(TGĐA) - Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi của bộ phim Tướng về hưu đã rời cõi tạm sau một thời gian lâm bệnh vào sáng nay.
Tướng về hưu – Sinh tử một cuộc đối đầu |
Theo Đạo diễn, NSƯT Đặng Thái Huyền, NSND Nguyễn Khắc Lợi ốm và nằm một chỗ đã khá lâu. Trước đây, mỗi lần vào thăm thầy chị thường cầm sẵn giấy và bút để ghi ra giấy những điều muốn kể, muốn khoe với thầy. Nhưng cũng có khi chỉ nắm tay thầy, luyên thuyên điều gì đó, bất cần biết thầy nghe được hay không.
"Trước khi đi công tác, tôi chỉ kịp vào thăm thầy, ép thầy ăn hết bát cháo. Tôi có ghi ra giấy: 'Em đi công tác, về em lại vào thầy'. Thầy gật, cười. Rồi tôi bận bịu với việc làm phim, chưa kịp vào thì thầy đã không chờ được rồi. Hôm nay, một mặt trời trong tim tôi đã khuất bóng, một người cha tinh thần mà tôi luôn nói là không có ông, không có tôi như ngày hôm nay đã rời xa tôi", Đặng Thái Huyền nghẹn ngào.
Đặng Thái Huyền cũng kể thêm, chị có thói quen, mỗi lần vào một dự án phim mới sẽ lên chào Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi để xin vía may mắn. Trong mắt chị, NSND Nguyễn Khắc Lợi là một người có nụ cười hiền hậu và khuôn mặt ấm áp. Ông là người đã có công rất lớn trong việc dạy dỗ và đưa chị vào nghề làm phim.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi |
Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi sinh năm 1932 tại Phú Thọ. Lúc đang là học sinh trường Hùng Vương (Phú Thọ), ông và một số bạn được chọn vào ngành điện ảnh. Sau đó, ông cùng Nguyễn Quang Tuấn (nhà quay phim, nay đã mất) được cử tham gia một đoàn làm phim của Liên Xô sang Việt Nam thực hiện bộ phim khái quát về cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp. Với bộ phim này, ông được chọn làm phó quay phim bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Karmen quay tại Điện Biên Phủ. Bộ phim đã mở ra cho ông cơ duyên được gặp Bác Hồ lần đầu tiên.
Sau giải phóng Điện Biên vài năm, Nguyễn Khắc Lợi được sang Liên Xô học đạo diễn tại trường VGIK (Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên bang Xô viết) và có dịp gặp lại đạo diễn Karmen khi ông giảng dạy tại đây.
NSND Nguyễn Khắc Lợi không chỉ thành công trong lĩnh vực phim truyện điện ảnh mà còn là người đạo diễn tài năng của những thước phim tài liệu, đặc biệt là những thước phim tái hiện lại cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp, trong đó có điểm nhấn đặc biệt về chiến dịch Điện Biên Phủ.
NSƯT Đặng Thái Huyền bên cạnh người thầy của mình |
Ông từng làm phim Cơn lốc biển, nói về việc công nhân mỏ đi biểu tình chống Pháp những năm 1936. Bộ phim này ông phải huy động tới 6.000 diễn viên quần chúng. Phim Tiếng cồng định mệnh (kịch bản của Chu Lai) phải sử dụng đến xe tăng thật.
Tại lễ trao giải Cánh diều 2016, NSND Nguyễn Khắc Lợi cùng NSND Trần Phương đã được tôn vinh vì những cống hiến cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Tướng về hưu – Sinh tử một cuộc đối đầu (TGĐA) - Tướng Thuấn rời quân ngũ về làng sống với gia đình. Vợ đau ... |
Theo Dân Việt