(TGĐA) - Mùi của má là một câu chuyện đầy nhân văn, gợi nhớ về ký ức tuổi thơ không bao giờ quên của tất cả chúng ta. Trong cuộc sống có những mùi vị ta có thể cảm nhận bằng giác quan bình thường nhưng có những thứ hương vị mà ta phải cảm nhận bằng cả tấm lòng mới thấy được cái hay cái đẹp của nó, mặc dù đó là những thứ thật giản dị. Hương thơm tinh khiết của quê hương, của gia đình ấy len lỏi vào từng ký ức tuổi thơ của những người con xa quê. Để rồi sau bao nhiêu xô bô nơi xứ người, khi chợt nhận ra mùi hương thoang thoảng đó, ai cũng không khỏi chạnh lòng.
'Phim ngắn cuối tuần': Cưới vợ cho con hay tìm dâu cho cha mẹ? | |
'Phim ngắn cuối tuần': Công trình vững chắc nhất nên là cái tâm với nghề |
Tấm lòng của má
Sự tất bật, nhộn nhịp và hối hả của cuộc sống hiện đại như hối thúc mỗi chúng ta từng phút từng giờ vận động liên tục không ngừng. Càng bận rộn, càng vội vã con người lại càng phải cần những “nốt lặng” để giúp cân bằng hơn trong cuộc sống. Song, tìm cho mình một góc thư giãn, một phút bình lặng cũng trở nên hiếm hoi đối với nhiều người vốn đang quay cuồng với nhịp sống gấp rút nơi các thành phố lớn.
Minh là người con của miệt thứ Cà Mau, lặn lội xa quê để tìm kiếm cơ hội phát triển nơi thành phố phồn hoa, náo nhiệt. Quay cuồng với guồng công việc và áp lực làm giàu mỗi ngày, vô hình trung suốt một năm qua, Minh không thể sắp xếp thời gian về quê thăm má của mình. Nhớ con khôn nguôi nên má của Minh mới lò dò từ tận Năm Căn, Cà Mau lên thành phố tìm con. Hành trang mang theo ngoài sự nhớ thương con da diết, còn có món quà quê quý giá mà má Minh tự tay làm, keo ba khía muối thơm lừng mùi vị quê hương, mùi của má.
Ở một thành phố lớn, ở một công ty lớn như nơi Minh đang làm việc, cảnh người qua lại, ra vào tấp nập như trẩy hội khiến má của Minh có phần bỡ ngỡ, bà cảm thấy bản thân đang lạc lõng ở nơi không thuộc về mình. Ôm chặt trong tay món quà quê cho con trai yêu dấu, bà đứng nép vào một góc cổng, thui thủi một mình đợi con trai tan làm. Lẽ dĩ nhiên, bảo vệ sẽ không để một bà cụ ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm áo bà ba với nón lá bước vào trong. Đã thế trên tay bà còn còn ôm khư khư một cái túi ni lông màu đen nhếch nhác, sẽ rất ảnh hưởng đến hình tượng công ty. Vì vậy, má của Minh đành thu mình lặng lẽ đứng một góc, chờ đợi con trai tan làm.
Mùi của má, mùi quê hương tha thiết
Chờ đợi hồi lâu vẫn không thấy con trai, má Minh sốt ruột lần mò vào trong thì bị cô lễ tân trẻ đẹp cản lại. Trong lúc đôi co, má của Minh vô tình bị xô ngã, làm rơi vỡ keo ba khía muối xuống tiền sảnh. Món quà quê quý giá vỡ tan tành, mùi ba khía xộc vào mũi khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi, vội vã bịt mũi tránh xa. Má của Minh bàng hoàng vì chưa gửi được cho con trai món ăn ưa thích mà mình dày công chuẩn bị thì đã vỡ nát thế này. Nghe đồng nghiệp báo về một bà lão quê mùa gây rối ở cổng công ty, Minh vội bước xuống xem thì nhận ra má của mình. Chính lúc rối ren đó, chủ tịch công ty bước vào và nhận ra cớ sự, liền gọi Minh đến để đối chất.
Nào ngờ, ông Nguyễn Tống - Chủ tịch công ty không hề la mắng trách phạt Minh mà còn cho anh nghỉ phép 3 ngày để đưa má đi thăm thú khắp thành phố. Từ mùi ba khía của má Minh, ông chợt nhớ về những ký ức thuở còn bé của mình, nhớ mùi mắm kho trứ danh của má ông. Đó không chỉ là những kỷ niệm vô giá về món ăn đi cùng ông qua bao năm tháng tuổi thơ mà còn là chìa khóa gợi nhớ về “mùi của má”, vốn đã bị che lấp bởi bộn bề công việc hàng ngày. Chỉ hôm nay nhờ có mùi ba khía của má Minh, ông mới chợt lặng người, hồi tưởng về bóng hình của má, của gian bếp mái tranh vách đất, của nồi mắm kho nóng hôi hổi và cảnh tượng hai má con háo hức chờ ba đi làm đồng về bên mâm cơm đậm vị quê nhà. Với ông Nguyễn Tống, với Minh và với nhiều khán giả là những người con xa quê, keo ba khía muối hay nồi mắm kho chính là mùi của má, mùi của quê nhà dào dạt yêu thương.
Có lẽ lục tìm mãi trong từ điển về mùi thì ta cũng sẽ không tìm thấy cái mùi nào mang tên mùi của má, bởi nó là một “dạng” mùi thuộc về ký ức, thuộc về những điều cũ kỹ hoặc được “ngửi” bằng cảm xúc của những người yêu mến quê hương. “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc - Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”.
Phim ngắn cuối tuần sẽ tiếp tục lên sóng các tập tiếp theo, chuyển tải những câu chuyện, thông điệp ý nghĩa vào 19h50 Chủ nhật hàng tuần trên THVL1.
'Phim ngắn cuối tuần': Cưới vợ cho con hay tìm dâu cho cha mẹ? (TGĐA) - Hôn nhân luôn là vấn đề khiến nhiều người trăn trở. Dù ở ... |
'Phim ngắn cuối tuần': Công trình vững chắc nhất nên là cái tâm với nghề (TGĐA) - Người thợ xây là một câu chuyện nhân văn về sự đam mê, ... |
Mi Ty