Nhớ mãi nhà lý luận - phê bình điện ảnh Tadao Sato

(TGĐA) - Tadao Sato, sinh ngày 6/10/1930, là nhà Lý luận - phê bình điện ảnh hàng đầu của Nhật Bản với hàng trăm cuốn sách được xuất bản, không chỉ trong khuôn khổ nước Nhật mà còn được nhiều nơi trên thế giới đón nhận. Không chỉ quan tâm điện ảnh trong nước, ông còn là người nghiên cứu sâu rộng các nền điện ảnh khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu và cả Việt Nam. Có thể nói, nhà phê bình Tadao Sato như chiếc cầu kết nối nhiều tác phẩm điện ảnh Việt tới không chỉ với công chúng Nhật Bản mà còn mang tầm ảnh hưởng ra với nền điện ảnh thế giới thông qua các Liên hoan phim. Ngày 17/3 vừa qua, nhà phê bình Tadao Sato đã qua đời. Tạp chí Thế giới điện ảnh xin gửi tới bạn đọc bài viết của nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan về “người bạn lớn” của điện ảnh Việt Nam.

Việt Nam nên tham khảo mô hình Quỹ điện ảnh Hàn Quốc! Việt Nam nên tham khảo mô hình Quỹ điện ảnh Hàn Quốc!
Đạo diễn Thanh Hiệp trăn trở về chất lượng lý luận phê bình sân khấu Đạo diễn Thanh Hiệp trăn trở về chất lượng lý luận phê bình sân khấu
Tiến sỹ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội ra đời xuất phát từ tình hình thực tế... Tiến sỹ Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam: Hiệp hội ra đời xuất phát từ tình hình thực tế...
Nhà Lý luận phê bình điện ảnh Tadao Sato
Nhà Lý luận phê bình điện ảnh Tadao Sato

Tôi biết tên tuổi nhà lý luận - phê bình, nhà lịch sử điện ảnh hàng đầu Nhật Bản - ông Tadao Sato - từ những năm tôi học khoa Lý luận phê bình (chính xác hơn là Điện ảnh học) tại Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô. Những năm 80 của thế kỷ trước, tiểu sử của ông đã ghi rằng ông viết gần một trăm cuốn sách về điện ảnh, chủ yếu là điện ảnh Nhật Bản, bên cạnh đó là điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu. Đọc mấy cuốn của ông về điện ảnh Nhật Bản, tôi hằng kính phục sự uyên thâm trong những nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng, chỉn chu và khách quan của một học giả điện ảnh bậc thầy.

Không ngờ đến năm 1992, tôi đã được gặp và làm việc hơn một tuần lễ với ông Tadao Sato! Ông cùng người bạn đời, cũng là bạn nghề, quản lý, trợ lý với đúng nghĩa của từng “vai trò” trên - bà Hisako Sato - sang Hà Nội chọn phim cho chương trình đặc biệt về điện ảnh Việt Nam trong Liên hoan phim (LHP) Fukuoka lần thứ Hai. Lúc này tôi đang là chuyên viên Vụ Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch nên được phân công giới thiệu cho ông bà Sato những bộ phim tiêu biểu của Việt Nam. LHP Fukuoka do thành phố Fukuoka đăng cai, ông Tadao Sato - Chủ tịch Viện nghiên cứu Điện ảnh Nhật Bản (Japan Institute of the Moving Image) - được mời làm Giám đốc LHP, cũng là người sáng lập LHP. LHP Fukuoka lần I đã chọn phim Bao giờ cho đến tháng Mười (sản xuất1985 - đạo diễn Đặng Nhật Minh) và chiếu thành công trong hạng mục Phim châu Á xuất sắc.

Nhà phê bình điện ảnh Tadao Sato và vợ - bà Hisako Sato
Nhà phê bình điện ảnh Tadao Sato và vợ - bà Hisako Sato

Tháp tùng ông bà Sato xem phim cả tuần lễ, tôi có dịp giới thiệu với ông bà một danh sách phim Việt Nam đầy đủ và đa dạng, từ những phim chiến tranh nổi bật đến những phim sản xuất khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới. Tôi cũng được ông Sato đồng ý cho phỏng vấn một bài khá kỹ lưỡng về điện ảnh Việt Nam. Thật là may mắn cho tôi, mới vào nghề vài năm mà đã được gặp và trò chuyện với một cây đại thụ của giới lý luận - phê bình điện ảnh!

Phải nói thêm rằng bà Hisako Sato là người phụ nữ am hiểu và say mê điện ảnh, bà ghi chép cẩn thận khi xem mỗi bộ phim, trao đổi với chồng rất kỹ lưỡng. Bà cũng hay nói chuyện với tôi, mặc dù tiếng Anh của cả hai bên đều hạn chế. Tôi cảm nhận được tình cảm chân thành bà dành cho tôi và cả sự tinh tế, hóm hỉnh trong câu chuyện.

TS Ngô Phương Lan tại LHP Fukuoka
TS Ngô Phương Lan tại LHP Fukuoka

Và cũng thật vui mừng, ông Tadao Sato đã chọn được một chùm phim Việt Nam rất “khác lạ”, có màu sắc và hương vị riêng để trình chiếu tại LHP Fukuoka năm 1992. Đó là 9 bộ phim trong chương trình “Phim Việt Nam chọn lọc”: Em bé Hà Nội (1974, đạo diễn Hải Ninh), Thị trấn yên tĩnh (1986) và Thằng Bờm (1987, đạo diễn Lê Đức Tiến), Cô gái trên sông (1987, đạo diễn Đặng Nhật Minh), Ngọn đèn trong mơ (1987, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn), Tướng về hưu (1987, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi), Người cầu may (1989, đạo diễn Tự Huy), Xương rồng đen (1991, đạo diễn Lê Dân) và Đời hát rong (1991, đạo diễn Châu Huế). Một bộ phim của đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh được chọn chiếu trong chương trình Phim Châu Á xuất sắc là Trang giấy trắng (1991), nhưng “quốc tịch” phim không phải Việt Nam mà của Campuchia và Canada.

Tôi nói chương trình phim “Phim Việt Nam chọn lọc” khác lạ bởi từ trước, khán giả và đồng nghiệp nước ngoài hầu như biết điện ảnh Việt Nam thuần túy là “điện ảnh chiến tranh” và không ít bộ phim chiến tranh được xếp vào “phim tuyên truyền”. Thế nhưng, hầu hết các phim được ông Tadao Sato chọn là những phim tâm lý xã hội, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của một đất nước đang hàn gắn vết thương sau chiến tranh hoặc những góc khuất cuộc sống của những con người nhỏ bé trong xã hội. Chỉ có một bộ phim chiến tranh duy nhất được lựa chọn vào chương trình, đó là Em bé Hà Nội - bộ phim được ông Tadao Sato đánh giá cao. Và, với chùm phim này, dường như thế giới khám phá một diện mạo điện ảnh Việt Nam mới bên cạnh “điện ảnh chiến tranh”, thế giới gặp những nhân vật “bước lên” màn ảnh từ đời thường, với những tâm sự và tình cảm của những con người bình thường chứ không chỉ là những người lính dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc như trước nay.

Một điều may mắn với tôi là được mời vào đoàn đại biểu Việt Nam tham dự LHP Fukuoka năm 1992, với tư cách là diễn giả cùng đạo diễn Lê Dân. Đạo điễn Lê Dân giới thiệu về điện ảnh Miền Nam trước giải phóng, còn tôi giới thiệu về điện ảnh Việt Nam toàn cảnh. Rất đông đại biểu, khách mời và khán giả LHP đến dự. Nói may mắn vì nếu không có buổi “chào sân” quốc tế ấy, có lẽ sự nghiệp của người viết phê bình điện ảnh như tôi sẽ khó có cơ hội vươn xa. Những người đồng nghiệp vong niên đáng kính của tôi, những nhà hoạt động điện ảnh nổi tiếng như Bà Aruna Vasudev - Chủ tịch sáng lập NETPAC kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện ảnh Cinemaya, Bà Jannette Paulson Hereniko - Giám đốc sáng lập LHPQT Hawaii và rất nhiều nhân vật điện ảnh tên tuổi có mặt trong buổi giới thiệu điện ảnh Việt Nam sau đó đã mời tôi cộng tác, viết bài, chắp cánh cho tôi vào bầu trời điện ảnh! Bởi vậy, tôi không bao giờ có thể quên ông Tadao Sato - người đã tin cậy mời một người viết phê bình trẻ như tôi diễn thuyết, cho tôi cơ hội vào “làng” điện ảnh quốc tế!

TS Ngô Phương Lan cùng các nghệ sĩ điện ảnh Việt tại LHP Fukuoka
TS Ngô Phương Lan cùng các nghệ sĩ điện ảnh Việt tại LHP Fukuoka

LHP Fukuoka với khẩu hiệu “Focus on Asia” (Tiêu điểm châu Á) do ông Tadao Sato sáng lập là một LHP hiếm hoi tạo được một không khí nghề nghiệp thuần khiết và sự ấm áp, tin cậy như trong một gia đình. LHP không có các hạng mục dự thi nhưng vẫn thu hút phim tham dự từ các nền điện ảnh châu Á và đông đảo khán giả. Đó là nhờ uy tín của nhà lý luận - phê bình Tadao Sato, nhờ “con mắt xanh” chọn phim của ông và các hoạt động nghề nghiệp bổ ích ông sắp đặt trong khuôn khổ LHP. Sự uyên bác kiến thức, tận tâm nghề nghiệp, phong thái dung dị, điềm tĩnh và tình cảm ấm áp của ông đã chinh phục các giới chức lãnh đạo thành phố Fukuoka và đồng nghiệp điện ảnh quốc tế để LHP Fukuoka nhanh chóng trở thành một LHP có uy tín. Điều đáng quý là từ 30 năm trước, Fukuoka đã đầu tư trong Thư viện thành phố một kho lưu trữ đạt tiêu chuẩn cao và đề nghị được mua bản phim để lưu trữ cho tất cả các phim được chọn tham dự LHP. Tuổi thọ của phim lưu trữ ở đây nghe nói lên đến 500 - 600 năm! Bởi vậy, rất nhiều phim Việt Nam có phụ đề được lưu trữ và được Fukuoka cho mượn trình chiếu ở khắp các nước.

Sau LHP Fukuoka, thỉnh thoảng tôi vẫn được gặp ông bà Sato tại các LHPQT, lúc thì Hồng Kông, khi thì Ấn Độ hay Hàn Quốc. Lần nào gặp ông bà cũng vui và cảm động như gặp người thân trong gia đình! Lần ấn tượng nhất là ông Tadao Sato được mời tham gia BGK quốc tế của LHP Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 45 tại Hà Nội năm 2000. BGK có hai thành viên Việt Nam là đạo diễn Khắc Lợi và tôi. Năm ấy điện ảnh Việt Nam thắng lớn với giải Nhất cho phim truyện cùng hai giải cá nhân và giải Nhất cho phim tài liệu. Tôi được xem phim cùng ông Tadao Sato và BGK suốt 9 ngày! Lại càng thấy tình cảm ông dành cho điện ảnh Việt nam là rất sâu đậm, rất ấm áp!

Hôm nghe tin ông Tadao Sato mất, buồn và thương tiếc quá! Tôi và chắc chắn là nhiều người làm điện ảnh nhớ mãi ông bà Sato - hai người bạn lớn của điện ảnh Việt Nam, những người luôn lặng lẽ ủng hộ và góp sức đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới.

Năm 2019, tôi có dịp sang dự LHPQT Tokyo, được biết bà Sato đã mất, tôi tha thiết muốn đến thăm ông và thắp nén hương cho bà. Nhưng người thân cận của ông nói rằng ông không tiếp ai kể từ sau khi bà mất. Mà cũng đúng, trong tôi luôn chỉ có hình ảnh ông bà Sato rong ruổi đến các nước chọn phim hoặc đến các LHPQT, chứ khó có thể hình dung ông lẻ bóng một mình…
Đạo diễn Thanh Hiệp trăn trở về chất lượng lý luận phê bình sân khấu Đạo diễn Thanh Hiệp trăn trở về chất lượng lý luận phê bình sân khấu

(TGĐA) - Trong hai ngày 30 và 31/7, tại nhà hát Trần Hữu Trang và ...

Hội Điện ảnh Việt Nam tiếp nhận các tác phẩm chuyên ngành điện ảnh, lý luận phê bình xuất bản năm 2018 Hội Điện ảnh Việt Nam tiếp nhận các tác phẩm chuyên ngành điện ảnh, lý luận phê bình xuất bản năm 2018

(TGĐA) - Nhằm kịp thời gửi trình các tác phẩm sách chuyên ngành điện ảnh ...

Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức Kỳ họp thứ nhất Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức Kỳ họp thứ nhất

(TGĐA) - Ngày 3/3, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, ...

TS Ngô Phương Lan