(TGĐA) - Tadao Sato, sinh ngày 6/10/1930, là nhà Lý luận - phê bình điện ảnh hàng đầu của Nhật Bản với hàng trăm cuốn sách được xuất bản, không chỉ trong khuôn khổ nước Nhật mà còn được nhiều nơi trên thế giới đón nhận. Không chỉ quan tâm điện ảnh trong nước, ông còn là người nghiên cứu sâu rộng các nền điện ảnh khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu và cả Việt Nam. Có thể nói, nhà phê bình Tadao Sato như chiếc cầu kết nối nhiều tác phẩm điện ảnh Việt tới không chỉ với công chúng Nhật Bản mà còn mang tầm ảnh hưởng ra với nền điện ảnh thế giới thông qua các Liên hoan phim. Ngày 17/3 vừa qua, nhà phê bình Tadao Sato đã qua đời. Tạp chí Thế giới điện ảnh xin gửi tới bạn đọc một trích đoạn trong hồi ký của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh về “người bạn lớn” của điện ảnh Việt Nam.
Nhớ mãi nhà lý luận - phê bình điện ảnh Tadao Sato |
|
Cầu nối cho Thương nhớ đồng quê…
Đầu năm 1995 để thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày điện ảnh ra đời (1895-1995), Đài truyền hình NHK Nhật Bản có chủ trương mời 5 đạo diễn của 5 nước châu Á làm phim (Ấn Độ, Thái Lan, Mông Cổ, Iran và Việt Nam) để đến cuối năm sẽ chiếu tại Tokyo trong Liên hoan phim châu Á lần thứ I của NHK. Tháng 1/1995, Đài truyền hình NHK cử một đoàn sang Việt Nam thông báo quyết định mời tôi làm phim với yêu cầu: Ông hãy chuẩn bị một kịch bản mà ông thích, về những vấn đề mà ông thực sự quan tâm. Khi đến Việt Nam những người Nhật đã gặp lãnh đạo Cục Điện ảnh Việt Nam để trình bày chủ trương trên. Cục Điện ảnh rất hoan nghênh, nhưng yêu cầu để Cục cử đạo diễn. Nhưng những người Nhật muốn mời đích danh người mà họ đã chọn. Họ xin gặp lãnh đạo Bộ để trình bày. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin hồi đó là ông Trần Hoàn đã đồng ý cho tôi được làm phim hợp tác với NHK.
|
Trong đoàn sang Việt Nam lần ấy có ông bà Tadao Sato, nhà phê bình phim lớn của Nhật. Đã từ lâu ông bà coi tôi như người thân vì chính ông bà là người đã phát hiện ra nền điện ảnh Việt Nam khởi đầu bằng hai bộ phim: Bao giờ cho đến tháng 10 và Cô gái trên sông. Sau này bà Sato kể lại với tôi: “Trước đây chúng tôi không hề biết gì về nền điện ảnh Việt Nam nên khi chồng tôi định sang Việt Nam tôi đã can ông ấy. Tôi nghĩ ở đó chắc chỉ có những phim tuyên truyền. Nhưng chồng tôi vẫn cương quyết đi. Thế là chúng tôi đến Việt Nam vào đầu năm 1990. Nhưng khi xem đến phim Bao giờ cho đến tháng Mười vào ngày cuối cùng trước khi rời Hà nội thì tôi thấy ân hận vô cùng về ý nghĩ trước đây của mình”. Từ đó hai ông bà đã làm việc không mệt mỏi để đưa nền điện ảnh Việt Nam đến với công chúng Nhật Bản và thế giới.
Cả đoàn làm phim chúng tôi đều nhận thức rằng việc làm phim Thương nhớ đồng quê là một thách thức lớn đối với danh dự của điện ảnh Việt Nam, bởi vì cùng một lúc đầu tư cho chúng tôi làm phim, Đài NHK còn đầu tư cho 4 đạo diễn của 4 nước châu Á khác nữa. Phải làm sao phim Việt Nam không thua chúng kém bạn. Cái trách nhiệm nặng nề này chúng tôi tự nhận lấy cho mình, chẳng có ai giao phó. Tôi có cảm tưởng như mình là đội trưởng một đội bóng đá đi thi đấu trong khu vực.
|
Khi phim làm xong chúng tôi được mời sang Nhật để tham dự đợt chiếu ra mắt các phim châu Á mà đài truyền hình NHK hợp tác tài trợ trong năm 1995. Khi vừa tới sân bay, một cán bộ của đài NHK ra đón cho biết lãnh đạo của Đài rất hài lòng với phim Việt Nam. Tôi nhớ lại những nỗi lo lắng của anh em đoàn làm phim trước đây và sự quyết tâm của mọi người để không bị thua chúng kém bạn. Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Trần Hoàn, ông Tadao Sato thay mặt Đài Truyền hình NHK đã viết như sau:
“Mấy ngày trước đây, bộ phim Thương nhớ đồng quê (ở Nhật phim được đặt tên là Nhâm) của Việt Nam đã được chiếu tại Trung tâm văn hóa châu Á thuộc quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Tokyo cùng với phim của các nước khác và nó lại được phát lên vệ tinh truyền hình của NHK để truyền đi khắp nước Nhật. Bộ phim là sự thể hiện của tài năng chân chính và sự giàu có nội tâm... Chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt những nhận xét cảm động về bộ phim kể cả từ phía khán giả đại chúng. Bộ phim đã giành được uy tín rất cao trong lòng hàng loạt khán giả, kể cả chuyên gia điện ảnh và truyền hình lẫn các giới chức ngoại giao và những người khác. Chúng tôi đánh giá cao đất nước ngài, nơi đã làm ra một bộ phim như vậy và tự đáy lòng mình, chúng tôi xin cảm ơn ngài về sự cộng tác ấy”.
… và điện ảnh Việt qua LHP Fukuoka
|
Kể từ sau khi mối quan hệ của điện ảnh Việt Nam với điện ảnh các nước XHCN cũ không còn nữa, thì LHP Fukuoka của Nhật Bản là bệ phóng đầu tiên để đưa phim ảnh Việt Nam đến với thế giới bên ngoài, trước hết là với các nước châu Á. Công lao này thuộc về vợ chồng ông bà Tadao và Hisako Sato, nhà phê bình phim, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện ảnh của Nhật Bản và châu Á. Năm 1990 lần đầu tiên hai ông bà đến Việt Nam, xem hầu hết các phim truyện của ta sản xuất trong vòng 20 năm trước đó, để rồi phát hiện cho LHP Fukuoka một nền điện ảnh còn hết sức mới lạ với công chúng Nhật Bản. Từ đó cứ hai năm một lần ông bà đều đặn sang Việt Nam, xem các phim mới sản xuất, tuyển chọn để mời những phim xuất sắc nhất tham gia LHP Fukuoka mà ông Tadao là giám đốc và người bạn đời luôn có mặt bên cạnh ông - bà Hisako, là điều phối viên. LHP này không có chấm thi trao giải, nhưng không phải vì thế mà kém vui. Trái lại vì không bị áp lực của việc chấm thi, kẻ được người không, nên LHP Fukuoka lại có được bầu không khí đầm ấm, thân mật của một cuộc hội tụ đúng với nghĩa của hai chữ: Liên hoan. Nếu không có LHP Fukuoka có lẽ tôi không bao giờ được biết tới phim của Nêpal, Srilanca, Bangladesh... kể cả những phim có giá trị của Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc (những phim nghệ thuật có giá trị chứ không phải những phim được xem hàng ngày trên TV ở ta). Và nếu không có LHP Fukuoka thì các đồng nghiệp của chúng ta ở ngay trong khu vực cũng chẳng mấy ai biết đến phim ảnh của Việt Nam. Tôi hết sức ngạc nhiên khi một đạo diễn Nêpal cho biết anh đã xem phim Thương nhớ đồng quê tại Katmandou (thủ đô Nêpal) cũng là nhờ có LHP Fukuoka giới thiệu.
Trong lần tham dự LHP Fukuoka lần thứ 4 của tôi. Sau khi xem Mùa ổi xong, rất nhiều khán giả, nhà báo kể cả một vài đồng nghiệp đều nói với tôi rằng có đến Fukuoka mới được xem phim 100% Việt Nam. Tại sao có sự nhìn nhận như vậy? Vì trước đây đông đảo khán giả nước ngoài chỉ biết đến những phim của một vài đạo diễn gốc Việt sống ở nước ngoài, được chiếu rộng rãi trên hệ thống rạp chiếu bóng khắp thế giới. Họ đã xem tất cả những phim đó, có người thích, có người không. Nhưng đến bây giờ thì cả những người thích lẫn không thích đều có chung một suy nghĩ: họ đã được ăn một món ăn không hẳn là Việt Nam. Đó là một thứ speciality Vietnamese (đặc sản Việt Nam) nhưng đã được chế biến cho hợp khẩu vị của người nước ngoài.
Trong thời gian LHP khách được mời đi thăm Viện lưu trữ phim Fukuoka. Tất cả các phim được chiếu tại LHP, Viện đều mua lại để bảo quản. Ông Viện trưởng nói với chúng tôi: Quý vị hãy yên tâm, phim của quý vị được bảo quản tại đây phải 600 năm sau mới hỏng”. Tôi chợt nghĩ đến ngày nào đó không còn trên cõi đời này, nhưng 5 bộ phim tôi làm ra còn tiếp tục sống đến hàng trăm năm nữa. Một cảm giác lâng lâng thật khó tả.
Nhớ mãi nhà lý luận - phê bình điện ảnh Tadao Sato (TGĐA) - Tadao Sato, sinh ngày 6/10/1930, là nhà Lý luận - phê bình điện ... |
NSND Đặng Nhật Minh