(TGĐA) - Các phim tâm lí xã hội (melodrama) Hàn Quốc từ lâu đã chiếm vị trí quan trọng trong thị trường châu Á. Xuất phát từ một bản nhạc bằng tiếng Hy Lạp với giai điệu âm nhạc ngọt ngào và kịch tính, những bộ phim này thường sử dụng các câu chuyện đời thường và các nhân vật nổi bật nhằm tạo ra sự hấp dẫn mạnh mẽ về mặt cảm xúc cho người xem.
Mặc dù từ “melodrama” chỉ chính thức được giới thiệu trong từ điển Hàn Quốc vào năm 1958 nhưng thể loại này đã duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ trong gần 100 năm tồn tại ở Hàn Quốc. Một thể loại melodrama mới xuất hiện lần đầu tiên trong thời kỳ Hàn Quốc bị Nhật chiếm đóng.
Sau khi Hàn Quốc thoát khỏi sự đô hộ của Nhật Bản, dòng phim mới được làm với phong cách tự do và phim ngoại nhập đã góp phần tạo nên sự bùng nổ của điện ảnh trong nước. Kể từ đó, các phim melodrama vẫn là một phần quan trọng của điện ảnh Hàn Quốc. Với sự ra mắt gần đây nhất của Be With You, có thể thấy chặng đường phát triển của thể loại điện ảnh tinh túy này ở Hàn Quốc luôn rất mạnh mẽ và liên tục biến đổi cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử xã hội.
Cảnh trong Beauty Inside |
Khả năng “sống dai” và phục hồi nhanh của thể loại melodrama ở Hàn Quốc một phần là do khả năng dòng phim này này dễ dàng kết hợp với các thể loại và phong cách khác để tạo ra những câu chuyện hấp dẫn trong khi vẫn có thể phản ánh các vấn đề đời sống xã hội và cảm xúc đương đại của Hàn Quốc. Các melodrama Hàn Quốc kết hợp các vấn đề đại chúng với các yếu tố văn hóa truyền thống của Hàn Quốc, chẳng hạn như sự tận tụy với gia đình, Nho giáo và sự hy sinh, trong khi liên tục thích nghi để theo kịp sự thay đổi xã hội. Kết quả là, dòng phim melodrama đã tìm được cách để hồi sinh trong mỗi thập kỷ như là cách thức mở ra một lối thoát cho vấn đề tâm lý quốc gia.
Thập niên 1950 và 1960
Ngay sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc, phim melodrama Hàn Quốc có xu hướng phản ánh mong muốn của xã hội về công cuộc tái thiết và thống nhất đất nước. Các phim được phát hành trong khoảng thời gian này thường xuyên mô tả một người cha chịu nhiều vất vả và chấp nhận hy sinh để giải quyết các vấn đề khó khăn của gia đình.
Thông qua những câu chuyện này, người làm phim đã “giải quyết” nhu cầu của công chúng về sự hòa hợp và cứu trợ sau chiến tranh. Dòng phim melodrama Hàn Quốc đạt tới đỉnh cao trong những năm 1960 khi cảm xúc của người dân dần trở nên tích cực và xuất phát từ mong muốn đoàn tụ gia đình. Các yếu tố xã hội này đã giúp thúc đẩy dòng phim tâm lí tình cảm gia đình phát triển mạnh. Cùng với sự bùng nổ của thể loại melodrama gia đình dẫn đến sự bùng nổ của các bộ phim đề tài gia đình. Đây là thể loại phim mô tả những người bình thường rơi vào hoàn cảnh bi kịch buộc họ phải vượt qua. Và bi kịch thường kết thúc với một giai điệu tích cực. Công thức làm phim gia đình sau đó đã được áp dụng vào các bộ phim truyền hình khi phương tiện truyền thông ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Thập niên 1970 và 1980
Trong thập niên 1970, sự cạnh tranh từ truyền hình đã chấm dứt vị trí thống trị của các melodrama - vốn là thể loại phim rất thành công - trong thập kỷ trước. Có thể một phần là do sự giàu có, lớn mạnh của các tập đoàn tài phiệt đã bắt đầu tích lũy tài sản cho Hàn Quốc trong giai đoạn này, vì thế những câu chuyện phim melodrama trong thập niên 1970 bắt đầu tách ra khỏi cốt truyện có yếu tố gia đình làm trung tâm, thay vào đó hướng trọng tâm vào chủ đề cá nhân.
Ngoài ra, các melodrama được phát hành trong những năm 1970 còn đề cao kiểu nhân vật chính khác so với truyền thống. Trái ngược với thời kỳ trước, giai đoạn mà câu chuyện sẽ tập trung vào một nhân vật nam chính, giờ đây là những người đồng nghiệp trẻ tuổi và các phụ nữ có sự nghiệp độc lập được tự do theo đuổi tình yêu và con đường riêng của họ trong cuộc sống. Ngoài ra, chế độ Park Chung Hee đã khuyến khích việc sản xuất các phim có nội dung khiêu dâm nhẹ nhàng trong nỗ lực đánh lạc hướng công chúng không còn chú tâm vào các vấn đề chính trị quân sự của chính phủ.
Cảnh trong phim Our Joyful Young Days |
Sự “hội tụ” của tự do giới tính và việc trao quyền cho nữ giới cuối cùng đã cho phép người phụ nữ bày tỏ mong muốn của họ trên màn ảnh, nhưng cốt truyện vẫn thường bị giới hạn ở quan điểm người đàn ông vẫn là trung tâm của vũ trụ. Sau khi chế độ Park Chung Hee kết thúc và tình hình chính trị của đất nước ổn định, các phim melodrama đã quay trở lại theo xu hướng chủ nghĩa bảo thủ. Tuy nhiên, các nhà làm phim vẫn cố gắng nắm bắt được sức mạnh của sự năng động vốn là yếu tố tiên quyết tạo nên đà phát triển nhanh chóng của đất nước Hàn Quốc trong khoảng thời gian hỗn loạn này.
Trong Our Joyful Young Days (1987), những thay đổi về kinh tế xã hội đang diễn ra trong xã hội Hàn Quốc thời kỳ những năm 1970 và 1980 đã được đặt lên hàng đầu và là trung tâm của phim. Melodrama này xoay quanh nhân vật Young-min (Ahn Sung-ki) đem lòng yêu Hye-rin (Hwang Cine). Ngay trong lần đầu tiên thấy cô biểu diễn trên sân khấu, Young-min đã ngưỡng mộ Hye-rin. Sau đó, mỗi ngày anh đều bí mật gửi hoa và trái cây cho cô. Cuối cùng, anh lấy hết can đảm để công khai theo đuổi Hye-rin. Tuy nhiên, cô nói mình sắp kết hôn với một bác sĩ trẻ và hai người sẽ chuyển đến New York. Một thời gian sau gặp lại, Hye-rin đã ly hôn, và hai người nhanh chóng đến với nhau.
Tuy nhiên, sau khi kết hôn, một bi kịch xảy ra, cuối cùng đã thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi. Mặc dù quyết định ban đầu của Hye-rin là chọn tự chủ về tài chính trong tình yêu có thể được xem như một ví dụ về tự do hóa một phần các câu chuyện đương đại. Tiếp đến, câu chuyện về sự tận tụy và hy sinh của Young-min cho thấy những melodrama thời kỳ này thường lồng ghép ý nghĩa về gia đình, ngay cả trong thời kỳ hiện đại hóa. Our Joyful Young Days do đạo diễn Bae Chang-ho thực hiện. Ông cũng là đạo diễn thành công với nhiều melodrama khác và là một trong số nhà làm phim thành công nhất trong những năm 1980. Bộ phim Our Joyful Young Days của ông đã cho thế giới biết đến dòng phim này đồng thời nói lên suy nghĩ về thế hệ trẻ Hàn Quốc thông qua tài năng của đạo diễn cùng với cách kể chuyện và kỹ thuật làm phim tiên tiến.
Thập niên 1990 và 2000
Cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997 đã đặt dấu chấm kết thúc đột ngột cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mà Hàn Quốc đã có được trong nhiều thập kỷ, khiến nhiều người Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng và mất mát lớn.
Christmas in August |
Bộ phim đầu tay của đạo diễn Hur Jin-ho, Christmas in August, phát hành vào tháng Giêng năm 1998 trùng với thời điểm người Hàn Quốc cần một bản đồng ca cảm xúc tập thể. Melodrama đơn giản, cổ điển của Hur tiếp tục “an ủi” khán giả trong một thời gian dài sau đó đồng thời xác định lại phong cách của các bộ phim melodrama Hàn Quốc.
Christmas in August giống như một giai điệu tinh khiết. Jung-won (Han Suk-Kyu) là một nhiếp ảnh gia luôn lạc quan, niềm nở với những người dân sống tại thị trấn nhỏ nơi anh đã lớn lên. Anh có tình cảm với Da-rim (Shim Eun-ha) và đang cố gắng để phát triển mối quan hệ với cô. Tuy nhiên, khi Jung-won phát hiện ra mình đang mắc bệnh nan y giai đoạn cuối, anh phải quyết định xem sẽ dành phần còn lại của cuộc đời ngắn ngủi để sống như thế nào.
Là một melodrama điển hình, Christmas in August đề cập đến chủ đề tình yêu, sự đau khổ, đức hạnh, hồn nhiên và buông xả. Mặc dù bộ phim có doanh thu phòng vé không mấy ấn tượng, nhưng cách xây dựng câu chuyện gần như hoàn hảo và việc sắp xếp các tình tiết đậm màu sắc điện ảnh đã khiến bộ phim nổi tiếng ra ngoài biên giới Hàn Quốc. Christmas in August tiếp tục nhận được sự ca ngợi trên toàn thế giới, bao gồm việc lọt vào danh sách top 10 phim nổi tiếng do tạp chí điện ảnh Kinema Junpo, Nhật Bản bình chọn. Tác phẩm tiếp theo của Hur Jin-ho, One Fine Spring Day (2001) cũng là một bộ phim quan trọng của Hàn Quốc. Với sự tham gia của Lee Young-ae và Yoo Ji-tae, bộ phim, cho đến giờ vẫn là tác phẩm điện ảnh kinh điển, mô tả tình yêu và sự chia rẽ của hai người yêu nhau.
Mặc dù Christmas in August được coi là bộ phim melodrama hoàn hảo của Hàn Quốc, nhưng kể từ khi công chiếu, thể loại này đã không còn chiếm được sự ưu ái của khán giả trong nước. Một phần nguyên nhân là do ngành công nghiệp điện ảnh hiện đại của Hàn Quốc đã tập trung vào thể loại phim bom tấn. Tuy nhiên, một số melodrama vẫn tìm cách để bước vào cuộc cạnh tranh phòng vé với các phim bom tấn. Nếu Christmas in August cho thấy khả năng kể chuyện đạt đến đỉnh cao của dòng phim theo phong cách melodrama ở Hàn Quốc thì My Sassy Girl của Kwak Jae-yong (2001) cho thấy tiềm năng về thương mại và sức hấp dẫn lớn trên thị trường quốc tế của thể loại này.
Trong My Sassy Girl, sinh viên kỹ thuật Gyeon-woo (Cha Tae-hyun) cứu một cô gái đang say xỉn (Gianna Jun) trên tàu điện. Sau một buổi tối bất thường bên nhau, cả hai bắt đầu một mối quan hệ như nước với lửa với đầy rẫy những cơ hội bị bỏ lỡ và đôi khi là một sự may mắn đến trong tình huống không may. Trong vai diễn "The Girl" - Cô gái không tên, Gianna Jun thể hiện một nhân vật có sức thuyết phục bằng những hành động phá phách của mình và ở góc độ nào đó, cô đã cho thấy sự tự do mà các nhân vật nữ có được trong những melodrama hiện đại.
My Sassy Girl là một phim đình đám không chỉ ở Hàn Quốc mà còn trên khắp châu Á. Vào thời điểm công chiếu, nó đã trở thành bộ phim hài Hàn Quốc có doanh thu cao nhất mọi thời đại. My Sassy Girl cũng là phim được remake khắp châu Á và thậm chí còn được Hollywood mua bản quyền làm lại.
My Sassy Girl |
Đạo diễn Kwak Jae-yong cũng đã trở nên nổi tiếng với tác phẩm tiếp theo, The Classic (2003). Ngoài ra, nữ diễn viên Son Ye-jin, người đóng vai nữ cường nhân trong phim, đã tạo dựng tên tuổi cho mình với hàng loạt vai chính trong nhiều melodrama khác, từ A Moment to Remember (2004) cho tới Be With You, 2018. Các melodrama quan trọng khác của Hàn Quốc được thực hiện trong khoảng thời gian này bao gồm: câu chuyện tình yêu xuyên không Il Mare (2000) với sự tham gia của các diễn viên hàng đầu Hàn Quốc Lee Jung-jae và Gianna Jun, Bungee Jumping Of Own Own (2000) với Lee Byung-hun, và You Are My Sunshine (2005) với sự góp mặt của Hwang Jung Min và nữ diễn viên huyền thoại Hàn Quốc Jeon Do-yeon.
Từ 2010 tới hiện tại
Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn thoái trào, dòng phim melodrama tiếp tục tồn tại bằng cách pha trộn hài hòa với các thể loại khác để mang đến cho khán giả món ăn mới và đa dạng. Các bộ phim mới này kết hợp yếu tố của câu chuyện melo với các thể loại hiện đại, phổ biến hiện nay như LGBT, hài kịch, kinh dị và thậm chí là khoa học viễn tưởng.
Bộ phim hài của đạo diễn Im Charn-sang, My Love, My Bride (2014) là bản remake của bộ phim cùng tên năm 1990. Các ngôi sao điện ảnh Jo Jung-suk và Shin Min-a trong vai cặp vợ chồng đã có những bài học sự thật cay đắng về những hy sinh cần thiết khi bước vào đời sống hôn nhân. Mở đầu phim, Young-min (Jo) và Mi-young (Shin) là một cặp vợ chồng trẻ đã ở bên nhau được 4 năm. Sau màn cầu hôn vụng về, cặp đôi tổ chức đám cưới nhưng sau kỳ trăng mật, hiện thực cuộc sống đã ập đến. Young-min chưa trưởng thành thường có những lựa chọn sai lầm và thông qua việc thể hiện sự không hài lòng của mình, Mi-young trở thành người vợ hay cằn nhằn. Bộ phim phơi bày thực tế tàn nhẫn và trần trụi của đời sống hôn nhân, vốn thường bị bỏ qua trong các bộ phim hài lãng mạn.
Đúng với các quy tắc của thể loại melodrama, bộ phim sử dụng yếu tố thực tế cao hơn, trong trường hợp này là thông qua sự kết hợp hài hòa giữa hài kịch và chính kịch, để đem đến cho khán giả một câu chuyện tình yêu đích thực. My Love, My Bride đứng đầu phòng vé vào dịp ra mắt trong tuần đầu tiên và tiếp tục thu hút 2,14 triệu khán giả trong suốt thời gian công chiếu. Bộ phim được coi là tác phẩm tiêu biểu hòa trộn giữa phong cách melodrama với các thể loại khác để có khả năng cạnh tranh phòng vé.
My Love, My Bride |
Beauty Inside của đạo diễn Baek Jong-yeol (2015) là một bộ phim tiêu biểu cho thấy dòng phim melodrama Hàn Quốc được kết hợp hiệu quả với các thể loại khác. Bộ phim hài lãng mạn về sự hoán đổi cơ thể, kết hợp với các yếu tố kỳ ảo và kịch tính mang đến câu hỏi nghiêm túc về việc liệu mọi người có thực sự yêu một người chỉ qua vẻ đẹp nội tâm của họ hay không.
Mặc dù đang trong giai đoạn thoái trào và bị pha loãng nhưng dòng phim melodrama ở Hàn Quốc đã gây được sự chú ý của người hâm mộ suốt một thập kỷ qua. Giờ đây, một lần nữa, người ta đặt câu hỏi, liệu một thể loại phim vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của khán giả Hàn Quốc có gặp nguy hiểm hay không khi hầu hết tất cả phim Hàn hiện nay đều có các yếu tố melodrama… Ngay cả những phim được quảng cáo là phim hành động chính hiệu, như The Villainess (2017), cũng tìm cách sử dụng các công thức của một phim melodrama vào trong cốt truyện đậm chất điện ảnh. Với các nhà sản xuất, về cơ bản, việc tạo ra nội dung đa dạng nhằm cung cấp cơ hội mở rộng định nghĩa thể loại phim có tuổi đời lâu nhất ở Hàn Quốc.
Quỳnh Chi