Nhìn lại phim truyền hình Việt 2022: Lưng chừng của đột phá

(TGĐA) - Nhìn lại bức tranh tổng thể của phim truyền hình Việt 2023, đột phá là vẫn có nhưng chỉ dừng ở mức “lưng chừng” có thể chấp nhận được. Riêng mảng phim truyền hình phía Nam, đã có sự “thoát kén” để khiến khán giả đặt nhiều chú ý hơn.

'Giấc mơ của mẹ': Rơi nước mắt vì hối lỗi muộn màng của con khi biết tin mẹ sắp mất 'Giấc mơ của mẹ': Rơi nước mắt vì hối lỗi muộn màng của con khi biết tin mẹ sắp mất
‘Dưới bóng cây hạnh phúc’: Kim Oanh, Mạnh Hưng đóng vai chính đầu tiên, người sợ lấy chồng, người đã bớt 'hãm' ‘Dưới bóng cây hạnh phúc’: Kim Oanh, Mạnh Hưng đóng vai chính đầu tiên, người sợ lấy chồng, người đã bớt 'hãm'

Tỷ suất xem ổn định

Qua mỗi năm, phim truyền hình Việt vẫn đang là lựa chọn hàng đầu của khán giả để đáp ứng nhu cầu giải trí trên màn ảnh nhỏ. Đã qua rồi thời các game show chiếm ưu thế, hay thậm chí là các bộ phim nước ngoài mà hiện nay, các khung giờ đẹp của nhiều đài truyền hình gần như đều dành cho phim Việt Nam.

Từ đầu năm, qua nhiều số liệu thống kê, các bộ phim dài tập Việt Nam luôn đứng nhất trong top những chương trình truyền hình được xem nhiều nhất cả nước. Đầu năm 2022, chúng ta chứng kiến mảng phim truyền hình phía Bắc lên ngôi với những cái tên như: Bão ngầm, Anh có phải đàn ông không hay Lối về miền hoa, Ga-ra hạnh phúc

Nhìn lại phim truyền hình Việt 2022: Lưng chừng của đột phá
Bão ngầm có tỷ suất xem khá ổn đỉnh và nhận về nhiều sự quan tâm
Nhìn lại phim truyền hình Việt 2022: Lưng chừng của đột phá
Ga-ra hạnh phúc tạo nên sức hấp dẫn với dàn diễn viên trẻ trung

Tuy nhiên, phim truyền hình phía Nam cũng bắt đầu có những bước chuyển mình và tạo được tiếng nói đáng kể. Còn nhớ hồi tháng 8, bộ phim Nơi ngọn gió dừng chân của M&T Pictures sản xuất và phát sóng trên kênh THVL1 bất ngờ vượt qua Thương ngày nắng vềĐấu trí – hai phim đình đám của Đài truyền hình Việt Nam để leo lên top đầu Chương trình truyền hình ăn khách nhất, theo số liệu thống kê của Kantar Media Vietnam (đơn vị phân tích, đo lường rating). Sự cạnh tranh này là một tín hiệu đáng mừng, cho mức độ quan tâm phim truyền hình Việt của khán giả đang ngày một ổn định hơn.

Nhìn lại phim truyền hình Việt 2022: Lưng chừng của đột phá
Nơi ngọn gió dừng chân là phim truyền hình đáng chú ý phía Nam

Ở nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các đài truyền hình thường tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với nhau về rating, tỷ suất xem qua mỗi ngày mỗi tuần. Cạnh tranh sẽ giúp cho thị trường phim đạt tới chất lượng tốt hơn và dĩ nhiên, khán giả sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất. Ở Việt Nam, sự cạnh tranh trong sản xuất phim truyền hình vẫn còn tương đối mơ hồ, chưa cụ thể nhưng đã bắt đầu nhen nhóm trong khoảng thời gian trở lại đây. Đó là một dấu hiệu tích cực và phần nào tác động tới tư duy làm phim của các đơn vị sản xuất, để cho ra những tác phẩm chất lượng nhất có thể.

Phim truyền hình phía Nam “thoát kén”

Mảnh đất phim truyền hình từ trước giờ phía Bắc vẫn chiếm ưu thế, nhưng có thể nói trong năm 2022, sự “thoát kén” để chuyển mình của phim truyền hình phía Nam cũng rất đáng được ghi nhận. Từ đề tài khai thác cũng như nội dung, diễn xuất cũng đã có cải thiện đáng kể.

Giấc mơ của mẹ - bộ phim có sự tham gia của dàn sao: NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, Nhan Phúc Vinh, Trần Quốc Anh được làm lại từ một bộ phim truyền hình đình đám năm 2015 là All about My Mom của Hàn Quốc đã gây sốt trên truyền hình ngay những tập đầu tiên, và còn thu về gần 110 triệu lượt xem trên kênh trực tuyến VieOn. Hay phim Vợ quan (SCTV14) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Trung Quốc, với dàn diễn viên như NSƯT Trương Minh Quốc Thái, Thân Thúy Hà, Chu Anh, NSƯT Hữu Châu đều thu hút hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt quan tâm qua mỗi tập phát sóng.

Nhìn lại phim truyền hình Việt 2022: Lưng chừng của đột phá
Giấc mơ của mẹ cho thấy phim truyền hình phía Nam bắt đầu "thoát kén"

Táo bạo hơn, phải kể tới Trại hoa đỏ phát triển từ tiểu thuyết trinh thám, kinh dị của nhà văn Di Li, được chiếu trên kênh truyền hình K+ cũng đem về nhiều sự bất ngờ. Cũng bởi đơn vị sản xuất đã mạnh dạn làm một series phim kinh dị với bối cảnh được đầu tư hoành tráng, cũng như mời gương mặt đạo diễn điện ảnh “triệu đô” như Victor Vũ để làm phim truyền hình. Điều đó cho thấy sự tìm tòi khám phá, cũng như mạnh dạn thay đổi để chất lượng phim truyền hình nói chung và phía Nam nói riêng được cải thiện.

Nhìn lại phim truyền hình Việt 2022: Lưng chừng của đột phá
Phim Trại hoa đỏ

Bên cạnh đó, các bộ phim kết hợp phía Bắc lẫn phía Nam từ trước giờ như Bán chồng, Yêu trong đau thương, Mộng phù hoa, hay mới đây là Mẹ rơm cũng đã phát huy được hiệu quả, cho thấy tư duy làm phim hiện nay bắt đầu đồng nhất và có sự hỗ trợ lẫn nhau từ các đơn vị.

Vẫn còn tình trạng lạm dụng tình tiết drama, bi kịch để câu khách?

Không thể phủ nhận sự đột phá của phim truyền hình Việt năm 2023 như đã nói trên, tuy nhiên theo quan điểm riêng của người viết, nó xứng đáng được ghi nhận nhưng vẫn nằm ở mức nào đó “lưng chừng”, bởi vẫn còn nặng yếu tố drama, lạm dụng bi kịch, dường như được xây dựng một cách cố tình chỉ với mục đích câu khách.

Dư luận từng vô cùng bức xúc với tập 21 của bộ phim Thương ngày nắng về (đạo diễn Bùi Tiến Huy), cho rằng biên kịch đang “bi kịch hóa” câu chuyện một cách quá lố, xa rời thực tế. Cụ thể, tình tiết có tính chất bước ngoặt và đẩy cao trào bộ phim là cảnh Khánh (Lan Phương) bị chị chồng Thương (Thu Hà) gài bẫy cho người tình hãm hiếp để đổ oan cho cô. Khánh bị bỏ thuốc mê rồi đưa tới khách sạn và trở thành “con mồi” cho Mạnh (Xuân Hảo). Tình huống này xảy ra quá phi lý nên người xem cảm thấy khó chịu… như bị coi thường.

Nhìn lại phim truyền hình Việt 2022: Lưng chừng của đột phá
Thương ngày nắng về khá "đuối" ở phần 2

Chính vì lạm dụng drama quá đà, nên nhà làm phim bị vướng phải việc bỏ qua rất nhiều yếu tố logic. Trong bộ phim Hành trình công lý của đạo diễn NSƯT Nguyễn Mai Hiền, khi nhân vật Phương (Hồng Diễm) quay trở lại với công việc luật sư, cô đã khiến khán giả "sốc toàn tập", thậm chí những người làm nghề luật còn cảm thấy bị "trêu đùa" khi Phương đã phản bội thân chủ của mình vì cho rằng anh ta không đúng.

Nhìn lại phim truyền hình Việt 2022: Lưng chừng của đột phá
Hành trình công lý gây khó chịu với những tình tiết phi logic

Trong một vụ án tranh chấp tài sản, Phương là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người anh (nguyên đơn) nhưng khi trao đổi vụ việc với người em (bị đơn) cô lại tìm mọi cách để bảo vệ bị đơn, tìm ra nhân chứng vô cùng bất lợi cho khách hàng của mình, khiến nguyên đơn thua kiện. Về nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, điều này đã gây ra vi phạm nghiêm trọng, trong đó có Quy tắc 5. Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Phải chăng, chính vì nghĩ đến tình tiết drama câu khách, mà các đạo diễn, biên kịch gần như phớt lờ những yếu tố logic, khiến các bộ phim truyền hình phần nào đó xa rời quá nhiều đối với thực tế đời sống? Khán giả đôi lúc thấy mình như bị “mắc lừa”, bởi đã trót theo dõi thì sẽ tiếc nếu bỏ dở giữa chừng. Thành ra, họ hình thành nên tâm lý vừa xem vừa “tức”. Dĩ nhiên, phim truyền hình nước ngoài cũng mắc phải rất nhiều lỗi logic, nhưng không đến nỗi là sai sót một lỗi quá cơ bản như Hành trình công lý.

Hiện tại, có thể thấy việc chạy đua số lượng ở phim truyền hình hiện nay là có. Điều này dẫn đến nhiều hệ quả, tích cực lẫn tiêu cực, khi rõ ràng số lượng có thể đảm bảo phát sóng các khung giờ, nhưng chất lượng thì chưa chắc đã tốt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận dù còn nhiều bất bình, nhưng khán giả vẫn đang dành sự ưu ái rõ rệt cho phim truyền hình Việt, thế nên các đơn vị sản xuất hãy cố gắng tận dụng nó một cách tốt nhất có thể.
'Giấc mơ của mẹ': Rơi nước mắt vì hối lỗi muộn màng của con khi biết tin mẹ sắp mất 'Giấc mơ của mẹ': Rơi nước mắt vì hối lỗi muộn màng của con khi biết tin mẹ sắp mất
‘Dưới bóng cây hạnh phúc’: Kim Oanh, Mạnh Hưng đóng vai chính đầu tiên, người sợ lấy chồng, người đã bớt 'hãm' ‘Dưới bóng cây hạnh phúc’: Kim Oanh, Mạnh Hưng đóng vai chính đầu tiên, người sợ lấy chồng, người đã bớt 'hãm'

San San