Đã hơn 40 năm trôi qua từ những ngày đầu bỡ ngỡ đặt viên gạch cho Liên hoan phim Việt Nam – giải thưởng Bông sen vàng danh giá. Những nghệ sỹ lão thành của điện ảnh, có người tham gia, có người chỉ được vinh danh cùng tác phẩm vẫn còn nhớ rất rõ những kỷ niệm về ngày đó: Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất tại Hà Nội, năm 1970 với những tác phẩm được vinh danh như Nổi gió, Nguyễn Văn Trỗi, Người chiến sỹ trẻ, Du kích Củ Chi, Con Sáo biết nói….Họ đã nhớ và kể về dấu mốc lịch sử đó, cũng như những kỷ niệm về các bộ phim đã được vinh danh ở liên hoan phim đầu tiên này, dù lúc mờ, lúc tỏ….
NSND - Đạo diễn Ngô Mạnh Lân:
Liên hoan phim Việt Nam đầu tiên diễn ra năm 1970, tôi vẫn còn nhớ lúc đó được gọi là giải thưởng Hoa sen. Theo xu thế chung của thế giới, một quốc gia có ngành điện ảnh thì phải có một Liên hoan phim. Chúng ta có ngành điện ảnh. Năm 1969, Hội điện ảnh Việt Nam cũng được ra đời. Chính vì vậy, để khích lệ, biểu dương, động viên anh em nghệ sỹ sáng tác thì nên có một lễ tổng kết ngành, tức là một Liên hoan phim. Vì vậy, Liên hoan phim đầu tiên của Việt Nam ra đời với tiêu chí “Tổng kết các tác phẩm điện ảnh giai đoạn 4 năm chống Mỹ cứu nước từ năm 1965-1969”. Vì câu khẩu hiệu định hướng này, LHP đầu tiên chỉ tập trung trao giải cho các tác phẩm chống Mỹ cứu nước trong khuôn khổ 4 năm 1965-1969, chủ yếu là phim tài liệu. Những bộ phim nổi tiếng nhưng được sản xuất trước thời điểm đó như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Con chim Vành Khuyên, Đáng đời thằng Cáo…. lại phải chờ tới đợt LHPVN lần thứ 2, năm 1973 mới được tham gia.
Là liên hoan phim đầu tiên, còn bỡ ngỡ nên đích thân Bộ văn hóa do Thứ trưởng Hà Xuân Trường (kiêm Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam thời đó) đứng ra tổ chức. LHP được tổ chức không kém phần trang trọng, diễn ra trong 3-4 ngày tại Bảo tàng Cách mạng. Ban giám khảo khoảng 15 người gồm nhiều người nổi tiếng trong làng điện ảnh cũng như các thành phần văn nghệ khác như ông Hồng Nghi, Hoàng Trung Thông, Hoàng Tích Chỉ, Trương Qua, Trần Đắc, Trung Sơn, Phạm Kỳ Nam, Trần Ngọc Lưu….Tôi cũng được chọn trong thành phần ban giám khảo đó. Chúng tôi làm việc rất nghiêm túc, buổi sáng và chiều xem phim, cuối giờ bỏ phiếu. Thành viên nào có phim tham dự thì sẽ không tham gia bỏ phiếu cho phim đó. Tôi nhớ điều này rất rõ vì năm đó Mèo con và Con Sáo biết nói của tôi cũng tham gia tranh giải. Lúc chấm giải, tôi không được tham gia. Buổi trưa, trên đường từ nơi chấm giải về nhà ăn cơm trưa, đạp xe thong dong cùng anh Trần Ngọc Lưu (lúc đó là GĐ Xưởng phim truyện), anh Lưu nói: “Tôi rất phân vân trước Con Sáo biết nói và Bài ca trên đỉnh núi. Có lẽ, tôi bỏ phiếu cho Con Sáo biết nói anh ạ…”. Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ rõ cho tới tận bây giờ.
Liên hoan phim thời điểm đó cũng có đông đảo nghệ sỹ tham gia, thời điểm đó chưa giải phóng, hầu hết nghệ sỹ đều ở ngoài Bắc. Tất cả được tập trung trong khán phòng nhỏ, nghe đọc tên trao giải. Giải thưởng gồm Bông sen Vàng, Bông sen Bạc và Bằng khen, chưa có giải thưởng cá nhân. Bông sen vàng được thiết kế như đồng tiền, to bằng miệng chén uống trà, chạm nổi Bông sen vàng. Từ ban giám khảo đến nghệ sỹ nhận giải không có thù lao tiền bạc gì cả cũng như quà tặng mang tính vật chất. Chúng tôi chỉ được nhận huy chương tượng trưng như vậy. Cho đến LHPVN lần thứ hai thì người nhận giải được tặng thêm một chiếc bút máy….
NSND – Đạo diễn Huy Thành:
Để “tường thuật, hay mô tả sơ sơ...” về LHP lần thứ nhất thì quá mù mờ, thực lòng tôi không nhớ cụ thể chút nào. Về thành phần ban giám khảo tôi chợt nhớ lờ mờ, hình như có các ông Hà Xuân Trường, Phan Trọng Quang, Hoàng Trung Thông...
Song, điều tôi và một số đồng nghiệp luôn khắc ghi sâu đậm và tự hào là bộ phim Nổi gió đã được vinh danh tại LHP đầu tiên của ngành Điện ảnh Việt Nam này. Vẫn nhớ, trước khi tham dự LHP, Nổi gió được chiếu cho Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở chiến khu về xem. Chúng tôi có 4 người được đi theo phim gồm: Ông Vũ Năng An (giám đốc xưởng phim), tôi (đạo diễn), Thụy Vân (diễn viên) và ông Nguyễn Đăng Bảy (quay phim). Khi nghe ông An giới thiệu với Bác về tôi: “Đây là tác giả của bộ phim” thì Bác nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi rồi hóm hỉnh: “Tác thật còn chẳng ăn ai nữa là tác giả...”. Đến khi giới thiệu qua Thụy Vân, do không nghe rõ, hay cố tình hài hước (nhầm từ Thụy thành Thúy), Bác nhìn Thụy Vân giả bộ tìm kiếm rồi đùa: “Thế Thúy Kiều đi đâu mà để Thúy Vân đi một mình?”. Riêng với quay phim Nguyễn Đăng Bảy, do Bác đã biết anh trước nên chẳng cần nghe giới thiệu, Bác hỏi vui liền: “Thế dạo này sao không làm tuồng mà nhảy qua làm phim à?”. Nguyên là hồi ở Việt Bắc, trong lần nghỉ giải lao tại một cuộc họp, một số nghệ sĩ đều tham gia văn nghệ, khi tới lượt ông Bảy, bối rối quá vì không hát được nên ông xin hát câu tuồng... Thế mà bao nhiêu năm đã trôi qua, Bác vẫn nhớ như in.
Khi đèn tắt để chiếu phim thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào rồi cùng ngồi xem. Phim kết thúc, Bác quay ra phía Thủ tướng cùng khách mời, có cả các bảo vệ, hỏi: “Mọi người xem xong thấy thế nào?”. Mọi người đều đồng thanh: “hay lắm thưa Bác...”. Bác không hề có biểu hiện vội vã mà thủng thỉnh nói: “Phim làm cho quần chúng xem mà họ khen thế là được”. Đó là một buổi chiếu phim vô cùng ấn tượng và ý nghĩa mà chúng tôi thường nhắc tới nhiều hơn là hình ảnh Bông sen Vàng.
Đạo diễn Hải Ninh:
Trong ký ức của tôi lúc bấy giờ chưa có cơ chế Liên hoan phim, mãi sau này mới tổ chức thường niên 2 năm/lần. LHP Việt Nam lần thứ nhất (năm 1970) không được tổ chức trên sân khấu như bây giờ mà chỉ thành lập một Hội đồng Ban Giám khảo xem phim và chấm giải. Sau đó, giải thưởng được đưa về các Xưởng phim. Bộ phim Người chiến sĩ trẻ của tôi đã đoạt giải Bông sen Vàng cùng với nhiều bộ phim khác. Tuy không có sân khấu trao giải nhưng giải thưởng cũng được làm rất trang trọng. Bông sen Vàng được chạm nổi trên một khung gỗ màu đỏ sẫm và ở trên đó ghi tên bộ phim đoạt giải.
Đạo diễn Lương Đức:
Tôi còn nhớ, năm 1970 là lần đầu tiên Bộ Văn hóa Thông tin, Cục Điện ảnh Việt Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp với nhau để tổ chức LHP Việt Nam lần thứ nhất nhằm khích lệ công tác sáng tác và tôn vinh các tác phẩm xuất sắc của các nghệ sĩ. Ngày trước, LHP không được rầm rộ như bây giờ vì đất nước vẫn trong thời chiến. Tôi có may mắn được mời vào Ban Giám khảo của thể loại phim Tài liệu và Khoa học. Hồi đó, tiêu chuẩn lựa chọn Ban Giám khảo phải là những người có uy tín, không những có chức danh, học vị mà còn phải có năng lực thực sự và phải có trách nhiệm, không phân biệt tác giả có tác phẩm tham gia dự giải LHP miễn là có đủ điều kiện để ngồi ghế Giám khảo (chỉ có điều trong quá trình thảo luận và bỏ phiếu thì tác giả đó không được tham gia). Cho đến những LHP về sau mới có quy chế các tác giả có phim dự giải thì không được mời vào Ban Giám khảo. Thành phần Ban Giám khảo gồm 9 - 11 người, bao giờ cũng có đại diện các khối sáng tác (đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ), đại diện nhà Lý luận phê bình và đại diện nhà báo. Mỗi thể loại đều có chuyên gia riêng, chẳng hạn phim Tài liệu thì có người của Ban Văn hóa tư tưởng, phim Khoa học thì có người của Ủy ban Khoa học Việt Nam, phim truyện thì có các nhà văn.
Ban Giám khảo thời đó làm việc hết sức trong sáng, vô tư và tiêu chí nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu. Ban Giám khảo xem phim để chấm giải chứ không có một số tình trạng như hiện nay là nhìn người để chấm giải. Lúc đó, cả nước chỉ có vai ba Xưởng phim của Nhà nước nên cũng không có sự cạnh tranh phong phú như bây giờ. Tiêu chí chấm giải khi đó là phim phải hay nhưng đồng thời phải có những nét mới trong sáng tạo và tác dụng của bộ phim đối với xã hội như thế nào. Nhiều phim rất có tác dụng với công chúng nhưng không có gì mới trong sáng tạo thì cũng không được giải cao, có chăng chỉ đoạt giải khuyến khích. Tôi thấy rằng cho đến các LHP sau này khi vẫn được mời làm Ban Giám khảo (như LHP Việt Nam lần thứ X) thì tình trạng này so với ngày ấy đã khác nhiều, chứ chưa kể đến những LHP gần đây. Sau này có tình trạng nhìn người để chấm giải hoặc phải đi nói khó với nhau, hoặc chia đều giải cho mỗi Hãng để "cả nhà cùng vui". Vì vậy, màu sắc của LHP bây giờ đã có nhiều nét cải tiến trở thành hội hè, hiếu hỷ, còn để thực sự đánh giá chất lượng những tác phẩm hay, độc đáo cho các thế hệ sau cố gắng khai thác học tập thì không còn được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy mới có tình trạng nhiều phim đoạt giải cao mà chưa đúng tầm.
Ở đây, tôi muốn nói về thể loại phim Tài liệu Khoa học vì tôi ở trong Ban Giám khảo. Ngày trước, mỗi thành viên Ban Giám khảo sau khi xem xong phim có thể trao đổi với nhau thoải mái và cuối cùng mỗi người cho điểm độc lập. Tuy nhiên, khi đó không nhất thiết LHP là phải có giải Vàng và phim nào đủ điểm thì được giải Vàng. Tiêu chí này được giữ cho đến LHP lần thứ VII, VIII gì đó (tôi không nhớ chính xác). Còn sau này có những thay đổi theo phát biểu của một vị lãnh đạo của Cục Điện ảnh là "Đã thi hoa hậu là phải có hoa hậu", nên mới dẫn tới tình trạng có những phim không đáng giải Vàng nhưng vẫn có giải. Đây là kiểu thành tích chủ nghĩa, không có sự đánh giá thực lực.
Trước đây, những tác giả tham gia dự giải cũng không có chuyện thắc mắc về giải thưởng. Bởi vậy đã hơn 40 năm trôi qua, tất cả những phim đoạt giải từ LHP Việt Nam lần thứ nhất không ai có thể có ý kiến ngược lại, mà đều rất xứng đáng, không có thắc mắc, khiếu nại, băn khoăn. Trong lúc đó, nhiều LHP gần đây vẫn còn gượng ép, vừa trao giải xong đã có những kiến nghị trái chiều. Sở dĩ, những LHP đầu tiên để lại nhiều điều tiếng tốt đẹp vì phương thức làm việc hết sức vô tư, khách quan, tiêu chí rất rõ ràng và thực sự có chất lượng. Sau lễ trao giải, các cơ sở làm phim còn tự tổ chức liên hoan để chúc mừng nhau và chiếu lại các bộ phim đoạt giải cho anh em cùng xem để cùng trao đổi và học tập.
Trong ký ức của tôi, Lễ trao giải LHP Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức ở một Hội trường lớn nhưng cụ thể chính xác ở đâu thì tôi không nhớ. Tôi nhớ rằng sân khấu tuy đơn giản nhưng cũng rất trang trọng. Mọi người đến dự cũng đông từ các quan khách của Bộ Văn hóa, Ban Tuyên giáo Trung ương và đông đảo các anh em nghệ sĩ. Bông sen Vàng khi đó được chạm khắc nổi hình tròn bằng kim loại mạ Vàng đặt nằm trong một hộp sơn mài hình chữ nhật được lót một tấm vải nhung màu xanh tím than.
NSND Bùi Đình Hạc
Liên hoan phim lần thứ nhất có cờ LHP. Nó được kéo cùng với cờ tổ quốc, rất trang trọng. Khi cờ LHP kéo lên thì cuộc thi phim bắt đầu. Cuộc thi phim lúc bấy giờ đã có tất cả các thể loại phim, gồm ba ban giám khảo: phim truyện, phim tài liệu khoa học và phim hoạt hình thiếu nhi.
Không khí lúc ấy rất trong sáng không có cảm giác của sự cạnh tranh. Mọi người tin tưởng sự chấm thi, sự công minh của ban giám khảo. Thành viên trong ban giám khảo là những nghệ sĩ có uy tín, các nhà lý luận phê bình điện ảnh, một số nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ và các nhà báo được cơ cấu đặc trưng theo từng thể loại phim. Ban giám khảo đi sâu để tìm hiểu những cái mới trong những tác phẩm điện ảnh, những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, sự tươi sáng của tâm hồn dân tộc, tính cách con người Việt Nam để trao giải.
Và ở LHP đầu tiên đó, hội đồng ban giám khảo tặng ba giải nhất cho ba phim: Nguyễn Văn Trỗi, Người chiến sĩ trẻ và Nổi gió. Phim tài liệu của tôi là Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi cũng vinh dự được giải nhất. Tôi rất hạnh phúc khi nhận được hai giải nhất ở cả hai mảng phim. Điều khiến tôi xúc động nhất là phim Nguyễn Văn Trỗi được chiếu ở nhiều nơi, có những địa điểm chiếu chỉ có thể xảy ra trong chiến tranh như chiếu ở dưới hầm hoặc địa đạo. Tôi cùng với bộ phim về để gặp gỡ với người xem, người ta đón phim đó như đón anh Trỗi về làng. Không khí rất sôi động, yêu mến và hứng khởi.
Là LHPVN đầu tiên nên số lượng phim tham gia nhiều. Không khí LHP hồ hởi và vui vẻ, không có tính cạnh tranh nhau. Phim nào được giải hoan nghênh nhiệt liệt, chúc mừng nồng nhiệt và ám áp. Ai cũng mong phim được làm sẽ hay góp phần vào chiến thắng của dân tộc Việt Nam.
NSƯT Thụy Vân: Nổi gió một thời để nhớ…
Hồi đó đất nước đang còn chiến tranh, phim đi dự mà diễn viên không được tham dự cũng như được thông báo như bây giờ mặc dù tôi là diễn viên chính. Sau đó xem báo tôi mới biết Nổi gió được giải Bông sen Vàng.
Tuy vậy, tôi rất vui mừng vì công lao của cả tập thể đoàn phim đã lặn lội vất vả 9,10 tháng ròng để thực hiện bộ phim. Làm phim trong chiến tranh rất vất vả. Cảnh quay liên tục phải dừng lại, mọi người phải ẩn nấp vì máy bay địch oanh tạc, gầm rú trên bầu trời. Khi máy bay đi xa, anh em lại lục tục, bền bỉ quay tiếp. Không một ai sợ sệt, mà tinh thần cùng niềm đam mê cứ hừng hực, ngày càng được đắp bồi.
Bộ phim khi hoàn thành được phép đưa vào Phủ Chủ Tịch chiếu để Bác Hồ xem. Tôi được xếp ngồi cạnh Bác. Nhưng khi nhìn xuống dưới, thấy rất nhiều người quan trọng như ông Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Tố Hữu, tôi ngại quá vội lui xuống hàng dưới ngồi. Thấy vậy, Bác liền gọi: “Cháu Vân lên ngồi cạnh Bác” rồi vui vẻ hỏi tiếp: “Cháu là Vân, em nàng Kiều à?”, thế là Bác cùng mọi người cùng cười vui vẻ.
Phim vừa chiếu xong, Bác khen: “Hay, làm tốt, xúc động, hào hùng, nói lên được tội ác dã man của giặc và khí thế đánh giặc của đội quân tóc dài cùng đồng bào miền Nam. Còn cảnh quay giống như ở miền Nam vậy, cũng kênh rạch, cũng dặng dừa xanh. Nhưng các cháu nhớ vẫn phải làm phim nói về phụ nữ miền Bắc nữa đấy”.
Hồi đó nhà tôi ở phố Châu Long, một hôm có người thanh niên đến hỏi mẹ tôi: “Bác ơi, đây có phải là nhà chị Thụy Vân không ạ?”. Khi thấy tôi, anh tự giới thiệu tên là Việt vừa mới ở miền Nam ra, phải đi bộ ròng rã 6 tháng mới ra tới đây chỉ vì một lời hứa khi má út dặn: “Con ra ngoài đó, nhớ tìm con nhỏ Vân và nói với nó là các má nhận nó là người con của Bến Tre. Má đợi ngày thống nhất, ra Thủ Đô được thăm Bác Hồ và đón nó vào làm con gái má…”. Một thời gian sau tôi nghe kể lại trong một trận càn của địch, má đã anh dũng hy sinh. Tôi lặng người, nghẹn ngào xúc động, nước mắt cứ tuôn trào, thương má quá.
Thời gian trôi qua, đã gần 5 thập niên, tôi sống ở Sài Gòn đã lâu, mới có dịp ra thăm Hà Nội. Hôm đó tôi đang lang thang trên đường Hàng Mắm, bỗng có một chị vỗ vào vai hỏi “có phải diễn viên Thụy Vân không?”. Tôi hơi bất ngờ vì chưa kịp nhận ra người đối diện chỉ kịp vâng một tiếng. Thế là chị kéo tôi bằng được vào nhà, ngay sát chỗ tôi đang đứng. Khi bước vào, tôi thấy một người đàn ông cùng một cháu trai. Vừa rót nước mời tôi, chị chân thành chia sẻ: “chị biết không, chồng em sau khi xem bộ phim Nổi gió, đã viết nhật ký về nhân vật chị Vân dày tới cả xếp giấy rồi xung phong lên đường đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Bây giờ anh đang ngồi đây, người thương binh mà em yêu quý suốt đời”. Quá bất ngờ và xúc động, tôi ôm choàng cả vợ, cả chồng và con trai, nước mắt trào ra, nghẹn ngào, như được ôm người thân của mình sau bao năm mới gặp. Ôi sung sướng, tự hào nào bằng và đây mới chính là phần thưởng cao quý nhất. Chị Vân mà tôi hóa thân thể hiện, có một thời đã là tiếng gọi linh thiêng những người con của dân tộc “ Hãy lên đường cứu nước”…
NSND Trương Qua
“Ngày 17/8/1970:
Sáng: Họp Ban tổ chức LHP
Chiều: Họp Ban giám khảo
Tối: Khai mạc LHP điện ảnh tại rạp Tháng 8”.
Trên đây là nhật ký ghi chép của NSND Trương Qua về những ngày đầu tổ chức LHPVN. Có lẽ ông là người nghệ sĩ duy nhất có bút tích quý hiếm này để ghi lại sự kiện LHP Việt Nam lần thứ nhất tại Hà Nội mà rất nhiều nghệ sĩ không thể nhớ. Với cuốn sổ nhỏ (lịch bỏ túi) cỡ khoảng 4x6 xuất bản năm 1970, ông ghi chép rất kỹ và chi tiết nội dung cũng như lịch làm việc, sinh hoạt hàng ngày ở hãng phim cũng như trong gia đình.
Ông không thể nhớ rõ các chi tiết nhưng vẫn cung cấp được một số điều như Thành phần lãnh đạo của LHP có các ông : Thứ trưởng Bộ Văn hóa, kiêm Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Hà Xuân Trường; ông Hồng Nghi Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam và ông Phan Trọng Quang- Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cùng một số đại diện lãnh đạo các hãng phim truyện- tài liệu- hoạt hình tham dự. Họ đã xem rất kỹ từng bộ phim, đánh giá, bỏ phiếu rất nghiêm túc tại phòng chiếu phim thuộc cơ quan phát hành phim TW. Trên tinh thần đánh giá, nhằm động viên, biểu dương, khuyến khích những tìm tòi mới cho những tác phẩm có giá trị ( không có giải thưởng cá nhân)…..
-Nhóm phóng viên-