và hành xử, ăn nói đều chưa xứng đáng với vị trí làm “thầy” của thí sinh. Ông nghĩ gì về điều này?
Công chúng đúng là có rất nhiều ý kiến về việc này, tôi cũng có theo dõi nhưng phải nói một điều đầu tiên rằng: truyền hình là đại chúng và các show ca nhạc trên truyền hình chỉ đều mang tính chất giải trí. Nếu là sản phẩm âm nhạc cho một số ít khán giả thì lại khác và xét về mặt đào tạo hay dạy dỗ là một chuyện khác.
|
Trong BGK của The Voice 2017, có người đạt được thâm niên nghề nghiệp cũng như trình độ chuyên môn, có người quá trẻ mặc dù họ cũng có giải này giải kia... Nhưng tôi cho rằng ở các show ca nhạc như The Voice, nói đến đào tạo hay dạy dỗ là không chính xác mà chỉ ở mức huấn luyện và truyền đạt kinh nghiệm. Các show ca nhạc của Việt Nam hiện đang có tình trạng bị tách ra khỏi dòng chảy chung nhưng tôi cho rằng sẽ đến ngày nó sẽ hòa vào làm một và ở thời điểm này chúng ta nên chấp nhận nó như một trong những dòng chảy đổ về một con sông lớn, cũng có băn khoăn nhưng cũng không phải là điều quá đáng ngại.
Vậy những người bước ra từ những show ca nhạc truyền hình thực tế như thế này dưới mắt các nhà chuyên môn có được coi là tài năng?
Không thể gọi là tài năng được. Nói đúng ra là có thể có, có thể không, nhưng dùng từ chính xác là “họ là người được công chúng yêu mến trong khuôn khổ của một cuộc thi”.
Vậy là việc đánh giá những thí sinh trong các cuộc thi không nằm ở mặt chuyên môn, thưa ông?
Không có đánh giá chuyên môn trong những cuộc thi như thế này. Chuyên môn phải được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, vậy nên mới có tình trạng nhiều ca sĩ bắt chước được cách hát của người nọ người kia nhưng lại không đọc được bản nhạc.
Không thể gọi những thí sinh bước ra từ gameshow âm nhạc là tài năng. Dùng từ chính xác là “họ là người được công chúng yêu mến trong khuôn khổ của một cuộc thi”. |
Những cuộc thi như thế này không bao giờ được tính vào các giải thưởng của Nhà nước trừ giải Sao Mai, Tiếng hát truyền hình Hà Nội, Tiếng hát truyền hình Tp HCM là những cuộc thi mang tính chuyên nghiệp và có một hội đồng lý luận, chuyên môn. Còn The Voice và những chương trình tương tự chỉ là công chúng bình chọn.
Về mặt chuyên môn, tài năng âm nhạc được đánh giá như thế nào?
Đánh giá ở khả năng thanh nhạc trước hết phải có giọng hát trời phú, giọng hát phải có cao độ rõ ràng hát nốt nào ra nốt đấy. Sau đó là lao động và học tập. Những người trở thành ca sĩ chuyên nghiệp phải rèn luyện, học hỏi rất nhiều mới trở thành ca sĩ. Tài năng âm nhạc là sự cộng lại của rất nhiều thứ.
|
Nhưng nhiều khi các giám khảo cũng tranh luận gay gắt, người thì cho rằng người này có giọng người thì không?
Có nhiều người có giọng nhưng giọng không lạ, ở những cuộc thi như thế này người ta lại đề cao sự độc đáo, yếu tố lạ để có đất huấn luyện và thu hút công chúng. Nên nhiều người có chất giọng lạ, có khi là rè, khàn lại được đánh giá cao. Nhà sản xuất thì thích càng nhiều người xem càng tốt.
Hiện có quá nhiều những gameshow ca nhạc ra mắt, kéo dài liên tiếp hàng năm, liệu nó có dễ gây ảo tưởng về hai chữ “tài năng” không thưa ông?
Truyền hình có đặc thù riêng, thực ra cũng không nên đả kích, họ có công tạo ra sân chơi cho công chúng, gameshow thì có đủ các thứ từ Hãy chọn giá đúng, âm nhạc, nhảy múa... chỉ có điều báo chí không nên làm quá lên, để cho nó tự nhiên. Đời sống âm nhạc có rất nhiều thể loại để phục vụ cho các công chúng khác nhau, không nên quá khắt khe nhưng gọi những người bước ra từ show ca nhạc thực tế là tài năng âm nhạc thì không phải.
Với góc nhìn của một người từng làm đào tạo và hiện là ở vị trí hội nghề nghiệp, ông nghĩ cần thêm điều gì cho các show ca nhạc như vậy về mặt chuyên môn?
Một người học thanh nhạc phải có nền tảng, kỹ thuật, nhạc lý… làm bệ đỡ, sau đó sẽ có các chuyên gia riêng ở các mảng khác nhau. Nên có sự kết hợp với các giảng viên, tôi không nói là phải lớn tuổi, có thể là trẻ nhưng phải có học hành, thậm chí học ở nước ngoài.
Làm sao để dung hòa được việc chọn một BGK nổi tiếng và một BGK có chuyên môn cao?
Các nhà sản xuất và các nhà tài trợ họ có nhiều mục đích khi làm ra các chương trình của họ, quan trọng mục đích đó là gì. Ai nổi tiếng hơn ai? Nổi tiếng vì cái gì? Nhà sản xuất và nhà đài cần gì? Cái đó do họ quyết định. Tôi chỉ nói với phương diện cá nhân. Người ta sản xuất cả một chương trình, thực ra là có công tạo ra sân chơi, nhưng hiệu quả nhiều hay ít thì còn phải nói nhiều. Có những người qua sân chơi này họ quay lại học hành và thành tài năng, có những người thì bằng lòng thì sẽ bị lãng quên. Còn nhà sản xuất bỏ tiền thì họ muốn hàng hóa bán được, còn dùng có tốt hay không thì phụ thuộc vào chất liệu lúc sản xuất.
|
Qua các cuộc thi thế này cũng thấy rằng các bạn trẻ ngày nay hát nhiều nhạc ngoại hay là hát nhạc Việt với yếu tố ngoại như thí sinh Trần Anh Đức hát ca khúc Thành phố buồn theo phong cách RnB, ông nghĩ sao?
Điều này rất khó nói, phải có cả diễn đàn để các nhạc sĩ, các nhà lý luận nghiên cứu âm nhạc lên tiếng về vấn đề này. Hiện nay, các nhạc sĩ chuyên nghiệp của ta cũng chưa sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị, độc đáo. Nhạc đại chúng thị trường đang lấn át và có tính giải trí rất cao, nhiều dòng chảy âm nhạc nước ngoài ồ ạt khiến các bạn trẻ hấp thụ một cách tự nhiên. Còn việc các bạn hát nhạc Việt theo một phong cách mới là rất đáng khuyến khích nếu các bạn chuyển tải được hơi thở tình cảm của tác giả. Còn nếu thông điệp bị bóp méo đi thì mọi người sẽ không chấp nhận. Trước những cái mới thì luôn có người thích người không nhưng sáng tạo là điều nên làm.
|
Quay sang một show ca nhạc khác chuyên về sáng tác – Sing my song. Ông thấy gì về mảng sáng tác nhạc Việt?
Cái độc đáo của chương trình này là tác giả tự hát bài của mình, các bạn rất tài năng, đây là điều đặc biệt vì không phải ai cũng làm được. Nhưng cũng không thể gọi những thí sinh là những người sáng tác chuyên nghiệp. Người làm sáng tác âm nhạc còn phải biết nhạc khí, nhạc giao hưởng, học trong trường mười mấy năm mới thành nhạc sĩ chứ không phải chỉ sáng tác vài ca khúc. Nhưng tôi nghĩ rằng họ sáng tác phục vụ được cho quần chúng là tốt rồi, nhưng họ không phải là đại diện cho ngành.
|
Còn về BGK họ có xứng đáng là những người huấn luyện không?
BGK của Sing my song tôi cho là tốt, là một hội đồng chuyên môn có học hành, bằng cấp và cũng có những sáng tác được đánh giá cao. Chất lượng của chương trình nằm ở mặt nào đó, là mảng sáng tác ca khúc và hát.
Xin cảm ơn ông!
The Voice 2017: Thu Minh mang hit Tuấn Hưng để trò cưng thể hiện quyền lực team “chị đại” (TGĐA) - Anh Đức và Ngọc Duy là hai thí sinh mở màn cho vòng Đối ... |
Đông Nhi: ‘Chưa lấy chồng nên 29 tuổi tôi vẫn được bố mẹ lì xì’ (TGĐA) - Đông Nhi cho biết “quy định” đặc biệt của gia đình mình là chỉ ... |
Tóc Tiên: ‘Nếu cứ mãi mãi chọn điều an toàn, sẽ không bao giờ làm nên kỷ lục’ (TGĐA) - Tóc Tiên cho rằng quyết định ngồi ghế nóng The Voice của mình được ... |
Noo Phước Thịnh: "Tôi muốn lấy vợ lắm rồi" (TGĐA) - "Tôi đang thiếu một cô bạn gái, và thú thật, lúc này cũng là ... |
Thúy Phương