(TGĐA) - Có rất nhiều bộ phim tài liệu – khoa học của Việt Nam khai thác góc nhìn về thiên tai bão lũ với cái nhìn trực diện, thẳng thắn nhưng cũng hết sức sẻ chia về những mất mát, đau thương mà lũ lụt gây ra cho nhân dân. Những bộ phim này giống như một tư liệu quý, một lời cảnh tỉnh về hậu quả khó lường của thiên tai, nhưng dĩ nhiên không thiếu đi những sự sẻ chia mất mát, ca ngợi tinh thần chung tay góp sức vượt qua hậu quả thiên tai.
'An toàn cho con': Chùm phim hoạt hình đặc biệt về phòng, chống thiên tai trên sóng VTV3 và VTVgo | |
Quế Vân tiếp tục từ thiện tại Long Biên, Hà Nội sau loạt chỉ trích 'làm màu' |
Lũ miền núi
Có thể nói, Lũ miền núi là một trong những bộ phim xuất sắc nhất sự nghiệp của NSƯT Trịnh Quang Tùng. Đạo diễn cho rằng, các biện pháp khoa học ngày nay hoàn toàn có thể xác định được lũ quét bất ngờ ở từng khu vực và nếu các cơ quan ban ngành quan tâm hơn tới điều này thì hoàn toàn có thể tránh được tổn hại, mất mát to lớn về người và của.
Bộ phim đem lại những hình ảnh chân thực, sống động về lũ quét kinh hoàng, cũng như những đoạn phỏng vấn người dân huyện Mù Căng Chải từng chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ quét. Ngoài ra, điểm mạnh của bộ phim chính là đưa ra nhiều thông tin ít ai biết, đó là tình hình thiên tai của các tỉnh miền múi mỗi năm một khác, không theo bất cứ quy luật nào hay đa số người dân thường lầm tưởng lũ bùn đá, lũ quét là lũ ống, nhưng lũ ống thường chỉ xảy ra trong loại địa hình bị thu hẹp, dựng đứng như hang, khe và suối nhỏ, tạo dòng chảy siết và bung phá xuống vùng hạ lưu.
Còn lũ quét, lũ bùn đá diễn ra nhanh, bất ngờ và có sức tàn phá khủng khiếp, để lại hậu quả khốc liệt, nặng nề. Lũ quét, lũ bùn đá hình thành từ các yếu tố dòng chảy với vận tốc lớn, kết hợp đất đá đổ rơi, kém kết dính. Khi nước mưa đổ xuống mặt đất trong một thời gian dài và không có vật ngăn cản, thì đất đá sẽ bị sạt lở, tạo thành đập nước có nguy cơ bị phá vỡ.
Bộ phim đã xuất sắc giành giải Bông sen Bạc và Đạo diễn xuất sắc nhất cho NSƯT Trịnh Quang Tùng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 với thể loại phim khoa học.
Sạt lở lỗi do ai?
Đạo diễn bởi Nguyễn Tài Văn, bộ phim tập trung mô tả nguyên nhân, giải thích các trận sạt lở đất. Trước đây sạt lở đất chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc miền Trung nhưng cũng có nhiều khả năng xảy ở các nơi khác.
Bộ phim tiếp cận nhiều chuyên gia đầu ngành, đưa ra cách giải thích ngắn ngọn dễ hiểu. Trong đó có lời giải thích củ G.S T.S Võ Chí Mỹ, khi ông nói rằng khi vùng nào chịu tần suất mưa nhiều và cường độ mưa lớn thì khả năng sạt lở càng cao. PSG.TS Trần Tân Văn chia sẻ, mưa chính là một trong những yếu tố trực tiếp để “kích hoạt” sạt lở, mưa cường độ cao, làm cho đất đá sũng nước và bão hòa, làm cho sức bền và độ kháng trượt của đất đá bị yếu đi rất nhiều, cộng hưởng lại gây ra sạt lở hàng loạt, trong đó có những vụ việc vô cùng thương tâm.
Bên cạnh đó, bộ phim cũng cho thấy những khung cảnh tang thương, mất mát của người dân vùng sạt lở, cũng như việc phán đoán và tìm nguyên do sạt lở không phải lúc nào cũng dễ dàng, kể cả có sử dụng những công nghệ tân tiến trên thế giới. Ngoài ra, xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm, toàn diện cho người dân cũng là thách thức, khi không phải người dân vùng nào cũng tiếp cận tốt được thông tin.
Lũ trong thành phố
Lũ trong thành phố từng được phát trên đài kỹ thuật số VTC năm 2022, là một trong những bộ phim tài liệu về lũ lụt khó thể bỏ qua, khi mô tả nơi thủ đô hiện đại cũng phải chịu hậu quả của lũ lụt. Những cơn mưa sối sả khiến người dân trở tay không kịp, tạo nên những cảnh tượng nhốn nháo, căng thẳng trên nhiều tuyến đường khắp mọi nơi của Hà Nội.
Bộ phim cũng đưa ra nhiều thông tin hiếm ai biết, như việc hiện nay thành phố còn tồn tại 11 trọng điểm về ngập úng. Vào tháng 5/2022, số điểm ngập lụt ở Hà Nội đã tăng lên 40, kể cả những tuyến phố có địa hình cao và thoáng rộng, cũng không thoát khỏi cảnh ngập úng.
Hà Nội có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Trong đó 12 quận với diện tích gần 250 km2 thoát nước nhờ hệ thống nước thải chung và thoát ra ngoại thành nhờ hệ thống tưới tiêu, nhưng với những trận mưa cường độ lớn diễn ra trong thời gian ngắn, vẫn sẽ tồn tại nhiều điểm úng ngập do địa hình thấp.
Bốn tại chỗ trong phòng chống bão lũ
Do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, đạo diễn bởi Hà Xuân Trường, bộ phim nói về Phương châm “4 tại chỗ” là 1 trong 7 nguyên tắc cơ bản của phòng chống thiên tai đã được pháp luật quy định. Phương châm “4 tại chỗ” có thể hiểu chung là từng hộ gia đình, từng địa phương tự chuẩn bị đầy đủ cho mình những gì cần thiết nhất để thực hiện việc phòng ngừa, ứng phó với thiên tai xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào.
Nội dung của bộ phim giới thiệu đầy đủ bốn nội dung của phương châm “4 tại chỗ” là: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện và vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ. Thông qua bộ phim, khán giả hiểu được ý nghĩa và phương pháp tổ chức của phương châm “4 tại chỗ” để có thể áp dụng vào những tình huống thiên tai bất ngờ trong cuộc sống.
Hành động không hối tiếc
Bộ phim được chiếu trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, sau khi cơn bão Yagi hay cơn bão số 3 có cường độ mạnh nhất biển Đông 10 năm qua, đổ bộ vào nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng, tàn phá và cướp đi biết bao nhà cửa, sinh mệnh của người dân miền Bắc.
Bộ phim ghi lại những dấu ấn đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 trong công tác phòng chống thiên tai, sẵn sàng lao mình vào hiểm nguy, cứu giúp bà con khỏi tình cảnh hiểm nghèo.
Không chỉ sát cánh cùng nhân dân chống bão, các đơn vị cũng đã nhường chỗ ở cho người dân, hỗ trợ lương thực, thực phẩm trước và sau bão. Những thước phim mang tính thời sự, cho thấy quân dân đồng lòng khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng cuộc sống trở lại.
Một trong những giây phút xúc động nhất, chính là các chiến sĩ sư đoàn 316 bất chấp mưa bão hành quân tới làng Nủ (Lào Cai), tiếp nhận mệnh lệnh chỉ huy để triển khai ngay công tác cứu hộ. Các chiến sĩ lo mai táng, dùng tay lật từng đống đổ nát để tìm kiếm người mất tích.
'An toàn cho con': Chùm phim hoạt hình đặc biệt về phòng, chống thiên tai trên sóng VTV3 và VTVgo | |
Quế Vân tiếp tục từ thiện tại Long Biên, Hà Nội sau loạt chỉ trích 'làm màu' |
Vũ Anh