Phim hoạt hình Việt Nam còn yếu về tư duy nghệ thuật

Ngày 21/3/2013, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cộng tác viên năm 2013. Đến dự có TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ; những người hoạt động trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật và toàn thể cán bộ, nghệ sỹ của Hãng để cùng bàn thảo các vấn đề nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của phim Hoạt hình trong thời gian tới.

(TGĐA Online) – Dẫu đã có những tín hiệu đáng mừng thông qua những giải thưởng trong nước và quốc tế mà hoạt hình Việt Nam đạt được trong thời gian qua nhưng ông Đặng Vũ Thảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng ngậm ngùi than rằng “Phim hoạt hình của chúng ta không hề thua kém các nước trong khu vực về công nghệ kỹ thuật, có chăng chỉ là thua kém về tư duy nghệ thuật”.

Canh_trong_phim_hoat_hinh_Vu_dieu_anh_sang

Cảnh trong phim Vũ điệu ánh sáng

Trong khuôn khổ Hội nghị, ngày 20/3/2013, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã chiếu 10 bộ phim của Hãng sản xuất năm vừa qua gồm Bò vàng, Linh miêu, Càng to càng nhỏ, Trần Quốc Toản, Đôi bạn, Khoảng trời, Bù nhìn rơm, Vũ điệu ánh sáng, Cuộc phiêu lưu của Búp bê thiên thần, Cái vỏ chuối. Bên cạnh đó, Hãng cũng chiếu một số phim hoạt hình Nhật Bản, một số phim quốc tế chọn lọc được đề cử và đoạt giải Oscar.

Với 9 tham luận đã có sự chuẩn bị từ trước cùng với một số ý kiến phát biểu tại Hội nghị, đại đa số những người tham gia đều cho rằng, chất lượng các phim của Hãng những năm gần đây đã có một bước tiến đáng kể. Đề tài được mở rộng từ đồng thoại, cổ tích đến những phim lịch sử nói về truyền thống đấu tranh, gìn giữ non sông đất nước. Các tác giả trẻ cũng đã có những tìm tòi, đột phá mới trong cách thể hiện. Nghệ thuật giáo dục trong phim hoạt hình Việt cũng từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, khâu đầu ra cho phim hoạt hình Việt vẫn còn nhiều nan giải. Vấn đề chính đặt ra là làm sao để những sản phẩm này đến được với công chúng mới là điều quan trọng. Đây cũng là điều trăn trở của hầu hết những ai yêu thích thể loại phim này.

Cang_to_cang_nho

Cảnh trong phim Càng to càng nhỏ

Ông Đặng Vũ Thảo cũng cho biết hiện Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã có 2 rạp chiếu ở tại số 7 Trần Phú (1 rạp 150 ghế và 1 rạp 70 ghế). Trong tương lai, Hãng dự kiến sẽ xây thêm một rạp chiếu phim 3D. Năm 2012, Hãng đã phục vụ trên 2000 lượt chiếu bao gồm chiếu phim ở Hãng và mang phim đến trường học. Để phát huy đà này, Hãng cũng mong muốn năm 2013 số lượt chiếu sẽ được tăng lên gấp đôi. Hiện, Hãng cũng đã xin phép các cấp có thẩm quyền để được kinh doanh bán vé chiếu phim tại số 7 Trần Phú vào hai ngày cuối tuần Thứ 7 và Chủ nhật. Bên cạnh đó, Hãng cũng đã sản xuất các đĩa phim DVD để giới thiệu phim hoạt hình của Hãng trên mạng lưới video gia đình, đồng thời cũng đã cung cấp và đưa phim hoạt hình Việt vào các mạng điện thoại di động như Vinaphone, Mobiphone, Viettel. Cũng theo ông Thảo thì từ ngày 1/4 tới, người sử dụng điện thoại di động có thể truy cập và xem phim hoạt hình “nội” trên những mạng điện thoại này.

Nhìn vào số lượng phim hoạt hình sản xuất trong những năm gần đây, mỗi năm khoảng trên 10 phim, riêng năm nay trong kế hoạch sản xuất có 16 chỉ tiêu, tuy nhiên đầu ra trên sóng truyền hình Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, còn một thực tế đáng buồn nữa đó là mặc dù phim hoạt hình của ta đã tồn tại trên 50 năm nhưng cho đến bây giờ cũng vẫn chưa có nhân vật điển hình của hoạt hình Việt Nam. Trong khi đó trên thế giới đều có những nhân vật hoạt hình điển hình mà hầu như không một khán giả nhí nào của Việt Nam lại không biết, chẳng hạn như chú chuột Mickey, chú vịt Donald, chú mèo Tom và chú chuột Jerry, hay chú sói trong loạt phim Hãy đợi đấy của hoạt hình Liên Xô. Để tạo ra một nhân vật hoạt hình điển hình thì theo nhà biên kịch Vũ Kim Dũng, mơ ước này phụ thuộc nhiều vào tác giả kịch bản và sau đó là họa sĩ tạo hình. Từ đó mới có những bộ phim mang màu sắc của hoạt hình Việt Nam.

Kim Anh