NSX Hằng Trịnh: Sản xuất những phim có kinh phí vừa tầm là hợp lý nhất

(TGĐA) - “…Chúng tôi chấp nhận rủi ro về kinh doanh vì nghĩ rằng đây là cách duy nhất để mở rộng và phát triển ngành sản xuất phim trong tình hình Việt Nam thiếu khá nhiều nhân lực chủ chốt ở lĩnh vực này. Và đây cũng là cơ hội cho chính tôi với vị trí là nhà đầu tư và sản xuất…” – Với suy nghĩ này, cộng với phong cách làm việc khá quyết liệt, nhà sản xuất phim Hằng Trịnh và hãng phim Skyline của chị đã trở thành một cái tên đáng chú ý trong thị trường điện ảnh nước nhà. Thế giới Điện ảnh có cuộc trò chuyện với chị.

nsx hang trinh san xuat nhung phim co kinh phi vua tam la hop ly nhat NSX Dung Bình Dương: 'Không chủ trương kêu gọi góp vốn'
nsx hang trinh san xuat nhung phim co kinh phi vua tam la hop ly nhat Lý Nhã Kỳ chính thức trở lại với điện ảnh trong dự án 'Thiên đường' của nhà sản xuất IVonk Pictures

Cho đến nay, Skyline đã cho ra đời 4 phim điện ảnh trong đó có 12 chòm sao vẽ đường cho yêu chạy giành nhiều giải thưởng quan trọng như: Giải thưởng của Ban giám khảo, Liên hoan phim Việt Nam 2017; Giải Cánh diều vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Cánh diều 2016; Giải Cánh diều Bạc cho phim điện ảnh xuất sắc nhất, Cánh diều 2016. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị có suy nghĩ gì?

Skyline là một công ty sản xuất phim quy mô nhỏ với tầm nhìn thương mại, mong muốn sản xuất những bộ phim chất lượng và phù hợp với khán giả trong và ngoài nước, và với tham vọng được trình làng các tác phẩm điện ảnh của mình với các nước trong khu vực. Cho đến nay Skyline cho ra đời 4 phim điện ảnh với cách nhìn nhận như vậy và cũng may mắn có được một số thành tựu, tuy hầu hết các phim đều chưa mang lại lợi nhuận. Nhưng có lẽ từ bộ phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (2015) thì Skyline mới được khán giả và giới chuyên môn ghi nhận sự cố gắng của mình, vì bộ phim nhận được sự yêu mến của giới trẻ cũng như nhận được một số giải thưởng lớn từ các liên hoan phim uy tín. Và với những bộ phim của mình, Skyline khai thác tối đa ở các thị trường nước ngoài để thu lại tối đa giá trị của bộ phim.

nsx hang trinh san xuat nhung phim co kinh phi vua tam la hop ly nhat
NSX Hằng Trịnh và đạo diễn Vũ Ngọc Phượng

Với năng lực và kinh nghiệm về phát hành phim của mình, các bộ phim của Skyline được chiếu rạp thương mại ở một số thị trường châu Á và Mỹ cũng như có mặt ở các hạ tầng khác. Tuy nhiên, kinh doanh vẫn là kinh doanh, sau 2 năm làm phim thất bại về doanh thu, tôi đã ngừng lại 2 năm tiếp theo để thực sự nhìn lại mọi vấn đề và quan trọng nhất là để xem mình có thực sự phù hợp với ngành này không. Đến đầu năm 2018, tôi cho ra đời bộ phim tiếp theo với đạo diễn Vũ Ngọc Phượng với tư cách là nhà sản xuất do Galaxy đầu tư và phát hành. Tôi đang chuẩn bị một kế hoạch dài hơi hơn cho những năm tiếp theo, hy vọng sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

Đa số mọi người đều biết, Skyline là hãng phim trẻ với các đạo diễn trẻ làm phim cho giới trẻ. Công ty đã tạo điều kiện gì cho các nhà làm phim trẻ có cơ hội sáng tác và sáng tạo tác phẩm của mình?

Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho các đạo diễn mới có tiềm năng và có tầm nhìn phù hợp với mình. Skyline trao cả 4 cơ hội cho 4 đạo diễn lần đầu làm phim điện ảnh và chấp nhận rủi ro về kinh doanh vì chúng tôi nghĩ rằng đây là cách duy nhất để mở rộng và phát triển ngành sản xuất phim trong tình hình Việt Nam thiếu khá nhiều nhân lực chủ chốt ở lĩnh vực này. Và đây cũng là cơ hội cho chính tôi với vị trí là nhà đầu tư và sản xuất. Tôi đã học hỏi được rất nhiều bài học kinh nghiệm từ những quyết định của mình. Một số quyết định đúng đắn và một số là sai lầm. Ngoài ra, chúng tôi chào đón các bạn trẻ có năng lực, kiến thức và thái độ làm việc tốt cùng tham gia vào nhiều vị trí khác nhau trong đoàn phim của mình. Tôi đề cao giá trị này vì tôi nghĩ rằng làm phim cũng là một nghề cần được công nhận và cần có đủ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm cũng như cơ hội và sự cạnh tranh như bao nhiêu ngành nghề khác.

Và điều kiện mà Skyline đặt ra cho họ là gì?

Nếu nói theo góc nhìn của một người làm quản lý nhân sự, tôi nghĩ bất cứ vị trí nào thì ứng viên đều cần nắm rõ mô tả công việc của mình, hiểu rõ mình đang có kỹ năng và kiến thức gì phù hợp để hoàn thành công việc đó, và kèm theo đó rất quan trọng là một thái độ làm việc đúng đắn trong môi trường làm việc nhóm. Làm phim cũng vậy.

Tuy hãng phim chưa thu về lợi nhuận nhưng với tư cách là Nhà sản xuất và đầu tư, chị chắc chắn đã có được những thứ đáng giá khác sẽ ích rất nhiều trên chặng đường tiếp theo trong lĩnh vực sản xuất phim. Chị sẽ áp dụng những bài học đó như thế nào?

Với những bài học tôi đã có với những phim đã làm và nhìn thấy khả năng của mình từ chất lượng đạt được, tôi tin rằng mình có thể làm nhiều hơn thế, khai phá những tên tuổi mới, kể được nhiều câu chuyện nhân văn hơn và giới thiệu nhiều hơn các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài, và đương nhiên là mong muốn Skyline trở thành một cái tên đáng tin cậy để hợp tác cùng với các đơn vị khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh.

nsx hang trinh san xuat nhung phim co kinh phi vua tam la hop ly nhat
Với đạo diễn Vũ Ngọc Phượng và diễn viên B Trần (ngoài cùng bên trái)

Những năm gần đây, tuy thị trường rạp chiếu vẫn bị phim ngoại thống lĩnh phim nội đã nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu xem phim Việt Nam của khán giả Việt Nam. Có thể nói, thành công này là nỗ lực đáng kể của các công ty sản xuất phim nhỏ, với những dự án có kinh phí phù hợp với điều kiện và năng lực sản xuất của họ. Chị có cho rằng cần có nhiều hơn nữa các dự án phim được thực hiện theo cách này?

Tôi nghĩ rằng sản xuất những bộ phim có kinh phí vừa tầm là hợp lý nhất, đơn giản vì theo mặt bằng chung, chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ, từ kịch bản đến con người và công nghệ máy móc hỗ trợ thực hiện. Vì vậy, việc đầu tư quá nhiều kinh phí vào bộ phim bằng việc tập trung vào một số khía cạnh nhất định sẽ khiến cho chất lượng trở nên khập khiễng, vì một số khía cạnh khác có thể sẽ không thể bắt kịp được. Và như vậy là rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Ngoài ra, một trong những vấn đề nghiêm trọng đang có là việc quản lý ngân sách dự án hiện tại mình chưa làm tốt, vậy nên với một kịch bản hay và vừa tầm, ngân sách vừa phải và quản lý tốt sẽ là bước phát triển chậm mà chắc.

Gần đây có xu hướng làm phim chuyển thể từ kịch bản văn học hoặc remake các phim nước ngoài. Skyline có quan tâm đến xu hướng này không? Theo chị, khó khăn và thuận lợi của việc này là gì?

Tôi nghĩ rằng nguồn gốc phim từ đâu không quan trọng, miễn là câu chuyện hay và phù hợp với khán giả Việt Nam. Các nước khác cũng phải khai thác câu chuyện từ nhiều nguồn khác nhau mới có phim tốt, vậy nên tôi hoàn toàn ủng hộ cách này và sẵn sàng nghiên cứu những kịch bản theo hướng này. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng xu hướng này có phần rủi ro vì câu chuyện đã từng được kể qua sách hoặc phim trước đó, nghĩa là bản thân câu chuyện không còn mới tinh để khán giả tò mò khám phá. Nếu câu chuyện gốc không đủ tốt hoặc khả năng làm lại không đủ sáng tạo thì cũng gặp nhiều rủi ro. Ngoài ra, với tôi, xu hướng này sẽ khiến các công đoạn của sáng tạo kịch bản bị cắt bớt và từ đó biên kịch và đạo diễn sẽ chây lười khi sáng tạo nội dung gốc. Đây cũng là các ý kiến của các nhà sản xuất khác khi tôi có dịp phỏng vấn họ cho một bài nghiên cứu gần đây của mình. Tôi hoàn toàn đồng tình và luôn nhắc nhở ê kíp của mình về điều này.

Chị đánh giá ra sao về sở thích của khán giả Việt Nam? Ở góc độ là nhà sản xuất, chị làm bộ phim mình thích hay làm phim theo sở thích khán giả?

Tôi nghĩ những nhà sản xuất như tôi phải cảm thấy may mắn vì khán giả Việt luôn ủng hộ phim Việt, đó là lý do mà phim Việt hoàn toàn có khả năng đạt doanh thu cao hơn cả phim nước ngoài nếu làm tốt. Nếu phân tích kỹ hơn thì tôi nhận định rằng khán giả Việt thích những câu chuyện hay một cách tự nhiên không gượng ép, không quá Tây cũng không quá cổ hủ nhưng cũng phải mang tính đột phá. Xem phim vẫn là một hình thức giải trí với người Việt nên câu chuyện không thể quá nặng nề nhưng cũng không thể quá mờ nhạt. Nói chung, cho đến giờ thì nhiều nhà làm phim vẫn cho rằng sự thành công của phim Việt là chưa có công thức!

Với hướng đi thương mại, đương nhiên là tôi làm phim cho khán giả thưởng thức chứ phải cho mình, nhưng dĩ nhiên vẫn phải là những câu chuyện mình cảm được, nhìn thấy được thông điệp nhân văn và nhìn thấy tiềm năng thành công của nó.

nsx hang trinh san xuat nhung phim co kinh phi vua tam la hop ly nhat
NSX Hằng Trịnh (áo dài xanh) hàng đứng thứ nhất từ trên xuống cùng các học viên khóa học sản xuất phim tại Busan Hàn Quốc

Được biết chị đang theo học khóa sản xuất phim ở nước ngoài. Tham chiếu từ những trải nghiệm của cá nhân mình và những gì học hỏi được, chị nhìn nhận như thế nào điện ảnh Việt Nam hiện nay?

Một số tài liệu đã phân tích rằng nền điện ảnh Việt đang giống với điện ảnh Hàn 10 năm trước, nhưng tôi thấy rằng điều này không có nghĩa là 10 năm sau chúng ta sẽ bằng được họ. Chúng ta đang cần nhiều kịch bản tốt với thông điệp nhân văn, cần nhiều đạo diễn và êkip làm phim được học hành bài bản không đi tắt đón đầu, cần những nhà đầu tư có tầm nhìn lớn và cần được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn. Tôi cũng cho rằng các quy trình sản xuất, phát hành của điện ảnh của Việt Nam chưa được xác định rõ ràng và chưa có được sự đầu tư đúng mực. Là một nhà sản xuất, tôi nghĩ Việt Nam cần nhiều hơn những nhà sản xuất trẻ có tầm nhìn, có kiến thức và kỹ năng đem lại những dự án tốt và mới mẻ. Tôi hiện đang theo học khóa Sản xuất phim tại Busan Hàn Quốc, xứ sở của ngành công nghiệp điện ảnh đáng ngưỡng mộ của châu Á. Càng học tôi càng nhận ra rằng kiến thức và kinh nghiệm của mình còn quá kém cỏi và một điều rất quan trọng mà tôi nhận ra đó là: chính nhà sản xuất là người quyết định sự thành công của bộ phim!

Chân thành cảm ơn chị!

nsx hang trinh san xuat nhung phim co kinh phi vua tam la hop ly nhat 'Mùa viết tình ca': Hành trình tìm lại bản thân và những khát vọng của những người trẻ
nsx hang trinh san xuat nhung phim co kinh phi vua tam la hop ly nhat "Mạnh dạn chọn nghề phim”: Talkshow dành cho các bạn trẻ yêu điện ảnh

Thảo Nguyên