(TGĐA) - Bộ phim Như Ý truyện được cải biên từ tiểu thuyết “Hậu cung Như Ý truyện” của tác giả Lưu Liễm Tử, là phần tiếp theo của Chân Hoàn truyện. Kịch bản Như Ý truyện vẫn lấy bối cảnh nhà Thanh, bắt đầu từ giai đoạn vua Càn Long kế vị, mở ra đoạn bi ca thăng trầm về cuộc đời của vợ chồng đế vương.
Như Ý truyện được bảo chứng bởi 2 tên tuổi đình đám Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa, vì thế bộ phim chưa ra mắt đã xảy ra việc tranh giành bản quyền phát sóng, càng khiến khán giả bày tỏ sự trông đợi.
Châu Tấn tiến cử Hoắc Kiến Hoa đóng vai Càn Long
Như Ý truyện là bộ phim cổ trang đánh dấu sự trở lại của Châu Tấn trên màn ảnh nhỏ sau Thái Bình công chúa cách nay 15 năm, đặc biệt đây cũng là lần đầu tiên Châu Tấn xuất hiện với tạo hình nhân vật thời nhà Thanh. Được biết, Châu Tấn là người đã tiến cử Hoắc Kiến Hoa đóng vai Càn Long, sau lần hai người hợp tác đóng bộ phim điện ảnh Khi nào trăng sáng của đạo diễn Hứa An Hoa.
| |
Như Ý truyện là bộ phim thứ hai Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa đóng chung sau bộ phim điện ảnh Khi nào trăng sáng |
Trước khi Như Ý truyện bấm máy, Hoắc Kiến Hoa đã 5 lần tham dự hội thảo lịch sử nhà Thanh để hiểu rõ hơn về Càn Long - vị hoàng đế đã mở ra thời kỳ hưng thịnh của triều đại nhà Thanh. Ngoài ra, Hoắc Kiến Hoa và Châu Tấn còn sắp xếp tham quan Cố Cung để tìm hiểu về lịch sử liên quan đến vua Càn Long.
| |
Trong phim Như Ý truyện, Hoắc Kiến Hoa đảm nhận vai vua Càn Long đa tình, có tính cách ích kỷ, đa nghi, nhưng được cư dân mạng công nhận là Vua Càn Long điển trai |
Như Ý truyện đấu Chân Hoàn truyện
Năm 2011, sau khi hoàn tất bộ tiểu thuyết Chân Hoàn truyện, nhà văn Lưu Liễm Tử đã bắt tay sáng tác Như Ý truyện. Trong thời gian 5 năm, từ sáng tác tiểu thuyết đến khi hoàn chỉnh kịch bản, Lưu Liễm Tử đã nhiều lần chỉnh sửa bản thảo, đến năm 2015 mới hoàn thành kịch bản cho bộ phim truyền hình Như Ý truyện có hơn 1,3 triệu chữ.
|
So về đề tài, Như Ý truyện và Chân Hoàn truyện hoàn toàn khác nhau. Nhà văn kiêm biên kịch Lưu Liễm Tử tiết lộ, khi sáng tác Chân Hoàn truyện, rất nhiều nội dung đều do tưởng tượng mà ra, nhưng Như Ý truyện thì có bối cảnh triều đại cố định, kết cục của mỗi nhân vật đều có căn cứ lịch sử, câu chuyện nghiêng về mối quan hệ hôn nhân: “Lúc sáng tác Chân Hoàn truyện, tôi còn đang học Đại học, vì thế nội dung thiên về tình yêu, còn Như Ý truyện thiên về hôn nhân nhiều hơn, điểm nhấn của câu chuyện là cách đối nhân xử thế giữa hai vợ chồng đế vương, họ có nhiều mắt xích và nhiều vấn đề so với các cặp vợ chồng bình thường”.
|
Trong các bộ phim lấy bối cảnh cung đình, nhân vật nữ hoặc là vì sinh tồn, hoặc là vì tranh giành quyền lực, còn nhân vật Như Ý cả đời chỉ mưu cầu tình yêu: “Thứ mà Như Ý đeo đuổi có thể cho khán giả thấy nếu như một người phụ nữ mưu cầu tình yêu thật sự thì sẽ nhận được kết cục như thế nào”.
|
Cùng một tác giả kịch bản, vì thế Như Ý truyện và Chân Hoàn truyện dễ dàng bị đem ra so sánh, nhưng nhà sản xuất Huỳnh Lan giới thiệu: “Chân Hoàn truyện kể về quá trình trưởng thành của một người phụ nữ, còn Như Ý truyện xoay quanh câu chuyện hôn nhân của cặp vợ chồng đế vương”. So ra, đất diễn của Càn Long do Hoắc Kiến Hoa thủ vai nhiều hơn so với Ung Chính do Trần Kiến Bân đóng.
|
Là phần tiếp theo của Chân Hoàn truyện, Như Ý truyện đã bổ sung hoàn chỉnh cho câu chuyện tình yêu của cặp vợ chồng đế vương trong nguyên tác, tăng thêm tình tiết cho tình yêu thanh mai trúc mã của Như Ý và Càn Long.
Là một bom tấn truyền hình
Ngoài nam nữ diễn viên chính Hoắc Kiến Hoa và Châu Tấn, bộ phim còn quy tụ dàn phi tần hùng hậu. Trong quá trình chọn diễn viên, căn cứ theo yêu cầu kịch bản phải chọn những diễn viên vừa có khả năng diễn xuất vừa có ngoại hình đẹp. Trong thời gian diễn ra cuộc tuyển chọn diễn viên, đoàn phim đã nhận được hơn 6.000 bộ hồ sơ ứng tuyển, đã có 1.370 diễn viên và 1.200 diễn viên nhí đến đoàn phim thử vai.
|
Vì bộ phim Như Ý truyện dàn trải hơn 60 năm, do đó phong cách trang phục vừa phải kế thừa văn hóa người Mãn thời mới vào Trung Nguyên, vừa phải có sự cải tiến, dung hòa với văn hóa người Hán. Thậm chí, cần có sự biến hóa về độ tuổi của các nhân vật từ thời trẻ đến lúc già, đồng thời làm nổi bật sự thay đổi về thân phận. Tạo hình của các nhân vật trong phim vừa bám theo lịch sử vừa có sự cải tiến để phù hợp với thẩm mỹ hiện đại, với tài năng và sự khéo léo của nhà thiết kế mỹ thuật Trương Thúc Bình, các phi tần trong cung đều trở nên dịu dàng thướt tha, quý phái.
Căn cứ theo tư liệu sách sử, mỗi phi tần thời nhà Thanh đều được xỏ 6 lỗ tai, hóa ra đây là tập tục truyền thống của phụ nữ người Mãn tộc, từ lúc mới ra đời người mẹ đã xỏ 6 lỗ tai cho con gái.
|
Trong phim, có hơn 100 bối cảnh chính, gồm: Dưỡng Tâm Điện, Diên Hy Cung, Tường Khôn Cung, Hành cung Hàng Châu… đều được xây dựng kiên cố, thời gian ghi hình cho bộ phim kéo dài suốt 9 tháng, tổng kinh phí đầu tư gần 300 triệu NDT.
| |
Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa xuất hiện với tạo hình nhân vật trung niên |
Trương Quân Ninh tăng cân đóng phim
Trương Quân Ninh đóng vai Kha Lý Diệp Đặc – Hải Lan, tính cách dịu dàng đằm thắm, là bạn tâm giao của Như Ý, tuy bề ngoài yếu đuối nhưng nội tâm rất kiên cường. Vì giúp Như Ý ngồi lên vị trí cao nhất trong hậu cung, Hải Lan đã thể hiện mặt thông minh cơ trí của bản thân, tính cách này rất giống con người ngoài đời của Trương Quân Ninh.
| |
Trương Quân Ninh |
Bản thân Trương Quân Ninh cũng thừa nhận: “Giữa tôi và Hải Lan có nhiều điểm tương đồng, nhất là sở thích ăn uống”. Theo yêu cầu kịch bản, lần này Trương Quân Ninh phải tăng cân để đóng vai Hải Lan, vì vai diễn mà cô đã tăng thêm 2kg và phải duy trì cân nặng trong suốt quá trình quay phim.
Thử thách với độ tuổi, Hoắc Kiến Hoa thừa nhận có độ khó
Trong phim, tuyến vai Như Ý trải qua độ tuổi từ 20 đến 45, trong khi đó nhân vật Càn Long có độ tuổi dàn trải suốt 50 năm, từ 20 đến 60 - 70 tuổi. So với Châu Tấn thường đảm nhận những vai diễn “vượt độ tuổi”, thì áp lực của Hoắc Kiến Hoa càng lớn hơn, bởi Càn Long phải trải qua các giai đoạn thanh niên, trung niên, tuổi già, điều này có độ khó nhất định đối với Hoắc Kiến Hoa.
|
Bối cảnh phim diễn ra vào năm công nguyên 1735, vua Càn Long (Hoắc Kiến Hoa đóng) kế vị, Trắc phúc tấn Như Ý (Châu Tấn đóng) theo lễ tiến cung làm phi. Sau đó, hai người đã trải qua cuộc hôn nhân từ ân ái tương tri đến rạn nứt tình cảm. Như Ý có mối tình thanh mai trúc mã với Càn Long nên được tấn phong làm Nhàn Phi, nhưng lại bị mọi người trong cung bài xích. Thái hậu (Ô Quân Mai đóng) vốn có mối thù với gia tộc của Như Ý, càng khiến Như Ý rơi vào cảnh bốn bề nguy nan. Lúc này, vua Càn Long đang gặp rắc rối khi phải đối mặt với cục diện Thái hậu nắm quyền và các đại thần nắm giữ triều chính. Trong quá trình quyền lực bị đe dọa, Càn Long và Như Ý đã cùng tương trợ nhau vượt qua thử thách, loại trừ mọi chướng ngại vật. Sau nhiều năm kiên trì, Càn Long cũng đạt được ý nguyện đưa Như Ý lên ngôi Hoàng hậu, cùng ông tận hưởng thiên hạ. Tuy nhiên, khi trở thành Hoàng hậu, Như Ý bỗng nhận ra Càn Long từ một phu quân thiếu niên nay đã trở thành một Hoàng đế chín chắn, sự đa nghi khó lường và tính cách ích kỷ của bậc đế vương ở ông cũng được bộc lộ, tình cảm và sự tin tưởng giữa hai người dần bị phai nhạt. Nhưng, Như Ý vẫn luôn giữ những hồi ức tốt đẹp giữa hai người, làm tốt trách nhiệm của một Hoàng hậu đến khi bà qua đời…
|
Trịnh Nghi