Những địa danh trên phim Việt khiến bạn phải “xách balo lên mà đi”

(TGĐA) - Chuyện các bộ phim tận dụng bối cảnh đẹp, địa danh nổi tiếng để tạo sức hấp dẫn với người xem hay ngược lại, khai phá những cảnh đẹp mê hồn, những câu chuyện đặc biệt để biến những vùng đất chưa được biết đến nhiều trước đó trở thành “thỏi nam châm” hút khách du lịch không còn là câu chuyện lạ lẫm. Từ kinh đô Hollywood đến Châu Âu, từ Trung Quốc, Bollywood đến những bản đồ điện ảnh mới như Hàn Quốc, Thái Lan… đều đã có những cái bắt tay thật chặt giữa điện ảnh và du lịch. Ở Việt Nam, đó là câu chuyện mà chúng ta vẫn còn… đang bàn nhưng nếu lật lại lịch sử, hẳn những địa danh dưới đây khi lên phim cũng đã khiến nhiều người phải “xách balo lên mà đi”, y như câu chuyện năm ngoái, khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh kể câu chuyện tuổi thơ trên nền bối cảnh Phú Yên, với những khuôn hình đẹp đến mê hồn…

Phú Yên: Xứ sở “Hoa vàng trên cỏ xanh”

1. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã tạo một cơn sốt du lịch tới mảnh đất Phú Yên

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã tạo một cơn sốt du lịch tới mảnh đất Phú Yên

Nhắc đến xứ Nẫu, du khách chỉ biết kể về ghềnh Đá Đĩa, Mũi Điện hay cùng lắm là Đầm Ô Loan, bãi đá Hoàng Hậu… còn ngành du lịch tỉnh thì luôn tự ti về cơ sở hạ tầng cũng như giao thông không thuận tiện để phát triển quảng bá. Thế nhưng, “cơn sốt” Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ năm 2015 khiến lượng người đổ về Phú Yên du lịch đạt mức kỷ lục từ trước tới giờ mà còn đưa cho du khách và cả những người làm dịch vụ ở đây một cái nhìn khác về mảnh đất nổi tiếng hiền hòa trù phú với núi biển, ruộng đồng này. Ngoài ghềnh đá ở Bãi Xép, đập suối nước ở Đồng Cam thì một Phú Yên ngút ngát màu xanh cánh đồng mía, cánh đồng lúa ở huyện Tuy An, huyện Sông Hinh với những bãi cỏ rộng nên thơ và những con đường làng quê uốn lượn bình yên trong bộ phim mới chính là “thỏi nam châm” tạo nên cơn sốt mà tới bây giờ vẫn chưa hề hạ nhiệt. Không chỉ “chết tên” với địa danh mới được cư dân mạng đặt tên là “xứ sở Hoa vàng cỏ xanh” mà ngay cả trong tiêu đề tour của nhiều công ty du lịch, tên của bộ phim cũng đã trở thành tên gọi.

“Nhà của Pao” trên cao nguyên đá

2. Một góc Nhà của Pao ở Sủng Là

Một góc nhà của Pao ở Sủng Là

2. Cảnh làm phim Chuyện của Pao tại bối cảnh nhà Pao

Cảnh làm phim Chuyện của Pao tại bối cảnh nhà Pao

Trước khi bộ phim Chuyện của Pao do đạo diễn Ngô Quang Hải thực hiện, ra mắt khán giả năm 2005, căn nhà trình tường bằng đất rộng lớn ở làng Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang chỉ được biết tới là một căn nhà đẹp, rộng nhất làng thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Mua Súa Páo. Là cánh tay phải trong đội quân của Vua Mèo xưa nên ông Mua Súa Páo là người có tiền và quyền. Chính vì vậy, căn nhà của ông cũng là một trong số ít căn đẹp nhất vùng cao nguyên đá, được xây 2 tầng với 3 dãy nhà ghép thành hình chữ U, để lộ phần sân nhỏ lát đá tảng được đánh bóng cẩn thận. Đây chính là bối cảnh nhà của Pao trong bộ phim điện ảnh Chuyện của Pao và sau khi phim ra mắt, căn nhà đã trở thành địa danh thu hút số lượng lớn khách du lịch tới tham quan hàng năm và “chết tên” luôn thành “Nhà của Pao”. Dù có một chút thay đổi về diện mạo và Lũng Cẩm đã lát bê tông về tận nhà cho tiện các tour du lịch đưa khách vào tham quan nhưng “Nhà của Pao” vẫn còn đó những bông cải vàng ẩn hiện sau bờ rào đá; vẫn còn lối đi thơ mộng với dàn hoa dại, hoa tam giác mạch mà nhà quay phim Cordelia Beresford đã lia ống kính thu về hình ảnh em trai Pao lùa đàn dê trở về nhà và cả mùa xuân, với những nụ hoa mận, hoa mơ hoa đào ẩn hiện dưới màn sương phủ mờ trên những con đường nên thơ của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Hai căn nhà cổ của "Người tình"

3. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc Đồng Tháp

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc - Đồng Tháp

3. Một góc nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ

Một góc nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ

Sau khi tiểu thuyết Người tình (L'Amant) của nhà văn Marguerite Duras ra đời, độc giả ở Việt Nam mới lần tìm ra căn nhà cổ của nhân vật Huỳnh Thủy Lê nhưng phải đến khi đạo diễn Jean-Jacques Annaud cho ra mắt bộ phim dựa trên tiểu thuyết này năm 1991 thì căn nhà cổ này mới trở thành địa danh du lịch nổi tiếng ở ở Sa Đéc – Đồng Tháp. Ngoài ra, nhà cổ Bình Thủy thuộc quyền sở hữu của gia tộc họ Dương ở Cần Thơ cũng trở thành địa danh hút khách du lịch khi phần lớn cảnh quay mô tả không gian nội thất nhà Huỳnh Thủy Lê được thực hiện tại đây. Nếu xét về tên gọi, nhà cổ này phải gọi đích xác là “Nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận” – tức là cha của Huỳnh Thủy Lê như đúng tên tiếng Hoa ghi ở chính diện ngôi nhà. Về không gian, nó cũng quá nhỏ (đến mức đạo diễn phải tìm tới nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ để ghi hình) và không đẹp tới mức xuất sắc nếu so với nhà cổ Huỳnh Kỳ ở Trà Vinh hay Huỳnh Phủ ở Bến Tre. Tuy nhiên, lợi thế của phim ảnh đã mang tới cho địa danh này một thương hiệu gắn liền với ký ức bộ phim: “nhà cổ Huỳnh Thủy Lê” và có một vị trí đặc biệt trong các tour du lịch Đồng Tháp nói riêng hay miền Tây nói chung. Mỗi năm, hai căn nhà cổ này đều đặn mang về cho ngành du lịch Đồng Tháp và Cần Thơ một khoản thu không nhỏ để du khách tìm lại một ký ức man mác xưa với “Người tình”…

Indochine và Vịnh Hạ Long

4. Vịnh Hạ Long trong một cảnh quay trên phim Đông dương năm 1992 2

Vịnh H Long trong một cảnh quay trên phim Đông dương năm 1992

Năm 1992, bộ phim từng giành giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Đông dương (Indochine) - của đạo diễn Régis Wargnier ra mắt với nhiều bối cảnh đẹp mê hồn tại Vịnh Hạ Long đã tạo nên một làn sóng khách du lịch quốc tế đổ về Việt Nam để tham quan danh thắng này. “Cơn sốt” mà bộ phim tạo ra còn khiến hãng hàng không Air France phải tăng thêm chuyến bay tới xứ sở của dải đất chữ S. Địa danh gắn liền với bộ phim Đông dương khi chọn Vịnh Hạ Long làm bối cảnh chính là đảo Hòn Oản, không có gì đặc biệt về du lịch ngoài việc trông từ xa giống một phẩm oản dâng lên lễ Phật. Thế nhưng, việc trở thành bối cảnh cho bộ phim năm 1992 đã tạo nên thương hiệu lớn cho địa danh này. Chính vì vậy, hiện nay, ở một góc đảo nhỏ vẫn còn giữ nguyên các bối cảnh được xây dựng cho phim như con đường đá ra biển được gọi là cầu tàu nô lệ, ngôi nhà của khu trại giam là nơi đôi tình nhân đã đau đớn chia tay… Ngoài ra, không chỉ kéo du khách tới với Vịnh Hạ Long, Đông dương còn gợi ý cho nhiều du khách tới thăm các danh lam thắng cảnh khác của Việt Nam thông qua những thước hình đẹp cổ kính về lăng tẩm ở Huế hay nhà thờ Phát Diệm khi nhìn từ trên cao…

Bất ngờ Hoa Lư – Ninh Bình

5. Cảnh đẹp ở Ninh Bình hiện lên trong Thiên mệnh anh hùng khiến nhiều người bất ngờ

Cảnh đẹp ở Ninh Bình hiện lên trong Thiên mệnh anh hùng khiến nhiều người bất ngờ

Trước Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đạo diễn Victor Vũ cũng đã làm khách du lịch phải ngất ngây với bối cảnh tuyệt đẹp trong Thiên mệnh anh hùng được quay phần lớn ở Ninh Bình với những địa danh như Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động, Bái Đính, Tràng An… Non nước hữu tình, cánh đồng, dòng suối, ngôi làng được hiện lên nên thơ, đậm chất Việt và khiến người xem phải trầm trồ. Ngay sau khi bộ phim ra mắt, một số lượng lớn khách du lịch đã đổ về “Vịnh Hạ Long trên cạn” này để ngắm nhìn lại những khuôn hình mà đoàn phim đã đi qua. Và tất nhiên, không khó để thấy trên mạng, một vài công ty du lịch đã nhanh nhạy làm tour khám phá cảnh đẹp trong phim Thiên mệnh anh hùng.

Hình ảnh miền Tây trong Cánh đồng bất tận khiến nhiều người không thể kìm lòng

Hình ảnh miền Tây trong Cánh đồng bất tận khiến nhiều người không thể kìm lòng

Những bộ phim này gợi ý cho bạn tới đâu? Hãy để tôi kể luôn, bởi chính tôi, hay bạn hoặc cộng đồng mạng yêu xê dịch đều đã rủ nhau tới đó khi xem xong những bộ phim Việt này. Ví dụ như đi khám phá cảnh miền Tây tuyệt đẹp trong Cánh đồng bất tận hay Mùa len trâu trước đó; tìm cảnh sắc như thiên đường ở Mộc Châu hay Sapa khi xem Và anh sẽ trở lại; hưởng sự liêu trai của Đà Lạt khi xem xong bộ phim kinh dị Qủa tim máu; ngắm đường phố Hội An khi xem Scandal: Hào quang trở lại và có thể, đi dạo một vòng TP Hồ Chí Minh mà mình đang sinh sống khi xem những thước hình nên thơ đầy tính nghệ thuật trong Hotboy nổi loạn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.


Phương Ngọc