(TGĐA) - Là người làm công tác quản lý, nghiên cứu, PGS. TS. Trần Luân Kim chia sẻ những hạn chế của xu hướng Việt hóa kịch bản, làm lại các phim của nước ngoài…
"Phim làm lại" ồ ạt lên sóng |
|
Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng bùng nổ các phim được làm lại theo phiên bản Hàn Quốc tại thị trường phim chiếu rạp trong nước hiện nay?
Hiện tượng ngày càng có nhiều phim được một số nhà sản xuất nước ta chế tác từ kịch bản của Hàn Quốc làm nổi lên hai khía cạnh: sự tôn sùng kịch bản nước ngoài qua tiếp nhận văn hóa một chiều, bên cạnh đó là hiện trạng thiếu nghiêm trọng kịch bản đạt yêu cầu chế tác phim phù hợp thị trường hiện nay. Hiện tượng này cho thấy sự bế tắc ở chừng mực nào đó trong khâu sản xuất phim, đem lại bất lợi về lâu về dài cho điện ảnh Việt Nam nếu duy trì và phát triển xu hướng này một cách liên tục, lâu dài như một giải pháp phát triển chính thống.
Bên cạnh cái được (có thêm phim phục vụ khán giả, các hãng có công ăn việc làm doanh thu...) thì theo ông, hạn chế của việc này là gì khi các nhà làm phim Việt phải tuân thủ tuyệt đối bản gốc, câu chuyện không phải Việt Nam trong khi các vấn đề đời sống xã hội Việt rất đa dạng cần được lên phim…
Tác phẩm văn học nghệ thuật là sản phẩm tinh thần, có giá trị văn hóa mang tính dân tộc - quốc gia riêng biệt.Tác phẩm ấy có thể đạt tới tầm mức nhân loại, song luôn có bản sắc và tiếng nói riêng của một nền văn hóa cụ thể. Chúng ta biết rằng kịch bản phim là nền tảng - khuôn khổ cơ bản của tác phẩm điện ảnh, trong đó bao hàm tư tưởng – nội dung, cấu trúc – tình tiết câu chuyện cùng mẫu hình các loại nhân vật. Tất cả các yếu tố đó được hình thành một cách hiển nhiên trên nền tảng có tính bẩm sinh của những đặc tính và sắc thái văn hóa dân tộc. Động thái sử dụng kịch bản nước ngoài để chế tác phim mang danh Việt Nam, sẽ không mấy dễ dàng nếu muốn đạt thành công trọn vẹn, trước hết ở mặt nghệ thuật và học thuật. “Lắp ráp” hai cơ phận không cùng hồn cốt bản sắc vào chung một tác phẩm nghệ thuật là việc làm đầy thử thách, không cao tay sẽ hóa thành “râu ông cắm cằm bà”. Trên thế giới, việc nước này sử dụng nguyên liệu văn học của nước kia chế tác phim đã từng diễn ra không ít và từng gặt hái thành công. Tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Nga chẳng hạn, từng được đạo diễn các nước, trong đó có Pháp, Mỹ chuyển thể thành phim, gây tiếng vang khắp thế giới. Đó là quá trình khai thác những khía cạnh được quan tâm riêng của đạo diễn đối với tác phẩm văn học – một quá trình chuyển thể tác phẩm đòi hỏi nhiều phát kiến sáng tạo. Việc đó khác biệt về bản chất so với kiểu thực hiện hợp đồng, bắt buộc phải tuyệt đối tuân thủ nội dung cũng như chi tiết của kịch bản mua từ nước ngoài.
|
Đúng là hiện thực đời sống của con người và của đất nước ta trong quá khứ cũng như hiện nay vô cùng phong phú và đa dạng, chẳng những về hệ thống đề tài mà còn về hệ thống chi tiết và tình huống. Đó là kho tàng chất liệu đặc biệt quý giá đối với văn học nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng. Nhiều nhà làm phim Việt đã cố gắng khai thác kho tàng này, mà đến nay vẫn chưa toại nguyện. Hiện nay chúng ta đang đối diện với tình trạng đáng báo động là thiếu vắng kịch bản có chất lượng, đáp ứng đòi hỏi chuyên môn cũng như nhu cầu thưởng thức của đông đảo công chúng. Trước thực trạng này, một số nhà sản xuất phim mua kịch bản Hàn Quốc để chế tác phim, theo tôi là một cách đối phó tình thế, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh trước mắt. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, về lâu dài, không nên lấy đây làm giải pháp căn cơ.
Nếu nói rằng phía sau câu chuyện này là lỗ hổng của điện ảnh ở khâu kịch bản khi chúng ta đang thiếu những kịch bản hay và sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai thì có quá lời không?
Ở một khía cạnh nào đó, có thể sẽ xảy ra tệ xâm lấn của văn hóa ngoại lai, góp phần làm phôi pha sắc thái văn hóa dân tộc trong phim ảnh, nếu hiện tượng này trở thành xu thế, liên tục có nhiều phim được chế tác từ kịch bản không được chỉnh sửa của nước ngoài. Do đó, cần cảnh báo, nhắc nhau để cùng gìn giữ văn hóa dân tộc - ở đây là điện ảnh dân tộc
|
Để khắc phục tình trạng vay mượn câu chuyện hoặc chuyển thể kịch bản nước ngoài vốn không chỉ trong lĩnh vực truyền hình mà nay đã phát triển sang cả mảng điện ảnh thông qua việc mua bản quyền làm lại các phim ăn khách, ngành điện ảnh nên làm gì?
Để có được những kịch bản phù hợp nhu cầu chế tác phim hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến khâu sang tác kịch bản từ nhiều phương diện khác nhau: từ tập hợp đội ngũ đến cơ chế quản lý, chế độ đãi ngộ. Nên chú trọng khai thác ( chuyển thể, phóng tác….) kho tàng văn học qua các thời kỳ cổ- cận- đương đại. Cần phát động không mệt mỏi các đợt sáng tác có trọng điểm trong đội ngũ biên kịch cùng các nhà văn chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nên đẩy mạnh hơn việc hợp tác cũng như cung cấp dịch vụ làm phim quốc tế, nhằm đạt mục tiêu tăng cường giao lưu hội nhập, đồng thời nâng cao số lượng sản phẩm đáp ứng thị trường.
Chân thành cảm ơn ông!
PGS. TS Trần Luân Kim: “Cần xây dựng một nền nếp thẩm định tác phẩm và công trình điện ảnh” | |
Tạp chí TGĐA phỏng vấn ông Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội ĐAVN |
Thảo Nguyên