(TGĐA) - Sự bùng nổ của nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc với mô hình làm việc chuyên nghiệp ngoài đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty quản lý thì còn mang tới sức ảnh hưởng lớn mạnh với toàn khu vực cũng như trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Dù là một cường quốc về văn hóa giải trí, vì sao nhóm nhạc tại đất nước này vẫn không thể tạo nên đột phá, tạo thành tiếng vang trong khu vực?
Thị trường Hàn Quốc: Nền công nghiệp
Thị trường âm nhạc Hàn Quốc khá phồn vinh, thu nhập từ việc thu phí bản quyền ca khúc khi nghe nhạc đã dẫn lối cho sự tích cực của những người làm âm nhạc, công chúng cũng chấp nhận mô hình âm nhạc hiện tại, tạo thành thói quen nghe nhạc lành mạnh. Phía sau đó, chương trình kiểu thực tế cũng có thị trường nhất định, thông qua hiệu ứng quy mô có thể thu về lợi nhuận. Đối với nhóm nhạc thần tượng mà nói, loại thị trường âm nhạc này cung cấp sự tiện lợi cho sự phát triển của họ.
Hàn Quốc có rất nhiều công ty quản lý nhóm nhạc thần tượng, trong đó SM, JYP và YG là ba công ty được mệnh danh là “Tam đại”, là cánh chim đầu đàn trong số các công ty giải trí. Cách thức hoạt động của các nhóm nhạc thần tượng đã khá nhuần nhuyễn, phương pháp đào tạo của các công ty không có nhiều khác biệt, bài viết này lấy nhóm EXO thuộc quyền quản lý của công ty SM làm ví dụ.
EXO là nhóm nhạc Hàn Quốc được đào tạo theo phương pháp dây chuyền, nguồn thu của nhóm chủ yếu từ biểu diễn ca nhạc, ra album và sản phẩm ăn theo |
Năm 2012, SM cho ra mắt nhóm boyband hùng hậu EXO, bao gồm 4 thành viên Trung Quốc và 8 thành viên Hàn Quốc, chia thành EXO-K và EXO-M, trong đó đội K nhắm vào thị trường Hàn Quốc, còn đội M hướng vào thị trường Trung Quốc. Một số thành viên đã thông qua hoạt động tuyển chọn do SM tổ chức mà gia nhập công ty, một số thành viên khác thông qua quan hệ của người săn tìm ngôi sao, đa số thành viên đều trải qua hơn 2 năm thực tập, được đào tạo bài bản, là nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc điển hình “ra lò” theo phương thức đào tạo dây chuyền. Để thúc đẩy sự phát triển của EXO, SM đã tốn rất nhiều công sức vào cách hoạt động của nhóm.
4 tháng trước khi nhóm xuất đầu lộ diện, SM bắt đầu đăng tải các video giới thiệu trên YouTube để thu hút sự chú ý, cứ cách mấy ngày cập nhật video giới thiệu đặc trưng của từng thành viên, vừa tích góp sự chú ý đồng thời còn tạo cảm giác thần bí, khiến khán giả tò mò. Thông qua sức ảnh hưởng của SM và thủ pháp kinh doanh phong phú, lượng fans hâm mộ của EXO tăng lên chóng vánh. Thông qua việc tổ chức các hoạt động như fans meeting, ký tặng… fans hâm mộ ngày càng quấn quýt EXO, công ty cũng thu được giá trị thương mại tương ứng.
Giống như phần lớn boyband hàng đầu khác, thu nhập của EXO chủ yếu từ biểu diễn ca nhạc, ra album và sản phẩm ăn theo, mà nguồn thu của EXO chủ yếu ở hải ngoại, trong đó “sự cống hiến” của fans hâm mộ Trung Quốc chiếm phần lớn. Từ năm 2012 – 2015, trong 4 năm, thu nhập của EXO trên toàn thế giới có tỷ lệ tăng trưởng bình quân lên đến 203%. Năm 2014, thu nhập trên toàn thế giới là 10,8 tỷ won, thị trường Trung Quốc cống hiến 8,2 tỷ won; năm 2015 thu nhập toàn cầu là 11,7 tỷ won, thị trường Trung Quốc cống hiến 10,1 tỷ won.
Thị trường Trung Quốc: Vẫn khá trống trải!
So với cảnh tượng phồn vinh của ngành phim ảnh trong nước, thị trường âm nhạc Trung Quốc đã không còn sự huy hoàng. Một mặt, hoàn cảnh thị trường tạo thành thói quen mọi người nghe nhạc trên mạng không cần trả phí, người làm âm nhạc không cách nào dựa vào con đường này kiếm được khoản thu kếch sù.
Lộc Hàm, Ngô Diệc Phàm, Trương Nghệ Hưng và Huỳnh Tử Thao là thành viên nhóm nhạc EXO của Hàn Quốc , khi về Trung Quốc đều phải nhận đóng phim. |
So với thù lao đóng phim, ca sĩ chủ yếu thu lợi từ biểu diễn thương mại, tổ chức show diễn nên thu nhập hơi thấp, rất nhiều công ty như Thái Hợp Mạch Điền… đều tuyên bố không tiếp tục ký hợp đồng với ca sĩ. Việc này khiến rất nhiều ca sĩ từ thị trường âm nhạc chuyển hướng sang lĩnh vực phim ảnh, phát triển đa phương diện.
Đồng thời, trong nước thiếu hụt khái niệm nhóm nhạc, trào lưu nghệ sĩ thần tượng nổi lên dựa vào sự ủng hộ của fans hâm mộ chủ yếu là “đơn thương độc mã”, họ kiêm nhiều vai trò ca sĩ, diễn viên, MC, tham gia chương trình tổng hợp là chính, chỉ có một số ít nghệ sĩ thần tượng như Lộc Hàm, Ngô Diệc Phàm, Trương Nghệ Hưng… phát hành album. Điều này trực tiếp dẫn đến nguồn thu nhập chính yếu của nghệ sĩ thần tượng Trung Quốc thật ra là từ thù lao đóng phim chứ không phải ca hát, có sự khác biệt lớn với thị trường Hàn Quốc.
Xem các boybands hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản có thể thấy, dù làm truyền thông có mạnh, nhưng nếu thực lực của một nhóm có vấn đề, thì nhất định sẽ không thể bền lâu. Lâu nay nhóm nhạc thần tượng Trung Quốc đều vì không đủ thực lực mà bị chỉ trích. Thông thường mà nói, một luyện tập sinh muốn trang bị đầy đủ năng lực khi ra mắt phải tiến hành tập luyện trên 2 năm, đồng thời phải đầu tư rất nhiều tiền của. Mà hiện tại công ty đào tạo boyband thần tượng ở Trung Quốc đều muốn nhanh chóng thu hồi vốn, rất nhiều bạn trẻ vẫn chưa tập luyện xong chưa đủ năng lực đã bị lập thành nhóm đẩy ra trước mặt các fans, so sánh với những nhóm nhạc Hàn Quốc có thực lực ưu tú, thì rất khó hấp dẫn fans hâm mộ.
Rất nhiều công ty sau một thời gian ngắn cho nhóm nhạc ra trình diện, không có kế hoạch lâu dài, mà chỉ không ngừng tận dụng khả năng kiếm tiền trước mắt, bắt chước theo mô tuýp của Nhật Bản, Hàn Quốc, không dựa theo tình hình thị trường trong nước. Những nhóm nhạc được đào tạo ra như vậy rất dễ xảy ra tình trạng “không hợp với khí hậu”, không có lợi cho thương hiệu của nhóm.
Đa số nhóm nhạc thần tượng Trung Quốc hiện nay sau khi phát hành album, ngoài đăng tải MV lên weibo, rất ít nhóm nhạc trình bày ca khúc và vũ đạo của họ trên sâu khấu trước mặt công chúng, do đó không có cách mở rộng phạm vi fans hâm mộ. Trong khi tại Hàn Quốc, có đủ loại chương trình nâng đỡ thần tượng như gameshow, truyền hình thực tế, cuộc thi, metting… cực kỳ đa dạng tương hỗ, thu hút được khán giả ngoài fans hâm mộ. Loại quảng bá diện rộng này, có tác dụng trực tiếp đến việc tăng thêm lượng fans hâm mộ cho nhóm nhạc thần tượng. Gần đây, chương trình Luyện tập sinh thần tượng của kênh Iqiyi Trung Quốc đã cho trình làng nhóm boyband Nine Percent. Chương trình Sáng tạo 101 của kênh Tencent cũng bắt đầu phát sóng, nhận được sự quan tâm của cư dân mạng. Dưới sự dẫn dắt của kênh trực tuyến Iqiyi và Tencent, nhóm nhạc thần tượng đang đi theo phương hướng xuất hiện ngày càng nhiều, số liệu đêm chung kết Luyện tập sinh thần tượng cho thấy, trong lần bỏ phiếu cuối cùng, số phiếu 20 thí sinh tích lũy được là 180 triệu, giá vé vào cửa đêm chung kết ở thị trường chợ đen bị đẩy lên đến hơn chục ngàn, khả năng hút tiền này sẽ hấp dẫn càng nhiều người chơi và nhà đầu tư. Phải thừa nhận, thị trường nhóm nhạc thần tượng Trung Quốc dưới sự dẫn lối của các trang trực tuyến đang đi theo một phương hướng mới, dự đoán 2018 là sự lên ngôi của nhóm nhạc thần tượng.
|
Trịnh Nghi