Nhớ NSND Trương Qua – Người nghệ sĩ và tấm lòng đam mê vì trẻ thơ

(TGĐA) - Cú điện thoại của cô Tuyết Mai vào buổi chiều ngày cuối tháng 2 đã làm cả tôi và cô nghẹn ngào trong nước mắt “Liên ơi , cô vừa nghe Hội Điện ảnh báo tin chú vừa được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước… Vậy mà chú đi rồi…tội quá con ơi…”

NSND Trương Qua và vợ bà Tuyết Mai

NSND Trương Qua và vợ - bà Tuyết Mai

Dẫu vẫn biết chú đau nặng, nhưng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng vì trước Tết tôi và chị Ngô Ngọc Ngũ Long vừa đến thăm chú…Vẫn quần áo chỉn chu ngồi nói chuyện. Chú bảo tiếc quá lại thêm một lần nữa không dự được buổi họp mặt tất niên cùng với anh em. Thế là ở nhà nằm mà cứ hình dung bao đồng nghiệp đến dự cùng nhau chúc mừng, chia sẻ mọi điều…

Tôi nhớ mãi hình ảnh vô cùng xúc động sau gần 2 giờ khi chú vừa mất, tôi vội chạy tới nhà thấy cô ngồi bên cạnh chú, nhẹ nhàng cúi xuống sát bên tai chú gọi “Anh Qua ơi…dậy đi Hồng Liên tới thăm anh kìa…Đấy cháu xem chú vẫn ngủ say lắm…” rồi cô nhẹ nhàng vuốt lại mái tóc cho chú. Cô chính người bạn đời hết mực thương yêu và thủy chung đã cùng nhau sống trọn vẹn hơn 60 năm trời.

Gia đình cho biết, khoảng trước một giờ đêm giao thừa Tết Bính Thân vừa qua, ông vẫn cố gắng ngồi cạo râu, tự thay quần tây, áo sơ mi bỏ thùng, đeo dây nịt, đi giày tây để đúng giao thừa ra ngồi cùng con cháu uống chén trà chúc mừng năm mới, lì xì đầy đủ cho các con và ba cháu nội ngoại. Vậy mà đúng 4 giờ 20 sáng mùng 2 Tết, ông lặng lẽ ngủ và ra đi mãi mãi thật thanh thản, nhẹ nhàng…

Vào nghề vẽ từ lớp Hội họa kháng chiến LK V/1948, đến nay, đạo diễn NSND Trương Qua đã trải qua hơn 60 năm cầm cọ, trong đó có hơn 50 theo nghề làm phim. Năm 1959, ông cùng họa sĩ Lê Minh Hiền, sau thực tập ở xưởng phim hoạt hình Matxcova, về Hà Nội đã mở lớp thực tập vẽ phim và gây dựng nền móng cho ngành hoạt hình ở nước ta. Từ những bỡ ngỡ và khó khăn vất vả ban đầu, các họa sĩ đã tìm cách vượt qua để cho ra đời những thước phim đầy nhiệt huyết và tình nghĩa dành cho các em với bộ phim Đáng đời thằng cáo. Những ngày tháng đó vẫn là những ký ức nóng bỏng, những thôi thúc không nguôi của đạo diễn Trương Qua mong muốn tiếp sức cho lớp sau dâng cao ý chí sáng tạo, niềm đam mê trong lao động nghệ thuật…

Có một điều tưởng như tình cờ mà không tình cờ chút nào là Xưởng Hoạt họa- Búp bê (tên ban dầu) có hai họa sĩ: Ngô Mạnh Lân và Mai Long là học trò của họa sĩ Tô Ngọc Vân (Trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc ), hai họa sĩ: Trương Qua và Hồ Quảng là học trò của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (Lớp Hội họa kháng chiến ở Liên khu V). Phải chăng hai danh họa của ngành Mỹ thuật Việt Nam đã có tấm lòng với lý tưởng cao đẹp “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”, nên đã cho các học trò của mình tập hợp về ngành Hoạt hình để làm ra những tác phẩm điện ảnh hoạt hình có giá trị cao, góp phần làm cho đời sống tâm hồn của các cháu thiếu niên và nhi đồng Việt Nam luôn bừng sáng nét Chân- Thiện – Mỹ trong công cuộc xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp và thân tình.

NSND Trương Qua vẫn thầm nhủ mình là người có may mắn khi được làm một bộ phim hoạt hình mà thời gian thực hiện chiếm kỉ lục dài nhất trong tất cả các phim hoạt hình Việt Nam. Đó là bộ phim Đam San được thực hiện qua 4 năm ròng rã.

Với 17 bộ phim hoạt hình do ông làm đạo diễn, trong đó có một số phim ông kiêm nhiệm họa sĩ sáng tác, đã để lại nhiều dấu ấn của một phong cách riêng biệt. Có thể kể ra những phim nổi bật từ phong cách đó: Chiếc vòng Bạc (1962- Giải Bông sen Bạc), Bài ca trên vách núi (1967, giải Bông sen Bạc), Sơn Tinh- Thủy Tinh (1972, giải Bông sen Bạc), Dế mèn phiêu lưu ký (1980, giải Bông sen Vàng), Đam San (1984, giải thưởng của Tổng Hội Văn học nghệ thuật, Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên). Ông thật sự có duyên với những bộ phim hoạt hình về các dân tộc ít người, được minh chứng bằng 3 Giải Bông sen Bạc Chiếc vòng bạc (dân tộc Mèo), Bài ca trên vách núi (dân tộc Ba Na), Cầu vồng hóa đá (dân tộc Chăm), Đam San (dân tộc Ê- Đê ).

Sự kiện đáng nhớ nhất vào năm 1967 là sự ra đời phim màu của Hoạt hình Việt Nam. Bộ phim cắt giấy màu đầu tiên Bài ca trên vách núi do đạo diễn Trương Qua thực hiện. Chuyện phim nói về truyền thống bất khuất, anh hùng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ buôn làng của người dân Tây Nguyên. Họ đã tạc trên vách núi bức phù điêu chiến thắng, biểu hiện sự ý chí quật cường, lòng yêu nước và khát vọng tự do. Là bộ phim chính thức đi dự LHP Quốc tế lần II (1968) và nhận Giải thưởng của Hội Điện ảnh Rumani.

NSND Trương Qua và NQP Nguyễn Thế Đoàn

NSND Trương Qua và NQP Nguyễn Thế Đoàn

Năm 1980, có thể nói sự ra đời của phim Dế mèn phiêu lưu ký là sản phẩm của một tập thể tâm huyết, dám làm bằng tất cả niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm cao. Bộ phim ra đời tại xưởng phim được thành lập sau 4 năm miền Nam giải phóng với bao khó khăn thiếu thốn đủ bề . Và ông là người cương quyết, táo bạo, đầy nghị lực thực hiện bộ phim bằng một cái tâm, cái trí, và một tình yêu nghề sâu đậm. Phim là minh chứng cho sự sáng tạo, tìm tòi về một phong cách biểu hiện nghệ thuật đặc trưng cho thể loại hoạt hình. Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩmđã đem lại giải Bông sen Vàng đầu tiên tại LHP Việt Nam lần thứ V- 1980 cho Xưởng phim Hoạt họa- Búp bê thuộc Xí nghiệp phim Tổng hợp của Tp.Hồ Chí Minh do chính NSND Trương Qua làm đạo diễn. Nhưng trên tất cả bộ phim là tiêu biểu cho chiến thắng của tinh thần hòa hợp dân tộc, tinh thần đoàn kết, nghĩa keo sơn của những người nghệ sĩ Việt Nam trong những năm đầu thống nhất đất nước sau cả một kỷ nguyên trông đợi. Có thể thấy Dế mèn phiêu lưu ký là một trong những bộ phim tiêu biểu và có quyền đứng đầu bảng cùng 5 đến 10 bộ phim Hoạt hình hay nhất của điện ảnh Việt Nam kể từ khi loại hình nghệ thuật độc đáo này ra đời lúc ban đầu ở Hà Nội, rồi 16 năm sau tại Tp. Hồ Chí Minh.

Trong hơn 30 năm (từ năm 1960- 1991 ), với 17 phim do ông làm đạo diễn dễ nhận thấy rằng hầu như cách thể hiện luôn thay đổi, được tạo ra từ mạch nguồn giá trị văn hóa dân tộc, tránh sự trùng lặp và luôn sáng tạo.

Suốt thời gian tôi được quen biết ông, đã nhận thấy ở con người ông là sự đam mê, tỉ mỉ, chu đáo, nhiệt tình và thật chuẩn mực từ cuộc sống lẫn nghề nghiệp. Dường như, qua các dòng ghi chép hàng ngày một cách cô đọng trong suốt hơn 50 năm như một bản tổng kết có hệ thống đầy súc tích trong một trang giấy mở. NSND Trương Qua đã đọc thấy trong đó từng mảng đời, từng biến cố, từng sự kiện, từng con người gắn bó với ông bằng tất cả tình yêu thương, trân trọng qua bao nhiêu gian khó nhọc nhằn, bao vui buồn hạnh phúc, cay đắng lẫn vinh quang…Từ đó, qúa khứ luôn hiện diện trên một mặt bằng của ý thức một cách bình đẳng luôn tri ân, ghi nhớ và hướng về cội nguồn …

Vĩnh biệt NSND Trương Qua - người có thể nhìn vạn vật theo mắt nhìn của trẻ thơ… Người có công lớn “khai sơn phá thạch” đối với thể loại phim hoạt hình của Điện ảnh Việt Nam

Hồng Liên