(TGĐA) - Gần 4 tháng trước ngày ra đi, ông vẫn còn mê hát lắm. Lịch sinh hoạt trong ngày của ông là cố gắng ăn, uống thuốc bệnh đều đặn, thì ông không thể quên món ăn tinh thần thường xuyên là xem báo và mở ti vi xem phim ở nhiều kênh. Thi thoảng ông lại lẩm nhẩm hát vài ca khúc tiếng Pháp cho cô cháu gái nội thật dễ thương hơn 1năm tuổi đang bập bẹ tập nói…
|
Vậy mà vào sáng ngày 10/2 ông bị cơn tai biến lần thứ ba, dẫn tới hôn mê sâu kéo dải 12 ngày cho đến lúc ra đi mãi mãi vào 3h05 phút sáng 23/2 tại nhà riêng, sau khi được gia đình và các bác sĩ cứu chữa ở 3 bệnh viện Nhân dân Gia Định, Chợ Rẫy và Đại học Y dược. Không kịp nói lời cuối cùng, chỉ còn ánh nhìn yếu ớt và những cái nắm tay người thân, bạn bè đến bên cạnh ngày càng yếu dần…
Tại đám tang, chỉ vắng cô con gái lớn, còn 6 người con (có 2 rể) cùng má Minh Nhung từng lo chạy chữa cho ông trong suốt 12 ngày, với hy vọng ông sẽ qua khỏi… đều có mặt.
|
Đạo diễn, NSƯT Lê Mộng Hoàng sinh ngày 1/6/1927 tại Phú Xuân Huế trong một gia đình nho giáo. Ngay từ nhỏ ông rất có năng khiếu ca hát và diễn kịch, nên gia đình cho ông tham gia cộng tác với chương trình thiếu nhi ở đài Phát thanh Huế. Riêng với điện ảnh, ông luôn có sở thích đi xem phim, thậm chí chốn cả thầy giáo, rủ người em trai là Lê Mộng Nguyên cùng bám áo dài người lớn làm quen để trốn vé vào xem phim. Năm 12 tuổi, ông tham gia phong trào Hướng đạo, đã phải đi từ chân núi Bạch Mã leo lên tới đỉnh để làm lễ - Lời hứa lên Hướng đạo. Đây chính là kỉ niệm, động lực lớn sau này khi ông thực hiện bộ phim Kỳ tích núi Bà Đen, từng chạy lên, chạy xuống núi tới 3 lần trong ngày để thực hiện những cảnh quay mà không hề biết mệt.
|
Năm 1945, phong trào Cách mạng nổi dậy, ông mê và hát say sưa các bài hát: Đoàn giải phóng quân, Nhớ chiến khu, Chiều tù Côn đảo… Vốn là một hướng đạo sinh khi hát bài Đoàn giải phóng quân… đã thôi thúc ông lên đường tham gia Vệ quốc đoàn. Trong thời gian này ông hát và biểu diễn phục vụ rất nhiều bài hát nổi tiếng như Thiên thai, Suối mơ, Giọt mưa thu, Con tàu không bến, Tiếng còi trong sương đêm… và Một chiều thương nhớ (do ông Nguyên sáng tác)…
Năm 1950, ông là 1 trong 2 người duy nhất ở Việt Nam học chính quy khóa 8 tại Trung tâm quốc gia Điện ảnh Pháp - I.DHEC ở Paris (trước đó là Phạm Kỳ Nam).
|
Năm 1957 ông về nước và thực hiện phim Bụi đời. Năm 1960, ông làm việc tại Trung tâm Điện ảnh quốc gia. Tính đến trước năm 1975, ông dàn dựng hơn 30 phim. Các phim tiêu biểu như: Nàng, Nắng chiều, Gánh hàng hoa, Ly rượu mừng, Năm vua hề về làng, Bốn thủy thủ sợ ma, Chiều kỉ niệm, Mãnh lực đồng tiền, Trống mái, Quái nữ Việt quyền đạo, Một thoáng đam mê, Con gái chị Hằng, Xin đừng bỏ em, Vụ án tình… trong đó phim Nàng, đoạt giải Tượng Vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu ở Đài Loan lần thứ 17. Bộ phim tạo cơn sốt dư luận thời bấy giờ là Mãnh lực đồng tiền năm 1971 với dàn diễn viên: Thanh Nga, Bích Thuận, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Tám Vân, Lý Quốc Mậu.. Phim có nội dung phê phán, đả kích những kẻ nhẫn tâm chà đạp lên thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý nhằm thỏa mãn những dục vọng thấp hèn, chạy theo sự cám dỗ của vật chất. Phim gây được tiếng vang trong dư luận trước lối sống hiện sinh, thực dụng ở miền Nam lúc bấy giờ.
|
Sau năm 1975, ông tiếp tục làm việc tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu ,nhanh chóng hòa nhập trong dòng chảy của nền điện ảnh nước nhà với đủ đề tài, từ tâm lý xã hội, thuyền thuyết, lịch sử, chiến tranh, thiếu nhi, kinh dị, hành động … cùng nhiều thể loại như: phóng sự, tài liệu, sân khấu cải lương, phim truyện. Đặc biệt ngay thời điểm nóng hổi sau ngày 30 tháng 4 này, ông đã thực hiện một số phim tài liệu về lực lượng thanh niên xung phong và vùng kinh tế mới ,và thực hiện các phim truyện tiêu biểu như Ngọn lửa thành đồng, Tình yêu của em,Bản tình ca, Tiếng gọi lúc mờ sáng, Kỳ tích Bà Đen phim màu 2 tập Tình khúc 68 . Niềm vinh dự lớn với ông trong thời gian này cùng thời điểm 1982 cả hai phim Ngọn lửa thành đồng và Tình yêu của em đều đạt nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Năm 1985, phim Bản tình ca (đoạt giải Cành mai vàng cho đạo diễn xuất sắc)… Trong những năm 90, tên tuổi của đạo diễn Lê Mộng Hoàng liên tiếp lập kỳ tích dàn dựng những bộ phim truyện điện ảnh thành công về mặt doanh thu như: Thăng Long đệ nhất kiếm, Tráng sĩ Bồ Đề, Vết thù năm tháng, Ngôi nhà oan khốc, Nửa đời phóng đãng, Người bất hạnh, Cuộc tình hai mặt, Tóc gió thôi bay, Chú bé có tài mở khóa, Bên thềm hoa vẫn nở, Ngỡ rằng đã quên, Công chúa và bảy chú lùn, Người về trên bến Ô Môi, Viên ngọc Côn Sơn, Dã Quỳ…
|
Đặc biệt năm 1997 ông thực hiện phim Chân dung Điềm Phùng Thị, đã nhận bằng khen của LHPVN lần thứ XII. Là một nghệ sĩ sống và làm việc tại Sài Gòn trước ngày 30/4/1975, nhưng luôn hướng về Cách mạng, ông đã quay một số phim tài liệu về các cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh, đồng bào Sài Gòn chống Mỹ Thiệu gửi vào chiến khu và có công che dấu, nuôi dưỡng cán bộ Cách mạng hoạt động tại Sài Gòn, nên đã được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhất do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký. Với công lao và tài năng sáng tạo phục vụ sự nghiệp Điện ảnh dân tộc, đạo diễn Lê Mộng Hoàng còn được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2012.
|
Báo TGĐA vừa nhận được clip tư liệu ngắn đạo diễn Lê Mộng Hoàng, 90 tuổi, hát bản nhạc Pháp Les feuiles (Những chiếc lá chết) váo tháng 11/2016 do người con rể thứ hai thực hiện. Xin giới thiệu với đọc giả cùng một số hình ảnh tại đám tang của ông tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM.
|
|
|
|
Vũ Liên